“Một góc nhìn thẳng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng một con dao mổ sắc cạnh của tri thức. […] Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề: chỉ làm cho bi thương trở thành một thứ lãng mạn và dễ đọc, dễ bán. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm.” – Nhà báo Đinh Đức Hoàng đã có nhận xét về tác phẩm “Bức xúc không làm ta vô can”.

“Bi thương ngược dòng chảy thành sông” là tên một tiểu thuyết Trung Quốc của tác giả Quách Kính Minh mà nhà báo Đinh Đức Hoàng có nhắc đến trong lời bạt cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can, rằng nếu Đặng Hoàng Giang tham khảo anh từ lúc đặt tên, có lẽ anh sẽ góp ý một cái tên lâm li hơn, để… sách bán chạy hơn, như tựa đề cuốn sách mà anh đã nhắc đến. Một cách gợi chuyện hóm hỉnh mà thật chứ chả đùa, bởi dường như ở thời đại nào cũng vậy, lỗ tai con người ưa cái sáo rỗng dễ nghe, khiến cho nền văn học có xu hướng “chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối” như lời ông vua phóng sự đất Bắc – Vũ Trọng Phụng.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

review sách bức xúc không làm ta vô can
Ảnh: xiubrary

Chỉ riêng việc bàn về cái tên thôi đã khiến độc giả biết được nội dung “Bức xúc không làm ta vô can” không vui vẻ gì. Mà cụ thể, đây là một cuốn sách chính luận, phê bình xã hội, có khen nhưng đa phần là chê, gợi góc tối ở nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam ngày nay.

“Bức xúc không làm ta vô can” – Làn sóng ngầm lan tỏa hứa hẹn cơn sóng thần

Cuốn sách là tuyển tập 26 bài viết ngắn chia làm 3 chủ đề: Cái tôi cá nhân trong xã hội hiện đại; Các vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo; Thực trạng văn hóa – xã hội đương đại.

Xem thêm: Đặng Hoàng Giang: Điểm đến của cuộc đời – Đồng hành của người cận tử & những bài học cho cuộc sống

Đây là hỏi đáp giữa báo Lao Động và tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, rõ ràng cái tôi cá nhân được anh khẳng định tầm quan trọng.

– Để mỗi cá nhân hội nhập thành công, theo ông, yếu tố cốt lõi là gì?

– Nên tôn trọng bản thân, không quá lo lắng xem mọi người sẽ phản ứng thế nào. Hãy coi mình là một cá thể độc lập, trước khi băn khoăn mình có làm mất thể diện của họ tộc nhà mình, làng mình, tỉnh mình, quốc gia mình hay không.

Bắt đầu bằng hình ảnh cuộc thi marathon, khi ai ai cũng tung hô người chạm qua vạch đích đầu tiên, thì tác giả chỉ chú ý những con người cắn răng lê bước tiếp để chạy hết quãng đường thi dẫu người chiến thắng đã được xác định. Họ không từ bỏ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ.

Họ tiếp tục chỉ vì “bỏ cuộc” không phải là lựa chọn của họ.

Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót giống câu chuyện của cô bé Ruby bang New Orleans (Mỹ) vào cuối những năm 1950, trong hoàn cảnh chính quyền ra quyết định xóa bỏ phân biệt chủng tộc, Ruby là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó. Ruby lúc ấy 6 tuổi, là bé con lớp 1. Suốt một năm sau đó, Ruby lủi thủi một mình, không có bạn chơi, chịu sự căm thù, giận dữ, gào thét, chửi rủa của đám đông da trắng, chỉ có cô giáo trẻ Barbara Henry đối xử với em bình thường, cô dạy em trong lớp học một thầy một trò. Gia đình Ruby gặp vô vàn khó khăn vì quyết định này. Nhưng, họ không từ bỏ. Họ không chuyển con gái họ đến một ngôi trường khác nơi các bạn da đen đang học với nhau.

Họ tiếp tục chỉ vì “như cũ” không phải là điều họ muốn.

bức xúc khong làm ta vô can
Ảnh: M.T.D

Con người có xu hướng bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, rồi rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. Nếu bản thân mỗi người tự nhận thức, tự lựa chọn và cố gắng vì lựa chọn đó, như những người lê lết cuối đoàn marathon, như gia đình em Ruby, thì kết quả được tạo ra từ chính nổ lực của bản thân chứ không phải chờ đợi, nhòm ngó người khác nữa. Năm Ruby lên lớp 2, em được hòa nhập, trường bắt đầu chào đón những học sinh da đen khác. Những kẻ dù không chiến thắng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành hết đường đua của mình, đó là những người đã chiến thắng chính cuộc chơi của bản thân.

Đây mới là những nhân tố cốt yếu tạo nên sự thay đổi dần dần tốt đẹp của xã hội.

Tác phẩm còn đề cập đến tâm lý đám đông và sự vận hành của nó, cũng chính là nguyên nhân sự thật đằng sau sự cuồng nộ đập phá quá khích của những người công nhân mà thường ngày vẫn hiền lành, chăm chỉ.

Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Một là, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh, và cái vô danh đó đem lại cho mỗi người một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ. Hai là, đám đông gây phấn khích. Ba là, đám đông đem lại cho các cá nhân trong nó cảm giác về quyền lực. Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đó, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.

Những đám đông “mới” ngày nay, như vụ công nhân xây dựng Thái Nguyên xô xát ở nhà máy Samsung, người dân Đồng Nai “hôi bia”, thanh niên Nghệ An “đánh hôi” kẻ trộm chó, hay là hình ảnh xấu xí gần đây nhất là đầu năm 2019, người dân Hà Nội đổ xô “hôi hoa” trước khách sạn JW Marriott khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 vừa kết thúc… Là những đám đông nổi lên không quan điểm xã hội hay mục đích chính trị, họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Họ không hề giống như những đám đông “cũ” năm 1945 – những con người ấy được vận động tham gia cách mạng, được phổ biến để xây dựng một ý thức hệ vững chắc vì nước vì dân.

buc xuc khong lam ta vo can - reviewsachonly
Ảnh: Thebooks

Tác giả đề cập đến 3 tỷ lít bia, 5 triệu con chó, 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm, người dân truyền tai nhau những con số này như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt, rồi cợt nhả nhau. Tự bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân?

Sự lộn xộn, nhếch nhác ở Việt Nam gắn liền với mức phát triển kinh tế của chúng ta, nhưng không phải là đặc thù Việt. Các nước đang phát triển khác cũng lộn xộn, bụi bặm, thiếu quy củ như vậy. Cũng khó mà yêu cầu những người nghèo đang vật lộn hằng ngày phải lịch sự, đi nhẹ nói khẽ và nhường nhịn người xung quanh. Hay thậm chí, những người không còn nghèo nữa thì vẫn mang thói quen từ thời bao cấp đã ăn sâu trong tiềm thức, nên vào resort (khu nghỉ dưỡng) vẫn còn chen lấn nhau khi lấy đồ ăn…” Đặng Hoàng Giang chia sẻ.

Tác giả đưa ra những phân tích, lý giải và cả giải pháp về vấn đề người nghèo. Khi hiểu vì sao họ lại xử sự như vậy thì cũng dễ yêu thương và thông cảm nhau hơn. Ở Việt Nam, số lượng người ăn xin khá nhiều, người nghèo lại càng nghèo vì đi xin xỏ người giàu, đào mỏ, ăn bám. Họ trở nên lười vận động, ỷ lại. Người nghèo không phải do lối sống của họ dẫn đến nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo nên lối sống như vậy. Dừng việc chê trách và lên án. Tìm cách giúp họ nhen nhóm lòng tự tin, kiên nhẫn hướng dẫn, khích lệ khi họ đạt được những thành tựu bé xíu, để họ thấy bản thân không phải là phế thải và có niềm hy vọng về tương lai… Một người nghèo hay một cộng đồng người nghèo đều nên được đối xử như vậy, thay vì chỉ quyên góp tiền hay thóc gạo.

Rất nhiều hiện tượng xã hội khác được đem ra phân tích, như công việc và các mối quan hệ khiến cho“anh hùng thường nhật” – những người giữ được “la bàn đạo đức” của mình trong cuộc sống – ngày càng hiếm hoi; tử tù sinh con – quyền hay đặc ân; du học trời Tây; nên hay không nên phẫu thuật thẩm mỹ; thái độ của mọi người khi đi du lịch, đi bảo tàng, đi từ thiện; cuộc sống trên mạng xã hội; sự tôn thờ sách thái quá; như nỗi tự hào, hân hoan, hãnh diện với bạn bè năm châu quốc tế thế giới khi đất nước có nhiều người lọt vào danh sách tỷ phú…

Chỉ có 222 trang sách nhưng lại đồ sộ về nội dung, nóng bỏng về tính thời sự, phê phán mà không nặng nề, chỉ trích mà không gay gắt, vừa đứng ở bên ngoài vừa nhập vai vào trong cuộc để lên tiếng, gợi ý đưa ra những hướng giải quyết.

Một tác phẩm gây tranh cãi và khuyến khích tư duy phản biện

Trong “Bức xúc không làm ta vô can”, tác giả đã hoàn thành tốt vai trò của một nhà phê bình xã hội, và còn hơn thế nữa, là một nhà hoạt động xã hội đang xây dựng văn hóa tranh luận. Những phân tích của anh là sự kết hợp của tri thức uyên bác, luận cứ trùng trùng và một cái nhìn trực diện, đánh thẳng vào vấn đề.

Điều đặc biệt là anh thường dùng nghệ thuật viết ngược để đá xoáy các vấn đề, tạo nên các cuộc tranh luận mà tại đó, nếu mỗi người có thể mang tâm cầu thị để đưa ra ý kiến cá nhân, đồng thời tôn trọng người phát ngôn để phản biện, thì hướng giải quyết các nan đề của xã hội sẽ sáng hơn, tối ưu hơn.

Lẽ dĩ nhiên là tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã thành công, cuốn sách thật sự gây ra nhiều tranh cãi.

Theo một cuộc khảo sát nho nhỏ trong cộng đồng người đọc sách Nhã Nam reading club và
Goodreads, nhiều độc giả không hẳn là chia sẻ hoàn toàn những quan điểm của tác giả.
Hầu hết đều tâm đắc với những lập luận của tác giả, như những bài “Vẻ đẹp của người chạy
marathon về chót”, “Những người khốn khổ ở Tiên Lãng”, “Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn”, “Ngó Mỹ, dòm Nhật, hóng Do Thái: lựa chọn nào cho ta”… Thế nhưng, một bộ phận khó chấp nhận về mối kinh hoàng của nhiều gia đình – theo lời tác giả – đó là khi “các cô các cậu không chịu lập gia đình mặc dù học hành đã xong và tuổi thì đã 24, 25, nghĩa là cũng không còn trẻ trung gì nữa” trong bài “Những ‘hiểm họa’ bất ngờ khi gửi con đi du học”.

reviewsach.net bức xúc không làm ta vô can

Ảnh: Taho Pungoh Nygune

Thêm nữa, cũng như bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận xét, lời nhắn nhủ “để công chúng là người quyết định cuối cùng số phận của các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật” trong bài “Sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ” cũng khó nhận được sự đồng tình khi mà chính tác giả cũng nhận định qua những phân tích trước, rằng công chúng là số đông dễ bị tác động nhất.

Có một hiện tượng gây nhiều phản ứng trái chiều là phẫu thuật thẩm mỹ. Tác giả phản đối phong trào này với rất nhiều lý giải hay ho, đưa ra cả lập luận của nhà nữ quyền Naomi Wolf, rằng “Một phụ nữ hiện đại thật may mắn khi có được một cơ thể cho phép cô chuyển động, chạy, múa, có khoái cảm tình dục, với bộ ngực khỏe mạnh, một cuộc đời dài gấp đôi cuộc đời của một người cách đây hai thế kỷ, đủ dài để cô thể hiện cá tính lên khuôn mặt mình. Nhưng Thời đại Phẫu thuật thẩm mỹ phá hủy sự may mắn khôn cùng này của cô, nó bẻ nhỏ món quà cô được trao, một cơ thể đầy cảm nhận và sức sống, một khuôn mặt của riêng mình, thành những bộ phận phế phẩm.”

Ai cũng phải thừa nhận rằng chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ là chấp nhận cái giả, chấp nhận rủi ro về sức khỏe, để đổi lấy cái đẹp và sự tự tin, khi mà ta sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, phân biệt đối xử dựa trên vẻ bề ngoài. Tỷ như gần nhất là trường hợp của “cô gái mắt lươn” Lương Thị Hà, đây không đơn giản là xấu, mà còn bị người khác sỉ nhục vì định kiến với “mắt lươn”, lựa chọn giữa một đời bị kỳ thị và phẫu thuật để lột xác, Hà chọn vế sau và bản thân cô vô cùng hài lòng.

Vậy thì phẫu thuật thẩm mỹ là nên hay không? Khi mà có quá nhiều người lựa chọn nó, chấp nhận rủi ro để sống theo tiêu chí “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Giục giã – Xuân Diệu). Dĩ nhiên sự lựa chọn thuộc về quyền dân chủ của mỗi người, và trên các diễn đàn tranh luận, vấn đề này chưa bao giờ hết “hot”.

Xem thêm:

“Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”

Trích lời của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong lời nói đầu của cuốn sách, Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, nổi tiếng với lời khẳng định “Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”. Đương nhiên tư duy và suy nghĩ đơn thuần là hai việc khác nhau. Mỗi một ngày, con người thực sự tư duy, động não, suy nghĩ tập trung bao nhiêu giờ hay thậm chí là bao nhiêu phút? Cái gì kích thích con người tư duy? Đó có thể là một cuốn sách, như “Bức xúc không làm ta vô can” chẳng hạn.

Đây là cuốn sách chính luận mang tinh thần phản biện xã hội. Với lăng kính đa chiều, bằng ngòi bút hóm hỉnh, châm biếm, sắc sảo mà đầy tinh tế, tri thức, tác giả Đặng Hoàng Giang mổ xẻ xuyên qua lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả mọi người đều biết, để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng.

Có cách đọc gọi là đọc hiểu, có cách đọc gọi là đọc nhìn mặt chữ. Và với một cuốn sách có bề dày nội dung đồ sộ như “Bức xúc không làm ta vô can”, cách đọc cưỡi ngựa xem hoa chưa bao giờ là đủ. Phải đọc với mong muốn mở rộng tầm nhìn tri thức, để rồi tư duy, phản biện khi cần thiết và tự tìm ra lối thoát trong tâm tưởng bản thân, thì mới khai thác được cái cốt tủy của cuốn sách này, như mục đích nhân văn mà tác giả hướng tới.

Ở đây cần nhấn mạnh chữ “tự”. Nếu có nhiều băn khoăn về xã hội nhưng vẫn giữ thói quen đợi chờ chính quyền đưa ra giải pháp cho từng vấn đề thì quyển sách này không giúp ích gì. Ngược lại nếu trong lòng khát khao trở thành người có ích, muốn tìm cách thay đổi từ chính bản thân mình thì nên đọc tác phẩm này, để không còn là nạn nhân của một xã hội a dua, nơi mà lý lẽ của đám đông luôn chiến thắng.

Suy nghĩ là quyền, tư duy là quyền, đừng để cái quyền quý giá đó bị cướp mất. Đọc để học cách nhìn nhận một vấn đề đa chiều, con người không phải con ngựa – bị bịt miếng da nơi hai bên mắt để chỉ thấy mỗi một con đường phía trước.

Hãy mang tâm cầu thị và đọc “Bức xúc không làm ta vô can” để tạo cho bản thân cơ hội tư duy dưới cái nhìn phổ quát về xã hội đương đại Việt Nam và mở rộng ra thế giới, để rút ra cho bản thân những bài học và kinh nghiệm quý báu, để sống có ích chứ không phải chỉ tồn tại. Để biết rằng, mỗi cá nhân thay đổi tích cực là tiền đề xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Đặng Hoàng Giang – Con người tạo sóng

Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức), bảo vệ tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Anh trở về Việt Nam sau 20 năm sống và làm việc ở châu Âu.

Trả lời phóng viên Tô Phương Thủy xoay quanh về quyết định về nước, Đặng Hoàng Giang nói: “Tôi muốn có một môi trường mới mẻ, gặp được những người thú vị, làm được nhiều điều khác nhau.[…] Ở Việt Nam, người ta có thể thử nghiệm bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này chỉ có thể làm được trong một xã hội chưa có độ chuyên môn hóa cao. Ở phương Tây, mỗi người sẽ chỉ có đúng chỗ đứng của mình như một mắt xích trong dây chuyền xã hội. Việt Nam đang chuyển dịch, đang đầy những đứt gãy xã hội, những xung đột về giá trị và văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa.”

Vài nét về tác giả

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.

Link mua sách:

Duyên