Mượn một thành cổ mang tên “bình an bền lâu” để gợi lên bao thế sự nhiễu nhương, “Trường An loạn” của Hàn Hàn loạn từ hình thức loạn đến nội dung, dường như rất loạn lại dường như không loạn, đây thực chất là một cuốn tiểu thuyết hoạt kê nhằm trào phúng những sự vốn gọi là đạo lý trên đời.

Ảnh Nhã Nam Trường An loạn reviewsachonly
Ảnh: Nhã Nam

Năm 2006, “Trường An loạn” ra mắt độc giả dưới dạng truyện đăng dài kỳ trên tạp chí. Một năm sau được xuất bản thành sách, liền trong năm này cuốn sách đã đạt mức tiêu thụ lên đến 430.000 bản, trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy ở đại lục, được mệnh danh là Don Quijote của Trung Quốc.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Bản tiếng Việt do dịch giả Trần Quang Đức chuyển ngữ, Nhã Nam và Nhà Xuất Bản Thời Đại đồng ấn hành năm 2012.

Đọc thêm:

Không phải truyện chưởng.

Hàn Hàn phải phân trần ngay rằng:

“Đầu tiên tôi phải nói rằng, cuốn sách này thực sự không phải truyện chưởng, chỉ là một cuốn tiểu thuyết thông thường, chẳng qua thời điểm diễn ra được đẩy lên khá sớm mà thôi.”

 “Trường An loạn” có Thiếu Lâm, có Võ Đang, có quyền cước và bảo kiếm, có ám khí và độc dược, có quần hùng hội tụ, có tỉ thí võ đài, có minh chủ võ lâm… Hết thảy những chi tiết ấy đều như thể hiện rằng đây là một cuốn truyện chưởng. Thế nhưng Hàn Hàn lại khai thác những công phu kiếm hiệp này theo một chiều hướng khác hẳn các bậc tiền bối của “Võ hiệp ngũ đại gia” (Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An, Lương Vũ Sinh), một chiều hướng khiến độc giả nhiều lần bật cười mà không thiếu lần nghĩ suy.

Tác phẩm được kể theo ngôi thứ nhất, với kết cấu đầu cuối tương ứng bằng cuộc tỉ thí võ công tranh giành chức minh chủ võ lâm.

Nhân vật “tôi” tên là Thích Nhiên – một đệ tử Thiếu Lâm tự bẩm sinh có nhãn lực cực tốt, mọi động tác võ công và tốc độ ám khí trong mắt y đều rõ mồn một như được quay chậm. Cuộc tỉ thí đầu truyện, Thích Nhiên là người chứng kiến, cuộc tỉ thí thứ hai, y vì thời cuộc đẩy đưa mà tham gia. Dưới góc nhìn của đôi mắt nhanh nhạy đến tài tình được đền bù từ “ba kiếp mù”, kết hợp với giọng kể chuyện của một người đứng trong giang hồ mà tâm chỉ mong chặt cây xây nhà, sống đời yên bình, tránh mọi tranh chấp rối ren… những cuộc tỉ thí diễn ra hết sức ba chấm, chẳng hề hào nhoáng hay thần bí, lại bóc trần những sự kệch cỡm của đạo lý giang hồ.

Đúng vậy, đây là một cuốn tiểu thuyết thông thường, dùng đôi mắt thông suốt và lòng hiếu kỳ của Thích Nhiên để khám phá và tự vấn về thời xưa, đồng thời đặt vấn đề cho ngày nay.

Ảnh embebansach Trường An loạn reviewsachonly
Ảnh: embebansach

Giễu nhại chuyện đời.

“Tôi hỏi: Vì sao mọi người đều phải tỉ thí ạ?

Sư phụ trả lời: Bởi vì thiên hạ quá yên bình.

Tôi nói: Yên bình ổn định không tốt sao?

Sư phụ đáp: Chắc trong giang hồ có kẻ muốn làm anh hùng, ai bảo người xưa nói “loạn thế xuất anh hùng”? Mọi người đều nghĩ rằng thời loạn mới xuất hiện anh hùng, chứ nếu người xưa bảo “thịnh thế xuất anh hùng” thì thiên hạ chắc đã yên ổn dài dài.”

Phát súng đầu tiên Hàn Hàn nhắm đến là khinh công. Khinh công trong tiểu thuyết võ hiệp hay điện ảnh cổ trang đề tài võ lâm là một công phu rất phổ biến. Dường như đã được mặc định rằng là cao thủ thì phải giỏi khinh công, đến nỗi nhiều người bỏ qua việc đặt câu hỏi, khinh công có thật hay không?

Khinh công là kỹ thuật tự bay trong không khí mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, khái niệm này đi ngược hoàn toàn với định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Nghĩa là, để thực hiện được khinh công thì con người phải tự thân thực hiện một kỹ thuật nào đó để giảm hoặc mất hẳn tác động của lực hút trọng trường, mà kỹ thuật này khoa học hiện đại chưa tìm ra được.

Hàn Hàn nhàn nhã kể chuyện tân minh chủ võ lâm vì bị đập gãy mất thang mà không xuống được Di Xuân các, rồi cuối cùng phải bỏ mạng vì đói, khiến độc giả bừng tỉnh, cũng có chút tiếc hận, giá mà khinh công có thật thì hắn ta đã không chết!

Tác giả lại chế nhạo công phu, tuyệt kỹ, quyền cước của các cao thủ, không tán đồng cách nói quyền này khắc quyền kia, vì nếu quả thật như vậy thì giang hồ không cần phải đánh đấm nữa, dùng miệng nói là được, hai người gặp nhau, cùng thông báo quyền pháp, sau đó người nói ra quyền pháp kém hơn phải chịu thua. Thực chất, các loại quyền pháp đều là thứ dùng để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, còn giang hồ là nơi ganh đua tốc độ, sức mạnh và binh khí.

Hàn Hàn châm chọc nhiều, trào phúng nhiều, trong tiếng cười lấp lánh vụn thủy tinh.

“Từ nhỏ, sư phụ đã dạy tôi nhiều đạo lý, khiến tôi cảm thấy đạo lý thực ra đều vô lý, bất cứ câu nào cũng có thể là đạo lý cả, nếu như bạn muốn tìm đạo lý đến tận cùng.”

Đạo lý ở đời hiển nhiên không sai, nói đạo lý cũng không sai, nói đạo lý mà không làm theo đạo lý mới là điều sai trái. Vấn đề cốt ráo ở đời là ở hành động, là ở cách sống, sống sao cho không trái với chế tài pháp luật và không thẹn với tòa án lương tâm, chứ không phải ở chỗ giảng đạo lý một cách hay ho.

Giọng văn phóng túng, lối viết châm chích giễu nhại, “Trường An loạn” có lẽ sẽ còn vương lại trong lòng độc giả nhiều điều sau những tiếng cười rơi rớt, và những điều ấy có thứ đại trà cũng có thứ là của riêng mỗi người, đến cả tác giả Hàn Hàn cũng chẳng thể phán định đúng sai:

“Sự suy ngẫm mà tiểu thuyết đem lại cho độc giả cũng giống như sự hồi tưởng mà một ca khúc mang đến cho người nghe, mỗi người đều có một cảm nhận riêng, tôi không thể nói rõ cho các bạn cách nghĩ của tôi, bởi có lúc ngay bản thân tôi cũng chẳng hề biết cách nghĩ của mình là thế nào.”

Hiểu thêm về 8x đa tài Hàn Hàn.

Hàn Hàn sinh ngày 23 tháng 9 năm 1982 tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Anh là một vận động viên lái xe đua chuyên nghiệp, một nhà văn, một ca sĩ, một nhà sản xuất âm nhạc, một đạo diễn, và là một blogger nổi tiếng của Trung Quốc. Đặc biệt, ở bất cứ lĩnh vực nào có tham gia, anh cũng gặt hái được thành tựu nhất định.

Ảnh znews Trường An loạn reviewsachonly
Ảnh: znews

“Mọi người đều nói việc sáng tác và đua xe là thứ một tĩnh một động, tôi thì lại cho rằng đó là một động một tĩnh. Khi ngồi vào viết, tôi cần huy động một thứ cảm xúc mạnh mẽ, phải động não rất ghê gớm; Còn khi lái xe đua, thì lại cần phải hết sức lạnh lùng bình tĩnh, không cho phép dù chỉ một chút sai sót…”

Tài tử đa-zi-năng này rất được giới truyền thông “chăm bẵm”, bởi vậy tin tức đời tư cũng khá hỗn loạn.

Hàn Hàn từng được tạp chí Asian Weekly và Southern Weekend bình chọn là Nhân vật của năm 2009. Trên tạp chí Time, Hàn Hàn lọt vào danh sách “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010”.