Năm 1937, thành phố Nam Kinh, Trung Quốc như chìm trong biển lửa địa ngục, và những người đã châm ngòi phóng hỏa thành phố này chẳng ai khác ngoài quân đội Nhật Bản. Suốt khoảng thời gian bị chiếm đóng, khắp Nam Kinh tràn ngập tiếng thét đau thương như những con thú bị xé toạc da thịt trước khi chết. Những gì xảy ra tiếp theo đã vượt quá cả những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của người dân Trung Quốc khi quân xâm lược điên cuồng tiến hành các vụ tra tấn, cưỡng hiếp và giết người phanh thây trong suốt một tháng trời. Nhận thức rõ được sự việc kinh hoàng ấy, Mo Hayder đã cho ra đời quyển tiểu thuyết Ác quỷ Nam Kinh nhằm thay bà tố cáo tội ác mà chiến tranh gây nên.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Lấy bối cảnh những năm 90, người đọc vào vai một nữ sinh viên người Anh được biết đến với cái tên Grey, một cô gái có vấn đề về tâm thần và dành phần lớn thời gian để tìm kiếm bằng chứng về vụ thảm sát ở Nam Kinh năm 1937, thứ cô cho là mục đích sống của mình. Gần như tuyệt vọng khi sự kiện ấy xảy ra ở một đất nước phương đông mà Grey thì lại tìm những thông tin về nó khi cô đang ở Anh. Cuối cùng, dốc hết khả năng của mình để đi tìm Sử Trùng Minh, một vị giáo sư xã hội học đang sống ở Nhật Bản và quan trọng hơn hết, ông ta có thứ mà Grey cần. Thế nhưng vị giáo sư kiên quyết chỉ cho Grey xem thứ bằng chứng ấy nếu như cô tìm được nguyên liệu của một loại thuốc hiếm nằm trong tay băng nhóm Yakuza khét tiếng ở địa phương. Sau những nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, Grey cũng tìm được cơ hội cho cô ấy.

Hơn 380 trang sách là những sự kiện liên hoàng khiến cho người đọc khó lòng gấp sách lại mà chưa biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sử dụng lối viết lôi cuốn tài tình của mình, Mo Hayder thúc độc giả càng đọc càng phấn khởi trước vẻ đẹp của đất nước Nhật Bản, càng thấy ớn lạnh trước quá khứ của những con người không được bình thường và càng thấy hãi hùng trước những tội ác mà quân đội Nhật Bản đã mang đến cho người dân Trung Quốc.

Hồi hộp là cảm giác khó tránh khỏi

Được Nhã Nam xếp vào thể loại Trinh thám – Kinh dị, thế nhưng đây không phải quyển tiểu thuyết trinh thám cổ điển. Yếu tố trinh thám ở việc Grey đi tìm kiếm sự thật và Sử Trùng Minh thì lẩn trốn sự thật ấy. Ác quỷ Nam Kinh không có bóng dáng của ma quỷ, không hù dọa khiến người đọc giật thót, tác phẩm mang đến một sự ớn lạnh đến rùng mình khi đọc những dòng tác giả mô tả cảnh giết chóc của quân đội Nhật Bản. Là nỗi kinh dị ám ảnh người đọc mãi sau khi kết thúc quyển sách, giống cái cách mà Thomas Harris từng làm đối với những tác phẩm của ông.

Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, hiếm khi người ta phải đưa tay lên bịt chặt miệng để chặn những tiếng thở hổn hển kinh hoàng. Với Ác quỷ Nam Kinh, không thể không tìm cách ngăn những tiếng hổn hển đó bật ra”.

– Trích Daily Express.

Mạch truyện từ tốn nhưng logic với các sự kiện liên tục xảy ra khiến người đọc chưa khỏi bất ngờ bởi tình huống trước đó đã phải chứng kiến thêm một sự bất ngờ mới. Không dễ để thấu hiểu, quyển sách không phù hợp với tất cả mọi người, khuyến cáo không nên đọc khi chưa đủ 18 tuổi. 

Tác phẩm được Mo Hayder xây dựng bằng một lối viết độc lạ. Dưới góc nhìn của Grey ở thời điểm Tokyo hiện đại, song song đó là lời tự thuật từ những trang nhật ký trốn chạy của Sử Trùng Minh lúc ông ở Nam Kinh vào mùa đông năm 1937. Bạn đọc hãy để ý đến ngày tháng trên những trang nhật ký của Trùng Minh để hình dung rõ hơn diễn biến sự việc. 

Không giống với các tác phẩm viết về những vị anh hùng trong thời chiến đã góp công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ác quỷ Nam Kinh giúp người đọc biết được rằng cuộc sống của một con người bình thường trong chiến tranh loạn lạc như thế nào, rằng ông bà ta từng sống khổ sở đến nhường nào để thế hệ ta ngày hôm nay được an lành, hạnh phúc. Đó cũng là một trong những điểm đáng giá mà tác phẩm này mang lại. 

Những nhân vật tượng trưng cho những mảnh đời trái ngang

Khi một tác phẩm được cho là hay, thì nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm ấy có điểm gì đó thú vị, đặc sắc khiến người đọc thích thú hoặc ghét cay ghét đắng nhân vật đó. Ác quỷ Nam Kinh được xây dựng dựa trên các nhân vật mà hầu hết không ai là người tốt, cũng không hoàn toàn là người xấu. 

Với hai nhân vật chính là Grey và Sử Trùng Minh: Một cô gái 20 tuổi đã trải qua những câu chuyện khủng khiếp không ai ngờ tới, một vị giáo sư già vác trên vai gánh nặng suốt 50 năm qua. Một người thì đầy vẻ quyết tâm đào bới tìm kiếm sự thật, còn một người thì cố chôn cất sự thật ấy sâu xuống dưới lớp bụi thời gian. Nhưng cả hai người họ lại gặp nhau, cùng giúp đỡ nhau vì những mối liên hệ sâu kín bên trong.

“Thiếu hiểu biết không phải là tội ác”

Grey vì thiếu hiểu biết mà gây ra sai lầm trong quá khứ. Cũng vì thiếu hiểu biết, cô tưởng rằng mọi người cũng nhận ra sự thật về Nam Kinh giống như mình. Sử Trùng Minh là một người kiêu ngạo nhưng vì thiếu hiểu biết, ông đã đẩy gia đình mình vào một hoàn cảnh khốn cùng, nguy hiểm.

Grey là hóa thân cho những con người “điên rồ”, can đảm tìm kiếm sự thật bị lãng quên, bị sai lệch do “lịch sử được viết nên bởi kẻ thắng”. Còn Sử Trùng Minh tượng trưng cho những con người từng trải qua nỗi đau với mong muốn quên đi những gì mình đã từng chứng kiến, mong muốn sửa sai và tìm lại những gì mình đã mất.

reviewsach.net ac quy nam kinh

Những nhân vật khác như Jason, hai cô gái người Nga làm trong hộp đêm, gia đình Yakuza của Fuyuki, … có những tác động không nhỏ đến câu chuyện. Đặc biệt là mụ y tá Ogawa, kẻ sát nhân tàn nhẫn với sở thích tô điểm cho tội ác của mình, làm người đọc không khỏi rùng mình khi chứng kiến những đoạn nhân vật chính và mụ ta đối đầu với nhau. Tất cả những con người ấy đã đem đến một hệ thống nhân vật tương đối hoàn chỉnh cho câu chuyện mang đầy màu sắc u ám, kinh dị như thế này. 

Tội ác chiến tranh được vạch trần 

Số người chết tại Nam Kinh khi ấy là bao nhiêu? Là mười hay năm nghìn người? Tất cả rất mơ hồ khi thống kê số liệu lúc ấy còn gây nhiều tranh cãi. Người Nhật phủ nhận rằng họ không giết nhiều người đến thế, còn người Trung Quốc thì ngược lại. Thế nhưng ở Nam Kinh khi ấy đã có một cuộc thảm sát thật sự, và tác phẩm này là lời tố cáo tội ác đó. 

Mo Hayder đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản để có thể viết nên một quyển tiểu thuyết xuất sắc, lay động trái tim người yêu văn chương trên khắp thế giới. Bà dùng con chữ của chính mình để vạch trần tội ác của quân Nhật cũng như chiến tranh đã gây ra. Một tổn thương rất lớn. Những thông điệp trong tác phẩm này được bà lồng ghép vào rất tài tình khiến cho người đọc dễ nhận ra và trầm trồ thán phục. 

Câu chuyện hư cấu mà Hayder viết ra là một sự kiện có thật ngoài đời. Nỗi kinh hoàng ở Nam Kinh năm 1937 với những cột người chết, với những quả đồi thây người, với những người phụ nữ bị hãm hiếp, những nạn nhân bị thiêu cháy, những trẻ em bị giết chóc dã man, tàn nhẫn, … đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ của người dân trên khắp thế giới. Tấm bi kịch ấy tưởng chừng bị lãng quên lại được đánh thức và kết quả tốt lành nhất: sự thật phũ phàng cuối cùng cũng được trả lại cho lịch sử.

Link mua sách: