Một cậu bé mang theo bí mật chẳng thể sẻ chia cùng ai, rằng cứ đêm xuống, cậu lại biến thành một con quái vật đen ngòm, hình thù kì dị đi khắp nơi trong khu phố.
Một cô bé tính cách lập dị và phải chịu cảnh bị cả lớp cô lập, tẩy chay.
Hai con người, dẫu là bạn cùng lớp mà ban ngày lại chẳng khác gì người xa lại, vậy nhưng giữa đêm đen, tựa một định mệnh, họ vô tình gặp gỡ,  biết về bí mật của nhau rồi dần dần, công nhận đối phương để có thể kiêu hãnh bước đi dưới ánh mặt trời.

quái vật trong đêm yoru sumino

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Quái vật

Nổi danh ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay: Tớ muốn ăn tụy của cậu, tác phẩm của Yoru Sumino, đặc biệt khi anh viết về tuổi học trò, luôn chứa đựng góc nhìn hết sức nhân văn với những đứa trẻ độ tuổi mới lớn đang chới với tìm kiếm bản ngã, mơ hồ trôi đi giữa dòng đời trong một loạt các mối quan hệ bạn bè tưởng chừng đơn thuần mà đầy phức tạp. Và tiểu thuyết Quái vật trong đêm, tác phẩm thứ 3 trong sự nghiệp của anh, chính là chứng rõ nét, sau tiểu thuyết Tớ muốn ăn tụy của cậu, cho đặc trưng đấy..

Quái vật trong đêm, tên tác phẩm thoạt nghe ngỡ rằng một cuốn sách kinh dị, bởi cái tên gợi về một đối tượng và không gian quá đỗi u ám. Nhưng khi bước vào thế giới của câu chuyện này, mới nhận ra rằng, Quái vật trong đêm nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng thấm thía, day dứt khôn cùng. Bởi khác với nhiều câu chuyện cùng viết về đề tài quái vật, khi con người hóa quái thú đều mất đi ký ức lẫn lý trí, thì cậu bé Adachi, 15 tuổi, dẫu biến thành quái vật hình thù kỳ dị đen ngòm 8 đôi mắt, 6 cái chân, 4 cái đuôi, lý trí của Adachi vẫn vẹn nguyên. Cậu vẫn là một học sinh trung học với trọn vẹn suy nghĩ phức tạp trong nội tâm, những nỗi lo âu ở cuộc sống học đường diễn ra ban ngày.

Adachi dưới lốt quái vật, vẫn chỉ là một chàng trai tuổi dậy thì, chẳng gây hại gì cho ai, luôn lo sợ bị người khác bắt gặp rồi chân thân cùng sự khác biệt của cậu bị bại lộ, chỉ biết đi lang thang cho đến khi trời sáng. Cậu ta chấp nhận hiện thực và sống dưới hai thân phận, như cách, cậu đã làm suốt 15 năm cuộc đời để được là một tồn tại “ở đúng vị trí” trong một tập thể, rộng hơn, là giữa guồng quay cuộc đời.

Quái vật, vì thế, trước hết chính là danh từ hữu hình để chỉ cậu bé Adachi vào mỗi lần đêm xuống.

Nhưng không chỉ vậy, “quái vật” ở đây, còn mang tính biểu tượng cho điều vô hình về mặt xấu xí, đen tối mà người ta vẫn thể hiện, bất kể sáng hay đêm, song dường như, chỉ cần đêm xuống sự “xấu xí” lại càng thêm khuếch đại. Hòa vào bóng tối, người ta mặc nhiên làm chuyện chẳng ai hay. Người ta sẵn sàng vào hùa với nhau để bắt nạt người khác. Người ta sẵn sàng khoác lên mình “lớp hạt đen ngòm”, sống trái với bản thân, lương tâm để có thể hòa vào đám đông điên loạn. Như chính cả lớp Adachi đã tẩy chay và bạo lực tinh thần cô bé Yano thế nào, và Adachi, đã phải chờ đêm xuống để có thể đối mặt với Yano ra sao. “Nếu có thể không để ý đến điều mình không muốn bận tâm, thì tất cả mọi người đã có thể thoải mái sống mỗi ngày. Vì không làm được vậy nên giờ chúng ta mới sống như thế này đây.”

Đám đông là chuẩn, cá nhân là dị biệt. Và vì thế, cũng chẳng có chỗ để một “quái vật” có chốn dừng chân. Có lẽ chăng, trong cả tập thể kia, cô bé Yano khác biệt hẳn với số đông từ cách nói chuyện đến mọi hành động “lệch chuẩn” cũng là một dạng “quái vật”. Để rồi bóng tối bao trùm, hai “quái vật” đều chìm vào đêm đen rồi tình cờ gặp nhau, dần dần thấu hiểu và bảo vệ lẫn nhau, gìn giữ lấy quãng thời gian đêm tối yên bình, và có thể dũng cảm đối diện với nhau dưới ánh mặt trời ban sáng.

Bởi sự đa nghĩa như vậy, mà “quái vật” trong tiểu thuyết của Yoru Sumino gợi lên nhiều trăn trở. Rằng “quái vật” ở đây không phá hoại hay đe dọa đời sống con người, nhưng phần “đen tối” đang “gặm nhấm tâm hồn” kia là tốt hay xấu. Và người ta có thể mãi tồn tại với lớp vỏ bọc đen tựa chiếc kén bảo vệ bản thân như vậy hay không? Là an toàn hay là trốn chạy? Bản ngã tuổi trẻ ở đâu giữa đêm đen mịt mùng, giữa lớp hạt đen tối đang bủa vây, và như nuốt trọn lấy bản thể con người.

quái vật trong đêm

Con người

Song song với “quái vật”, ở tiểu thuyết Quái vật trong đêm còn một hình ảnh khác cũng hết sức thú vị, đấy là “con người.” Một hình ảnh cũng vừa hữu hình, lại vừa vô hình như “quái vật” vậy.

“Con người hữu hình” bởi đó chính nhằm chỉ đến hình dáng ban ngày Adachi tiếp xúc với người thân, bè bạn, thầy cô, để đến trường và tiến ra ngoài xã hội. Con người là những cá nhân trong lớp học của Adachi, cô Noto, và ngay chính cô bé Yano Satsuki đang bị cả lớp xa lánh nữa.

Tuy nhiên, nghĩa “con người” ở câu chuyện về Quái vật trong đêm đâu chỉ mang nghĩa tường minh như thế. Hơn cả, đấy còn là cách sống và điều người ta “hướng về.” Phải, là sống làm sao, để đúng với hai chữ con người viết hoa.

Con người, vốn yếu đuối vô cùng. Vì thế, người ta sống trong tập thể để hỗ trợ nhau, cùng nhau phát triển. Đến mức, cộng đồng nhỏ nơi lớp học của Adachi, đã đề cao tính “đoàn kết”, “tập thể” ấy lên trên hết, tới nỗi, một Yano khác biệt đã trở thành người “không được phép giao du trước mặt bạn bè.” Và khiến cho anh chàng tuổi mới lớn Adachi, đã luôn phải tâm niệm: “Không sao đâu, tôi vẫn giống mọi người.”

Nhưng con người lại là loại vật có tình cảm, suy nghĩ riêng. Chính điều đó, làm người ta trở nên khác biệt, tạo lên muôn mặt kiếp người trên cõi đời này. Người ta không thể cào bằng cá tính để ép bản thân vào một khuôn mẫu nhất định nhằm mãi hèn nhát giữ lấy “vùng an toàn” cho bản thân. Bên cạnh thứ mang tên “ý thức tập thể” còn có “ý thức cá nhân” nữa. Và “ý thức cá nhân”, là điều khẳng định một người đang sống, đang tồn tại với cái tôi bản ngã riêng có nhất.

Yano đã sống trọn vẹn như thế, dẫu có nằm ngoài “ý thức tập thể”. Tiếp theo Adachi, cũng quyết định trút bỏ lớp kén bảo vệ bấy lâu như vậy, khi thức tỉnh được “bản ngã” vốn ngủ rất sâu trong hình hài quái vật trong đêm bấy lâu cậu mang. Mà chẳng phải, khi người ta hiểu rằng bản thân là một “cá nhân”, một cái tôi riêng biệt, thì người ta cũng hiểu rằng, phải sống có trách nhiệm với bản thân lẫn những người xung quanh. Để người ta nhận ra rằng, không thể giữ mãi thái độ thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước mỗi cá nhân khác và quyết định của chính mình được nữa. “Một khi là chuyện của bản thân mình, người ta không tư duy theo kiểu “đành phải chịu thôi” được.”

Bởi rằng, sống đâu chỉ đơn giản mang nghĩa tồn tại, sống còn là “cảm giác và tư tưởng” (chữ dùng của Nam Cao) Sống giữa cuộc đời đã khó, nhưng sống để được làm chính mình, với cái tôi trọn vẹn lại càng khó. Nhưng con người mà, kiếp người phù du giữa đời vô thường, chính những mâu thuẫn cùng quá trình đấu tranh giữa phần con – phần người, phần quái vật – phần nhân tính làm người ta ngày càng trưởng thành, kiên cường, mạnh mẽ và “người” hơn.

quái vật trong đêm review

Hai mặt của một đồng xu

Là con hay là người?

Là quái vật hay là con người?

“Quái vật, thật ra là gì vậy?”

Con người, thật ra là sao đây?

Trong cuốn truyện nhỏ chỉ hơn 200 trang, tác giả Yoru Sumino đã liên tiếp đặt ra những câu hỏi lớn như vậy. Những câu hỏi mà gần như trọn một kiếp sống, người ta vẫn mãi kiếm tìm. Và khi đặt những câu hỏi ấy vào bối cảnh những cô bé, cậu bé độ tuổi dậy thì, đang bơ vơ, mò mẫm kiếm tìm, khẳng định cái tôi bản ngã, lại càng thêm thấy, câu hỏi ấy đè nặng hơn bao giờ hết. Song tìm được câu trả lời cho bản thân, thì cũng là lúc, những cô bé, cậu bé ấy có đủ dũng khí đối diện với cuộc sống tương lai, tươi sáng mà cũng chứa đựng đầy những khắc nghiệt.

Vậy, là con hay là người?

Là quái vật hay là con người?

“Quái vật, thật ra là gì vậy?”

Và con người, thật ra là sao đây?

Có lẽ, chỉ có thể nói rằng, là con mà cũng là người, là quái vật mà cũng là con người. Tựa như hai mặt trên cùng một đồng xu, tựa như sáng và đêm là hai nửa của cùng một ngày vậy. “Không chỉ tồn tại vào ban đêm, “tôi” vẫn luôn hiện hữu ở nơi này.” Chấp nhận những mâu thuẫn, tôn trọng sự khác biệt, bởi con người không ai giống ai, và con người cũng chẳng ai hoàn hảo.

Bằng lối kể chuyện khá đặc biệt, người kể bằng ngôi thứ nhất, xưng “tôi” song lại mang hai sắc thái cảm xúc rất riêng là “boku” và “ore”, tác giả Yoru Sumino đã gợi về biểu tượng “hai mặt của một đồng xu” này qua những hình ảnh, ngôn từ đầy phức tạp và đa nghĩa như vậy đấy. Để rồi, trang sách gấp lại, nhưng hành trình khẳng định bản ngã, cho một thế giới, cộng đồng chẳng còn phân biệt đối xử, biết tôn trọng, trân trọng sự khác biệt của những cô bé, cậu bé ngưỡng tuổi dậy thì, vẫn tiếp tục. Một hành trình sẽ còn lắm khó khăn, gặp nhiều trắc trở, định kiến; nhưng khi đã vượt qua tất cả, cũng là khi người ta đủ kiên cường để trưởng thành, mà kiêu hãnh sống với cái tôi bản ngã riêng biệt.

Link mua sách:

Mọt Mọt