Không kéo dài từ ngày này sang ngày khác, cũng không ẩn chứa những thảm án liên hoàn mà người người thám tử phải lần lượt chứng kiến, trải qua nhưng không thể ngăn chặn; Cung đàn báo oán, với vị thế là tác phẩm mở đầu cho series về vị thám tử tài năng Kindaichi Kosuke, lại là tập hợp của ba vụ án ngắn gọn, cô đọng hơn. Ba vụ án, ứng với ba truyện ngắn riêng biệt vừa mang tính giới thiệu, cũng vừa mang tính định hình phong cách sáng tác của Yokomizo Seishi, tác giả trinh thám nổi danh bậc nhất của thời kỳ trinh thám cổ điển Nhật Bản.

cung đàn báo oán Yokomizo Seishi

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Cuốn truyện trải qua hai lần mã hóa

Trước hết, cần phải khẳng định lại một điều rằng, Cung đàn báo oán là một tập truyện gồm ba truyện ngắn khác nhau có tên: Cung đàn báo oán, Tiếng động lạ trong giếng nước, Án mạng ở quán Mèo Mun. Bởi cấu trúc cuốn sách như vậy nên tổng thể của tập truyện Cung đàn báo oán nói chung, mỗi truyện ở tác phẩm này nói riêng, đều không có được sự đồ sộ cả về mặt nội dung, tình tiết lẫn sự trải rộng về mặt thời gian sự kiện cùng thời gian phá án như Đảo ngục môn, Rìu, đàn, cúc hay Khúc ca tú cầu của ác quỷ, các tác phẩm thuộc thời kỳ sáng tác sau này của Yokomizo Seishi.

Nhưng Cung đàn báo oán vẫn có điểm riêng đầy cuốn hút, từ đó tạo được chỗ đứng cho tác phẩm mở đầu của cả series về thám tử Kindaichi Kosuke. Vị thám tử nổi danh trong lịch sử văn học trinh thám cổ điển Nhật Bản, cái tên đã tạo lên nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác trinh thám về sau; một bộ óc tài năng ẩn dưới vẻ ngoài có phần lôi thôi, tầm thường và là một sáng tạo văn chương độc đáo của Yokomizo tiên sinh.

Điểm riêng đấy, xuất phát từ cách dẫn truyện khá thú vị được Yokomizo Seishi sử dụng xuyên suốt ba câu chuyện: cả tập truyện được xây dựng qua hai lần mã hóa liên tiếp. Tức trọn vẹn cuốn sách Cung đàn báo oán, cấu trúc tác phẩm không đơn thuần chỉ là truyện lồng truyện, án lồng án mà còn thể loại này lồng trong thể loại kia. Từ ấy, tạo lên sự phức điệu trong giọng kể, sự đa dạng ở điểm nhìn đồng thời nối kết ba truyện ngắn riêng biệt trong cùng một tổng thể mang tên: Thám tử Kindaichi Kosuke.

Thật vậy, bản thân Cung đàn báo oán đã là một tác phẩm văn chương. Nhưng trước khi sáng tác ấy ra đời, xuất bản, chính tác giả Yokomizo Seishi đã một lần mã hóa tác phẩm bằng việc tự mình hóa thân thành một nhân vật của bộ truyện. Nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám, tên Y, đi khắp nơi thu lượm các mẩu chuyện phá án ly kỳ rồi dựng thành trước tác hoàn chỉnh. Và theo lý giải như vậy, truyện về thám tử Kindaichi cũng chỉ là một phần trong kho tàng văn chương của con người đấy.

Vì thế, ở tập truyện Cung đàn báo oán, vừa có giọng kể của “tôi”, nhân vật đứng ở điểm nhìn ngôi thứ nhất kể lại toàn bộ tiến trình anh biết tới vụ án; vừa có giọng kể của người kể chuyện, nhân vật đứng ở điểm nhìn ngôi thứ ba, điểm nhìn toàn tri hướng tới cả những tình tiết dầu là nhỏ nhất. Từ thảm án ở gia tộc Ichiyanagi, xảy ra ở làng Oka–, xóm Yamanotani, “tôi” chủ động đến tận hiện trường án mạng; tới án mạng ở gia tộc Honiden tại làng K và cỗ tử thi kinh hoàng trong quán Mèo Mun thuộc thị trấn G nhà Y “tôi” được nghe Kindaichi trực tiếp kể lại; tất cả đều được xây dựng theo cách thức đó.

Cách thức mã hóa hai tác phẩm như vậy tựa một sợi chỉ đỏ xâu chuỗi ba án mạng riêng lẻ, dù không cùng nội dung nhưng lại cùng gặp nhau ở giao điểm mang tên: Kindaichi Kosuke trong chỉnh thể một tập truyện. Đồng thời tạo cho tập truyện Cung đàn báo oán hình thức như một cuốn tiểu thuyết ba chương và đưa tới cho độc giả cái nhìn toàn diện về con người Kindaichi. Chàng thanh niên mang danh thám tử nhưng vẻ ngoài lại lôi thôi, lếch thếch cùng những thói quen kỳ lạ. Song ẩn sau vẻ ngoài ấy là óc phán đoán sắc bén, sự nhạy cảm, tinh tế mãnh liệt trước mỗi vụ án hóc búa; làm cho người đối diện, đi từ ánh nhìn hoài nghi, ngờ vực đến tin tưởng tuyệt đối vào con người vẻ ngoài bình thường mà không hề tầm thường này.

cung đàn báo oán review

Ba vụ án, ba thủ pháp gây án riêng biệt

Tuy nhiên, dù xoay quanh cùng một nhân vật trung tâm trong một tập truyện thì Cung đàn báo oán vẫn là tập hợp của ba truyện ngắn với ba vụ án riêng lẻ, xảy ra ở không gian khác nhau, bối cảnh khác nhau và ba hung thủ khác nhau, đã sử dụng ba thủ pháp riêng biệt để gây án. Mà từng thủ pháp ấy như đặc trưng cho một dạng thức chung vẫn thường xuất hiện trong tiểu thuyết trinh thám. Với Cung đàn báo oán là án mạng trong phòng kín, tại Tiếng động lạ trong giếng nước là một người hai vai, còn Án mạng ở quán Mèo Mun lại là tử thi không mặt.

Nhưng dẫu có thể dễ dàng gọi rõ thể loại của mỗi vụ án mạng xuất hiện trên trang viết Cung đàn báo oán thì tác giả Yokomizo Seishi vẫn rất khéo léo trong việc dẫn dắt độc giả đến những bất ngờ liên tiếp tới tận khi tấm màn bí mật được vén lên. Và đó chính là chất riêng, khu biệt Cung đàn báo oán với các tác phẩm khác trong cùng series của Yokomizo Seishi và cả các tác phẩm trinh thám cổ điển trước kia hay cùng thời.

Như ở Cung đàn báo oán, dù là án mạng trong phòng kín nhưng cuối cùng, sự thật phơi bày trước ánh sáng lại không phải là cách thức hung thủ đã vào phòng kín gây án bằng cách nào rồi thoát ra theo phương thức gì ngay trước mắt bao người chứng kiến. Mà điểm mấu chốt lại nằm ở nạn nhân, nghi phạm cùng thủ pháp gây án kì lạ mang đầy nét ma mị: tiếng đàn tranh lạc nhịp quái dị vang lên trong nhiều đêm liên tiếp. Án mạng trong phòng kín, vừa là án mạng nhưng lại cũng không phải án mạng. Điểm độc đáo của Cung đàn báo oán chính là ở điểm này.

Hay như Tiếng động lạ trong giếng nước là trường hợp một người phải diễn hai vai: vừa là người này, cũng lại là người kia. Sự thật trong tiểu thuyết trinh thám từ cổ điển tới hiện đại, “một người hai vai” là dạng thức hết sức phổ biến, khi xuất hiện những cá nhân “vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ.” Nhưng trường hợp của Tiếng động lạ trong giếng nước, “một người hai vai” không chỉ đơn thuần như thế. Bởi vị “thám tử” trực tiếp phá giải vụ án trong câu chuyện này không phải Kindaichi mà chính là một người trong cuộc, cô bé Tsuyuro. Nhưng cũng vì là người trong cuộc, nên cô bé đã bị những ấn tượng ban đầu cùng tác động từ phía ngoài đánh lạc hướng, vô tình gán cho “hung thủ” danh tính khác. Và hung thủ, vô hình trung đã sống và đóng hai vai: vai của chính hắn và vai của người đồng đội, cũng là người em cùng cha khác mẹ đã hi sinh.

Hoặc trong Án mạng ở quán Mèo Mun, thoạt trông, đây thật sự là vụ án “tử thi không mặt” điển hình bởi cỗ thi thể lúc được phát hiện đã bị phân hủy đến không thể nhận diện gương mặt. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy bởi càng điều tra, cảnh sát càng như lạc trong mê cung danh tính nạn nhân: Shige hay Ayuko và hung thủ, là Ayuko hay Shige? Bởi, vụ án này, ngoài mang hình thức tử thi không mặt còn chứa đựng yếu tố “một người hai vai” khi hung thủ thật sự đã lợi dụng điểm mù của cả nạn nhân lẫn người điều tra để diễn trọn hai vai đúng “vừa là nạn nhân – vừa là hung thủ”.

Chính chất riêng trong nét chung đã làm nên sự độc đáo cho ba vụ án xuất hiện trên trang văn Cung đàn báo oán. Nhất là khi ba câu chuyện không quá dài nên tính cô đọng, hàm súc, tiết tấu tác phẩm cũng nhanh chóng được đẩy lên cao trào. Và tất cả, càng góp phần tăng thêm chất “cổ điển” cho cuốn truyện trinh thám vốn đã mang đậm chất truyền thống ở lối viết tỉ mỉ trong cách hành văn, ở mỗi tấm sơ đồ được vẽ chi tiết này.

cung đàn báo oán

*Cre: Page IPM

Link mua sách:

Nước Nhật thời hậu chiến

Ra đời ngay sau Thế chiến thứ Hai, được viết bởi một tác giả đã trải đủ đau thương chiến trận từ hai cuộc thế chiến, từng nghỉ dưỡng bệnh ở Shinshu, sống cuộc đời đơn sơ ở Okayama, nên có thể nói, bên cạnh chất trinh thám, bóng hình nước Nhật thời hậu chiến đã hiện diện trên hầu khắp trang viết của tập truyện Cung đàn báo oán. Một nước Nhật bước ra từ chiến tranh với tư thế của kẻ chiến bại, phân tầng xã hội, nhất là ở nông thôn truyền thống đang dần đổi thay, rạn vỡ. Cùng với đó là những cảnh tượng tiêu điều của một đất nước thua trận thấp thoáng qua các câu văn trần thuật. “Gia chủ nhà Ono tên Uichiro, ba mươi năm trước rời làng đi Kobe mở cửa hàng văn phòng phẩm, nay cơ nghiệp bị bom đạn san phẳng, đành bỏ về quê. Uichiro rời làng khi mới hai mươi mấy, vậy mà giờ đã thành lão già tiều tụy, tóc bạc phơ.

Nhưng không chỉ có cảnh, nước Nhật thời hậu chiến còn thể hiện qua bóng hình con người đi ra từ bom đạn với những vết thương vĩnh viễn không thể chữa lành. Chiến tranh đẩy cảm xúc tiêu cực lên đến đỉnh điểm, hủy hoại cuộc sống, thân xác lẫn tình cảm con người và là một trong những tác nhân gián tiếp gây lên những vụ án đẫm máu ở tập truyện Cung đàn báo oán. Xây dựng ba vụ án với bóng hình những hung thủ, nạn nhân gần như chẳng ai hoàn toàn vô tội, ai cũng mang một nỗi ích kỷ, một lòng hận thù hay một cảm xúc cực đoan thái quá… bên cạnh thảm kịch tinh thần thời hậu chiến; tác giả Yokomizo Seishi ngoài khắc họa góc khuất tâm hồn con người, ông đã gián tiếp góp lên nói lên tiếng nói phản chiến mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nước Nhật sau chiến trận không chỉ có bi thương, mà đất nước ấy, vẫn là cả một dài không gian văn hóa truyền thống cần vực dậy, gìn giữ. Như bộ môn đàn tranh tao nhã hay những bức bình phong ẩn chứa cả câu chuyện truyền kì của văn hóa dân gian.

Và sự quyện hòa của không gian văn hóa truyền thống Nhật Bản cùng tiếng nói phản chiến mạnh mẽ ấy không chỉ được Yokomizo Seichi tái hiện trong một tập truyện Cung đàn báo oán. Mà đây đã như trở thành cảm thức xuyên suốt từ những ngày đầu sáng tác cho tới các tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp vĩ đại của nhà văn trinh thám cổ điển bậc nhất Nhật Bản này.

Mọt Mọt