Nơi đâu có thiên đàng luôn gần gũi, nơi ấy hẳn là thế giới của trẻ thơ. Tuổi thơ chính là nơi phát tích mọi giấc mơ của con người, nơi mọi lý tưởng đều đơn thuần và chưa bao giờ bị vấy bẩn. Vậy Lois Lowry có lí do gì khi đặt vào tay những đứa trẻ mới vào đời một cuốn sách “phản địa đàng” (dystopia) – ở đó những giấc mơ bị lật ngược và chống lại chính những con người đã ôm ấp chúng? Trong “Người truyền kí ức”, bà đã làm điều đó: để hai thể loại tưởng chừng như rất xa nhau ấy, thiếu nhi và phản địa đàng, gặp gỡ trong cùng một thế giới. Nhưng cuộc hôn phối tài tình ấy không sinh ra một tác phẩm bi kịch và đậm màu bế tắc. Trái lại, chính vì còn dung chứa đôi mắt trẻ thơ mà thế giới giả tưởng của Lois Lowry có thể tìm ra lối thoát cho mình. Và từ đó, kéo mỗi người trở lại với một giấc mơ đích thực…

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
nguoi truyen ki uc by reviewsach.net
Ảnh: Instagram @corner.of.book

Đằng sau chốn địa đàng

Những ai coi sự tiện nghi vật chất và thoải mái tinh thần là tất cả những gì cần và đủ cho hạnh phúc, có lẽ thế giới mà Lois Lowry tạo ra trong “Người truyền ký ức” chính là thiên đường của họ. Ở đó, tự nhiên và xã hội đều được kiểm soát ở mức độ cao nhất để không gây ra bất kì khó khăn hay nguy hiểm gì. Ở đó, họ không cần phải băn khoăn lựa chọn bất cứ thứ gì: có người sẽ phân công việc, bạn đời,… phù hợp nhất cho họ với tỉ lệ chọn sai gần bằng không. Tâm hồn họ không chịu bất cứ phiền nhiễu nào: những trăn trở trong các cuốn sách, sự xúc phạm bởi người khác hay nỗi đau từ kí ức về cái đói, chiến tranh,… Trong thế giới ấy, con người dường như đã đạt tới đỉnh cao văn minh nhân loại: họ đã hoàn toàn xóa đi nỗi đau trong cuộc sống này.

Nhưng rồi, cánh cửa nỗi đau tưởng sẽ mãi mãi bị đóng kín ấy lại mở ra bởi một đứa trẻ mười hai tuổi. Đứa trẻ ấy là Jonas – một cậu bé có khả năng Nhìn vượt giới hạn và bị nhắm trúng vào vị trí Người Tiếp nhận Ký ức của cộng đồng đời tiếp theo.

Có người sẽ hỏi: Tại sao lại cần lưu giữ quá khứ khi mà hiện tại đã hoàn hảo hết mức có thể rồi? Đó là bởi hiện tại nào cũng được xây dựng trên nền tảng của quá khứ. Người Tiếp nhận Ký ức đương nhiệm, một trưởng lão lớn tuổi và thông thái, đồng thời cũng là người giúp cộng đồng giải quyết những vấn đề ngoài dự đoán và ngoài tầm hiểu biết – Trong cộng đồng, những vấn đề như vậy rất hiếm khi xảy ra, nhưng lại có thể đe dọa sự tồn tại của cộng đồng một cách sâu xa nhất. Ký ức chính là thứ kết nối con người hiện tại với những phiên bản khác của chính nó, giúp họ phản tỉnh và biết điều gì là cần nhất cho tương lai. Nhưng điều đặc biệt là trong “Người truyền ký ức”, kí ức cộng đồng lại chỉ thuộc về một người duy nhất, đè nặng lên cá nhân đó trong khi những người còn lại thì hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc về quá khứ của thế giới mà mình đang sống. Những chuẩn mực, luật lệ cùng sự tôn phục tuyệt đối trật tự xã hội đã thay thế cho vị trí của những kí ức ấy trong đầu họ – đây cũng chính là cách mà thế giới của họ được tạo ra và vận hành.

Như đã nói, kí ức là tiền đề của sự phản tỉnh. Và gần như toàn bộ cuốn sách này chính là sự phản tỉnh của Jonas về cuộc sống mà mình đã lớn lên ở đó, trong sự đối chiếu với cuộc sống mà những kí ức Người Tiếp nhận Ký ức truyền lại cho cậu gợi ra. Những thứ “vượt giới hạn” ấy, lần đầu tiên đã khai mở cho cậu về những giới hạn của cộng đồng mình, mà trước đó, có nằm mơ cậu cũng không thể nghĩ tới được.

Thế giới trong ký ức được vẽ nên từ muôn ngàn sắc màu phong phú, muôn ngàn sắc thái thời tiết như nắng ấm và tuyết rơi,… Tựu trung lại, nó hợp thành từ muôn ngàn sự khác biệt. Nhưng những sự khác biệt ấy đã được cộng đồng cậu xóa bỏ khi tiến vào Thời kỳ Đồng nhất. Giờ đây chỉ còn những sắc xám tẻ nhạt và nhàm chán. Không còn gì cho sự say mê và chọn lựa của con người.

Thế giới trong ký ức đã mở rộng biên độ cảm xúc của Jonas ra rất nhiều. Ở đó cậu không chỉ nếm trải nỗi đau thật sự khi phải trải qua đói khát, thương tật, những hủy diệt và mất mát của chiến tranh,… mà còn được tận hưởng niềm hạnh phúc thật sự trong tình yêu thương và mái ấm gia đình. Chúng cho cậu thấy rằng những cảm xúc mà cậu và những người xung quanh cậu trải qua, tìm cách gọi tên và phân tích vào mỗi tối chỉ là những cái bóng hời hợt. Cảm xúc đích thực là thứ không bao giờ có thể đặt vừa trong bất cứ khuôn mẫu ngôn từ nào.

Trí tuệ và hiểu biết từ những kí ức cứ dần dần dày lên trong tâm trí đã đào một cái hố ngày càng sâu giữa Jonas và cộng đồng mà cậu thuộc về. Cậu biết cuộc sống đích thực không phải là như thế: chỉ cần tuân theo tất cả các luật lệ và khuôn mẫu, làm theo tất cả các chỉ dẫn và sắp đặt. Cậu khao khát sự gắn kết và tình yêu thương hơn bao giờ hết, nhưng cậu không thể tìm được điều đó ở gia đình và bạn bè cậu: họ chưa từng biết đến một cuộc đời khác với cuộc đời khô khan, máy móc mà họ đang sống bây giờ. Sự rạn nứt niềm tin đối với cộng đồng cứ diễn ra âm ỉ như vậy, cho đến ngày đạt đến đỉnh điểm khi Jonas biết được rằng xã hội mà cậu và mọi người đang sống, tưởng như tiến bộ và “vì con người” đến thế, thực chất lại vô nhân tính đến cùng cực: xã hội ấy giết chết những đứa trẻ, giết chết những người già, giết chết tất cả những ai không thể hòa nhập và hơn nữa, còn giết chết một cách nhẹ nhàng và thản nhiên dưới cái danh nghĩa “phóng thích”.

reviewsach.net nguoi truyen ki uc
Ảnh: Instagram @conca.bietboi

Phải chăng đây là cách để loại bỏ mọi nhân tố thừa để xây dựng một xã hội ổn định và hoàn hảo, như cách người ta xén các cành lá cho một cái cây? Phải chăng đây là cách chạy trốn nỗi ám ảnh về cái chết và sự giết chóc, bằng cách bình thường hóa nó đến độ không thể rẻ rúng hơn được nữa? Nhưng người đọc (và có lẽ cả Jonas nữa) chợt nhận ra: trong cái thế giới ấy, mọi sự sẽ phải diễn ra như vậy. Những kẻ không biết đến tình yêu và nỗi đau tất yếu sẽ không thể xem trọng sự sống. Và bằng cách ấy, họ dửng dưng với sự chết. Họ không có tính người vì đơn giản họ chưa từng đúng nghĩa là một con người. Họ đã chạy trốn phần “người” bằng cách khước từ tất cả các ký ức từ thế giới của họ, bằng cách lựa chọn không biết tới tình yêu thương và sự đớn đau và dồn tất cả gánh nặng ấy vào một con người. Gánh nặng trút đi, sự tồn tại của họ nhẹ tênh như loài vật. Họ cố gắng làm cho thân thể và tâm trí mình thoải mái nhất có thể mà quên rằng đang đánh mất đi trọng lượng sự sống của chính mình. Và như thế, họ xem nhẹ mọi sự sống xung quanh họ.

Trở về cuộc sống

Jonas không thể thỏa hiệp với cộng đồng được nữa. Cậu không giống như Người Tiếp nhận ký ức nhân hậu nhưng già cỗi, muốn ở lại và gắn bó với cộng đồng dù không ai hiểu mình và không thể tìm kiếm cuộc sống mà mình mong muốn. Jonas còn trẻ. Tâm hồn cậu thuần khiết và rực cháy những khát khao. Nó thôi thúc cậu đi tìm những chân trời mới, đi tìm “Nơi khác” mà cậu biết chắc là có tồn tại. Cậu quyết định bỏ trốn, với sự giúp đỡ của Người Tiếp nhận Ký ức. Quyết định này không những mở ra cuộc sống mới cho cậu mà còn tạo ra một bước ngoặt vô cùng lớn đối với cộng đồng: những kí ức mà cậu đã có sẽ được phóng thích trở lại cộng đồng. Điều đó có nghĩa là tất cả: niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, nỗi đau,… cùng tất cả những sắc độ muôn màu muôn vẻ của đời sống sẽ trở lại với những kẻ đã khước từ vì tâm hồn không mang chứa được sức nặng của chúng. Đối với Jonas, đó là hành trình đi từ ký ức đến thực tại, đi từ ảo đến thực trên con đường vượt thoát đầy chông gai, thậm chí đã từng đối mặt với cái chết cận kề. Đối với cộng đồng, đó là con đường từ quên đến nhớ, đi tới sự nhận diện và dũng cảm gánh lên vai toàn bộ sức nặng của bản thể mình, dĩ nhiên với cái giá là toàn bộ xã hội hoàn hảo đến rợn người mà họ đang sống phải lung lay đến tận gốc.

Cả hai đều là hành trình hoàn thiện bản thân, hoàn thiện cuộc sống. Với Jonas, bạn đọc nhớ rằng ký ức đầu tiên được truyền cho cậu là ký ức về việc ngồi trên xe trượt tuyết và trượt xuống một ngọn đồi. Nhưng trong kí ức ấy, cậu không thể bước đến phía bên kia ngọn đồi đó. Thật trùng hợp làm sao, thử thách cuối cùng của cậu trước khi thực sự đặt chân tới “nơi khác” cũng là một ngọn đồi đầy tuyết. Cậu cũng trượt xuống đó và bây giờ cậu đã nhìn thấy phía bên kia: nơi có những ngôi nhà, tiếng hát, ánh sáng và tình yêu thương. Không phải kí ức đã thành sự thật, mà là cậu đã vượt qua kí ức để chạm đến hiện thực. Cậu đã không còn được “truyền thụ” nữa. Cậu tìm kiếm và sáng tạo. Đó là lí do mà hiện thực đẹp đẽ đã mỉm cười với cậu. Nó xứng đáng với cậu. Còn cộng đồng mà cậu đã bỏ lại thì sao? Không ai có thể biết cụ thể những gì đã xảy ra ở đó. Nhưng Lois Lowry không xóa tan mọi niềm hy vọng: trong những tiếng hát mơ hồ dội lại từ nơi đó, có một cái gì đó đã nói với ta rằng sự sống đã trở về.

Trên tất cả, với “Người truyền kí ức”, có thể nói Lois Lowry đã viết nên một bản tụng ca cho tuổi thơ khi để cho đứa trẻ, chứ không phải ai khác, nhuộm lại những màu sắc bị lãng quên của đời sống và kéo thế giới trở về với bản nguyên đích thực của mình. Bà và đứa trẻ ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng cái con người cần có sự sống với tất cả sức nặng của nó, chứ không phải chỉ là sự an toàn giả tạo. Và nếu muốn tìm thiên đàng trên mặt đất này, hãy nhìn vào đứa trẻ bên trong bạn – cái cách mà đôi mắt của nó luôn hướng về nơi có ánh sáng, có những khúc ca bất tận. Và có tình yêu thương.

Link mua sách: