Tại Trường Phổ thông Trung học Dân lập Nữ sinh Seika, cuộc sống học đường bình thường đã bị phá vỡ sau hai cái chết liên tiếp xảy đến với giáo viên trong trường. Hai án mạng có hình thức khác nhau: trong phòng kín và giữa chốn đông người nhưng đều chung một nguyên nhân: Nạn nhân đều bị đầu độc bằng xyanua.
Biến cố xảy đến, như đã kích hoạt hiệu ứng Domino tại ngôi trường nhỏ, thổi bùng lên những nghi ngờ lẫn những bí mật, khổ đau, ác ý người ta vẫn phong kín.
sau giờ học higashino keigo
Tác phẩm trinh thám đầu tay “trình làng”

Là sáng tác đầu tay, cũng là tác phẩm ghi dấu thành công bước đầu của Higashino Keigo trên con đường văn nghiệp bằng giải thưởng Edogawa Ranpo, giải thưởng được trao thường niên dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản; có thể nói, Sau giờ học – Hokago, dẫu khó lòng làm thỏa mãn độc giả trinh thám buổi hôm nay bởi cách thức gây án trong phòng kín không quá khó để phá giải và hung thủ cũng khá dễ đoán.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Thì đến tận cùng, Sau giờ học vẫn là một cuốn sách mang trong đó trọn vẹn phong cách văn chương của Keigo tiên sinh buổi đầu cầm bút. Từ lối dựng truyện mang đậm hơi thở trinh thám cổ điển đến hình thức án lồng trong án mà tạo nên những cá nhân vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ.

Thật vậy, với người đọc hiện nay, thứ cuốn hút ở tiểu thuyết Sau giờ học hẳn không phải là thủ pháp gây án hay danh tính hung thủ nữa. Mà người ta dõi theo diễn tiến câu chuyện, là để theo dõi hành trình một thầy giáo dạy Toán, thầy Maejima, đứng ở ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” vượt qua thái độ bàng quan, thờ ơ, được chăng hay chớ, sống đời buồn tẻ mòn mõi dưới một ngôi trường, làm một nghề nghiệp không hề có đam mê, khám phá đến tận cùng sự thật. Và để anh nhận ra, ngần ấy thời gian gắn bó cùng “cái nghiệp” gõ đầu trẻ, con người những tưởng ơ thờ của anh đã trở thành một “người thầy” lúc nào không hay.

Bởi thế, truyện lồng truyện ở tiểu thuyết Sau giờ học chính là câu chuyện cá nhân, chuyện trường lớp, chuyện gia đình của Maejima song hành cùng tuyến truyện về hai án mạng xảy đến với trường Seika. Và án lồng án trong tác phẩm, nhằm ám chỉ, bên cạnh vụ án chính, cũng còn đó những nghi hoặc về mối liên hệ giữa các lần thầy Maejima bị ám sát hụt. Rằng, âm mưu ám sát thầy Maejima có thật liên quan tới hai án mạng kia không? Khi cách thức của những vụ việc này hoàn toàn khác biệt. Một bên, được dàn dựng như tai nạn. Còn một bên, là dàn dựng đầu độc bằng xyanua đầy công phu.

Từ đấy, chân dung các cá nhân vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ hiện hình. Trên trang viết Sau giờ học, dường như Keigo tiên sinh đã vẽ lên những con người, ai cũng khuyết thiếu, ai cũng mang bí mật cùng ác ý, dụng vọng đầy vị kỉ. Chính – tà, thiện – ác, cảm thương – căm ghét, ranh giới giữa mỗi mặt mâu thuẫn, đối lập đó trong tiểu thuyết Sau giờ học dường như đã bị xóa nhòa mà trở nên mong manh, mơ hồ khôn cùng. Ngòi bút Higashino Keigo không chiều chuộng bất kì một cá nhân nào ở trang sách của ông. Kể cả người đàn ông có tên Maejima, xưng tôi, xuyên suốt hơn 300 trang truyện, cũng trải đủ đớn đau về thể xác lẫn tinh thần.

Ra đời vào năm 1985, xét trên phương diện truyện trinh thám, không thể phủ nhận, Sau giờ học là cuốn sách quá mức “cổ điển”, cả về thủ pháp gây án lẫn vai trò cảnh sát trong câu chuyện. Nhưng xét trên phương diện một tác phẩm văn học, đây lại là sáng tác đầu tay đầy thành công của Higashino Keigo. Cốt truyện được xây dựng chặt chẽ, tình tiết lớp lang với hàng loạt sự kiện liên tục đẩy mạch truyện đến cao trào. Để rồi, sau cuối đi tới một kết truyện, có sự thật được hé mở đấy, mà sao tất cả còn quá đỗi lửng lơ, dang dở. Như khoảng thời gian sau giờ học, chính là khoảnh khắc, người ta chìm dần vào chiều tà và bóng tối.

sau giờ học ipm

Thế giới học đường với những đứa trẻ tuổi mới lớn và những người lớn mất đi mục đích sống

Không gian truyện của tiểu thuyết Sau giờ học là một dạng không gian rất đặc biệt. Là một không gian khép kín như bao truyện trinh thám cổ điển khác? Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Mà bối cảnh câu chuyện và các vụ án diễn ra còn bó hẹp hơn nữa. Mọi sự kiện và hiện trường vụ án chủ yếu đều quy trụ trong khuôn viên một ngôi trường mang tính đặc thù mạnh mẽ: trường cấp 3 dành riêng cho nữ sinh.

Bởi vậy, bên cạnh tính phức tạp vốn có của một tác phẩm trinh thám, điều tra, phá án, thì Sau giờ học còn phức tạp trên khía cạnh, tác giả đã khai thác thế giới của một đối tượng mang cá tính khó hiểu cùng nội tâm nhạy cảm, ẩn chứa nhiều mâu thuẫn bậc nhất – những cô bé học trò tuổi mới lớn.

Quả tình, Higashino Keigo đã khá tinh tế trong việc khắc họa lên các hình tượng điển hình của nữ sinh Nhật Bản nói riêng, nữ sinh tuổi dậy thì nói chung. Những cô bé vướng mắc trong cô đơn cùng cực giữa ngôi nhà vắng bóng hơi ấm lẫn ngôi trường thiếu vắng sự thấu hiểu. Những cô bé chưa thật trưởng thành nhưng lại khao khát thể hiện bản thân, chứng tỏ cái tôi đã lớn, sẵn sàng đứng lên bảo vệ điều chúng trân quý, tin tưởng bằng mọi giá. Những cô bé nhạy cảm đến mức chỉ một ánh mắt cũng có thể khiến chúng lo nghĩ, chỉ một ánh nhìn cũng có thể làm chúng tổn thương, chỉ một sự vô tâm cũng đủ cho chúng nổi loạn, chỉ một sự vô tình cũng khiến niềm tin mong manh của chúng tan vỡ.

“Với các cô bé đó, điều quan trọng nhất là những gì đẹp đẽ, thuần khiết, không giả tạo, thể hiện qua tình bạn, tình yêu, đôi khi qua khuôn mặt hay cơ thể mình, hoặc trừu tượng hơn là qua kỉ niệm hay giấc mơ. Cho nên các em sẽ căm thù những đối tượng phá hủy hay cướp đi điều quan trọng này.”

Vì thế, thật khó mà dùng con mắt người trưởng thành để đánh giá những cô bé ấy. “Người lớn đã từng là trẻ con”, nhưng cái thời người lớn là trẻ con đấy qua đã rất lâu rồi. Đâu thể mang ánh nhìn khác biệt thế hệ mà phán xét? Chẳng thế mà, thầy Maejime khám phá ra sự thật lại chẳng thể nhẹ lòng. Chẳng thế mà, câu chuyện kết thúc rồi, độc giả hẳn vẫn day dứt cho mũi tên đã bắn khỏi cung của cô bé Kei, liệu còn thu về được?

Và thế giới học đường trong tiểu thuyết Sau giờ học còn phức tạp hơn thế. Bởi ngoài tầng ý nghĩa về lớp học trò tuổi mới lớn, câu chuyện mang thêm tầng nghĩa về những con người tuổi trưởng thành đang dần mất đi mục đích sống.

Mà ngay dưới mái trường Seiki, đâu thiếu các cá nhân như vậy. Người thầy đứng lớp nhưng lại khắc nghiệt, chỉ trích học trò “Hai phần ba là đồ bỏ. Nghiêm túc mà nói, đàu óc bã đậu không đủ khả năng tiêu hóa.” Hay người đứng đầu trường học lại vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng bưng bít mọi chuyện. Và một người thầy đi dạy nhưng luôn cảm thấy “phát nhột nhạt vì cảm giác cả trăm con mắt săm soi khi lên lớp.”

Không có đam mê, nhiệt huyết lụi tàn, họ làm việc chỉ như những chiếc máy mòn mõi đang dần cạn dầu. Hời hợt trong công việc, hời hợt trong cuộc sống, hời hợt với chính những người họ yêu thương; để rồi cuối cùng, lúc họ giật mình nhìn lại quá khứ, cũng là lúc, chẳng thể thu hồi mũi tên đã bắn khỏi cung được nữa. Và cũng chỉ đành tự trách, cay đắng, bất lực khi người ta trưởng thành về thể xác nhưng vẫn chẳng thể vượt thoát được cuộc tranh đấu tìm giá trị, ý nghĩa tồn tại của bản thân giữa cuộc đời.

sau giờ học

“Thời gian sau giờ học”

Là quãng thời gian vừa cụ thể, cũng đầy trừu tượng tác giả Higashino Keigo xây dựng trong tác phẩm được viết vào năm 1985 này.

Cụ thể bởi đây là khoảng thời gian những cô bé và giáo viên trường Seiki tan học, tan làm, có khoảng không gian riêng tham gia hoạt động câu lạc bộ, về nhà, sống cuộc sống cá nhân. Là thời điểm hai án mạng đã diễn ra và là khoảnh khắc thầy Maejima liên tục bị ám sát. Đó cũng là giây phút, thầy Maejima nằm lại trong cơn vẫy vùng nơi tâm thức mà tự vấn bản thân rồi “chờ đợi”, “chờ có người đi ngang qua.”

“Sau giờ học” còn là hình ảnh đậm tính ẩn dụ mà Keigo tiên sinh tạo dựng. “Sau giờ học” tượng trưng cho thế giới “ngoài kia”, khi người ta đã vượt ra không gian “bên trong”, trút bỏ vai trò giữa mối quan hệ thầy – trò, đồng nghiệp để khoác lên người, chiếc mặt nạ “con người xã hội” mà hòa vào dòng đời. “Sau giờ học” cũng có thể hiểu là phía sau cuộc đời một con người vốn lạc bước với đủ đầy mâu thuẫn, âu lo, vô cảm, khổ đau… Hay “sau giờ học”, chỉ là khoảng lặng, để người ta dừng chân nghỉ ngơi, “chờ đợi” tới buổi học kế tiếp, “chờ đợi” cho ngày mai.

Sau giờ học, có lẽ chăng còn như ám chỉ cho quãng thời gian về sau của văn nghiệp Higashino Keigo. Một con người “sau giờ học” đã sáng tạo bền bỉ không ngừng nghỉ gần bốn thập kỉ với nỗi khắc khoải về chữ “nhân”, lẽ sống. Một con người, “sau giờ học” đã không để đề tài, thế giới học đường chìm vào quên lãng. Và rằng, thế giới đấy, những cá nhân đó, sẽ còn trở lại trong nhiều sáng tác sau này của Keigo tiên sinh, như cả series về Thanh tra Kaga – một con người đã chuyển từ nghiệp gõ đầu trẻ sang nghiệp điều tra nhưng gần như chưa khi nào, anh lãng quên anh từng là một “người thầy”.

*Đọc thêm (Các bài review về series truyện Thanh tra Kaga):

[Higashino Keigo] Ác Ý – Cái ác chảy ngầm
Cánh kỳ lân (Higashino Keigo) – Đứng thẳng, vươn mình tựa sải cánh kỳ lân