Hội yêu thích trinh thám Đại học Shinko chỉ có hai thành viên: Hội trưởng Akechi Kyousuke và hội viên Hamura Yuzuru. Họ được mệnh danh (tự phong) là cặp đôi trinh thám Holmes và Watson của trường. Và công việc chính họ vẫn làm, là giải đáp những bí ẩn (họ tự thấy) đồng thời luyện khả năng suy luận bằng cách quan sát các đối tượng bất kì.

Cho đến ngày, một cơ duyên đặc biệt đến với cả hai, mở ra cho họ cơ hội tiếp cận bí ẩn to lớn, khi một lá thư đe dọa xuất hiện ngay trước thềm chuyến tập huấn thường niên của Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh. Và đây cũng là thời điểm, bộ đôi Holmes – Watson trường Shinko làm quen với Kenzaki Hiruko, cô nàng trinh thám chính hiệu đã giúp cảnh sát phá nhiều vụ án hóc búa. Tuy nhiên, chuyến đi đó thực sự cơ duyên hay tai họa, đẩy con người ta đối diện trước hiểm họa sát thân.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

kẻ sát nhân trong ngôi nhà wingsbooks

Câu chuyện tích hợp từ nhiều điểm nhìn

Đoạt giải thưởng Ayukawa Tetsuya lần thứ 27 vào năm 2017, và nhận được “đánh giá cao từ Hội đồng tuyển chọn”, tiểu thuyết Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc “là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố giả tưởng và yếu tố trinh thám”. Điều đó đúng! Bởi tác phẩm này cấu thành lên từ cấu trúc truyện lồng truyện: vụ án giết người hàng loạt, lồng trong thảm họa zombie bất ngờ ập đến. Tuy nhiên, chỉ thế thôi có lẽ là chưa đủ. Bởi “sự kết hợp hoàn hảo” ấy, trước hết được tác giả Mamura Masahiro xây dựng nên từ một hệ thống điểm nhìn hết sức đa dạng.

Mặc dù gần trọn tác phẩm, là dòng tự sự của chàng trai Hamura Yuzuru xưng tôi, kể lại từ quãng thời gian bình dị thuộc về đời sống một sinh viên bình thường đến những ngày kinh hoàng trải qua tại biệt thự Shijin. Tuy nhiên, đan xen với mạch tự sự ấy, vẫn còn những “tôi” khác, ẩn mình trong bóng tối, đang tự độc thoại nội tâm hay tự vấn, dõi ánh nhìn theo từng hành động mờ ám của chính mình. Và cả, ngay bức thư đầu tác phẩm, chẳng phải cũng lại gửi tới một cá nhân khác nữa đó sao? Tất thảy, làm cho cuốn truyện Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc, phủ trùm một không khí đầy ma mị, u ám ngay từ những chương truyện đầu tiên.

Vì sự chuyển dịch liên tiếp điểm nhìn tự sự ngay trong ngôi kể thứ nhất, là tôi, nhưng cũng không phải là tôi đó, khiến mạch truyện trở nên đầy biến ảo. Những mảnh ghép rời rạc về thảm kịch liên hoàn theo đó dần hiện hình trước mắt độc giả. Nhưng riêng những người trong cuộc, vẫn phải mò mẫm trước thứ tội ác chồng lên tội ác, giữa bối cảnh, như một thước phim kinh dị thời chiến quốc: thù trong giặc ngoài; thù trong tối còn người ta, chỉ biết gồng lên sinh tồn, trơ trọi ngoài sáng.

Mạch truyện do cái tôi Hamura làm chủ đạo dẫn dắt tác phẩm song hành cùng mạch truyện mở đầu mỗi chương về những cái tôi bí ẩn nằm sâu trong tối, tựa hai đường thẳng song song không có giao điểm. Vậy nhưng, tất cả, vẫn móc nối với nhau, nơi thảm họa diệt chủng hôm nay và bi kịch đẫm nước mắt khi xưa, tại chính không gian hẹp của biệt thự Shijin. Khiến cho quá khứ tựa đang chồng lấn lên hiện tại.

Cũng như, những cái tôi dần chồng lấp lên nhau giữa hai bờ vực sáng – tối. Rằng dẫu có là ai, cô nàng trinh thám Kenzaki hay chàng trai được gán cho cái danh Watson giống với đôi mắt dõi theo cả tiến trình câu chuyện; kẻ thủ ác của hàng loạt án mạng hay kẻ đã tạo nên chủng virus chết người; nạn nhân hiện tại, hung thủ quá khứ… Dường như, họ đều mang theo góc khuất tâm lí và không ai, hoàn toàn trong sạch hoặc hoàn toàn là cặn bã, để mặc cho người khác phán xét hoặc định đoạt cuộc đời. “Có khi nào, mấy người bọn họ mới chỉ bộc lộ khía cạnh đáng khinh nhất trong con người của họ thôi chăng? Nếu không kể đến một điểm duy nhất đó, bọn họ cũng đâu phải là người quá tệ?”

Cái tôi tiểu thuyết Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc chuyển dịch muôn mặt, phải chăng, cũng là một hình ảnh ẩn dụ tác giả Imamura Masahiro tạo dựng, về cái tôi con người vẫn mãi phức tạp, bất nhất, chênh vênh bên bờ thiện – ác, đúng – sai, cứu rỗi – chuộc tội như thế.

kẻ sát nhân trong ngôi nhà review

Yếu tố kinh dị giả tưởng và yếu tố trinh thám

Có thể nói rằng, nếu Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc chỉ có riêng yếu tố kinh dị giả tưởng hay yếu tố trinh thám, thì câu chuyện này đều sẽ thiếu đi một phần quan trọng cấu thành tác phẩm đã thắng giải Ayukawa Tetsuya lần thứ 27. Bởi, nếu chỉ là kinh dị, tiểu thuyết này khác chi một ấn phẩm về zombie thông thường. Còn nếu chỉ có trinh thám, thì phải nói rằng, yếu tố trinh thám ở Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc khá yếu.

Một phần, do tác giả Imamura Masahiro đã chủ động hé mở, gợi ý thẳng tới chân tướng “kẻ sát nhân”. Nhưng phần lớn nằm ở khía cạnh, tình tiết vụ án của tác phẩm này kinh điển tới mức không quá phức tạp. Khi mà không gian gây án thuộc về một không gian khép kín – biệt thự Shijin và đối tượng tình nghi vẫn luôn hướng tới một nhóm người khu biệt, tức những ai hiện đang sống trong căn biệt thự đấy. Và người đọc, nhất là độc giả đam mê trinh thám, với góc nhìn toàn tri, trung lập nhất, càng thêm phần, không chỉ dễ dàng đoán được danh tính hung thủ mà cả cách thức lẫn động cơ hung thủ gây án.

Tuy nhiên, khi kết hợp hai yếu tố trên trong cùng một câu chuyện, thì Imamura Masahiro đã khắc phục gần như trọn vẹn, những gì là khuyết thiếu để đưa tới bạn đọc, một Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc trọn vẹn nhất.

Nơi ấy, có sự căng thẳng đến cực độ khi sự sống con người treo ngược trên từng khắc, từng giây trước mối hiểm họa tới từ biển xác sống kinh hoàng. Vốn nghĩ xác sống chỉ là chuyện giả tưởng, vậy nhưng trên trang viết của Imamura Masahiro, chuyện hoang đường ấy lại hiện diện thực tế với đầy đủ cơ sở lịch sử lẫn khoa học. Bởi những kẻ cực đoan, đã gieo mầm xác sống vào nhân loại.

Và, trước biển xác bước đi vô hồn, ý thức về sinh mệnh con người mong manh lại càng mạnh mẽ. Đồng thời, ở đó, còn như chứa đựng sự tự ý thức của tác giả về “tính người” ở mỗi cá nhân chính nằm ở nhận thức của họ về thế giới. Để rồi, trên bức tranh như đẫm mùi máu tanh giữa biển xác sống biết đi với những cá nhân đơn bạc, yếu đuối, nhịp truyện nhanh, dồn dập với khoảng không gian và thời gian co hẹp, bao mâu thuẫn, đối lập cứ vậy hiện hữu. Rằng, so với xác sống, người ta như cũng chẳng có nhiều khác biệt về nhân hình, nhân dạng. Nhưng, con người đang sống và nhận thức được sự sống để đấu tranh, sinh tồn, chính là biểu hiện, cho thứ khát khao nguyên bản nhất.

Không chỉ vậy, yếu tố kinh dị trong tiểu thuyết Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc là giả tưởng, yếu tố trinh thám cũng là sự phác họa tưởng tượng của riêng tác giả Iwamura Masahiro. Nhưng chân dung mỗi cá nhân trên trang viết, lại mang dang dấp con người hiện thực. Khi bất cứ ai, đối diện với cuộc sống và với chính đồng loại, vẫn luôn mang theo những chiếc mặt nạ khác nhau tạo lên từ quá khứ bi thương, hằn thù che mắt hay cảm xúc che chở, bảo vệ… Vậy “cái tôi” họ đang thể hiện, là bản chất con người họ hay vốn dĩ, bản thân con người họ, mãi ẩn sau “cái tôi” giả tạo ấy? Mà chỉ một quyết định sai lầm, đánh đổi phía trước, là cả sự ân hận, giằng xé khôn dứt. Và xét trên góc độ phức tạp về bản thể con người này, ta mới chợt nhận ra, xác sống có lẽ lại trở thành một thứ tồn tại hết sức giản đơn, đơn thuần.

kẻ sát nhân trong ngôi nhà*Cre ảnh: Kim Đồng – Wings Books

Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc, từ điện ảnh đến tiểu thuyết

Phát hành vào năm 2017, được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2019, công chiếu tại Việt Nam vào năm 2020 với tên gọi Dinh thự xác sống và tới 2021, WingsBooks xuất bản tiểu thuyết gốc, dù không thể tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ như các bom tấn điện ảnh hay tiểu thuyết khác, thì có thể nói, sự chuyển tải tác phẩm từ ngôn ngữ văn chương đến ngôn ngữ điện ảnh, vẫn tạo lên những sự song chiếu, đối chiếu khá thú vị cho độc giả. Đặc biệt khi đây gần như là một sự tiếp nhận “ngược” với người đọc Việt Nam: từ ấn phẩm phái sinh tới tác phẩm nguyên mẫu.

*Trailer live action Dinh thự xác sống (Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc. Phim quy tụ dàn diễn viên trẻ đầy tài năng của nền điện ảnh Nhật Bản hiện tại như Kamiki Ryunosuke, Minami Hamabe, Tomoya Nakamura…

Nhưng, dẫu là tiểu thuyết hay điện ảnh, Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc vẫn là một thước phim chứa đựng những “góc máy” hướng về góc khuất con người. Mà ở đấy, không một ai hoàn hảo. Ai cũng như mang thân phận, vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ trong chính cuộc đời mình. Con người mang theo định kiến cùng những phán đoán ích kỉ, hẹp hòi. Nên cuộc đời mỗi người, mới như là một chuỗi nối dài quá trình lựa chọn – sai lầm – chuộc tội. “Tinh thần chính nghĩa nông cạn và hời hợt của tôi, đã vô tình đẩy cô ấy lún sâu ơn vào tội ác của ma quỷ.”

Như cách, Watson Hamura đang chuộc tội với ngài Holmes Akechi của anh, sau tất thảy bi kịch đã qua vậy.

Link mua sách:

Mọt Mọt