Vẫn các trang viết dưới dạng nhật ký “đi sâu vào vùng cấm kị của con người”, vẫn những khắc khoải dục vọng mãnh liệt quyện hòa cùng nỗi bất lực tột cùng của người đàn ông tuổi đã xế chiều; nhưng khác với Hai cuốn nhật ký, Nhật ký già si gần như chỉ là sự ghi chép, tự truyện của một ông lão ở độ tuổi gần đất xa trời. Song thấm sau những dòng nhật ký chất chứa mê đắm dục vọng ấy là tiếng cười tự trào đầy cay đắng, sự mâu thuẫn giữa sống và chết, tồn tại và hư vô của con người giữa mối quan hệ gia đình và rộng hơn là các mối quan hệ xã hội, trong bối cảnh nước Nhật thời hậu chiến.

Nhật ký già si

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Lời tự trào của ông lão tuổi 77

Chuyện kể rằng, ông lão Utsugi, 77 tuổi, sau cơn đột quỵ thập tử nhất sinh, đang nhận sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ, y tá riêng và đã dần hồi phục liền quyết định bắt tay vào việc viết nhật ký. Nhưng sự thật, đây không phải lần đầu tiên ông lão ấy làm công việc này. Tuy nhiên, đấy lại là một hình thức đặc biệt để ông bày tỏ cảm xúc, giãi bày tâm sự mang tính cá nhân, trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt.

Vào cái tuổi 77, độ tuổi con người tiến gần hơn với cõi chết, người ta nảy sinh cảm giác hãi sợ cái chết, ham muốn tận hưởng thêm khoái lạc cuộc đời, và đây cũng là một trong những thời khắc, con người ta sống thành thật nhất với xúc cảm, suy nghĩ của bản thân, kể cả suy nghĩ đó có tréo nghoe, hoang đường tới đâu đi nữa. Những ông lão, bà lão tuổi 77, cảm xúc biến đổi tựa đứa trẻ, đam mê khao khát lại tựa thanh niên nhưng sức lực để có thể hưởng thụ trọn vẹn lạc thú thì chẳng còn bao nhiêu nữa.

Cái tuổi 77, tự bản thân nó đã mang một ý nghĩa đặc biệt như thế. Nhưng với riêng ông lão Utsugi, sự đặc biệt ấy còn lớn hơn khi bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, cũng là lúc, ông vừa trải qua cơn đột quỵ, vừa vượt thoát cửa tử chưa bao lâu. Vì thế, những mâu thuẫn dồn dập càng giằng xé gay gắt hơn trong nội tâm ông lão nhiều nhục dục đấy. Mà từ đó, tuôn chảy thành mỗi dòng nhật ký, trước hết, tựa những lời tự trào với hoàn cảnh chính bản thân ông hiện tại.

Tự trào bởi chính ông biết, thời gian cho ông chẳng còn bao nhiêu nữa. Tự trào, bởi chính ông cảm thấy bất lực, trước đam mê sắc dục vẫn còn quá lớn. Tự trào, bởi chính ông nhận ra, nỗi tuyệt vọng đến thảm hại khôn cùng khi sự già nua, ốm yếu, mê đắm của ông bị đặt cùng dưới một mái nhà với sự trẻ trung, xinh đẹp, giàu sức sống của cô con dâu Satsuko. Và tự trào, bởi chính ông khi hồi tưởng quá khứ trong sự bi đát của hiện tại lại càng thêm vô vọng vào tương lai.

Chính vì vậy, sự tự trào mang tính tự truyện, xuất phát từ điểm nhìn, ngôi kể thứ nhất của ông lão Utsugi trong Nhật ký già si lại càng thêm cay đắng, thấm thía. Yếu tố sắc dục tràn ngập trên trang sách, bởi thế, không đơn thuần chỉ là sự ám ảnh xuất phát từ một ông lão tuổi 77 vẫn còn đam mê tửu sắc. Mà hơn cả, đó còn là chất xúc tác để ông lão ấy thể hiện trọn vẹn mọi khía cạnh sâu kín nơi tâm hồn qua từng trang nhật ký ngỡ chỉ là những lời tự sự dửng dưng, nhẹ bẫng. Nhưng ẩn sâu bên trong là tiếng cười ra nước mắt của một người đàn ông đã đi tới gần trọn cuộc đời, vẫn muốn hưởng thụ cuộc sống, giao hòa cái đẹp, thậm chí kể cả khi, sự thèm khát đó trái với luân thường đạo lý và tương lai người đấy có lìa đời.

Nhật ký già si Tanizaki Junichiro

Đọc thêm: Hai cuốn nhật ký – Tiểu thuyết khiêu dâm hay áng văn trinh thám?

Cái chết, cảm thức nhức nhối trên trang viết Nhật ký già si

Không phải tới Nhật ký già si, cái chết mới trở thành biểu tượng trở đi trở lại trên trang văn Tanizaki Junichiro mà đó là cảm thức chung, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhưng, Nhật ký già si, với tư cách một tác phẩm có vị trí khá đặc biệt: là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của văn nghiệp Tanizaki Junichiro, ra đời khi ông đã 75 tuổi và viết về một cá nhân cũng hết sức đặc biệt, ông lão tuổi 77, với những dục vọng đằm sâu trong từng dòng nhật ký tựa tâm nguyện cuối cùng. Thì cái chết lại càng trở thành cảm thức nhức nhối hơn bao giờ hết. Bởi đó chính là thời điểm, con người như đã bước một chân vào cánh cửa tử, sống hôm nay, ai biết tương lai vào hôm sau.

Nhất là một ông lão vừa trải qua những giây phút cận kề cái chết, vừa vượt thoát khỏi cơn nguy kịch bởi chứng đột quỵ như lão già Utsugi, thì càng hiểu lắm điều đấy. Vì thế, trang nhật ký của ông cũng như một dạng tâm sự, hay là tâm nguyện trước ngày cuối đời. Và cái chết, từ đó cũng mang theo những biểu hiện khác nhau trong từng dòng lưu bút mà lão Utsugi viết ra.

Đó là lời nói mang tính khách quan từ những người thân xung quanh ông Utsugi như câu nhắc nhở hay lo lắng của bác sĩ lẫn y tá riêng, trước mỗi thay đổi, dù là nhỏ nhất trong cuộc sống, nội tại có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chút hơi tàn còn lại của lão già 77 tuổi hay lời càu nhàu của người vợ già vẫn ở bên ông ta bao năm. Song hơn cả, vẫn là ý thức tự thân lão cảm nhận. Bởi, có lẽ chẳng ai hiểu sức khỏe của lão hơn chính bản thân lão.

Lão nhận thấy cái chết gần kề ngay khi ở bên cạnh cô con dâu xinh đẹp, gợi tình Satsuko. Huyết áp lão tăng cao, mạch máu của lão như vỡ tung. Mỗi lần Satsuko tăng thêm cho lão một ân huệ, cảm tưởng lão già Utsugi lại gần cái chết hơn một chút. Lão biết nhưng lão vẫn chấp nhận điều đó như một sự đón nhận cái chết đầy thản nhiên, chỉ cần bản thân lão thỏa mãn với hiện tại.

Thậm chí, đích thân lão đã đi chọn lựa, chuẩn bị lấy phần mộ cho riêng mình, chuẩn bị tới cả tiểu tiết về hình dáng bia mộ lẫn loại đá sẽ được sử dụng để xây dựng phần mộ đấy. Một kẻ, nghĩ và chu toàn tới tận cùng như thế, dù mục đích ẩn sâu có thiếu trong sáng, mang tính dục vọng cá nhân đến mức nào, thì cũng không thể phủ nhận, kẻ đó đã trăn trở và sẵn sàng cho việc lìa đời rồi.

Tuy nhiên, cảm thức về cái chết trong tâm thức lão già Utsugi không đơn thuần chỉ gắn liền với dục vọng như vậy. Mà sâu xa hơn, cảm thức đấy hiện lên với đa dạng hình thức biểu hiện. Như một kẻ sắp ra đi về cõi vĩnh hằng, vẫn thường hồi tưởng lại ký ức thơ ấu cùng những bóng hình nhòe mờ đã trở thành một phần trong tiềm thức; giống với lão Utsugi, trong cơn mê sảng, đã hồi tưởng về mẹ cùng tiếng dế kêu năm xưa.

Hay chính như giọt nước mắt lão không thể cầm giữ nổi, khi đối mặt với những lời thăm hỏi ngây thơ đứa cháu trai nhỏ dại Keisuke. Giọt nước mắt của tình thân, tình ruột thịt; giọt nước mắt của bao luyến lưu, nuối tiếc. Giọt nước mắt của kẻ biết thời gian chẳng còn là bao khi đối diện trước sinh linh, còn cả tương lai phía trước. Có lẽ, trong một tập truyện, một tập nhật ký đậm đặc yếu tố sắc dục như Nhật ký già si, thì khoảnh khắc ông lão Utsugi đối diện với cậu bé Keisuke chính là khoảnh khắc trong trẻo nhất. Ẩn ức tính dục vẫn còn đấy, nhưng đó chỉ là dục năng, là lòng ham muốn được sống của một lão già, biết rằng bản thân đã cận kề cái chết tới nhường nào.

Nhật ký già si review

Dục vọng và hư vô

Văn chương của Tanizaki Junichiro trước giờ vẫn luôn như thế, tràn ngập yếu tố sắc dục. Ông đi sâu vào “vùng cấm kị của con người” rồi khắc họa lên trang viết những ham muốn trần trụi của mỗi cá nhân, không riêng cứ đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ. Nhưng với một sáng tác mang nhiều điểm đặc biệt cùng tiên đoán về sự kết thúc như Nhật ký già si, thì dục vọng trên trang viết của Tanizaki Junichiro, không chỉ đứng đơn độc mà còn song hành, hòa quyện cùng khía cạnh khác: yếu tố hư vô.

Thật sự, chất hư vô trong cuốn tiểu thuyết này được thể hiện rất rõ đằng sau cảm thức về cái chết tới mức ám ảnh từng trang nhật ký của ông lão Utsugi. Bởi ông lão nhận thức rõ về hai chữ sinh tử nên ông cũng hiểu rằng, con người sinh ra từ cát bụi cũng sẽ trở về cát bụi. Ham muốn đậm sâu, khát vọng chiếm hữu tới tột cùng, rồi cũng đành bất lực trước vòng xoáy thời gian cùng quy luật đời người.

Và với ý nghĩa là cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp một tác giả thiên tài, đã sống như một dấu gạch nối của những khoảnh khắc chuyển giao mạnh mẽ của thời thế; bởi thế dục vọng cùng hư vô trong Nhật ký già si, đã mang tính phổ quát, vượt ra ngoài nghĩa tường mình của ngôn từ ở tập truyện, tựa cuốn nhật ký này. Dục vọng vừa chỉ yếu tố sắc dục vẫn hiện hữu trong trọn những sáng tác của Tanizaki Junichiro, vừa là niềm ham sống, ham muốn tận hưởng trọn từng giây phút, mặc cho đúng sai, sự đời. Đồng thời hư vô, đâu chỉ là một khía cạnh của cõi Phật về sự tồn tại của con người giữa cuộc đời cùng sự hóa thân của con người sau khi tạ thế, mà đó còn là nỗi bất lực của đời người, khi đứng trước quy luật tất yếu của tạo hóa.

Link mua sách:

Mọt Mọt