Ngay từ những tác phẩm đầu tiên cho tới những tác phẩm cuối của sự nghiệp, văn chương Kawabata Yasunari vẫn luôn hướng đến việc tái hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống xứ Phù Tang. Để rồi, từ không gian nghệ thuật mang đậm phong vị ký ức như chén trà thu về một khoảng trời đã xa, những kiếp người trên trang văn Kawabata cứ mãi lầm lũi giữa cuộc đời tựa như cánh hạc bay cuối ngàn.

Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Đam mê, ký ức đọng lại nơi chén trà

Từ vẻ đẹp trong từng thước vải được tạo lên nơi Xứ tuyết, đến lễ hội đom đóm bay trên Hồ hay nghệ thuật hội họa đượm nét Đẹp và buồn, tác phẩm của Kawabata Yasunari vẫn luôn là những tạo tác được khắc họa bằng các mảnh vụn của đam mê lẫn ký ức. Vụn vỡ của quá khứ quyện hòa cùng mê đắm, khao khát không thành hằn lên những nét văn hóa truyền thống, càng như khắc sâu thêm sự hoài vọng, cổ kính song chênh vênh, bất định nơi văn chương ông.

Và tiểu thuyết Ngàn cánh hạc cũng là một tạo tác như thế. Những mảnh vụn không trọn vẹn, đau đớn, nhức nhối tâm can, rót vào tiềm thức và trở thành ẩn ức nơi đáy sâu tâm hồn con người; như lá trà đọng lại khi chén trà đã cạn vơi. Mà ngay chính nội tại tác phẩm, bối cảnh ra đời cùng cách thức Kawabata Yasunari sáng tác Ngàn cánh hạc cũng đã gợi lên bao sự dở dang không thành nơi trước tác này – Ngàn cánh hạc là một cuốn tiểu thuyết vĩnh viễn không hoàn thiện bởi tác giả đã không thể viết tiếp khi cuốn sổ tư liệu của ông bị mất cắp. Số phận tác phẩm, như chính số phận con người trên trang văn: mãi chìm vào đam mê yêu thương lẫn nhục cảm dang dở giữa cuộn xoáy thương đau, hoài niệm.

Những đoạn tình cảm dở dang không thành vừa mang màu sắc đau thương, vừa mang màu sắc nhục cảm đấy kéo dài từ quá khứ tới hiện tại và như mang theo trong đó cả tính chất truyền đời: cơ chế chuyển giao cảm xúc từ cha sang con trai, từ mẹ sang con gái hay giữa thế hệ sau với nhau. Tất cả, tạo lên những mối quan hệ như đi ngược lại hoàn toàn quan điểm đạo lý con người: Cha của Kikuji ngoại tình với hai người phụ nữ: Hanamoto Chikako phu nhân Ota. Để rồi ngày trưởng thành, đến lượt Kikuji lại có mối quan hệ giao cảm cả về mặt thể xác lẫn tinh thần với người nhân tình trước kia của cha: phu nhân Ota. Thậm chí sau này, khi người phụ nữ đó đã tự vẫn, Kikuji và cô con gái của bà – Fumiko, lại nảy sinh một thứ tình cảm cả hai vẫn luôn gắng sức tránh né. Và ngay chính Chikako, người phụ nữ Kikuji coi như “rắn độc”, hẳn cũng chưa thể nguôi ngoai mối tình oan trái trong quá khứ, chưa thể quên đi bóng hình người xưa vẫn hiện hữu ở cảnh, vật và nhất là Kikuji – tạo tác bằng xương thịt của người đàn ông ấy vẫn tồn tại trên cõi đời.

Tất cả những con người đó, trong dòng xoáy quá khứ và hiện thực, ký ức và thực tại, chẳng ai có thể buông bỏ chấp niệm của chính mình. Người ta đắm mình trong dục vọng, nhục cảm, trong những mơ tưởng, hồi vọng như cách thức tìm đến một sự quên, như  một cách để trốn tránh hiện thực mà lánh vào phần ký ức xa ngái dẫu đã trôi đi vĩnh viễn chẳng thể níu giữ. Nhưng càng trốn chạy, con người càng mãi chìm sâu thêm vào những vụn vỡ, người ta càng thêm lạc bước trong những đam mê, khát vọng không thành.

Để rồi cuối cùng, thứ một kiếp người còn lại, chỉ là hoài vọng về những kỷ niệm dở dang trong hiện thực, vốn đầy những nghiệt ngã mà ngay chính bản thân con người chẳng thể vượt qua được định kiến, vượt thoát được luân thường đạo lý trong ánh nhìn phán xét của người đời. Và có lẽ, càng đắm mình trong khát cầu yêu thương, càng cố gìn giữ từng phần ký ức tươi đẹp được vẹn nguyên, người ta lại càng thêm day dứt, số phận lại càng khổ đau. Như phu nhân Ota, đã lựa chọn cái chết đầy đau đớn như tìm về một sự giải thoát; như Fumiko, chọn cách rời xa Kikuji như một sự trốn chạy quá khứ và thực tại đầy tội lỗi; và cả như cái chết của Chikako, một cái chết trong đơn độc của nỗi tuyệt vọng muốn níu giữ chút kỷ niệm, kỷ vật xưa.

Đam mê, ký ức đọng lại nơi chén trà. Bao kiếp người trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, quen nhau rồi vấn vương với nhau cũng qua nơi trà thất, ở chén trà thâu lại cả bầu trời hoài vọng ấy. Cha Kikuji quen biết Chikako nhờ trà đạo và Chikako, cũng là người trông coi gian trà thất, dụng cụ trà đạo của người đàn ông đã quá cố ấy như một sự nâng niu quá khứ đã xa. Tín vật giữa cha Kikujiphu nhân Ota, không gì khác cũng là những vật dụng uống trà. Kikuji gặp lại các cố nhân xưa của cha, gặp cô gái mang chiếc khăn ngàn cánh hạc – Yukiko tại một buổi tiệc trà được tổ chức ở chùa Engaku…

Chén trà nói riêng và trà đạo nói chung, đến với tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, đã trở thành một hình ảnh mang đậm tính biểu tượng trong đời sống từng cá nhân trên trang sách: Biểu tượng cho mê đắm của những trái tim khao khát yêu và được yêu, biểu tượng cho những đắm say yêu thương dở dang không thành, biểu tượng cho những mảnh vỡ trong quá khứ, cho sự vụn vỡ ở hiện tại, và cho cả những trốn chạy của con người hôm nay khi phải đối diện trước sự xâm lấn của vết thương ký ức. Nhưng chén trà có thể đập vỡ, trà thất có thể dỡ bỏ, thậm chí kẻ cuối cùng thuộc về lớp người đi trước – Chikako cũng đã tạ thế; song người ở lại, có thể thực sự dứt bỏ quá khứ với những mê đắm khi xưa để hướng tới tương lai? Hay thứ họ làm vẫn chỉ là lẩn tránh? Và rồi chính họ nhận ra càng trốn chạy, họ lại càng không thể thoát khỏi ẩn ức đau buồn; họ càng chối bỏ thì ký ức, hiện tại lẫn tương lai lại càng thêm đọng sâu vào chén trà tâm tưởng, mãi chẳng buông. “Kikuji nghĩ thật buồn thêm khi nhặt ghép những mảnh vỡ của chén trà dưới ngôi sao tươi mới. Anh vứt những mảnh vỡ trong tay xuống đó. Đêm qua, Kikuji chưa kịp ngăn thì Fumiko đã đập chén vào phiến đá trong vườn. Fumiko rời trà thất như biến mất,…

Ngàn cánh hạc review

Đọc thêm:

[Kawabata Yasunari] Xứ Tuyết: Vẻ đẹp u buồn mỹ cảm của Văn hóa Nhật Bản

Đẹp và buồn (Kawabata Yasunari) – Nỗi buồn thấm sâu trong vẻ đẹp con chữ

Cái đẹp và sự thuần khiết trên trang viết của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc

Như nhiều tác phẩm khác của Kawabata Yasunari, tiểu thuyết Ngàn cánh hạc cũng đề cập tới những mối quan hệ vượt ngoài yếu tố đạo lý luân thường của cuộc sống con người. Nhưng điều cuối cùng tác giả hướng tới, vẫn là cảm thức về cái đẹp và sự thuần khiết trên trang viết. Cái đẹp và sự thuần khiết đó, vượt lên trên những xấu xa, ti tiện của cuộc đời. Cái đẹp như một ám ảnh nhức nhối, cũng là điều người ta hướng về, đồng thời là thứ khiến lòng người, vốn mang quá nhiều vụn vỡ, đau thương cảm thấy dẫu khao khát cũng chẳng thể vươn tới. Còn phương diện thuần khiết, dù cũng phần nào khiến người ta sợ hãi, thấy tự ti và mặc cảm nhưng đó lại là sợi dây mong manh níu giữ hồn người ẩn chứa quá nhiều ham muốn ở lại với cuộc đời này.

Cái đẹp hiện lên, trước hết qua vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong văn chương của Kawabata, chưa khi nào thiếu đi bóng hình những người phụ nữ đẹp. Nhưng hơn cả vẻ đẹp hình thể, những người phụ nữ trên trang văn của ông nói chung, trong trước tác Ngàn cánh hạc nói riêng, ở họ toát lên vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nội tâm đầy tinh tế.

Những rung cảm sâu sắc đầy mâu thuẫn của phu nhân Ota với con trai của người tình cũ – Kikuji đã vượt lên trên luân thường đạo lý để tiến tới phạm trù của cái đẹp, của giao cảm tâm hồn. Kawabata tiên sinh hoàn toàn không đi sâu vào yếu tố tính dục trong mối quan hệ của hai con người này, việc ông làm chỉ là gợi mở mà từ đó, cuốn cảm xúc độc giả xuôi theo dòng tâm trạng nhân vật, của một chàng trai tuổi mới đôi mươi và của một người phụ nữ, đã trải đủ đắng cay cuộc đời. “Nó tự nhiên đến như thế […] Có thể nói không có bóng dáng đạo đức hay gì cả.” Phu nhân Ota, xuất hiện trong tác phẩm, như con người được tạo tác lên từ cõi mơ, giấc mộng. Thu vào đáy mắt, con người bà là cả bầu trời ký ức của hai người trẻ: KikujiFumiko về những năm tháng trong chiến tranh, về mối giằng xé trong hiện tại. Phu nhân Ota ra đi, nhưng linh hồn của bà vẫn mãi tồn tại nơi đáy sâu tiềm thức của Kikuji, hiện hình trong chén trà Shino Kikuji dùng làm bình cắm hoa, trong chén trà Katsura đã ngấm dấu son môi bà dùng, dẫu bị Fumiko đập vỡ. Cũng như phạm trù cái đẹp, dẫu bị hủy hoại, dẫu bị dập vùi vẫn sẽ mãi tồn tại trong tâm thức người ở lại.

Đó là cô con gái Fumiko của phu nhân Ota, một cô gái trẻ nhưng đã sớm mang những ẩn ức buồn. Fumiko thừa hưởng mọi nét đẹp cổ truyền của người phụ nữ Nhật Bản từ người mẹ: “Cô con gái cũng thừa hưởng từ mẹ cái cổ cao và đôi vai tròn. Miệng cô lớn hơn miệng người mẹ, nhất mực khép chặt. […] Đôi mắt của cô gái đen hơn mẹ, trông đượm buồn.” Cô cũng mang một tâm hồn đầy nhạy cảm nhưng khác với phu nhân Ota, Fumiko vẫn đang tranh đấu giữa những giằng xé nội tâm để sống ở thực tại. Vẻ đẹp ở Fumiko, bởi thế vừa mang nét truyền thống, vừa mang nét hiện đại.  Truyền thống trong cách thức cô gái pha trà, và hiện đại, trong quyết đoán ra đi để tìm lại một chốn bình yên cho tâm hồn.

Và ngay chính Chikako, người đàn bà hiện lên trên trang viết những tưởng là hiện thân của cái ác với ấn tượng về sự xấu xí cả ngoại hình lẫn tính cách đã hằn sâu vào tâm trí Kikuji: vết chàm lớn ở ngực cùng những lời nói, như những nọc độc của loài rắn. Song chính người phụ nữ đó, lại là người tha thiết gìn giữ những gì là kỷ niệm, là cội gốc nhất nơi tâm hồn con người. Căn trà thất nơi nhà cũ của Kikuji, những chiếc chén kỷ vật Chikako cố gắng nâng niu bằng mọi giá, nghệ thuật trà đạo cô truyền thụ lại cho những cô gái trẻ như Fumiko hay Yukiko… Chikako có thể là một người đàn bà đa đoan, một kẻ sống không hợp lòng người; nhưng ở cô vẫn toát lên nét đẹp của một người phụ nữ trân quý những nét truyền thống cho tới giây phút cuối đời. Một người phụ nữ xấu xí về mặt tâm hồn, hẳn không thể đạt tới cảnh giới cao như vậy ở nghệ thuật trà đạo, và người phụ nữ đó hẳn cũng không thể như đặt cả linh hồn vào việc gìn giữ, trân trọng những kỉ vật nhỏ nhoi tới thế. Nếu phu nhân Ota đại diện cho cõi mơ, thì Chikako đại diện cho cõi thực. Mà con người sống trên cuộc đời, đâu thể mãi đắm chìm trong mộng say không tỉnh, đuổi theo những ảo vọng xa vời? Căn gốc con người, vẫn nằm ở truyền thống, văn hóa nơi thực tại mà một người phụ nữ đa đoan như Chikako, đã giữ trọn một đời.

Từ vẻ đẹp nơi bản thể con người, cái đẹp trong Ngàn cánh hạc mở rộng tới nét đẹp văn hóa truyền thống của cả nước Nhật được Kawabata gửi gắm trọn vẹn trên trang văn. Là những bộ kimono sặc sỡ càng tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ: “Kikuji có vẻ hoa mắt một chút. Trong mắt đầy màu sắc lộng lẫy của những bộ kimono, thoạt đầu anh không phân biệt được ai với ai.” Là một phần chiều dài lịch sử Nhật Bản hiện lên qua các chuyến đi của Fumiko và được gửi gắm vào những lá thư cô viết cho Kikuji. Là chất thơ, chất nhạc, chất họa của một nền văn hóa lâu đời ẩn sau những bức tranh tường được treo trên trà thất hay qua hình ảnh ngàn cánh hạc trên chiếc khăn furoshiki Yukiko thường mang.

Đặc biệt, lớp trầm tích văn hóa truyền thống đó đã trở đi trở lại trên trang viết qua biểu tượng chén trà và trà đạo: từ nghi thức, nghi lễ pha trà đến các bước pha trà ra sao, từ những loại lá trà được sử dụng tới công dụng của từng loại chén trà như thế nào. Từ đấy bao trùm lên toàn bộ yếu tố đó là không gian văn hóa bộ môn trà đạo được Kawabata tái hiện lên qua những buổi tiệc trà, nơi không gian trà thất, thậm chí không gian ấy thấm đượm cả trong kí ức, quá khứ mỗi nhân vật. Và trong bối cảnh nước Nhật những năm 50 của thế kỷ XX, một đất nước bước ra khỏi Thế chiến thứ Hai với tư cách kẻ chiến bại, phải đối diện trước cuộc khủng hoảng căn cước sâu sắc, cội gốc truyền thống dần lung lay, phai nhạt; thì những gửi gắm trầm tích văn hóa truyền thống trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của Kawabata, lại càng thêm ý nghĩa.

Nếu cái đẹp khiến con người mê đắm vào những khao khát dở dang thì sự thuần khiết như phương thức người ta tìm tới để thanh lọc, neo đậu, níu giữ tâm hồn giữa cuộc sống ngổn ngang thương tổn. Và sự thuần khiết đó, thể hiện rõ nhất ở hình tượng Yukiko với chiếc khăn ngàn cánh hạc của cô. Trong tuyến nhân vật của Ngàn cánh hạc, Yukiko thực sự là con người của hiện tại, cô gái ấy đến với Kikuji bằng tất cả sự trong sáng, đơn thuần nhất. Yukiko dẫu được Chikako mai mối cho Kikuji, nhưng cô luôn đứng ngoài mối quan hệ phức tạp mang tính truyền đời giữa Kikuji – Chikako cùng mẹ con Fumiko. “Cô gái nhà Inamura lại pha trà cho phu nhân Ota. Cả gian phòng chăm chú nhìn về hướng ấy. Hẳn cô gái này không biết đến duyên nợ của cái chén Oribe, cô thao tác đúng như được học. […] Cành lá non hắt bóng lên tấm cửa lùa sau lưng cô gái, như phản chiếu nhẹ nhàng lên vai và tay áo kimono tươi tắn. Mái tóc cô cũng như đang chiếu sáng lung linh.” Nhưng cũng bởi Yukiko là sự tồn tại thuần khiết nhất giữa muôn vàn những cá nhân tâm hồn vốn đã chìm trong vụn vỡ mà cô gái ấy bỗng trở lên xa cách tựa ngàn cánh hạc bay trên tấm vải furoshiki, đẹp, tươi tắn mà mãi xa vời. Và khi đặt Yukiko bên cạnh những cá nhân như Kikuji hay Fumiko, độc giả lại càng thấy thêm thấm thía thương tổn ở những cá nhân mãi chẳng vượt thoát được bóng ma ký ức; đồng thời, thêm trân trọng sự trong trẻo của trái tim, tâm hồn Yukiko. Có thể nói chăng, chính nét trong trẻo vô ngần đó của cô gái, càng tăng thêm vẻ đẹp bi ai cho tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, nhưng đồng thời lại không đẩy tác phẩm tới ngưỡng cửa bi kịch của sự tuyệt vọng.

Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari

*Cre: Fanpage IPM

Đời người tựa cánh hạc bay cuối ngàn.

Không gian văn hóa trong Ngàn cánh hạc là không gian nghệ thuật trà đạo, chén trà cũng thu lại cả phần ký ức lẫn ẩn ức yêu thương của con người. Nhưng tên tác phẩm lại được đặt theo ấn tượng đầu tiên khi Kikuji gặp gỡ Yukiko: “khăn furoshiki ngàn cánh hạc trắng bằng vải chirimen màu hồng đào rất đẹp.” Và biểu tượng ngàn cánh hạc trắng, cứ vậy trở đi trở lại trên trang sách, không đa dạng về hình thức xuất hiện hay nhức nhối với tần suất dày đặc như những ký hiệu gợi tới trà đạo mà biểu tượng đấy có phần bảng lảng, mơ hồ hơn song vẫn đầy day dứt, ám ảnh.

Trà đạo, nét đẹp gắn liền với ẩn ức đau buồn Kikuji muốn chối bỏ. Ngàn cánh hạc, vẻ đẹp thuần khiết Kikuji giữ mãi trong tâm trí song một người như anh, chẳng thể nào với tới được sự trong ngần ấy. Nhưng dẫu là cái đẹp lòng người muốn chối bỏ hay sự thuần khiết xa vời, thì tới cuối cùng, chính Kikuji đã thừa nhận “những gì thuần khiết nhất không bị bất kỳ điều gì làm ô uế.” Và con người, phải chăng ký ức như chén trà cạn vơi còn cuộc đời lại tựa cánh hạc bay cuối ngàn. Trọn kiếp đời, người ta mãi đắm mình trong những đam mê dở dang, mãi kiếm tìm bản diện cái tôi giữa những vụn vỡ ký ức, khổ đau thực tại lẫn bất định tương lai.

Link mua sách: 

Mọt Mọt