Cô đọng. Súc tích. Hình ảnh giàu tính biểu tượng. “Thuốc” của Lỗ Tấn là một truyện ngắn mang cái cốt của truyện dài, gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh vô cảm, mê muội, đớn hèn của nhân dân Trung Hoa cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX và sự cấp thiết cần có một phương thuốc chữa bệnh quốc dân, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai của cách mạng.

Thuốc Lỗ Tấn reviewsachonly reviewsachnet

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

“Thuốc” được viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ Tứ bùng nổ. Đây là thời kì đất nước Trung Hoa bị các đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật tranh nhau xâu xé. Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Người chiến sĩ giác ngộ cách mạng hết lòng đấu tranh vì nhân dân, nhưng nhân dân lại an phận chịu nhục. Lỗ Tấn đã phải đau đớn thừa nhận:

“Người Trung Quốc ngủ mê trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ.”

Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX là một con bệnh thập tử nhất sinh. Theo Lỗ Tấn, đó là do căn bệnh rã rời, cái tay không cảm nhận được nỗi đau của cái chân, lại luôn luôn hớn hở, tự đắc như anh chàng AQ… Đó là căn bệnh vô cảm, đớn hèn, tự thoả mãn, cản trở nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. Nguyên nhân là do nhân dân thì mê muội mà cách mạng lại xa rời nhân dân.

 “Thuốc” đã ra đời trong bối cảnh đó với niềm trăn trở về một phương thuốc để cứu dân tộc.

Xem thêm review tác phẩm của Lỗ Tấn:

Câu chuyện khởi đầu bằng phương thuốc mê tín dị đoan.

Trung Quốc đất rộng, người đông, văn hóa thuyền thống lâu đời, nhờ vậy nuôi dưỡng và phát triển một nền y thuật đáng nể. Có cả những bậc danh y sở hữu các phương pháp chữa bệnh vô cùng độc đáo, kỳ lạ, trị được nhiều bệnh nan y, phải kể đến “Tứ đại thần y” là Biển Thước, Hoa Đà, Tôn Tư Mạc và Lý Thời Trân.

Thế nhưng, bên cạnh một bề dày y thuật thâm sâu và nổi tiếng, dân gian Trung Quốc lại không thiếu những phương thuốc truyền miệng xuất phát từ mê tín dị đoan, không có cơ sở y học nào, chỉ bằng một niềm tin mù quáng đến điên rồ. Máu người trị bệnh ho lao là một trong những phương thuốc như vậy.

Lỗ Tấn đã bắt lấy cái tục mê tín này để viết “Thuốc”, trong đó ông gửi gắm nhiều tầng nghĩa về dân tộc và thời cuộc.

Gia đình lão Hoa Thuyên có đứa con trai mười đời độc đinh bị bệnh lao. Một đêm mùa thu gần về sáng, người chiến sĩ cách mạng tên Hạ Du bị xử tử, Lão Hoa đem số tiền vợ chồng dành dụm được ra pháp trường, gặp đao phủ mua một cái bánh tẩm máu tử tù về cho thằng Thuyên để chữa bệnh.

Cảnh trong phim chuyển thể từ truyện Thuốc reviewsachonly
Cảnh trong phim chuyển thể từ truyện “Thuốc”

Truyện kết thúc ở bãi tha ma, khi hai người đàn bà đi thăm mộ con gặp nhau – là mẹ của kẻ chết bệnh và mẹ của người chết chém – mối liên hệ giữa hai bà mẹ chính là chiếc bánh bao tẩm máu người. Tiếng quạ kêu cuối truyện cũng không ám ảnh bằng tình huống mà Lỗ Tấn đặt ra trên nền sự thực. Cái hiện thực xã hội mà thời đại ông đương sống chính là rùng rợn đến vậy!

“Thuốc” được xây dựng theo lối xén ngang mặt đời sống rất quen thuộc của Lỗ Tấn, phác họa một bức tranh thu nhỏ về xã hội Trung Quốc tối tăm đương thời, với các đường nét xám xịt về hai cái chết, về hai bà mẹ đau khổ, về chiếc bánh bao tẩm máu, về nghĩa địa mồ mả dày khít được phân ranh giới bởi một con đường mòn… vẩy một nét màu sáng bằng vòng hoa trên mộ người chiến sĩ, hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Chữa bệnh hay đầu độc?

Nhận xét “Thuốc” của Lỗ Tấn có nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng không phải lời nói suông. Chỉ riêng nhan đề “Thuốc” đã mang ba tầng nghĩa.

Thứ nhất, thuốc chữa bệnh lao bằng máu người. Tác giả giương cao ngọn cờ chống mê tín dị đoan.

Máu người trị bệnh ho lao là một phương thuốc mê tín dị đoan. Ở đây, bánh bao tẩm máu người trở thành “thuốc” chữa bệnh. Nhưng rõ ràng đây là phương thuốc truyền miệng không khoa học, không hiệu quả và vượt ra cả luân thường đạo lý.

Nhưng người dân vẫn tin. Họ run rẩy mà tin. Mù quáng mà tin.

“Hắn xòe về phía lão một bàn tay to tướng, tay kia cầm một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt. Lão vội vàng móc gói bạc trong túi ra, run run đưa cho hắn, nhưng lại ngại không dám cầm chiếc bánh. Hắn sốt ruột, nói to: Sợ cái gì? Sao không cầm lấy?”

Tình tiết “tiền trao cháo múc” giữa tên đao phủ và lão Hoa Thuyên đắt giá mà đầy ám ảnh.

Vì sao lão Hoa lại “run run”? Lão biết trong chiếc bánh bao lão cầm là máu người đang nhỏ từng giọt. Là máu của một con người như lão, như con lão, như vợ lão, như bất cứ ai mang thân phận “con người” mà xuất hiện trên cõi đời này. Là máu của đồng loại như lão. Mà đặc biệt ở “Thuốc” là máu của người cách mạng. Lão run vì thâm tâm lão biết đây là điều không nên, ăn thịt người uống máu đồng loại là hành vi đi ngược lại nhân tính, nhưng lão vẫn mua chiếc bánh bao đó.

Niềm tin mù quáng để cứu lấy con từ máu của một sinh linh đồng loại khác.

“Hay là vốn đã quen đi như thế từ lâu rồi, không cho là chuyện trái nữa chăng? Hay là táng tận lương tâm rồi, biết mà cứ làm chăng?” (trích “Nhật ký người điên”)

Câu người điên viết trong trang nhật ký của anh ta cũng chính là lời thắc mắc của độc giả khi đọc “Thuốc”. Lỗ Tấn đã xây dựng một tình huống truyện rõ ràng hơn, để người đọc hình dung dễ dàng hơn, về nỗi khiếp sợ của người điên đối với xã hội ăn thịt người này, cũng là nỗi kinh hoàng của người giác ngộ cách mạng đối với bản chất xã hội phong kiến, quân chủ chuyên chế dưới ách đô hộ của nhiều loại giặc ngoại xâm lúc bấy giờ.

Thứ hai, “bánh bao tẩm máu người” là hình tượng cụ thể của một loại thuốc độc. Tác giả lên án căn bệnh tinh thần của người dân – gia trưởng và mê muội.

Vợ chồng lão Hoa Thuyên đã áp đặt cho con một phương thuốc quái gở. Và cả đám người trong quán trà cũng cho rằng đó là thứ thuốc tiên.

Còn thằng Thuyên xuất hiện lần đầu bằng một cơn ho, lặp lại nhiều lần, rồi kết thúc cũng bằng một cơn ho. Nó là đại diện của tuổi trẻ, là thế hệ quyết định tương lai của đất nước, nhưng cũng một con bệnh sống đầy cam chịu, không hề hé răng nửa lời, bảo gì làm nấy. Kết cục, sự ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ đã không cứu được nó. Lỗ Tấn chứng minh phong kiến gia trưởng tồn tại hàng nghìn năm, giờ đây đã trở thành vô dụng vô nghĩa.

Tỉnh mộng đi! Giác ngộ đi!

Cái gọi là thuốc chữa bệnh lao được sùng bái là một thứ thuốc độc.

Mang theo một tâm lý ăn may, thấy người ta làm thì mình cũng làm, ùa theo dòng người mê muội, không có tư tưởng đoan chính, không có cái nhìn toàn cục, không có khả năng phân biệt đúng sai, hoặc cũng có thể chính là “táng tận lương tâm rồi – biết mà vẫn cứ làm”… Đó là căn bệnh của nhân dân Trung Hoa đương thời.

Nhân dân mê muội, mù quáng, gia trưởng, áp đặt… sẽ không cứu được một con bệnh thập tử nhất sinh là Trung Quốc trong bối cảnh đương thời.

Bánh bao tẩm máu người chính là thuốc độc hữu hình trong xã hội đã mục nát. Là một hình ảnh cụ thể hóa cho những hủ lậu, những ung nhọt của thời cuộc mà người dân lúc bấy giờ vẫn nhắm mắt đưa chân mà xuôi theo.

Thứ ba, bánh bao tẩm máu của người cách mạng. Tác giả vạch trần căn bệnh vô cảm của nhân dân – những người hưởng lợi từ phong trào cách mạng nhưng lại uống máu của người chiến sĩ cách mạng.

Người bị chém trong “Thuốc” là một người hoạt động cách mạng có nguyên mẫu từ đời thực, nhưng để tránh kiểm duyệt Lỗ Tấn đã thay đổi tên họ và kín đáo bóng gió mà biểu hiện.

Máu của chiến sĩ cách mạng, bị sự mê muội đương thời biến thành thuốc nước.

Cái đám đông u mê ngồn ngộn lúc bấy giờ được thể hiện trong cuộc trò chuyện ở quán trà nhà lão Hoa Thuyên. Chúng bàn luận về thuốc. Chúng cam đoan về khả năng chữa trị bệnh lao của thứ thuốc đi ngược luân thường đạo lý, đi ngược lý tưởng thời đại đó. Chúng kháo nhau về chuyện giao nộp Hạ Du để lĩnh thưởng. Chúng trơ lì cảm xúc trước cái chết của một người cách mạng.

Người cách mạng đấu tranh vì ai? Nói cho cùng, họ là những người sớm giác ngộ lý tưởng và tiên phong đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đòi dân chủ cho nhân dân. Mục đích cuối cùng cũng là vì nhân dân. Những người chiến sĩ kiên cường dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh. Nhưng cái sai của họ là thiếu kinh nghiệm, đấu tranh vì nhân dân nhưng lại xa rời nhân dân, không dựa vào quần chúng, không giáo dục tư tưởng đại trà để tạo nên khối đại đoàn kết cùng chiến đấu, mà lại để cho căn bệnh rã rời quốc dân tác oai tác quái. Kết quả là nhân dân thì ngủ say trong cái nhà hộp bằng sắt, còn người chiến sĩ cách mạng thì bôn ba trong chốn quạnh hiu.

Với hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ cách mạng Hạ Du, Lỗ Tấn đưa ra một vấn đề hết sức hệ trọng về ý nghĩa của sự hy sinh, phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng nhân dân. Để người dân không còn vô cảm trước làn sóng cách mạng, mà cùng hòa nhập vào, cùng đấu tranh.

Niềm lạc quan, tin tưởng vào cách mạng.

Lỗ Tấn có hai người bạn cùng quê, lớn lên cùng du học ở Nhật Bản là Thu Cận và Từ Tích Lân. Cả hai đều là những nhà cách mạng cuối đời Thanh, giác ngộ tư tưởng, thấu hiểu thời cuộc và đấu tranh trên con đường cách mạng dân chủ.

Từ Tích Lân được Lỗ Tấn nhắc đến trong “Nhật ký người điên” nhưng viết trại là Từ Tích Lâm. Năm 1907, Từ Tích Lân đâm chết tên tuần vũ tỉnh An Huy, tên là Ân Minh. Anh bị bắt, rồi bị bọn tay chân của Ân Minh moi nội tạng nấu thành thức ăn.

Nữ sĩ Thu Cận là nguyên mẫu của Hạ Du trong “Thuốc”, chị bị giết ở Thiệu Hưng, bị hại sau Từ Tích Lân.

Trong lời tựa viết cho tuyển tập “Gào thét”, Lỗ Tấn tâm sự:

“Riêng về phần tôi, tôi vẫn cho trong hiện nay, tôi không còn phải là người có điều gì bức xúc, không nói ra không được, nhưng hoặc giả bởi vì chưa thể quên hết những nỗi quạnh hiu, đau khổ của mình ngày trước, nên có lúc không thể gào thét lên mấy tiếng để an ủi những kẻ dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu, mong họ ở nơi tuyến đầu được vững tâm hơn… Nhưng đã gào thét thì tất nhiên phải gào thét theo lệnh tướng. Cho nên có lúc tôi không ngại viết những điều xa với sự thực. Trong truyện “Thuốc” bỗng dưng tôi thêm một vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du, hay trong truyện “Ngày mai” tôi không kể chuyện chị Tư Thiền cuối cùng vẫn không nằm mộng thấy đứa con đã mất, bởi vì vị chủ tướng lúc bấy giờ chủ trương không để cho người ta đi đến chỗ tiêu cực.”

Mang lòng tiêu cực thì khó mà hoàn thành được sứ mệnh. Phải lạc quan, phải tin tưởng, phải hy vọng vào một tương lai tươi sáng thì nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc mới có thể thành công. Vì vậy mà tác giả đã thêm vòng hoa lên nấm mộ Hạ Du, anh chết đi nhưng cách mạng không chết.

Từ chi tiết vòng hoa trên mộ người chiến sĩ của Lỗ Tấn, nhà văn Nguyễn Tuân đã liên tưởng đến “Mồ hoa anh nở” của Thanh Hải viết năm 1956, từ hai khoảng không gian và thời gian khác nhau, giải thích câu hỏi “Thế này là thế nào?” của bà mẹ Trung Hoa khoảng năm Tân Hợi:

“Thằng này là cộng sản

Không được đứa nào chôn!

Mộ anh trên đồi cao

Cành hoa này em hái

Vòng hoa này chị đơm

Trên mồ người cộng sản

Bông hồng đỏ và đỏ

Như máu nở thành hoa.”

Phía sau áng văn ngắn là cả một tấm lòng trăn trở vì dân tộc, vì xã hội, vì thời đại của đại văn hào Lỗ Tấn.