Dựa trên nền tảng lý thuyết của tâm lý học Adler, tâm lý học hành động, Dám hạnh phúc là cuộc đối thoại của một chàng thanh niên với người triết gia để tìm ra bản chất của hạnh phúc và làm thế nào để có được hạnh phúc, khi chàng thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa của ngờ vực, thất bại. “Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này. […] Chỉ có điều chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ.”

Dám hạnh phúc review

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Dám hạnh phúc, lời tuyên ngôn tiếp nối Dám bị ghét

Sau thành công của tiểu thuyết Dám bị ghét, tác phẩm Dám hạnh phúc tiếp tục là cuộc đối thoại, tranh luận giữa chàng thanh niên và vị triết gia. Nhưng không giống Dám bị ghét, ở Dám hạnh phúc, cuộc tranh luận ấy dù vẫn xoay quanh tâm lý học Adler cùng ứng dụng tư tưởng Adler vào cuộc sống thì thời gian lẫn bối cảnh câu chuyện đã khác xưa rất nhiều.

Bởi đây đã là lần thứ hai chàng thanh niên quay lại gặp vị triết gia sau ba năm kể từ lần đầu tiên anh đặt chân tới căn phòng nhỏ của ông. Lần quay trở lại này, anh không còn là chàng thanh niên trẻ năm nào mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội, tuyệt vọng với công việc nhạt nhẽo, vô định trong một kiếp “sống mòn”. Nhờ vị triết gia năm xưa mà anh biết tới triết học Adler, anh đã tin và cũng đã có dũng khí hành động, từ bỏ công việc cũ, vượt thoát khỏi bốn bức tưởng để theo đuổi ước mơ sư phạm với tinh thần sẵn sàng “dám bị ghét”.

Nhưng khi ứng dụng tư tưởng Adler vào quá trình giáo dục, hàng loạt vấn đề khác xảy đến không khỏi khiến anh hoài nghi những lý thuyết anh từng tin tưởng. Chàng thanh niên dần mất phương hướng, giằng xé trong mâu thuẫn tiếp tục tin theo Adler, không khen thưởng, không xử phạt để lớp học trở thành một “mớ hỗn loạn” hay quay lại phương pháp giáo dục cũ, biến bản thân thành vị giáo viên có uy, nghiêm khắc với những đứa trẻ?

Mang theo đủ bao rối ren cùng hiểu biết vốn có về triết học Adler trước đấy, chàng thanh niên quay lại gặp vị triết gia. Hoàn cảnh khác xưa, tâm thế con người cũng khác trước, thời gian gặp mặt cũng không còn như ngày nào; nếu trước đây cuộc tranh luận kéo dài đêm này qua đêm khác thì lần này, cuộc tranh luận chỉ gói gọn trong một đêm. Duy có căn phòng nhỏ của vị triết gia, tinh thần những người ham mê học thuật trong căn phòng ấy xoay quanh sợi chỉ đỏ mang tên: triết học Adler và sự ứng dụng thực tế trong thực tế nói chung, dạy học nói riêng, từ đó đưa con người tiến tới hạnh phúc là không thay đổi.

Để rồi sau “dám bị ghét”, “dám hạnh phúc” là lời tuyên ngôn tiếp theo vị triết gia muốn gửi tới người thanh niên. Mà “dám hạnh phúc” tức là loại bỏ tâm lý “người khác xấu xa, ta tội nghiệp”, “phủ định thưởng phạt” trong giáo dục, con người phải đi “từ nguyên lý cạnh tranh đến nguyên lý hợp tác”, người ta cần “cho đi, nếu không sẽ không được nhận lại”, và cuối cùng, “dám hạnh phúc” cũng là “dám tôn trọng”, dám “chọn cuộc đời yêu thương”.

Là một cuốn sách đề cập tới tâm lý học ứng dụng, nói về những vấn đề liên quan đến thay đổi bản thân, thay đổi tư duy nhưng không hề khô khan, cũng chẳng hề đi vào con đường sáo mòn, hô hào lý thuyết suông. Bởi những tuyên ngôn, mỗi lời khuyên trong Dám hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng tâm lý học Adler, qua hình thức trao đổi qua lại với từng ví dụ, dẫn chứng qua trải nghiệm cụ thể giữa hai con người đều có học thức, địa vị. Vì thế, Dám hạnh phúc thật sự là cuộc tranh luận để hoàn thiện Dám bị ghét, hay rộng hơn, là hoàn thiện một con người dám thay đổi, dám tiến lên nắm lấy hạnh phúc cho riêng mình.

Dám hạnh phúc

*Cre: Page Nhã Nam Nho Xanh

Phủ định thuyết “nạn nhân”, phủ định “thưởng phạt”

Ngay từ tác phẩm Dám bị ghét, tác giả Kishimi Ichiro & Koga Fumitake đã đưa ra những tư tưởng gần như đi ngược lại quan điểm thông thường trong cuộc sống: “Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý”, “Mọi phiền muộn đều xuất phát từ mối quan hệ giữa người với người”, “Bỏ qua nhiệm vụ người khác”… Và tới Dám hạnh phúc, lần nữa, những tư tưởng có phần trái chiều ấy lại xuất hiện, điển hình chính là phủ định “người khác xấu xa, ta tội nghiệp” cùng “cơ chế thưởng phạt”.

Nhưng cũng giống với Dám bị ghét, tác giả không đưa ra luận điểm một cách sáo rỗng, chung chung mà luôn có những kiến giải cụ thể, dựa trên lý thuyết của tâm lý học Adler. Tuy nhiên, trước khi sử dụng tâm lý học Adler vào giải quyết những trường hợp riêng, tác giả đã bản tới vấn đề cốt lõi khác: Tâm lý học Adler không phải tôn giáo hay thần học, càng không có phép màu nào xuất hiện ở đây. Mà đây là tâm lý học ứng dụng, cũng là tâm lý học hành động. Vì thế, Adler không xa rời thực tế mà gần gũi với cuộc sống hơn hết thảy.

Adler vốn cho rằng: “cuộc đời là do ta lựa chọn”; tức con người hoàn toàn có thể tự do ý thức và điều chỉnh được suy nghĩ, hành vi của mình; để quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại cũng chỉ là một cách con người ý thức lựa chọn mà thôi.

Cho nên, khi soi chiếu tâm lý học Adler vào cuộc sống đời thực, vào những rắc rối người thanh niên phải gánh chịu, vị triết gia đã đi tới kết luận phủ nhận suy nghĩ “người khác xấu xa, ta tội nghiệp.” Bởi đây không khác gì tâm lý con người đang tự đóng vai “nạn nhân”, đổ thừa cho người khác, đổ thừa cho hoàn cảnh để nhận lấy sự thương hại, đồng cảm. Và điều đó, không thể giải quyết vấn đề: “Đây không phải là bị quá khứ chi phối mà là bản thân người đó cần một quá khứ nhuốm màu bất hạnh. Nếu nói một cách gay gắt thì người đó định chìm đắm trong thứ rượu rẻ tiền mang tên bi  kịch để quên đi nỗi cay đắng của “hiện tại: không may mắn.”

Và khi không còn “người khác xấu xa”, “ta tội nghiệp” thì cũng không còn “thưởng phạt” trong quan hệ xã hội nói chung, quan hệ thầy trò nói riêng. Vì lúc đó, mối quan hệ sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng của tôn trọng và yêu thương. Thưởng phạt chỉ càng khiến trẻ nảy sinh tâm lý tiêu cực: Cố gắng chỉ để nhận khen thưởng hay quậy phá chỉ để nhận trừng phạt hòng lấy sự chú ý từ thầy cô, bạn bè.  Đồng thời, “Năm giai đoạn của hành động quậy phá” của trẻ Adler đề cập, có lẽ, không chỉ gói gọn, hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể là học sinh mà rộng hơn, đó hẳn cũng chính là “năm giai đoạn của hành động phản nghịch” của con người trong một tập thể không có dân chủ.

Tuy nhiên, vị triết gia vận dụng lý thuyết tâm lý học Adler, từ đó phủ nhận thuyết “nạn nhân” hay phủ dịnh “thưởng phạt” trong cuộc sống, điều đó không hề mâu thuẫn với việc tập thể sử dụng luật pháp để duy trì trật tự xã hội. Mà học thuyết Adler, chính là sự bổ sung, mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện bức tranh toàn cảnh một xã hội hoàn thiện.

Trong mối quan hệ giữa người với người, khi đã tuân thủ triệt để sự phân công nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ cuộc đời một con người, không khen thưởng, không xử phạt, tôn trọng, tin tưởng tuyệt đối đối phương, đây cũng chính là “nguyên tắc”, “luật” để tạo dựng sự bền vững trong các mối quan hệ. Bởi con người vốn là động vật yếu đuối “nhất trong tạo hóa” về thể xác, nên ai cũng mang theo “cảm thức cộng đồng”. Con người cần dựa vào cộng đồng để tồn tại, mà để tạo dựng cộng đồng vững mạnh, bên cạnh luật pháp duy trì trật tự, còn cần lòng tin tuyệt đối lẫn tôn trọng, yêu thương. Người ta không thể mãi sống trong nỗi nghi kỵ, thù ghét chỉ càng khơi thêm mâu thuẫn; chỉ có mở lòng để tôn trọng và yêu thương, người ta mới có thể cứu rỗi người khác, và cứu rỗi chính bản thân.

Dám hạnh phúc Nhã Nam

*Cre: Page Nhã Nam

Dám tôn trọng, dám yêu thương, dám hành động

Như vị triết gia đã nói rằng, tâm lý học Adler là tâm lý học ứng dụng, tâm lý học hành động. Bởi thế, những điều trao đổi giữa ông với chàng thanh niên sẽ mãi chỉ là lý thuyết nếu không được ứng dụng vào thực tế, nếu chàng thanh niên không chấp nhận hành động để thay đổi “ngay hôm nay, ngay lúc này”. Hay nói cách khác, người ta sẽ không có hạnh phúc nếu mãi đắm chìm trong lý thuyết sách vở, trong mâu thuẫn ngờ vực nếu không dám dấn thân, tiến bước. Mà hành động thiết thực nhất trước hết, là học cách sống là chính mình, tôn trọng, yêu thương bản thân và những người xung quanh.

Nếu Dám bị ghét là câu chuyện về cái tôi, về sự phân chia nhiệm vụ trong mối quan hệ giữa người với người, về cảm thức cộng đồng cùng những mục tiêu cuộc đời; thì Dám hạnh phúc chính là những kiến giải chân thực để con người trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình, để người ta biết trân trọng từng khoảnh khắc, từng cá nhân trong cuộc đời, để ta biết rằng trước khi muốn “nhận về” yêu thương thì phải “cho đi” yêu thương. “Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này” nhưng “chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ. Cần phải tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đặt chân lên.”

Dám hạnh phúc, tưởng là những kiến thức xa vời mà cuối cùng, cuốn sách ấy đưa tới cho người đọc những giá trị nhân sinh gần gũi, giản dị, có lẽ ai cũng biết nhưng giữa bộn bề cuộc sống, có thể người ta đã xem nhẹ hay lỡ lãng quên như vậy đấy.

Link mua sách: