“The Martian” là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Andy Weir kể về Mark Watney – một phi hành gia kiêm nhà thực vật cố gắng xoay sở để sống sót và thoát khỏi sao Hỏa, trở về Trái Đất, sau khi bị mắc kẹt vì trận bão bụi ác liệt. Cuốn sách đề cao nghị lực phi thường của con người khi ở trong nghịch cảnh, đồng thời tưởng thưởng tình đồng đội, tình người.

“The Martian” là tiểu thuyết đầu tay của Andy Weir, được bắt đầu viết từ năm 2009 nhưng bị từ chối bởi nhiều nhà xuất bản.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Năm 2011, Andy Weir quyết định đăng tác phẩm trên website cá nhân dưới dạng truyện dài kỳ cho độc giả đọc miễn phí. Sau đó, dưới sự ủng hộ của người hâm mộ, ông phát hành phiên bản Amazon Kindle với giá tối thiểu 99 cent. Trong vòng 3 tháng, phiên bản Kindle đã bán được 35.000 bản, nằm trong top sách khoa học viễn tưởng bán chạy nhất Amazon.

Thành công này đã thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản, Crown Publishing quyết định mua bản quyền và cho phát hành vào năm 2014.

“The Martian”  nằm trong top 20 cuốn sách hay nhất năm 2014 do trang đọc trực tuyến nổi tiếng Goodreads bình chọn.

Đọc thêm:

Ảnh docgitoinay The Martian reviewsachonly
Ảnh: docgitoinay

Cái chết cận kề, đường về vạn dặm.

Một câu chuyện khoa học viễn tưởng về thành tựu lớn của nhân loại khi lần đầu tiên đưa được con người đến sao Hỏa, mở rộng tầm hiểu biết cho loài người – Chương trình Ares của NASA.

Phi hành đoàn Ares 1 và phi hành đoàn Ares 2 lần lượt hoàn thành nhiệm vụ khám phá những vị trí khác nhau trên sao Hỏa. Họ trở về như những vị anh hùng, được đón tiếp bởi những cuộc diễu hành và danh tiếng và tình yêu từ khắp thế giới.

Năm 2035, phi hành đoàn Ares 3 trong nhiệm vụ đặt chân đến sao Hỏa đang khám phá đồng trũng Acidalia Planitia thì bị một cơn bão bụi dữ dội ập tới, ép họ phải trở về con tàu quỹ đạo Hermes. Trong chuyến trở về, phi hành gia Mark Watney bị tấn công bởi nhiều mảnh vụn và mất tích trong cơn bão, các phép đo từ xa qua bộ đồ du hành không cho thấy dấu hiệu của sự sống. Cho rằng anh đã thiệt mạng, những người đồng đội của Mark quyết định nhanh chóng trở về Trái đất trước khi cơn bão trở nên ngoài tầm kiểm soát.

Song, Mark không chết mà chỉ bị thương nhẹ, nhưng anh không thể liên lạc với bất kỳ ai. Với sự linh hoạt thông minh và lạc quan, cùng những thiết bị còn sót lại, anh cố gắng kéo dài sự sống của bản thân, đồng thời tìm cách liên lạc với NASA để có thể trở về.

Hành trình sinh tồn và trở về của Mark đầy khó khăn nhưng không kém phần hấp dẫn. Người đọc hồ hởi cổ vũ anh trên suốt chặng đường.

Bản đồ địa hình thực sự của khu vực Sao Hỏa trong The Martian reviewsachonly
Bản đồ địa hình thực sự của khu vực Sao Hỏa trong “The Martian”.

Tuyệt địa cầu sinh.

“I’m pretty much fucked!”

Tình hình của Mark Watney sau trận bão bụi chính xác là thế!

Mark bị mắc kẹt trên sao Hỏa, không thể liên lạc với Hermes hay Trái đất, mọi người nghĩ rằng anh đã chết, và anh ở trong căn Hab được thiết kế để tồn tại trong 31 ngày. Nếu máy tạo oxy hỏng, anh sẽ chết ngạt. Nếu máy lọc nước hỏng, anh sẽ chết khát. Nếu Hab bị thủng, Mark đại loại sẽ nổ tung. Nếu không có chuyện gì như thế xảy ra, thì cuối cùng sẽ hết đồ ăn và anh sẽ chết đói.

Vậy đấy, Mark Watney là một anh chàng vốn đã tiêu đời rồi!

Tâm lý học chứng minh nhiều lần cho việc bị cô lập có thể hủy hoại một con người, nhưng Mark là minh chứng cho điều ngược lại, cho một sức sống phi thường vẫn hy vọng về một ngày về dẫu vô cùng mờ mịt, cho cả một trái tim thấu hiểu và lạc quan. Anh không trách các phi hành gia trong Ares 3, đó không phải là lỗi của ai cả. Mọi người đã làm những điều mà họ phải làm và nên làm. Nếu ở vị trí họ thì Mark nghĩ anh cũng làm y vậy thôi. Anh mừng là những người còn lại đã sống sót.

Với phương châm làm việc với vấn đề, Mark giải quyết từng thử thách một mà anh phải đối mặt.

Andy Weir chẳng miêu tả ngoại hình Mark là bao, nhưng chỉ tập trung vào cái cách anh chàng suy nghĩ, vạch ra vấn đề, giải quyết từng bước một với sự thông minh khéo léo cũng đủ khiến bạn đọc hình dung được sự quyến rũ chết người từ anh chàng này. Chàng trai ấy không khóc khi bị bỏ rơi một mình trên một hành tinh mà sự sống chỉ gói gọn trong những vật dụng họ mang lên từ Trái Đất. Anh chỉ đơn giản là tư duy, là tự cứu mình trước khi người cứu mình. Sau bao khó khăn suýt chết vẫn ngoan cường ấy vậy lại khóc tu tu như một đứa trẻ khi liên lạc được với Trái Đất.

Mark Watney là hình tượng tiêu biểu cho ý chí và nghị lực phi thường của con người khi ở trong nghịch cảnh.

Ảnh plantsvs.reading The Martian reviewsachonly
Ảnh: plantsvs.reading

Tình người ấm áp.

Tác phẩm được đánh giá là một cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc đã khám phá ra những ý tưởng mới lạ nhưng vẫn đọng lại cảm xúc con người, có lẽ nguyên nhân chính là vì ngòi bút của kỹ sư phần mềm Andy Weir mang dòng mực ấm nồng từ một trái tim đầy yêu thương.

Tấm lòng ấy thể hiện rõ trong lời đề tặng cuốn sách:

“Tặng mẹ, người vẫn gọi con là “thằng quỷ nhỏ”,

Và tặng bố, người vẫn gọi con là “công tử bột”.”

“The Martian” là một cuốn tiểu thuyết khoa học vũ trụ nhưng lại dựa trên nền tảng tình người. Cả tổ chức NASA, cả đất nước Hoa Kỳ, hay cả thế giới… hàng tỷ người hướng về một người đang bị mắc kẹt trên sao Hỏa.

Nếu Mark Watney đại diện cho tinh thần lạc quan, cho khoa học, cho sự tiến bộ và tương lai liên hành tinh thì phi hành đoàn Ares 3 là tổ hợp của nhân tài và nhân tính.

Ảnh silver_spoon17 The Martian reviewsachonly
Ảnh: silver_spoon17

“The Martian” – Đợt ăn mừng của “thế hệ sao Hỏa”.

Những năm đầu thế kỷ 21, khoa học vũ trụ có những bước tiến dài trong việc khám phá sao Hỏa – hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ.

Năm 2003, chương trình Mars Exploration Rover (MER) của NASA ra mắt hai xe tự hành: MER-A Spirit và MER-B Opportunity – để khám phá bề mặt và địa chất của sao Hỏa. Cả hai chiếc xe tự hành này đều đã hoàn thành và tiếp tục kế hoạch thám hiểm trong 90 ngày trên sao Hỏa: MER-A Spirit hoạt động cho đến năm 2010, MER-B Opportunity hoạt động đến tận năm 2018 và giữ kỷ lục cho khoảng cách dài nhất được bất kỳ xe có động cơ nào di chuyển ngoài Trái Đất.

26/11/ 2011, Curiosity – một chiếc xe tự hành cỡ nhỏ – được phóng từ Mũi Canaveral và đáp xuống Aeolis Palus ở miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa vào 06/08/ 2012. Mục tiêu của Curiosity bao gồm điều tra về khí hậu và địa chất sao Hỏa; đánh giá xem liệu các khu vực được lựa chọn bên trong miệng núi lửa Gale có thể cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật hay không, bao gồm cả điều tra về vai trò của nước; và các nghiên cứu về khả năng sinh sống của hành tinh này để chuẩn bị cho sự khám phá của con người.

Có một chi tiết thú vị trong “The Martian” là thời điểm tác giả viết thì nước ở sao hỏa vẫn đang trong phạm vi “viễn tưởng”, nên Andy Weir khai thác tình tiết Mark khá khó khăn trong việc tìm nước, nhưng sau khi sách phát hành thì Curiosity đã chứng minh chi tiết này sai mất rồi.

Andy Weir đã chia sẻ đầy hóm hỉnh:

“Tôi đã viết “The Martian”, giấy trắng mực đen, tôi không thay đổi được nữa, cũng là lúc tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity đáp xuống nơi đó. Cái con quỷ nhỏ Curiosity đó xuống sao Hỏa, lấy mẫu đất xét nghiệm, và phát hiện ra mỗi mét khối đất ở đó chứa khoảng 35 lít nước. Nên thực ra Mark chỉ cần mang ít đất vào nung lên là xong.”

Tóm lại, có thể nói rằng con người ngày nay chính là “thế hệ sao Hỏa” – thế hệ lớn lên cùng những khám phá sao Hỏa. “The Martian” là cơ hội tuyệt vời để nhân loại ăn mừng những sự kiện này, đồng thời khích lệ thế hệ mới các nhà khoa học và nhà thám hiểm, chuẩn bị cho một sứ mệnh của con người trong tương lai không xa.

Tác giả Andy Weir tại NASA JSC năm 2015 reviewsachonly
Andy Weir tại NASA JSC năm 2015.

Đôi nét về tiểu thuyết gia không chuyên Andy Weir.

Andrew Taylor “Andy” Weir sinh ngày 16/06/1972 tại California, Mỹ.

Năm 15 tuổi, ông được thuê làm lập trình viên cho một phòng thí nghiệm quốc gia và kể từ đó đến nay, vẫn làm việc như một kỹ sư phần mềm. Dù không làm cho NASA, nhưng tác phẩm của ông được nhiều chuyên gia NASA đánh giá cao. Andy Weir đam mê khoa học không gian, thích nghiên cứu thuyết tương đối, cơ học quỹ đạo và lịch sử du hành vũ trụ có người lái.

Tiểu thuyết “The Martian” của Andy Weir được chuyển thể thành phim cùng tên với sự hợp tác của biên kịch Drew Goddard, đạo diễn Ridley Scott và nam diễn viên chính Matt Damon. Bộ phim trở thành bom tấn mùa thu năm 2015, gặt hái được nhiều giải thưởng và đề cử.

Andy Weir đã nhận được giải thưởng tưởng niệm John W. Campbell dành cho Tiểu thuyết gia mới xuất sắc nhất năm 2016.

Link mua sách: