Quyển sách ngắn gọn, súc tích nhưng cô đọng trí tuệ và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, triết lý kinh doanh tinh tường nhạy bén vượt thời đại của nhà nho yêu nước Lương Văn Can.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX mang nặng tư tưởng phong kiến, theo đường lối “bế quan, tỏa cảng”, chủ trương đóng cửa đất nước, cùng với đó là sự thối nát của giai cấp vua quan khiến nhiều sĩ phu yêu nước sụp đổ kỳ vọng vào tầng lớp lãnh đạo. Những nhà nho yêu nước có tư tưởng cấp tiến luôn trăn trở tìm cách đưa đất nước thoát khỏi cảnh lạc hậu về kinh tế, bị đô hộ về chính trị. Tuy nhiên, hầu hết sĩ phu yêu nước giai đoạn này đều không thoát khỏi tư tưởng “sĩ, nông, công, thương”, chọn con đường du học của kẻ sĩ những mong khai hóa đất nước chứ ít người nghĩ đến việc làm thương nghiệp, cái nghề “xếp xó”, nấc thang cuối cùng trong sự phân hóa xã hội.
Người tiên phong phá bỏ tư tưởng “sĩ, nông, công, thương”
Vào lúc các tầng lớp trên như “sĩ, nông, công” còn đang lúng túng trước sự lạc hậu của xã hội, loay hoay tìm cách chấn hưng đất nước, thì cụ Lương Văn Can, một nhà Nho có uy tín, được tầng lớp sĩ phu nể trọng đã nhận ra cốt lõi sâu xa: “Một đất nước muốn mạnh về quân sự, hiệu quả về chính trị cần có một nền tảng vững vàng về kinh tế, mỗi gia đình, mỗi người dân đều sung túc, no đủ”. Muốn như thế phải xây dựng được một đội ngũ thương nhân giỏi kỹ nghệ, thạo buôn bán, có nền tảng đạo đức kinh doanh đúng đắn để cạnh tranh với những thương nhân Tàu, Nhật và cả Pháp, Anh quốc đang đổ bộ vào nước ta. Dần dần, tư tưởng của Cụ đã được tầng lớp trí thức công nhận và noi gương. Họ nhận ra để xây dựng một đất nước mạnh về chính trị thì người dân cần phải làm giàu trước tiên, khi đã có một nền kinh tế vững vàng, đất nước mới có thể lấp đầy khoảng trống, tự tin sánh vai với các nước đang nhăm nhe đô hộ nước ta.
Cho đến tận bây giờ, khi nhìn lại hậu thế vẫn không khỏi cảm phục tầm nhìn của cụ cử Can, người theo trường phái Nho gia, một tầng lớp tưởng chừng cổ hủ, lạc hậu lại có tầm nhìn nhanh nhạy, tiến bộ với thời cuộc đến như vậy: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể, cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao”.
Câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp kinh doanh từ một nhà Nho yêu nước
Quyển sách “Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” là cuốn cẩm nang dẫn đường cho người trẻ sắp sửa dấn thân vào con đường thương nghiệp. Giai đoạn khởi nghiệp lắm chông gai, nhiều thử thách luôn dễ khiến nhiều người nản lòng, muốn bỏ cuộc, nhưng ở Việt Nam, gần 100 năm trước đã có những người dám dấn thân “làm thương nghiệp” từ con số không.
Khi bắt đầu con đường kinh doanh, cụ cử Lương Văn Can đã bước sang tuổi 54 với thân phận một người tù khổ sai bị đày sang Cao Miên (Campuchia ngày nay). Xuất phát từ ý định tạo kinh phí ủng hộ các hoạt động yêu nước, cụ cử Can đã xây dựng một mạng lưới kinh doanh chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu chuyển từ Việt Nam mở rộng khắp Campuchia. “Luôn tâm niệm kinh doanh để phụng sự tổ quốc: Phụng sự tổ quốc – đó là mục tiêu cao nhất mà danh sĩ họ Lương đặt ra. Trong khi bị đi đày sang Campuchia, Lương Văn Can đã biến cái rủi thành một cơ hội: Cụ là người Việt tiên phong khai phá một thị trường bỏ ngỏ, mở đường cho một phong trào buôn bán sang Campuchia. Những đồng tiền kiếm được từ việc kinh doanh lại được đóng góp cho phong trào cách mạng”.
Cùng với cụ Lương Văn Can các nhà Nho yêu nước giai đoạn đấy đã đưa ra một quan niệm mới cho tinh thần yêu nước: Yêu nước là phải hành động như thế nào để đưa đất nước sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục nhận định, phải khai dân trí, hướng người dân vào thực nghiệp: mở các hiệu buôn, khuyến khích dân dùng hàng nội hóa, đầu tư vào khai mỏ, lập đồn điền…Cụ Trần Quý Cáp có “Bài ca khuyên hợp thương” động viên mọi người cùng góp công góp sức để mở mang thương nghiệp của đất nước.
Từ đó mới thấy đã có thời điểm các tầng lớp tinh hoa trí thức của dân tộc “dám” dấn thân gia nhập thương trường một cách đầy sôi nổi và hào hứng. Nhiều tấm gương thương gia “made in Việt Nam” lừng lẫy gây được tiếng vang trên thương trường, cạnh tranh sòng phẳng với thương nghiệp nước ngoài vẫn còn lưu danh đến ngày nay như: doanh nhân dầu và xà bông Trương Văn Bền, doanh nhân sơn dầu Nguyễn Sơn Hà, nhà tư bản ngành in và bất động sản hàng đầu xử Đông Dương Ngô Tử Hạ, ông vua đường biển Bạch Thái Bưởi,…
Người đầu tiên xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt
Quyển sách “Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” của tác giả Nguyễn Hồng Dung khá mỏng, ngắn gọn, súc tích nhưng cung cấp cho người đọc đầy đủ trí tuệ và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, triết lý kinh doanh tinh tường nhạy bén vượt xa thời đại của nhà Nho yêu nước Lương Văn Can. Cụ đã từng nói nước ta không thiếu doanh nhân giỏi, nhưng thông tin về họ quá ít, những tài liệu kinh nghiệm thương trường của họ không được truyền lại cho đời sau thì thật là đáng tiếc. Chính vì thế, tuy việc buôn bán làm ăn bận rộn, chiếm nhiều thời gian, cụ cử Can vẫn cặm cụi viết “Thương học phương châm” với hi vọng truyền lại chút ít tâm huyết, tạo kim chỉ nam cho thế hệ thương nhân sau này.
Khi đặt bút viết “Thương học phương châm”, quyển sách giáo khoa đầu tiên dành cho thương giới Việt Nam, cụ Lương Văn Can đã chia sẻ: “Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu rất tiện”. Thế nhưng, Cụ cũng đã chỉ ra những khuyết điểm “chí mạng” của người làm kinh doanh Việt Nam: “Không có thương phẩm, không có thương đạo, không có thương học, không biết giao thiệp, không biết trọng nghề, không có kiên tâm, không có tín thực,…”. Chính những hạn chế này đã khiến nhiều doanh nhân sống trong thời đại mới, hội tụ đủ “phong khí mở, hoàn cầu hóa, thông thương thuận lợi” vẫn chưa thể “làm giàu rất tiện”, phần nhiều do chưa thành thục kỹ năng và thạo buôn bán.
“Thương học phương châm” quy tụ đầy đủ kiến thức căn bản mà một doanh nhân cần phải tìm hiểu, quyển sách bao gồm các phần lớn: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Mua hàng, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp dẫn, Điều lệ nhà băng, Sự buôn bán ở nước ta. Quyển sách đến tận bây giờ vẫn khiến người đọc không khỏi thán phục bởi sự phong phú, sâu sắc và hiện đại của một tư tưởng lớn. Tục ngữ có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, việc nắm bắt những nguyên tắc làm ăn kinh doanh vẫn chưa phải yếu tố quyết định cho thành công của một doanh nghiệp, để đạt được thành quả như mong muốn, thế hệ doanh nhân trẻ còn cần phải nhận ra và khắc phục những điểm yếu cốt lõi, thâm căn mới có thể gây dựng nên một doanh nghiệp mạnh, đủ sức tiến xa và bền vững trong giai đoạn hội nhập. Qua thực tiễn làm nghề và quan sát nghiêm túc, cụ cử Can đã chỉ ra 10 điểm yếu của người Việt làm kinh doanh đó là:
Không có thương phẩm: Các sản phẩm do người Việt làm ra đa phần là hàng gia công lại hoặc nguyên liệu thô, chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù, độc đáo, đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh trên thế giới.
Không có thương hội: Ông bà ta vẫn có câu “buôn có hội bán có phường”, thế nhưng nhiều người làm kinh doanh lại quên mất điều này dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, xem nhẹ hợp tác đôi bên cùng có lợi dẫn đến việc kinh doanh chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Không có tín thực: Đội ngũ làm kinh doanh người Việt chưa chú trọng đến chữ tín trong kinh doanh, phần nhiều còn manh mún, chộp giật, chỉ tập trung vào lợi nhuận trước mắt.
Không có kiên tâm, không có nghị lực: Theo cụ Can đây là điểm yếu khó bỏ của người Việt, khi bắt đầu thì rất hăng hái nhưng khi thất bại thì dễ chán nản hoặc gặt hái được chút ít thành công đã dễ dàng thỏa mãn, điều đó khiến cho các doanh nghiệp nhanh chết yểu, không xây dựng được thương hiệu bền vững, cơ sở kinh doanh không đủ sức vươn tầm thế giới.
Không biết trọng nghề, không có thương học: Với quan điểm từ xa xưa coi trọng việc bút nghiên, đèn sách, làm thương nghiệp chỉ là việc bất đắc dĩ kiếm kế sinh nhai tạm thời, do đó, đa phần chỉ coi thương nghiệp là công việc tạm bợ, không có đầu tư, chú trọng, làm ăn quen kiểu ăn xổi ở thì khó bền lâu.
Kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh nội hóa: Ba điểm yếu này của thương nhân Việt bắt nguồn từ việc không biết trọng nghề và kém về kiến thức thương học nên dẫn đến việc lúng túng khi giao thiệp làm ăn. Cũng do không rành về các kiến thức cần thiết khi kinh doanh gây ra sự lãng phí, không hiểu hết giá trị của hàng hóa Việt. Ngày nay, kinh tế phát triển, hàng Việt Nam ngày càng khẳng định ưu thế và chất lượng trên các thị trường thế giới nhưng không ít người vẫn có tư tưởng “sính ngoại”, chuộng hàng nước ngoài, khinh hàng nội địa.
Qua quyển sách “Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”, độc giả sẽ thấy được cái tâm, cái tầm của cụ Lương Văn Can, một doanh nhân Việt tiêu biểu đầu thế kỷ XX. Tinh thần kinh doanh sâu sắc, tiến bộ của cụ cử Can trong tác phẩm “Thương học phương châm” cho đến hiện tại vẫn mang tính thời sự cấp thiết, phù hợp với doanh nhân Việt trong thời buổi hội nhập, xứng đáng là ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền thương nghiệp Việt vươn ra biển lớn.
Nguyễn Bảo