Được chuyển thể từ bộ phim ngắn với thời lượng chỉ hơn 25 phút ra đời vào năm 2002 của Shinkai Makoto, tiểu thuyết Tiếng gọi từ vì sao xa do Ooba Waku chắp bút không chỉ mở rộng cốt truyện, mà còn mở rộng cả hệ thống không gian, thời gian, con người trên nền tác phẩm có sẵn. Từ đấy, đưa đến cho độc giả cái nhìn rộng mở, đa chiều, ấm áp và bớt phần buồn thương, day dứt hơn về cuộc tình bị ngăn trở suốt 10 năm ròng giữa một chàng trai, mòn mõi ở Trái đất với một cô gái mòn mõi trên thiên hà nhưng vẫn luôn gắng gượng đi qua thời gian, với hi vọng một ngày, gặp lại.
tiếng gọi từ vì sao xa
Câu chuyện viết từ những giọng kể riêng biệt

Là câu chuyện mang đề tài viễn tưởng về mối tình bị chia cắt giữa đôi bạn thân thiết học chung lớp thời trung học, Noboru và Nagamine. Vào năm họ 15 tuổi; Nagamine được chọn vào Quân đội không gian Liên Hợp Quốc, tìm kiếm sinh vật, sự sống ngoài ngân hà còn Noboru vẫn ở lại trên Trái đất, tiếp tục cuộc đời một chàng trai bình thường. Với bối cảnh như vậy, tác giả Oobu Waku đã xây dựng lên tiểu thuyết Tiếng gọi từ vì sao xa mang cấu trúc khá đặc biệt: được kết hợp từ nhiều hình thức và nhiều ngôi kể khác nhau. Từ hình thức trần thuật đến hình thức thư tín, từ ngôi kể thứ nhất đến ngôi kể thứ ba. Thậm chí, trong cùng một chương truyện, cũng đã xuất hiện đến hai ngôi kể tồn tại trong hai hình thức văn chương riêng biệt.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Làm nên cấu trúc đó, chính bởi trước hết, Ooba Waku tiên sinh đã có một lối kể chuyện khá thông minh. Từng chương truyện, được viết từ điểm nhìn của mỗi nhân vật khác nhau. Lần lượt từ Noburu rồi tới Nagamine và chương cuối cùng, hợp lại trong lời kể của Noboru cho kết quả cuối cùng sau sự chờ đợi đằng đẵng 10 năm trời.

Sự thay đổi điểm nhìn kéo theo không gian và thời gian trong Tiếng gọi từ vì sao xa cũng liên tục hoán đổi. Nếu như với Noboru là trên Trái đất, không thời gian của cậu giao hòa giữa hiện thực và quá khứ trong nỗi nhớ nhung hoài vọng tương lai vô định. Thì Nagamine là không gian vũ trụ, một không thời gian hoàn toàn khác mà cô chỉ có thể trôi theo dòng chảy bất định và xáo trộn mỗi lúc một xa xôi, cố níu giữ lấy biểu tượng duy nhất của hiện thực – quá khứ – tương lai thuộc về Trái đất cô còn giữ được: chiếc điện thoại để liên lạc với Noboru và bộ đồng phục cấp hai cô luôn mặc trên người mọi lúc, mọi nơi.

Đan xen với giọng kể từ ngôi thứ nhất của Noboru, giọng kể từ ngôi thứ ba với điểm nhìn của Nagamine; còn là giọng kể của riêng người dẫn truyện, bao quát tất thảy. Và giao hòa với những dòng tự sự, ý thức miên man của nhân vật, là những lá thư viết dưới dạng email vượt không gian, thời gian mà gắng kết nối hai tâm hồn xa cách.

Tất cả, mọi ngôi kể, hình thức kể giao thoa trong một cuốn truyện chỉ hơn 200 trang, xoay quanh câu chuyện gần như chỉ của riêng hai cá nhân làm cho câu chuyện Tiếng gọi từ vì sao xa bản tiểu thuyết trở nên có phần hỗn loạn. Nhưng đó là một sự hỗn loạn có chủ đích. Bởi cách trở không gian, bởi chênh lệch thời gian, bởi xao động lòng người, thì không hỗn loạn sao cho được?

Hoàn cảnh con người đặc biệt, kéo theo cấu trúc tổng thể của cuốn truyện cũng trở nên phá cách. Tựa một bộ phim điện ảnh, được chiếu trên trang giấy, qua ngôn ngữ văn chương cùng nghệ thuật kể chuyện vậy.

tiếng gọi từ vì sao xa rv

Người ta sống và tiếp tục cố gắng, vì hai chữ “hi vọng”

Bối cảnh của tiểu thuyết Tiếng gọi từ vì sao xa là viễn tưởng; nhưng con người và cảm xúc mỗi người trong tác phẩm lại hết sức chân thực.

Đó trước hết, là câu chuyện của những cô bé, cậu bé ở độ tuổi còn rất trẻ. Cái tuổi mười lăm đấy, người ta còn chưa thật trưởng thành để có nhận thức thế giới hay định hình được cái tôi, tình cảm của bản thân. Vậy mà một cô gái đang sống cuộc đời bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác, đã vượt bầu khí quyền trên Chiến hạm vũ trụ liên sao Lysithea, cầm lái một cỗ máy vạn năng như Tracer để tìm kiếm sinh vật vũ trụ có tên Tarsian. Thậm chí, cô bé ấy phải đặt cược cả tương lai, mạng sống chính mình vào cuộc tìm kiếm không biết kéo dài đến bao giờ, vào trận chiến vô định chẳng biết khi nào sẽ diễn ra.

Nagamine đi từ không gian hẹp, đến không gian rộng lớn; cũng là lúc, cô rũ bỏ tất cả, gia đình, bạn bè, cuộc sống, đến cả hai tiếng “con người” trong định danh của cô.

“Mỗi ngày mình lại cách xa Noboru thêm một chút.” Mỗi ngày Nagamine lại cách xa cuộc đời vốn là của chính cô thêm một chút.

Và khi ấy, điều níu giữ một Nagamine tồn tại giữa vũ trụ bao la, chỉ còn là ký ức, kỉ niệm về người bạn trai thân thiết, gắn bó; về quá khứ cô còn là một con người đứng trong nhân loại. Noboru khi đó, trở thành chiếc mỏ neo níu giữ tâm hồn cùng hi vọng cho Nagamine. Hi vọng mong manh cho cô gái nhỏ; rằng dù cô có đi xa đến đâu, đến những hành tinh không ai biết tới, thực hiện những bước nhảy vượt thời gian mà độ tuổi thực của cô không còn theo kịp người bạn cô yêu thương thì tận cùng, cô vẫn còn một chốn đi về mà không tuyệt vọng rồi tan biến giữa vũ trụ ngập tràn bóng tối, vẫn còn đó, người nhớ đến cô, đợi cô trở về. Mà chẳng phải, khi con người ta còn hi vọng, còn ở trong tâm trí của một ai đó, thì người ấy vẫn “sống” là một con người đó sao?

Nếu Noboru là mỏ neo níu giữ tâm hồn Nagamine thì bản thân Nagamine cũng là sợi dây, níu lấy trái tim Noboru. Với vị trí người ở lại, cũng mòn mõi, trông ngóng, trước đủ cám dỗ cùng cơ hội của tuổi trẻ, quả tình, gánh nặng tình cảm đè lên vai Noboru là quá lớn. Không phải chưa từng có những dấu hiệu cho ngày Nagamine sẽ đi xa “Nagamine và tôi cũng chẳng khác gì hai miếng phô mai, núp dưới bóng cây bên rìa sân tránh không khí oi nồng. Tuy thi thoảng tôi vẫn gật gù để duy trì hội thoại, nhưng giọng Nagamine cũng như tan vào chiều hè, các ngôn từ cứ mất hút trước khi tới được tai tôi.” Nhưng một Noboru mười lăm tuổi chưa đủ tinh tế hoặc vốn, cậu không dám tưởng tượng tới một ngày, cô bạn ngồi bên sẽ đến một nơi rất xa, không hẹn ngày trở về.

Để rồi, trải đủ những khoảng khắc khép mình, lạc bước, chênh vênh, Noboru nhận ra, cậu chấp nhận chờ đợi cho cái tương lai xa xăm, bất định kia.

Một người sẵn sàng tin tưởng, một người sẵn sàng đợi chờ, cùng nhau sống, cố gắng bơi mình trôi theo dòng thời gian vô định, tất cả đều vì hai tiếng “hi vọng.”

Dù rằng, hi vọng ấy có xa vời. Dù rằng, hi vọng ấy có phải gửi lên tận vì sao xa. Chỉ cần, vẫn còn hi vọng cho ngày trở về, hội ngộ.

tiếng gọi từ vì sao xa shinkai makoto

Cho đến khi không gian và thời gian, cũng không thể ngăn trở những tâm hồn đồng điệu

Những dòng email đứt đoạn giữa Noboru và Nagamine tượng trưng cho sự bền bỉ sống và ước mơ của hai người, từ khi còn rất trẻ tới lúc dạn dĩ, trưởng thành. Và thứ tình cảm họ dành cho nhau, vượt qua không gian, thời gian, ngăn cách thiên hà, vũ trụ như đã vượt quá tình cảm đôi lứa thuần túy mà trở thành sự đồng vọng của hai tâm hồn đồng điệu dám sống và tin tưởng; hay dám tin tưởng mà ước mơ.

Không mở rộng hệ thống nhân vật tối đa như bản truyện tranh nhưng cũng không chỉ gói gọn câu chuyện vào cặp đôi chính Noboru – Nagamine; cuốn tiểu thuyết Tiếng gọi từ vì sao xa xây dựng lên tuyến nhân vật vừa đủ để hơn 200 trang, tác giả Ooba Waku có thể khai thác sâu vào những cảm nhận nội tâm mong manh, tinh tế của hai nhân vật trung tâm Shinkai Makoto từng sáng tạo, tái hiện trên màn ảnh. Nỗi cô đơn, bất lực, hoài nghi lại tin tưởng của người ở xa. Nỗi khắc khoải, chênh chao, ngỡ rằng đã quên mà thực ra luôn ghi khắc trong tim của người lại… Tất cả đọng lại trong một kết truyện rất đẹp cho hành trình dài mà hai tâm hồn đồng điệu đã trải qua. Đoạn kết của tiểu thuyết, cũng như tri ân cho Nagamine đã kiên cường thế nào trong bản hoạt hình; cho Noboru đã vượt qua những xao động tuổi trẻ thế nào trong bản truyện tranh.

Tiếng gọi từ vì sao xa, là những dòng email đứt đoạn hai con người gửi cho nhau từ hai thế giới xa xôi, cách trở.

Tiếng gọi từ vì sao xa, hơn cả là tiếng gọi vang vọng từ những trái tim, tâm hồn luôn hi vọng, không từ bỏ dù không gian, thời gian cách trở.

Tiếng gọi từ vì sao xa, cũng là tiếng gọi tuổi trẻ đã vượt qua tất thảy hoài nghi, hỗn loạn, vụn vỡ, chênh vênh mà dám sống, dám tin tưởng đến một tương lai xa vời và đầy bất định.

Đọc thêm những bài review về tác phẩm của Shinkai Makoto: