Tiếp nối thành công của “Kinh tế học hài hước”, “Siêu kinh tế học hài hước” được hứa hẹn sẽ “bùng nổ hơn” với những góc nhìn thú vị có thể làm ngạc nhiên cả những độc giả khó tính nhất.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Không tập trung vào các vấn đề vĩ mô như thị trường chứng khoán, nền tài chính quốc tế, v.v. thường được miêu tả trong những tài liệu học thuật, thương hiệu kinh tế học lập dị của bộ đôi Steven Levitt và Stephen Dubner cung cấp những thí nghiệm và kiến thức mới mẻ về kinh tế vi mô, mà nền tảng là nghiên cứu về hành vị của con người – thứ chi phối quy luật cung cầu và nói rộng ra, là cả nền kinh tế.

“Siêu kinh tế học hài hước” cũng là một trong những tác phẩm tiên phong thách thức lề lối thông thường, những suy nghĩ truyền thống mà nhân loại vẫn một mực tin tưởng suốt nhiều năm qua. Qua đó, độc giả có cơ hội xem xét lại những niềm tin của mình và nếu cần thiết, nhìn thế giới bằng nhiều lăng kính khác nhau, từ đó hiểu rõ bản chất và tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những vấn đề nan giải trong cuộc sống.

Khó mà tìm được cuốn sách nhập môn kinh tế nào vừa giúp người đọc tiếp thu kiến thức về vô số lĩnh vực, vừa cười sảng khoái hay mắt chữ “A”, mồm chữ “O” với những kết quả nghiên cứu tưởng đùa mà logic một cách kỳ diệu như thế. Xe hơi đã từng được xem là cứu cánh của môi trường ư? Cả tivi mà nhiều người cho rằng đang làm hư bọn trẻ của họ ấy, thực ra đã là người hùng cứu vớt cuộc đời những đứa trẻ khác sao?

Siêu kinh tế học hài hước – góc khuất mới mẻ trong những điều quen thuộc

Nếu những điều trên vẫn chưa đủ khiến bạn ngạc nhiên, dưới đây là một số đề tài nổi bật khác được đề cập đến trong quyển sách.

“Tại sao những kẻ đánh bom liều chết cần mua bảo hiểm nhân thọ?”

Trước khi trả lời câu hỏi có phần kỳ quặc này, Levitt và Dubner đã đưa ra kha khá dữ liệu mà ít ai ngờ tới về tình trạng khủng bố và những hệ lụy của nó. Hãy khởi động phần lập dị nhất trong não bộ bạn bằng cách xem xét vài vấn đề sau đây.

Thứ nhất, những đối tượng thế nào thì có xu hướng trở thành khủng bố? (bạn sẽ nghĩ là những người không được giáo dục tử tế và lớn lên trong môi trường đầy tệ nạn, đúng chứ?)

Thứ hai, vì sao tiếp nối một vụ khủng bố, số lượng tai nạn giao thông lại gia tăng (hay dịch cúm bị ngăn ngừa và nạn tội phạm đường phố giảm đi trông thấy)? 

Cuối cùng, một tên khủng bố bị bắt khi chưa kịp gây án đã lấy đi 14 cuộc đời như thế nào? 

Bây giờ, hãy quay lại với câu hỏi chủ đề: Đánh bom liều chết thì liên quan gì với bảo hiểm nhân thọ? 

Thay vì tặc lưỡi và phớt lờ khi ai đó hỏi bạn câu này, hãy dừng lại một chút và suy nghĩ thật thấu đáo xem sao. Bảo hiểm nhân thọ quả thật là một trong những yếu tố then chốt để lọc ra những đối tượng khủng bố tiềm năng nhất. Vậy rốt cuộc nó có chức năng gì?

Nếu đã vắt óc nghĩ ngợi cả ngày mà vẫn chưa tìm được đáp án, “Siêu kinh tế học hài hước” chắc chắn sẽ cho bạn câu trả lời thật thỏa đáng (bạn nhất định phải “ồ” lên cho mà xem).

“Lòng vị tha và sự vô cảm: cái nào dễ kiểm soát hơn?”

Bản năng của con người là vị tha, phải không?

Hẳn nhiên rồi. Suy cho cùng, chẳng phải người ta thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện” sao? 

Ngay cả những thí nghiệm nổi tiếng như “Kẻ độc tài” cũng chứng minh điều tương tự đấy chứ. Khi được cho một số tiền, thay vì giữ lại toàn bộ, hầu hết người chơi đều chia sẻ một phần kha khá cho một người khác, mà người đó chẳng thân thích hay giúp đỡ gì cho họ. Còn hình ảnh nào đẹp đẽ hơn những con người sẵn sàng cho đi mà không tính toán như thế? 

Nếu lòng vị tha của loài người quả thật dư dả và dồi dào như vậy, những chiến dịch kêu gọi hiến tạng mang đầy tính nhân văn chắc chắn phải rất thành công rồi, phải không? 

Chúng ta nên tin tưởng rằng đức tính vị tha, chứ không phải là bất cứ thứ gì khác, có thể cứu rỗi hàng triệu sinh mệnh đang mòn mỏi chờ đợi một quả thận phù hợp, đúng vậy chứ?

Chà, nếu lòng vị tha là bẩm sinh, tại sao cả 38 nhân chứng trong vụ Genovese có thể bình thản từ cửa sổ nhà mình nhìn nạn nhân bị tấn công những 3 lần mà không hề lên tiếng can thiệp hay báo cảnh sát?

Mà tình trạng vô cảm này, thực ra có chắc là kết quả của lòng vị tha bị khiếm khuyết hay không?

Giông bão, dịch sốt hậu sản và tai nạn giao thông có điểm gì giống nhau?

Nếu bạn vẫn chưa nghĩ ra, đây có thể là một gợi ý: cả ba đều là những vấn đề nan giải mà hơn một lần người ta đã nghĩ rằng cách giải quyết cực kỳ khan hiếm hoặc tốn kém. 

Những cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá khủng khiếp hoàn toàn là sản phẩm của Mẹ thiên nhiên và mặc dù có thể dự đoán trước, con người bất lực trong việc ngăn chặn nó. 

Dịch sốt hậu sản từng bị xem như một căn bệnh nan y vô phương cứu chữa:  số sản phụ và trẻ sơ sinh chết tăng lên vùn vụt mà các bác sĩ thì mãi vẫn không tìm ra nguồn gốc. Kỳ quặc thay, những người mẹ sinh con trong bệnh viện sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi với sự đỡ đẻ của những bác sĩ lành nghề nhất lại có khả năng tử vong cao hơn những người sinh tại nhà với bà đỡ hay thậm chí là sinh ngoài đường. 

Và tai nạn giao thông đường bộ, không còn nghi ngờ gì nữa, đã gây ra vô số thiệt hại về người và của. Người ta từng nghĩ đủ mọi cách, nhưng con số những thiệt hại được giảm bớt vẫn chưa thực sự đáng gây chú ý.

Nhưng may mắn thay, tạ ơn Chúa, những con người thông minh xuất chúng nhất trong lịch sử (dĩ nhiên, vài người trong số đó còn lập dị nữa) đã xuất hiện và đưa ra một loạt giải pháp cực kỳ hiệu quả cho hầu hết các vấn đề nêu trên. Bạn đang nghĩ rằng phương án giải quyết những thứ vĩ mô như vậy chắc chắn phải vô cùng phức tạp và đắt đỏ, đúng không? 

Nếu tất cả những vấn đề này, thực chất, có thể được giải quyết chỉ bằng vài món đồ đơn giản với cái giá rẻ như cho, liệu, trong cả những giấc mơ điên rồ nhất, bạn có tin không?

Chương này hứa hẹn sẽ cho bạn thấy, ngay cả những thứ tầm thường nhất cũng có thể cứu cả thế giới!

“Ngài Al Gore và núi lửa Pinatubo có điểm gì chung?”

Trước khi bàn đến câu hỏi kỳ lạ này, hãy dành một phút nghĩ xem bạn hiểu vấn đề ấm lên toàn cầu đến mức độ nào. 

Hẳn là bạn nắm rõ như lòng bàn tay rồi, đúng chứ? Dù sao thì, các chiến dịch tuyên truyền cũng đã nhắc đi nhắc lại kịch bản về một ngày tận thế mà trong đó, mực nước biển dâng cao nhấn chìm cả bang Florida, và cả nhân loại sẽ tuyệt chủng. 

Quả là rùng rợn phải không?

Vậy tên thủ phạm đáng kinh tởm nào đã gây ra thảm họa diệt chủng đó? Không còn nghi ngờ gì nữa, chính là khí thải CO2 – loại khí nhà kính mà người người nhà nhà đều ghét bỏ. Và hẳn rồi, đó cũng là cái tên đầu tiên được xướng lên khi bọn trẻ nói về vấn đề ô nhiễm môi trường. 

CO2 thực sự là thứ nguy hiểm nhất sao?

Thế có nghĩa là, nếu cả xã hội ngừng tất cả mọi hoạt động xả thải CO2 trong hôm nay, nền nhiệt sẽ ngay lập tức hạ xuống, Trái Đất sẽ thoát khỏi thảm họa, phải không? Có thật là sự thay đổi thần kỳ như vậy sẽ xảy ra không?

Hãy xem xét một trường hợp khác. Giả sử bạn đi xe đạp để bảo vệ môi trường. Nhưng nếu bạn đạp xe đi mua thịt, bạn có biết mình đã, ngạc nhiên chưa, đóng góp lại một lượng khí thải gây ô nhiễm gấp 20 lần không?

Một ví dụ khác nữa. Tại sao một con kangaroo có thể cứu Trái Đất, trong khi một con bò thì không?

Bây giờ trở lại câu hỏi ở đầu chương. Ngài Al Gore – một chính trị gia đáng kính, là một người luôn trăn trở về các vấn đề môi trường, khát khao cứu lấy hành tinh khỏi ngày tận thế bằng một bộ phim gây chấn động, bằng những chiến dịch hùng hồn đanh thép nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của công dân toàn thế giới.

Vậy trong lúc đó, núi lửa Pinatubo đã làm gì? Nó phun một lượng khổng lồ khí thải SO2 vào bầu khí quyển! Thật là một kẻ phá hoại, đúng không?

Nhưng liệu bạn có biết, đỉnh Pinatubo vĩ đại, bất chấp những xú khí mà nó phun ra, cũng nỗ lực ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu? Với hiệu quả hơn gấp nhiều lần những chiến dịch của ngài Al Gore?

Nếu bạn vẫn tin rằng những điều nói trên thật hoang đường, mời bạn đến với thế giới kỳ dị của “Siêu kinh tế học hài hước”.

Sách cùng tác giả:

Link mua sách:

Gấu