“Tôi là C, gọi là Q, là K cũng được. Cái chính là tôi có phải là tôi hay không.” Cả trọn sự nghiệp văn chương, cả trọn cuộc đời, nhà văn Tô Hải Vân đã luôn trăn trở trước câu hỏi “tôi có phải là tôi hay không” đó. Để rồi lần nữa, câu hỏi ấy trở lại đầy khắc khoải nơi những con người mất đi danh tính trong Khởi đầu là mèo, cuốn tiểu thuyết ông viết những năm cuối đời phải chống chọi với căn bệnh ung thư ác tính nhưng vẫn mãi tâm niệm “nở một nụ cười” khi được là chính mình.
Hai tuyến truyện cùng song song tồn tại
cd393225d65c0000d33a10fc2eb682a0
Khác với nhiều cuốn tiểu thuyết khác toàn bộ tác phẩm là một thể thống nhất cùng xoay quanh một cốt truyện, một tuyến truyện về một cá nhân nhân vật trung tâm tác phẩm. Tiểu thuyết Khởi đầu là mèo của nhà văn Tô Hải Vân lại tồn tại song song hai tuyến truyện trong cùng một kết cấu cấu trúc cốt truyện. Và hai tuyến truyện đó có vị trí, vai trò tương đương trong tổng thể tác phẩm. Một bên là cuộc đời ông lão V, một ông lão ngoài 60 khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư đã quyết định dọn ra sống độc thân tại căn hộ thuộc tầng 17 một tòa chung cư với khao khát viết ra được tất cả những gì lão muốn, tất cả những gì lão nghĩ, những gì lão đã từng thể nghiệm, chiêm nghiệm qua. Một bên là câu chuyện về C, một anh chàng ngày 15/4 bỗng xuất hiện những đặc tính của loài mèo.
Liên tiếp như vậy, xuyên suốt tiểu thuyết Khởi đầu là mèo, phần truyện về C kết thúc cũng là lúc phần truyện về ông lão V mở ra. Nhưng cũng có những phần, hai nhánh truyện đó hợp nhất trong cùng một chương với sự gặp gỡ, trò chuyện của hai nhân vật. Bởi vốn dĩ, C và lão V là hàng xóm láng giềng, cả hai một già một trẻ dẫu có thể khác nhau về số phận, phong thái, hoàn cảnh sống nhưng lại gặp nhau ở sự “dị biệt”. Họ chính là những con người thuộc về phần thiểu số trong xã hội, khao khát được giao cảm với cuộc đời song luôn mặc kẹt giữa vòng chữ ta – chữ tôi, trong mâu thuẫn hòa nhập và hòa tan vào tập thể.
Bởi thế, hai tuyến truyện song song tồn tại về hai kiếp đời khác nhau không chỉ tạo lên cấu trúc phân mảnh, phân rã cho cốt truyện của Khởi đầu là mèo mà còn khiến cho cả câu chuyện trở lên đầy mơ hồ, kỳ ảo. Tác giả Tô Hải Vân viết về C đó mà sao như lại nói tới cuộc đời lão V, viết về lão V đó mà sao thấp thoáng bóng hình của C, viết về đời sống hai nhân vật mà sao như tái hiện lên kiếp sống những người trí thức đương đại “tài cao phận thấp chí khí uất” (chữ Tản Đà) luôn đau đáu, khắc khoải những tiếng nhân cách, nhân tình, thế thái. Để độc giả từ đấy thấy rằng cuộc đời con người vốn được cấu thành lên từ những vụn vỡ, lo toan, suy tư đầy vụn vặt với đủ những mối quan hệ gia đình, công việc, xã hội khác nhau.
Bằng một giọng văn hóm hỉnh, hài hước nhiều khi là châm biếm, giễu nhại cuộc đời, giễu nhại người đời, thậm chí là giễu nhại chính mình; bằng ngôn ngữ mảnh vỡ được tạo lên từ việc sử dụng liên tiếp những câu văn ngắn, dấu phẩy ngắt câu liên tục; bằng sự chồng chéo liên tiếp các chiều không gian, thời gian khác nhau trong một cốt truyện có hai trục phân mảnh song song cùng tồn tại; tác giả Tô Hải Vân không chỉ tái hiện phần nào cuộc sống con người đương thời mà đó còn là một phần lát cắt của xã hội đương đại. Xã hội luôn tồn tại nhiều mặt trái chiều, ở đó luôn có những điều xấu xa, tiêu cực, những trái ngang nghiệt ngã như muốn bóp nghẹt đam mê, ước mơ, lý tưởng của con người. Nhưng xã hội cũng ẩn chứa những bất ngờ, những điều ngọt ngào, hạnh phúc khiến người ta không ngừng ham sống, phấn đấu và hi vọng.
Bên cạnh đó, cần phải nói thêm rằng, không phải tới tiểu thuyết Khởi đầu là mèo, nhà văn Tô Hải Vân mới phân tách cốt truyện ra thành nhiều tuyến truyện với sự đa dạng điểm nhìn, ngôi kể, sự đan xen giữa hiện thực – hư ảo như vậy mà trước đó, ở các truyện ngắn hay hai tiểu thuyết Người thứ hai, 6 ngày, thủ pháp này cũng đã được ông liên tục sử dụng. Nhưng phân tách, vụn vỡ tưởng thiếu tính liên kết mà các phân mảnh đấy vẫn hợp nhất, logic trong tổng thể tác phẩm khi cái đích cuối cùng tác giả hướng tới vẫn là cuộc đời, con người. Và những phân rã trong cốt truyện, bất định ở hiện thực, không gian, thời gian,… chính là dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương Tô Hải Vân nói chung, trong tiểu thuyết Khởi đầu là mèo nói riêng.
Những cá nhân mất đi danh tính
Nổi bật ở một tác phẩm đầy tính mờ ảo như Khởi đầu là mèo là bóng hình con người trong câu chuyện cũng được tác giả Tô Hải Vân chủ động xóa mờ danh tính. Đó đơn thuần chỉ là ông lão V, một ông lão hơn 60 tuổi đã về hưu và mắc bệnh ung thư muốn được làm gì đó “điên điên” cho bản thân trước lúc từ giã cõi đời. Đó đơn thuần chỉ là C, một thanh niên công sở ở “đáy cùng” của Phòng Tổng hợp nơi cơ quan bỗng một ngày, sau một cuộc say, sau những vết cắn, vết cào của con mèo ở nhà mà có tập tính của loài mèo. Những cái tên đã được kí hiệu hóa để rồi khi bước vào tác phẩm, danh tính nhân vật lại thêm một lần được kí hiệu qua chính nội tâm, suy nghĩ con người. Ông lão V đã chủ động gắn cho bản thân cái danh 1707 còn C là danh 1701, theo số phòng hai người ở.
Từ những lần kí hiệu hóa liên tiếp danh tính con người, tác giả gợi lên một sự thật đau xót rằng, bản thân mỗi cá nhân trong cuộc sống, liệu có khác chăng những kí hiệu vô tri, vô hình được định sẵn, được sắp đặt sẵn? “Mỗi gia đình chỉ còn lại một ký hiệu ghi trên cửa thay tên.” Giữa cái ta, cái đại đồng, đa số, bỗng thấy cá tính, cái tôi trở nên thật nhỏ bé, yếu ớt. “Ở ta, cứ phải giông giống mọi người mới sống được, còn dị biệt là điều rất đáng ghét.” Và còn gì đau xót hơn khi con người đang dần mất đi danh tính, mất đi cá tính để rồi mất đi chính mình, mất cái riêng giữa cái ta chung cộng đồng.
Hiện thực vì thế đặt ra nơi những cái tên bị xóa mờ chỉ còn là những kí hiệu vô tri trở lên ám ảnh, day dứt hơn bao giờ hết. “Tên gọi, đó là gì? Chả là cái gì cả. Chỉ là một ký hiệu vô tri. Tôi là C, gọi là Q, là K cũng được. Cái chính là tôi có phải là tôi hay không.” Tên gọi là căn cước của một con người, mất đi căn cước, con người mất đi danh tính, cái tôi cũng trở lên mờ hồ, mờ nhạt hơn bao giờ hết. Là anh công chức C hay là lão già V, hoặc bất ỳ một anh Q, K nào khác hay tất cả đều nhằm chỉ tới một cái tôi chủ thể đang mất dần bản ngã, mông lung bất định trước bánh răng cuộc đời.
Và trước tiểu thuyết Khởi đầu là mèo, nhà văn Tô Hải Vân đã có truyện ngắn Người hoang tưởng thứ 5 mà ở đó ông cũng chủ động xóa mờ đi danh tính nhân vật bằng việc gọi tên từng cá nhân chỉ bằng những chữ cái, kí hiệu như thế. Chỉ là qua thời gian, bi kịch của người làm khoa học, bi kịch của lớp sinh viên trí thức trong Người hoang tưởng thứ 5 đã mở rộng mà trở thành nỗi đau đớn, khắc khoải hơn trong Khởi đầu là mèo. Ở đó là bi kịch của cả những cá nhân dị biệt, dị biệt về suy nghĩ, hành động, cá tính, lý tưởng đang ngày ngày vùng vẫy để giữ lấy bản ngã, để giữ trọn cái tên, để được sống là chính mình.
Tuy nhiên hơn cả, sự mất đi danh tính, căn cước của từng cá nhân, con người trong tiểu thuyết Khởi đầu là mèo của nhà văn Tô Hải Vân đâu đơn thuần chỉ là việc con người bị kí hiệu hóa chính căn cước. Mà sự xóa mờ danh tính còn diễn ra ở ngay chính con người có tên gọi rõ ràng nhưng sống, suy nghĩ, làm việc chỉ như những cỗ máy. Tên gọi của họ, giờ cũng chỉ là một dạng kí hiệu cho phần danh tính đã mất đi khi bản thân họ đã chính thức hòa tan vào cộng đồng. Bởi thế, bi kịch con người, bi kịch nhân tính trong tiểu thuyết Khởi đầu là mèo lại càng thêm phần xa xót.
Không chỉ vậy, xây dựng lên những nhân vật đang dần mất đi căn cước, nhà văn Tô Hải Vân còn gợi đến một hiện thực: con người không có một định danh cụ thể bởi giữa đời sống, chính người ta cũng không thể biết rằng cái tôi trọn vẹn là như thế nào. Mà theo như lý thuyết kịch trong xã hội học, cuộc đời là một vở kịch và con người phải sống với hàng ngàn gương mặt trong vở kịch đó. Đâu là gương mặt thật, đâu là cái tôi, cá tính thực ứng với định danh của một cá nhân, có lẽ, đây còn mãi là câu hỏi lớn trong cuộc đời mỗi người. “Con người là thế, luôn phải lựa chọn cho mình những bộ cánh thích hợp. Mỗi ngày có thể thay đến mấy bộ cánh. Tôi đang mang bộ canh có hình mèo.”
Đồng thời quá trình xóa mờ danh tính con người của tác giả Tô Hải Vân trong tiểu thuyết Khởi đầu là mèo cũng là một trong những biểu hiện, dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương ông. Quá trình đấy vừa thể hiện cái tôi chênh vênh của chủ thể tự sự trước hiện thực cuộc sống chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đa diện, đa sắc cũng vừa thể hiện sự hoài nghi của bản thân chủ thể với cộng đồng và với chính bản thân mình. Mà đây cũng là cảm thức chung của con người trong thời hậu hiện đại khi đối diện trước bao đổi thay của thế thời lẫn lòng người.
“Nở một nụ cười*” giữa dòng đời nghiệt ngã
Nhưng cuối cùng, dẫu cuộc đời có nhiều mâu thuẫn và nghiệt ngã đến đâu, dẫu nói nhiều đến sự chênh vênh, bất định của con người trước thời cuộc thì văn chương của Tô Hải Vân nói chung, tiểu thuyết Khởi đầu là mèo nói riêng vẫn là những áng văn ngập tràn niềm tin, hi vọng, niềm yêu sống, khát khao được sống cũng như giao cảm với đời, với người. Thật vậy, nếu không có niềm yêu sống, gắn bó với cuộc sống, lão V đã không có được tâm thế bình thản đến vậy để pha và thưởng thức một tuần trà ngon. Nếu không có niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, C đã không mở lòng với một ông lão xa lạ như lão V, giao hòa với Thủy cùng những giao tiếp với những người xung quanh anh.
Tất cả, như chính tên tác phẩm “Khởi đầu là mèo”, mọi thứ chỉ là khởi đầu và tương lai vẫn còn ở phía trước với C, hay cả với lão V, một bệnh nhân ung thư đang ngày một gần đất xa trời. Hay cũng như như chính lời lão V nói với C ngay lần đầu hai người trò chuyện: “Không vui, sao tôi sống được ngần ấy năm.” Và “Nở một nụ cười” trước cuộc đời nghiệt ngã nhiều đắng cay muôn trùng, cũng là cái đích văn chương Tô Hải Vân hướng đến. Người ta có quyền buồn, có quyền hoài nghi tất thảy nhưng ngọn lửa yêu sống, lạc quan vẫn phải thường trực để không bị dòng xoáy đời sống cuốn trôi.
*Nở một nụ cười: Tên một truyện ngắn của nhà văn Tô Hải Vân
Mọt Mọt