Khác với nhiều nhà văn khi bước chân vào địa hạt văn chương thường sáng tác truyện ngắn trước khi viết tiểu thuyết, Kazuo Ishiguro ngược lại. Ông cho ra đời 6 tiểu thuyết rồi tập truyện ngắn đầu tiên: Dạ khúc mới xuất hiện. Dạ khúc kết tinh từ 5 truyện ngắn như những khúc nhạc tấu lên trong đêm. Về những đam mê thuần khiết, và về những tài năng đơn độc đang vật lộn níu giữ chữ tâm bên chữ tài trên hành trình khẳng định bản ngã.

Dạ khúc của Kazuo Ishiguro

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tập truyện ngắn mang tầm vóc của một tiểu thuyết

Mang hình thức một tập truyện gồm 5 tác phẩm riêng biệt viết về không gian, thời gian, bối cảnh, xã hội, số phận… khác nhau. Ngoại trừ truyện ngắn Dạ khúc có nhắc tới cuộc sống về sau của một nhân vật đã từng được xuất hiện trong tác phẩm đầu tiên: Người hát tình ca, thì gần như các câu chuyện đều như vậy, không có mối liên hệ với nhau.

Đó là câu chuyện về một nhạc công sống lưu vong tại nước Ý và hiện đang mưu sinh tại bằng việc chơi guitar cho một ban nhạc một quảng trường tại thành phố Vinece. Ở đây, vào một buổi sáng như bao ngày, anh đã gặp gỡ người ca sĩ mẹ anh từng hâm mộ, ngay chính anh cũng rất yêu mến thời thơ ấu – Tony Gardner. Và như một định mệnh, cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã đưa anh trở thành người đệm đàn cho Tony Gardner vào đêm ông quyết định nói lời chia tay người vợ ông yêu mến.

Hay câu chuyện về một người đàn ông, vẫn sống như cái bóng trong chính cuộc đời mình suốt 47 năm, đến chính bạn bè anh còn cảm thấy thương hại thay cho anh. Nhưng cuộc đời người đàn ông đó vẫn có điểm sáng: sở thích âm nhạc và việc anh tìm được tiếng nói đồng điệu về sở thích đấy nơi người bạn thân khác giới, dù cô gái đó sau này đã trở thành vợ một người bạn khác của anh.

Đó là câu chuyện về một nhạc công trẻ, sau những gian truân của hành trình kiếm tìm chỗ đứng mà không thành, lại trở về quê hương như tạm tìm đến nơi nghỉ chân: vừa có chỗ tránh mưa tránh nắng, vừa tiếp tục chặng đường sáng tạo nghệ thuật dang dở.

Là câu chuyện về một người thổi kèn saxophone quyết định đi phẫu thuật thẩm mĩ chỉnh lại gương mặt để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. Trong những ngày chờ hồi phục, vô tình anh ở trong căn phòng cạnh bên Lindy Gardner, vợ cũ của Tony Gardner và hai người đã có những buổi gặp gỡ, trài lòng thậm chí cùng trải qua những hành động vừa điên khùng, vừa táo bạo vào đêm trước buổi lễ trao giải âm nhạc quan trọng sẽ diễn ra tại khách sạn họ ở.

Và cuối cùng, đấy là truyện về người nhạc công chơi Cello. Tuổi trẻ, anh gặp gỡ một phụ nữ người Mỹ tại đất Ý, nơi anh đang chơi nhạc và cố gầy dựng tên tuổi. Hai người nảy sinh mối quan hệ như tình thầy trò: người phụ nữ chỉ dạy, anh chơi lại theo những gì đã được chỉ bảo. Tất cả, với mục đích mài giũa tài năng hãy còn trong kén của anh. Nhưng khi họ chia xa, 7 năm sau, người nhạc công chơi Cello có trở thành tên tuổi nổi tiếng, tài năng có được công nhận? Tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán, qua ánh nhìn lại của những người bạn cũ đã từng chơi trong ban nhạc với anh.

Những câu chuyện, số phận đó hiện lên trên trang văn của Kazuo Ishiguro đều như các tác phẩm đứng độc lập, có nội dung, cốt truyện, tình tiết,… riêng. Song với một tác giả trước khi cho ra đời tập truyện ngắn đầu tiên đã viết tới 6 tiểu thuyết, thì tư duy tiểu thuyết như đã hằn sâu vào tiềm thức của Ishiguro. Và tư duy đấy thể hiện ngay trong cuốn truyện Dạ khúc. Mỗi truyện ngắn mang một hơi thở, về một đề tài nhưng tất cả đều cùng xoay quanh một chủ đề: âm nhạc cùng những con người yêu nhạc, tài năng nhưng đơn độc.

Họ đơn độc bởi gu nhạc của họ, sở thích của họ không hợp thị hiếu. Họ đơn độc bởi phong cách của họ quá khác biệt với thời đại. Và họ đơn độc bởi chính tài năng của họ là một điều thật xa lạ với đại chúng. Bởi thế, mỗi con người trên trang sách, có thể tuổi tác, quốc tịch, đam mê lẫn vị trí trong thế giới âm nhạc là khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở chính sự cô đơn, ở bước chân vô định trên chặng đường tìm được chỗ đứng trong công chúng, trên chặng đường gìn giữ được cái tài lẫn cái tâm thuần khiết nhất thủa ban sơ họ đến với nghệ thuật. Vì vậy, một gương mặt, một câu chuyện tại Dạ khúc như một chương trong tổng thể một bản hòa tấu về những cá nhân “tài cao phận thấp chí khí uất” (chữ Tản Đà). Và có lẽ, đây cũng là bức tranh của thực tại xã hội: cái tài vượt trội, những con người với sức cảm sâu sắc, thường khó lòng hòa nhập vào cái ta đại chúng. Bởi với họ, khi họ hòa nhập cũng chính là lúc họ hòa tan, đánh mất đi chính mình

Không chỉ vậy, cả tập truyện, phong cách viết của Kazuo Ishiguro đều đặc biệt nhất quán: “Nhẹ nhàng và tinh tế, súc tích mà toàn vẹn, lắng đong và trong suốt như pha lê […]” (trang bìa 4, Dạ khúc) Từng câu văn ông viết ra, đều như tiếng thở của cuộc sống, của lời tự thuật từ chính con tim của những con người xưng “tôi” ở trang sách. Sự nhất quán trong phong cách, sự toàn vẹn, thống nhất trong tâm thức con người đã đưa Dạ khúc vốn mang hình thức tập truyện ngắn song ẩn chứa sâu trong tác phẩm là tầm vóc của một cuốn tiểu thuyết về bức tranh đa sắc, đa màu về đời sống, nhất là đời sống nghệ thuật với những con người làm nghệ thuật, tài năng mà đơn độc.

Dạ khúc review

Cảm thức lưu vong trong Dạ khúc.

Bản thân Kazuo Ishiguro là một nhà văn hải ngoại. Ông sinh ra ở thành phố Nagasaki, Nhật Bản nhưng khi mới 5 tuổi, ông đã theo gia đình lưu vong tới nước Anh. Thậm chí sau này khi đã trở thành một nhà văn Anh quốc, cảm thức của con người lưu vong, của một tác giả hải ngoại mang nỗi sầu viễn xứ vẫn thể hiện rất rõ trong văn chương Kazuo Ishiguro. Và Dạ khúc cũng không nằm ngoài cảm thức chung ấy. Dẫu rằng, nơi tập truyện ngắn này,xã hội, bóng hình Nhật Bản đã lùi về rất xa, tưởng chừng không còn chút dấu ấn nhưng cảm thức của con người thiếu căn cước, sống lưu vong vẫn đầy khắc khoải ở mỗi câu chuyện.

Thật vậy, nhân vật ở từng truyện ngắn trong Dạ khúc, họ đều “thiếu quê hương”, mất căn tính theo cách này hay cách khác. Với trường hợp JanNgười hát tình ca, RaymondMưa đến hay nắng đến, TiborNghệ sĩ Cello là những con người thực sự sống lưu vong, lập nghiệp nơi xứ người. Vì thế, không ai hiểu sâu sắc hơn những cá nhân ấy nỗi sầu viễn xứ lẫn nỗi tủi nhục của kiếp đời lang bạt. “Thêm nữa, tất nhiên, lại còn cái chuyện nho nhỏ là tôi không phải dân Ý, nói gì đến dân Venice. Anh chàng người Séc thổi kèn saxo alto cũng chịu chung số phận. Người ta thích chúng tôi, ban nhạc cẩn chúng tôi, nhưng dù gì thì gì vẫn không có chỗ trong thực đơn chính thức cho chúng tôi.” Với họ, rời xa quê hương như một cách tìm đến sự tự do, thứ những tưởng xa xỉ nơi cố quốc. Để rồi chính họ lại đau đớn nhận ra, sự lưu vong chỉ chuyển họ từ nhà ngục tâm tưởng này tới một nhà ngục tâm tưởng khác. Xiềng xích về quá khứ nơi cố hương của những đau thương, hồi ức, kỷ niệm… đã xảy ra, thêm xiềng xích về thân phận kiếp lang bạt càng như vít lấy ý niệm con người, không thể tháo rời, không thể gỡ bỏ. Cho nên, bước chân kiếm tìm chỗ đứng với những con người ấy, đâu đơn thuần chỉ là chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, mà hơn cả là chỗ đứng, chỗ dừng chân để hồn người lưu vong, thôi khắc khoải niềm mâu thuẫn, giằng xé, hoài vọng.

Nhưng cảm thức lưu vong, thiếu quê hương, đâu chỉ là cảm thức của riêng những người phải rời bỏ cố quốc để tới một đất nước xa lạ nào đấy. Nó cũng xuất hiện trong tâm thức những ai phải rời bỏ cố hương để tới một thành phố, xứ sở khác lập danh, lập nghiệp. Mà khi mộng chưa thành, họ tìm về bản quán như một cách dừng chân, thì chính tại nơi họ sinh ra, họ cũng thấy trống vắng. Ở ngay quê nhà mà chẳng tìm được tiếng nói chung, tâm vẫn chẳng yên, như nhân vật “tôi” trong Khu đồi Malvern. Nơi anh hướng tới để tìm chỗ đứng trong sự nghiệp: Luân Đôn không công nhận anh, tại quê hương và ngay chính người thân cũng khước từ cái tôi bản ngã của anh: “Từ khi tôi về đến nhà chị, chị chưa một lần đề nghị nghe bài hát của tôi…” Và còn gì đau đớn hơn một con người, sống ngay giữa lòng quê hương, với những người thân trong gia đình lại vẫn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng đến thế?

Hơn cả, sự mất căn cước, căn tính của con người còn thể hiện ở khía cạnh: bản thân họ phải vứt bỏ chính mình để hòa nhập vào cộng đồng, nếu muốn tìm một chỗ đứng hay muốn tiến xa hơn. Như Steve trong truyện ngắn Dạ khúc, chính anh đã phải vứt bỏ gương mặt để đổi lấy một tương lai đầy bất định. Phẫu thuật thẩm mĩ và gương mặt Steve, tất cả chỉ là hình ảnh biểu tượng cho con người đã đánh mất căn tính, bản ngã giữa dòng xoáy cuộc đời.

Và khi đặt cảm thức lưu vong, các tâm hồn tràn ngập ẩn ức của khủng hoảng căn cước, căn tính trong những cá nhân tài năng mà đơn độc, ta càng thêm thấy nỗi cô đơn ấy xa xót hơn bao giờ hết. Bản thân họ, giữa dòng đời xoay vần, không chỉ vùng vẫy khẳng định cái tôi mà thẳm sâu cảm thức, vẫn luôn là khao khát được công nhận, khao khát tìm được nơi chốn trở về sau kiếp lang bạt khiến tâm hồn họ ngày một thêm vụn vỡ, ngổn ngang, chồng chéo: hồi ức, kỷ niệm lẫn thực tại nghiệt ngã.

Dạ khúc Nhã Nam xuất bản

*Cre: Giới thiệu và review sách Nhã Nam.

Xem thêm:

Cảnh đồi mờ xám (Kazuo Ishiguro) – Con người Nhật Bản lưu vong nơi hải ngoại mang nặng trong tâm khủng hoảng căn cước

Bản hòa tấu buồn của những tâm hồn đơn độc

Dạ khúc, tập truyện gồm 5 truyện ngắn như 5 bản nhạc buồn về những số phận đơn độc trên chặng đường khẳng định cái tôi tài năng, gìn giữ bản ngã cùng cái tâm thuần khiết nhất với âm nhạc, nghệ thuật chân chính. Thứ âm nhạc, nghệ thuật họ theo đuổi, không phải cái đẹp hào nhoáng dành cho đại chúng. Đó là nghệ thuật của tâm hồn, của những giai điệu được tấu lên từ những trái tim chứa nhiều ẩn ức, hoài vọng, tiếc nuối, đơn thương,… của những con người tha phương dẫu sống giữa quê hương nhưng luôn thấy thiếu đi một nơi để trở về. Bởi những ẩn ức thẳm sâu như vậy, mà dù Kazuo Ishiguro viết Dạ khúc bằng một giọng văn tự sự như nhẹ bẫng song chất chứa trong đó là những nỗi sầu thăm thẳm. Dạ khúc, khúc nhạc tấu lên trong đêm, bởi vậy cũng nhuốm sắc buồn thê thiết, vẳng trong không gian như thầm thì kể lại câu chuyện những kiếp sống cô đơn, vẫy vùng dưới đáy xã hội.

Và sau 6 bản hợp xướng dài trước đấy, Dạ khúc như chính khúc nhạc sâu lắng vọng lại từ tâm hồn Kazuo Ishiguro, tâm hồn của một nhà văn sớm mang cảm thức lưu vong nơi hải ngoại.

Link mua sách:

Mọt Mọt