Chuyện nhân sinh như một cơn gió, kéo cả nỗi buồn lẫn tơ vương… Hòa vào nhịp sống hiện đại, vô tình ta trông thấy những chuyện bất bình, mấy ai đủ dũng khí mà đứng ra bênh vực, tuy vậy sự đùm bọc người với người vẫn hiện hữu dù cho nó mong manh. Kế câu chuyện ma mị giữa chốn nhân gian, hồi huyên tâm sự chuyện thường tình. “Liêu trai chí dị” mang đến đời sống những mảnh hồn đặc biệt, nơi lòng người phải khép nép nhường vị trí cho bóng hình một ai kia. Trong cuộc sống, những điều ghê rợn khiến con người hoảng sợ bởi nó xuất hiện từ những vô thường không đoán được, nhưng còn gì đáng sợ hơn khi chính những “đồng loại” lại đẩy nhau vào con đường tuyệt vọng. Dẫu biết thâm tâm sâu nông khó đoán, nhưng cũng buồn thay vì biết rõ được sự tình. “Liêu trai chí dị” – Đoản thiên tiểu thuyết ma mị giữa đời.
Ra đời vào cuối thế kỷ 17 đời nhà Thanh, “Liêu trai chí dị” của tác giả Bồ Tùng Linh được biết đến là một trong những kỳ thư, được khẳng định bởi vị thế trong hàng tiểu thuyết văn ngôn đỉnh cao cổ đại. Cả kiệt tác là tập hợp 413 thiên kể về những câu chuyện truyền kỳ quái dị lúc bấy giờ mà hầu hết là thiên hướng về thần tiên, ma quái, hồ ly tinh, sói lang, cây cỏ hoa lá, những thiên cảnh nhân gian được trích lục, v.v… Đan xen với mạch truyện kỳ ảo, tác giả đã gửi gắm vào đấy nét bình yên của cuộc sống, có lúc những nỗi suy tư về thế sự, phản ánh sự bất công còn tồn tại ẩn đằng sau nụ cười che giấu những giọt nước mắt.
b3cad3c7e30f1f377c9f799749d2f15a.js”>
Lạc thú của bậc “minh quân”
Với mạch truyện xuyên suốt là những mảnh ghép của từng màn mờ sương kì ảo, Liêu trai chí dị phác họa những bối cảnh chân thực về cuộc đời. Bằng cách kể chuyện tinh tế, tác giả tái hiện khung cảnh trụy lạc của vua tôi ngày trước, can dự triều chính bằng thú vui tao nhã là chọi dế, đánh đổi mạng sống dân thường cũng bằng một con dế. Bấy giờ phải chăng ta bất giác tử hỏi, con người ngày ấy lại rẻ rung đến thế ư?
Câu chuyện về nịnh thần, tham quan trong thiên truyện cũng hiện lên tựa như những làn khói mờ ảo, âm ỉ để rồi khi cố gắng dập tắt, ta chỉ thấy nó vẫn lửng lơ. Ngày còn nhỏ, tôi đọc “Liêu trai chí dị” chỉ cảm thấy hoảng sợ bởi thực tại xung quanh bị che phủ bởi thứ gọi là ma, là quỷ. Nay khi đã trưởng thành, nhìn vào tấn hài kịch mà thời đại đương thời dựng lên, ta không còn cái sợ hãi ngày xưa bé, mà thay vào đó, là những nỗi buồn đau xót tâm can. Cảnh bạo ngược vua chúa bấy lâu không phải hiếm, nhưng sự bạo ngược, đọa đầy của tham quyền, quan sai lại âm ỉ đến cả linh hồn con người.
Vòng danh lợi bủa vây
Bên cạnh phơi bày lối sống không màn thế sự của triều đình, “Liêu trai chí dị” còn là tiếng nói tố cáo thói ham hư vinh “giết chết” nhân tài. Khoa cử thời này như một vở kịch được biên soạn sẵn, người viết kịch là bề trên, diễn viên những kẻ mượn danh thư sinh mà biểu diễn. Danh lợi trói buộc con người bằng thứ mùi hương ủy mị khiến họ mê đắm rồi dần đánh mất đi giá trị của mình, theo trình tự nhất định của thiên truyện.
Tác giả tuy không trực tiếp khơi dậy tất cả những mục rũa của xã hội “khoa cử” mà bình thản trưng bày những lẽ hiện nhiên vốn có. Không cần phải che dấu hay chối bỏ, vì khi nghiền ngẫm từng câu từ, cuộc sống khốn khổ ấy sẽ hiện lên trước mắt, rõ mồng một như cách ta cảm nhận những làn gió lành lạnh khẽ luồng qua khe tóc, những rờn rợn ma quái cứ vờn xung quanh. Sau cùng, điều mà những con người đáng thương kia – những bậc nho sĩ tài cao ngày ấy phải chịu, là đánh đổi mà thời niên thiếu vì giấc mộng xa vời và gục gã hóa thành những linh hôn cô đơn vì không thể hoàn thành tâm ước nguyện. Bi kịch của số phận bị vùi lấp bởi danh lợi chưa bao giờ nguôi, và đáng buồn hơn khi bị chính những người ta tôn kính vùi dập.
Cuối cùng, nhân gian vẫn còn lắm một tình yêu vượt trắc trở…
Đi gần đến hồi kết của kì thư, tác giả gửi gắm vào đấy chút gì ấm áp của một khát vọng được yêu, và hi sinh vì tình yêu thương của “chuyện ái tình”. Đề tài về tình ái chưa bao giờ là dễ đối với bậc nhân sĩ ngày xưa, tình ái như vết cắt cứa vào tâm hồn con người khi muốn vượt qua ranh giới của định kiến mà đến bên nhau. Như sự thống thiết của đôi lứa âm dương cách biệt, như sự đọa đầy bởi “tình người duyên ma”, khát vọng về ái tình trong “Liêu trai chí dị” hiện lên mạnh mẽ như sắt đá.
Người ta vẫn nói đến Họa Bì như một nỗi buồn thê lương cho tình yêu ngang trái, đi ngược với lẽ thường đạo lý, hay Đắc Kỷ của Trụ Vương mê đắm ngày nào… Tình ái trong văn ngôn cổ đại chỉ có thể gửi gắm bởi thi ca thê lương, dẫu có vui vẻ nhưng mấy khi được trùng phùng mà bên nhau. Tình ái của “Liêu trai chí dị” là những lẽ thường tình của con người thế tục, là mơ ước được tự do của con người khi quyết định những mong ước đơn thuần của cá nhân. Ấy mới có nỗi đau mang “hỡi thế gian tình ái là chi” khắc khoải năm nào…
Kết thúc “Liêu trai chí dị” không đơn thuần là khép lại một áng văn cổ tài hoa mà quả thật dường như tác giả đã ẩn ý mở ra trong lòng độc giả một niềm cảm xúc dậng trào đặc biệt. Ngỡ như được dịp ngao du khắp thế gian mà thảnh thơi ngắm nhìn thiên hạ. “Liêu trái chí dị” mang đến cảm giác hoài niệm đầy ma mị, tuy có phần rung rợn nhưng vẫn toát vẻ trữ tình, lời kể tinh tế song đôi lúc suồng sã, nhưng đặt trong quan hệ xã hội lúc bấy giờ, kỳ thư này vẫn có chút gì đấy khuôn phép, vẫn rất chuẩn mực và đứng đắn. Sẽ chẳng có một câu trả lời nào là thỏa đáng cho câu hỏi đi tìm giá trị cốt lõi của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Như lời đề từ vẫn còn vương vấn của Ngư Dương Lão Nhân được Bồ Tùng Linh họa điểm:
“Chí dị” làm xong, cất tiếng cười
Tóc mai trắng nõn, áo bào tơi.
Mười năm mới hiểu lời Tô Tử,
Mưa lạnh, đèn tàn, kẻ láo chơi.
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch)
/