Sau thành công được đón nhận của “Khu vườn mùa hạ”, Kazumi Yumoto tiếp tục mang đến cho người đọc những câu chuyện về trẻ nhỏ và quá trình trưởng thành của chúng. Bằng giọng văn tinh tế và thông điệp nhân sinh sâu sắc, tác phẩm của cô tiếp tục là bài ca dịu dàng, nhắc nhở mỗi người về ý nghĩa đích thực của tình thương, của thời gian và của sự trưởng thành.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Trang viên Cây Dương

Chiaki mới lên sáu tuổi khi bố cô bé qua đời. Chỉ còn hai mẹ con nương tựa lẫn nhau, cùng nhau lặng lẽ nếm trải nỗi cô độc của người bị bỏ lại. Cuộc sống của hai mẹ con kéo dài tưởng chừng như vô tận, cho đến ngày họ chuyển đến Trang viên Cây Dương. Ở đây, họ bắt đầu cuộc sống mới với bà cụ chủ nhà móm mém nấu ăn dở tệ, ưa sạch sẽ, khó tính khó nết. Ba năm ở đó là ba năm Chiaki dần hồi phục và tìm được những niềm vui tuổi thơ. Cho đến mãi hơn hai mươi năm sau, trong hành trình trở về dự đám tang bà cụ, Chiaki có cơ hội được sống lại những ký ức ngọt ngào khi ấy, khám phá ra được nhiều sự thật đau đớn còn ẩn giấu và lặng lẽ tìm lại được chính bản thân mình.

reviewsach.net mua thu cua cay duong
Ảnh: @kesachnho

Hành trình chữa lành bằng tình thương giản dị và ấm áp

Với một cô bé sáu tuổi, việc bố đột ngột qua đời, mẹ ngày càng xa cách vì nỗi buồn xâm lấn, lại phải chuyển đến sống ở một nơi xa lạ là một việc hết sức khó khăn. Có những nỗi bất an lo lắng xâm chiếm đầu óc cô gái bé nhỏ. Nỗi sợ quên khoá cửa, quên không mang sách vở lúc nào cũng choán hết tâm trí Chiaki. Một cô bé mới 6 tuổi đã biết nghĩ phải “luôn cẩn trọng và không phạm lỗi”, để “không bị lôi tuột vào những hố đen mà chẳng biết ở đâu và khi nào sẽ xuất hiện”. 

Lần này tác giả đã đề cập thẳng thắn đến những rối loạn lo âu ở trẻ nhỏ, những tình huống tâm lý chúng có thể phải đối mặt khi có người thân qua đời. Lại một lần nữa, ta thấy sự xuất hiện và đồng hành của những người lớn tuổi. Sự chậm rãi, thinh lặng của người già có thể là một khoảng trống yên ả cho lũ trẻ non nớt tựa vào, vừa tò mò khám phá, vừa tin tưởng dựa dẫm. Những câu chuyện kể ngắt quãng, những quan tâm thường nhật của bà cụ tuy không vồn vã ân cần cho lắm nhưng lại là những quan tâm vô cùng tinh tế. Chính bằng cách viết thư cho người trên thiên đường của bà, Chiaki đã có nơi để chia sẻ, để trút bỏ những suy nghĩ rối ren trong đầu, tự tin trò chuyện cùng người cha đã khuất, yên tâm an ủi đồng cảm với sự lặng yên của mẹ.

Bà cụ, cả cô hàng xóm Sasaki, anh bạn nhỏ Osamu và những sự việc diễn ra ở Trang viên Cây Dương năm ấy chẳng khác nào một đốm lửa nhỏ, nhen nhóm lên những tình cảm ấm áp, chân thật. Ngọn lửa ấy là khởi nguồn của một hành trình trưởng thành tuy đơn độc và có nước mắt, nhưng lại đủ ấm áp để cảm thấy được vỗ về, như buổi chiều mùa thu chớm lạnh, mấy bà cháu cùng ngồi nướng khoai ngoài sân.

Xem thêm:

Sự kết nối là mạch máu chảy ngầm trong cuộc sống

Bằng cách chỉ cho Chiaki viết thư, bà cụ chủ nhà không những xoa dịu và khoả lấp nỗi buồn cho cô bé Chiaki 6 tuổi năm ấy, mà còn giúp cô gái Chiaki 26 tuổi bây giờ tìm lại được chính bản thân mình. Trong những khủng hoảng tuổi trưởng thành, Chiaki đã từng nghĩ đến cái chết như một sự cứu cánh cuối cùng. Có lẽ với cô, những ám ảnh về cái chết của bố và nỗi oán giận mẹ cũng đã trở thành một bóng ma nặng nề, dần dần cuốn lấy tâm tưởng của mình. 

Nhưng chính trong hành trình tìm về với bà cụ lần cuối, cô đã được đọc lá thư của mẹ. Lá thư gửi cho người chồng đã lựa chọn cái chết tự nguyện, lựa chọn tự vẫn mà để lại hai mẹ con cô. Chiaki đã thấu hiểu được sự im lặng đầy giận dữ của mẹ, cảm nhận được tình yêu thương mãnh liệt mà bấy lâu mẹ cô đã dằn lòng đè nén. Tất cả đều vì muốn chở che Chiaki khỏi sự thật quá đỗi khốc liệt này. Bằng lá thư để lại, Trang viên Cây Dương và bà cụ đã lại “cứu sống” cô thêm một lần nữa.

mua thu cua cay duong by reviewsach.net
Ảnh: @hey.quinn06

Khoảnh khắc ấy, Chiaki biết mình phải sống. Cô biết rằng những kết nối giữa con người với con người mới là những mạch máu chảy ngầm trong bản thể, là nguồn dưỡng nuôi sự sống đời đời. Không chỉ những kết nối của người sống với người chết, mà cả những người thân vốn đã dần trở nên xa lạ vì chưa đủ thấu hiểu, chưa đủ cơ hội để giãi bày, chính sự kết nối ấy, mạch máu ấy sẽ trường tồn cùng với thời gian. Như cây dương trong vườn bà cụ, dù thời gian có qua, Chiaki lớn lên, bà cụ qua đời, thì cây dương hẳn vẫn còn đứng mãi đó, vươn người hãnh diện tự hào cho những điều tử tế tốt đẹp sẽ còn mãi trong cuộc sống này.

“Mùa thu của cây dương”- cuốn sách không đơn thuần là sách cho thiếu nhi. Có lẽ, Kazumi Yumoto viết cuốn này cho những người đã từng là trẻ con, những người đang loay hoay cô đơn tự tìm cách chữa lành và hàn gắn bản thể của chính mình. Dịu dàng và có chút gì đó se sắt như một làn gió mùa thu, cuốn sách sẽ đem lại những dư âm trong trẻo mà ấm áp của tình yêu thương giữa con người, và tiếp thêm sức mạnh hàn gắn vượt qua những điều mất mát dang dở trong cuộc đời.