Mặc dù đã có cảnh báo về những khó khăn trên hành trình khám phá cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của đại văn hào William Faulkner thì độc giả vẫn hoàn toàn bị …sốc khi đọc những trang đầu tiên Âm Thanh Và Cuồng Nộ. 

(The Sound And The Fury)

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Một biểu tượng của dòng văn học ý thức 

Đó là cảm nhận chung của nhiều độc giả trên khắp thế giới khi cố gắng đọc hết 4 phần của cuốn sách chỉ có dung lượng hơn 400 trang này. Tại sao lại như vậy? Một tiểu thuyết với số lượng nhân vật ít ỏi chỉ trong  phạm vi một gia đình với 3 thế hệ cộng thêm một gia đình người giúp việc. Tổng cộng mới có hơn chục nhân vật xuất hiện trong câu chuyện diễn ra chủ yếu trong thời gian 4 ngày. So với những bộ “tứ đại kỳ thư” kinh điển của văn học Trung Quốc hay những trường thiên bất hủ của nước Nga như: Chiến tranh và Hòa Bình, Sông Đông Êm Đềm…thì kiệt tác văn học của nước Mỹ này chỉ tương đương một chương dài.

Ấy vậy mà thời gian và công sức người đọc phải bỏ ra để lĩnh hội hết 4 chương Âm thanh và cuồng nộ từ lâu đã trở thành một thử thách đầy quyến rũ cho bất cứ ai muốn khám phá thế giới âm u, náo động, mãnh liệt và thấm đẫm tình người của William Faulkner.

Nghệ thuật dòng ý thức và cách sử dụng ngôn từ, cấu trúc câu phi lý tính mang đến cuộc cách mạng với kĩ thuật viết văn xuôi truyền thống mà những tiểu thuyết chương hồi mang tính trần thuật theo thời gian đã thấm nhuần với độc giả từ trước tới nay. Hãy tạm quên đi sự mới mẻ và phức tạp trong bút pháp của W.Faulkner mà trước hết hãy đi vào khám phá kết cấu câu chuyện của Âm thanh và cuồng nộ.

reviewsach.net am thanh va cuong no

Kết cấu thời gian đồng hiện và màn độc thoại nội tâm ấn tượng

Câu chuyện kể về một gia đình với 3 thế hệ: Ông bà Jason Compson và Carolie cùng 4 người con của họ. Con trưởng Quentin, con gái thứ hai Candace (Caddy) và 2 người con trai theo thứ tự: Jason, Maury cùng đứa cháu gái Quentin là con của Caddy. Người con út Maury sau này được đổi tên thành Benjamin (Benjy) bị mắc chứng chậm phát triển tâm thần. Đây là nhân vật quan trọng vì toàn bộ chương đầu tiên tiểu thuyết được viết dưới góc nhìn của nhân vật này. Gia đình người giúp việc trong nhà Compson là 2 vợ chồng  Rosbus, Dilsley và những đứa con Versh, T.P và đứa con gái Frony, Frony có đứa con gái tên Luster.

Câu chuyện được chia làm 4 chương với các mốc thời gian bất tuân theo trật tự thông thường. Từ  chương đầu vào ngày 7 tháng 4 năm 1928 cũng là ngày sinh nhật lần thứ 33 của nhân vật Benjy. Người mắc chứng chậm phát triển tâm thần và không liên kết được những sự việc xung quanh với những gì mình nghe, cảm nhận được. Trong ngôi thứ nhất, thần trí của nhân vật tôi- tức Benjy mãi mãi mắc kẹt lúc 3 tuổi và chỉ có những cảm nhận nghe, nhìn, ngửi và sờ. Thật ra phải lưu ý với bạn đọc rằng đối với William Faulkner thì việc sử dụng ngôi thứ trong văn chương để kể câu chuyện hoàn toàn bị xóa bỏ bởi trong tiểu thuyết có vô số đoạn nhảy cóc từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba bằng đại từ nhân xưng nhưng không rõ chỉ vào ai.

 Để dịch tác phẩm này, nhiều dịch giả trên thế giới khi chuyển ngữ đã gặp phải vô vàn lúng túng khi cố gắng truyền tải những trường đoạn độc thoại nội tâm của 3 anh em Benjy, Quentin và Jason . Nó khiến người đọc phải tự nhập tâm vào nhân vật mà phán đoán hoặc cảm nhận một cách thật sự tất cả những diễn biến trong câu chuyện qua đa điểm nhìn từ các nhân vật. Trích đoạn độc thoại của nhân vật Benjy:

Chị Caddy có mùi như cây. Trong góc nhà tối om, nhưng tôi nhìn thấy cửa sổ. Tôi ngồi xổm ở đó, cầm chiếc dép. Tôi không nhìn thấy nó, nhưng tay tôi thấy nó và tôi nghe được đêm xuống, và tay tôi thấy chiếc dép nhưng chính tôi không thấy, và tay tôi thấy được chiếc dép, và tôi ngồi xổm ở đó, nghe trời đổ tối

Tiếp tục chương thứ 2 được kéo trở lại câu chuyện trước đó 18 năm tức ngày 2 tháng 6 năm 1910 vào ngày cuối cùng trong cuộc đời của cậu cả Quentin khi tự tử tại đại học Harvard. Với một loạt những ảo ảnh chợt vụt lên và tan biến, những dằn vạt trong sự ghen tuông và tội lỗi trong tâm trí cậu ta. Nếu chỉ nhìn vào cái lý do vì tình yêu loạn luân đối với cô em gái Caddy thì người đọc đã nhầm. Chỉ khi đọc đến trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, chúng ta mới nhận ra tất cả những gì chất chứa trong đầu Quentin đã có từ khi sinh ra trong nhà Compson và chỉ chờ dịp để bùng nổ trong cái ngày định mệnh khiến cậu tự kết liễu cuộc đời mình.

Chương thứ 3 lại đưa người đọc về ngày 6 tháng 4 năm 1928 là trước đó một hôm mốc thời gian trong chương đầu. Chương này tiếp tục là màn độc thoại diễn ra trong đầu của cậu ba Jason, em của Quentin và Caddy và anh trai của Benji. Đọc chương này bạn sẽ bắt đầu hình dung ra rõ ràng lý do sự gào khóc điên loạn trong chương 1 và tấn bi kịch trong chương 2 có sự góp phần không nhỏ của cậu em Jason. Một con người cùng lớn lên trong mái nhà Compson nhưng lại bộc phát ra một cá tính nhỏ nhen, ích kỷ, xảo quyệt và đặc biệt hung tợn. 

review sach kinh dien am thanh va cuong no

Và tất cả sẽ vỡ òa trong chương cuối cùng vào ngày 8 tháng 4 năm 1928 (sau ngày sinh nhật Benjy) khi bản chất của Jason hiện lên thật ghê tởm với sự thù ghét vô biên đối với đứa cháu gái ruột Quentin chính là con của người chị Caddy. Với sự lưu manh của mình, hắn lừa gạt tất cả mọi người cả trong lẫn ngoài gia đình Compson ngay cả chính mẹ đẻ của mình, người luôn cam chịu bảo vệ và yêu thướng hắn vô điều kiện. 

Nhân cách và tâm hồn cao đẹp của con người luôn là đích đến trường tồn trong văn chương

Câu chuyện mang màu sắc u tối với nhiều thủ pháp nghệ thuật về thời gian, ẩn dụ với ngôn ngữ đặc trưng của miền nam nước Mỹ. Trong cái bóng tối ảm đạm ấy, người đọc nếu tinh ý sẽ nhận ra một thiên thần trong hình hài người vú nuôi da đen Disley trong gia đình Compson. Đây có thể coi là một hình tượng nhân vật chính lồng trong nhân vật phụ với nhiều lời thoại xuyên suốt cả 4 chương trong cuốn sách. Bà Disley chính là người lèo lái con thuyền tan nát của gia đình Compson, là người hiện lên che chở cho những đứa trẻ nhà Compson và chống lại sự tàn ác, xấu xa của Jason, người mà theo lời bà mẹ Carolline “là sự kỳ vọng lớn lao của gia đình”

Để thưởng thức trọn vẹn cuốn tiểu thuyết này, bạn đọc hãy đừng vội chau mày khó chịu vì hàng tá những trang viết không một dấu chấm phẩy, những viết hoa, viết thường lẫn lộn trong câu. Và cũng đừng bực dọc ném cuốn sách đi khi gặp phải những trường đoạn không rõ ngôi thứ mà cứ tùy tiện đan xen, những ẩn dụ hóc búa không thể hiểu nổi… Hãy tạm quên tất cả những gì đã được học trên ghế nhà trường về ngữ pháp trong văn học như: cấu trúc câu, đoạn, mệnh đề, chủ hay vị ngữ.. nói tóm lại là những gì giúp bạn hiểu được ý nghĩa của đoạn văn. Mà thay vào đó, hãy lặng lẽ để mình trôi vào dòng chảy của từng câu chữ, dù đường đi có khúc khuỷu thì hãy cứ để mặc nó dẫn bạn đến một nơi. Nơi đó sẽ khiến bạn hiểu ra tất cả.

Âm thanh và cuồng nộ của W. Faulkner là một kiệt tác văn học cùng với 19 tiểu thuyết và 75 truyện ngắn khác đều thuộc hàng kinh điển đã mang đến cho ông giải thưởng cao quý Nobel văn học và 2 giải Pulitzer . Những “âm thanh” và “cuồng nộ” thể hiện trong tác phẩm có thể coi là tiếng gầm gào của một thằng ngốc giữa một xã hội Mỹ đổi thay và mang nặng tính vật chất những năm đầu thế kỷ 20. Sự ngưng đọng vĩnh viễn của quá khứ và hiện tại, sự xung đột trong sắc tộc, những định kiến về người da đen và thân phận thấp kém của họ được W. Faulkner truyền tải qua ngôn ngữ mang tính cách tân đầy mới mẻ.

Tuy vậy, dù cho câu chuyện có ảm đạm và thất vọng đến mức nào thì bao giờ cũng hiện lên hình ảnh tuyệt đẹp của con người với lòng lương tri thánh thiện và trong sáng mà W. Faulkner đã sáng tạo và ngợi ca. 

Quang Thành