Lolita của Vladimir Nabokov là một trong những kiệt tác điên rồ, gây tranh cãi nhưng vĩnh cữu duy nhất trên thế giới khi miêu tả chân thực mà tinh tế về sự hiện diện của một thứ tình yêu luôn sống trong bóng tối, mịt mù phía sau những cảm xúc đê hèn, quỷ ám của một gã đàn ông trung niên

Tác phẩm Lolita ra đời vào năm 1955 bằng bản tiếng Anh trước khi được chuyển ngữ sang tiếng Nga theo mong mỏi của tác giả. Chính Vladimir Nabokov với tư cách là nhà văn Mỹ gốc Nga, đến tận cuối đời ông vẫn hằng mong tìm về quê hương thân thuộc của mình qua từng con chữ – những đứa con tinh thần luôn gần gũi tác giả hơn nửa thế kỉ.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
  • (Khuyến cáo: Cuốn sách không phù hợp với bạn đọc ở độ tuổi dưới 18!!! Vui lòng không đọc tiếp nếu bạn chưa đạt độ tuổi trên – nhắc nhở từ ban biên tập reviewsach.net)
Lolita reviewsach.net
Sách Lolita – Ảnh: Fb Nguyễn Mỹ Chi

Những nhà văn cùng thời kể về Nabokov như một nhà phê bình văn chương tiếng tăm và uy tín bậc nhất thời bấy giờ bởi sự thẩm định tài tình và kiến thức uyên bác của ông. Nabokov không do dự khi trở thành người vinh danh những tác phẩm giá trị đã bị chôn vùi trong phỉ nhổ, phê phán và tẩy chay kịch liệt của đương thời.

Nhưng không ngờ, chính ông lại trở thành nhà văn hứng chịu nhiều nhất sự khinh khi, hạch sách, “hỉ hả” của người đời khi quyết định cho ra đời cuốn sách Lolita này. Cuốn sách từng bị xem là “thô tục, bẩn thỉu, loạn luân”.

“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta. Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”

Lolita giống như “Ulysses” của James Joyce hay “Vụ án” của Franz Kafka, “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust,… đều là những “kiệt tác điên rồ” khiến các giáo sư hàng đầu thế giới phải vắt óc tìm cho ra được ý nghĩa thực sự sau từng con chữ.

Bởi không dễ dàng để tiếp thu những con chữ ma thuật trong Lolita . Từ hơi hướm văn xuôi lạ lùng, độc đáo đến câu chuyện về Humbert Humbert – giáo sư văn chương ở Paris – 35 tuổi đem lòng say mê con gái bà chủ nhà trọ mười hai tuổi tên Dolores haze và chấp nhận lấy mẹ cô bé để gần gũi hơn với “tiểu nữ thần”

Xem thêm: Kiểu nhà văn song ngữ trong tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga của V. Nabokov

Lolita viết về thứ Tình cảm trần trụi, dị dạng nhưng chung thủy tột cùng

Có ba loại nhân vật được Nabokov miêu tả, chăm sóc tỉ mỉ chân dung tâm hồn. Đồng thời, họ cũng đại diện cho ba dạng người trong lòng xã hội xô bồ và vội vã này.

Một Humbert Humbert – giáo sư văn chương ở Paris. Dù ở với vợ nhưng ông luôn nghĩ đến những cô gái 12,13 tuổi như thiên đường đã mất với mình – Annabel bạn lúc nhỏ đã chết vì bị bệnh hiểm nghèo. Dù đến khi vợ bỏ đi với người khác, Humbert vẫn dửng dưng, lạnh nhạt, thậm chí là ngạc nhiên vì sao vợ ông ta lại có sức hút với người khác phái. Chỉ đến khi đến Mỹ giảng dạy, ông mới đem lòng yêu con gái 12 tuổi của bà chủ quán trọ từ cái nhìn đầu tiên và lấy bà để gần gũi hơn với cô bé trong mê cuồng, khoái cảm bệnh hoạn.

Một Charlotte Haze – mẹ của Lolita ích kỷ yêu Humbert. Chỉ đến khi, đọc được những dòng nhật kí loạn luân, suy đồi đạo đức của hắn ta đối với con gái mình, bà mới hoang mang đi ra đường rồi bị xe cán chết với bức thư chưa kịp gửi con gai đang ở trong trại hè.

Một Lolita tươi tắn, rạng rỡ nhưng cực kì ngang ngạnh, dù bị Humbert “bắt cóc” đi cùng hắn qua bao nhiêu thành phố, cùng nhau làm tình, bị hắn ví von như thiên đường có bầu trời rực lửa của địa ngục vẫn ngông nhênh, không thèm phơi bày cảm xúc thật.

Chỉ đến khi nàng phải vào viện vì bị nhiễm virus và dũng cảm trốn thoát biệt tăm. Chỉ đến khi nàng gửi cho Humbert lá thư với một tin tức rằng nàng đã tìm được tình yêu của đời mình và đang mang thai. Trái tim Humbert mới phẳng im như tờ. Rõ ràng tình yêu bệnh hoạn của hắn đang bị chối bỏ.

Humbert mong muốn dẫn Lo của hắn đi nhưng nàng không đồng ý, dù phải chịu đựng Quilty hành hạ. Cuối cùng Humbert đưa $4000 cho Lo trang trải cuộc sống, giết Quilty rồi vào tù. Ông chết do nghẽn động mạch vàng trong tù ngày 16 tháng 11 năm 1950. Lolita cũng sinh con cùng năm đó.

Bỏ sau những câu cảm thán mà Humbert luôn thốt lên khi nói về Lolita như “Ôi Dolly!” hay “Chúa ơi, Lo” hay những trằn trọc suy tư giấu kín sau vẻ ngoài đĩnh đạc trung niên, ta vẫn thấy Humbert hiện lên với sự khốn khổ và khốn nạn khôn cùng vì đến chết vẫn nghĩ về “Lolita”. Mọi nút thắt đều được tác giá sắp xếp và đẩy đến cao trào, bùng nổ dữ dội gây ám ảnh tâm trí người đọc.

Lolita
Lolita – Image source: thebookghar (Instagram)

Lolita – Địa hạt tiểu thuyết khó tiếp cận

Không thể phủ nhận một điều là Lolita không viết để tôn vinh hay ca ngợi những cảm xúc bệnh hoạn của gã đàn ông lớn tuổi bị ám ảnh tình dục với cô bé mười hai tuổi Dolores Haze. Humbert Humbert vẫn là một người đàn ông trung niên gớm ghiếc, bỉ ổi với những suy nghĩ sa đọa. Dù Nabokov đã cố nêu ra những nỗi đau khổ ẩn sau sự suy đọa đạo đức. Nhưng chẳng một ai có thể thông cảm nỗi cho Humbert Humbert.

Lolita viết về một thực trạng luôn tồn tại trong cuộc sống. Mọi tội ác sẽ xảy ra khi mà những đứa con trở nên ngang ngạnh, những người mẹ trở nên ích kỷ, những người đàn ông đạo mạo quỷ ám, hổn hển sống vờn vây bên cạnh gia đình. Đọc xong Lolita, nhiều độc giả có thể sẽ lại thầm ước, giá như xã hội có sự quan tâm đúng mực hơn về việc giáo dục con cái họ và xây dựng nên hệ thống giáo dục kiện toàn hơn bảo vệ những đứa trẻ thiên thần bé bỏng của chúng ta!

Vladimir Nabokov đang viết về một câu chuyện đi ngược ý thích dư luận, thậm chí như đi trên cọng dây leo qua thung lũng, chỉ cần một chút thừa thãi hoặc thiếu sót thì Lolita chỉ là cuốn sách tàn tạ đáng để vứt đi.

Thế nhưng công tâm mà xét, ở địa hạt tiểu thuyết, Nabokov đã sử dụng vô số phương ngữ, lối chơi chữ nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, liên tưởng đa nghĩa, nghĩa lồng trong nghĩa bịa chữ và vô số kiến thức văn học, triết học và sử học núp bóng ẩn dụ,…để miêu tả trọn vẹn tình yêu ngang trái của gã đàn ông trung niên bệnh hoạn và “con đĩ non” đầy kì lạ trên. Dĩ nhiên, chỉ đến khi đọc “Pnin” – một tiểu thuyết khác của Nabokov, ngôn ngữ văn chương của ông mới được công nhận là sáng tạo, đẹp đẽ và ma thuật làm sao.

Cũng như Nabokov đã tiết lộ: “Lolita được sáng tác giống như sáng tác một ván cờ thế tuyệt đẹp – cấu trúc của nó đồng thời lại là lời giải, bởi vì cái này là chiếc gương phản chiếu cho cái kia, tùy thuộc vào cách nhìn của độc giả”.

Rõ ràng, để đọc cho tròn vẹn Lolita không hề dễ dàng. Nó quả thực là ván cờ thử thách trí não độc giả ngàn đời. Nếu bạn đang còn trẻ xin đừng đọc vội. Hãy chờ đến khi kiến thức phong phú, góc nhìn đa dạng, nghiệm giải cuộc đời đầy đủ, lúc đó hãy thưởng thức cũng không muộn.

Bởi Lolita sẽ không khiến bạn bật dậy háo hức xem luôn trang cuối cùng như tìm thấy một mục tiêu ngắn hạn, mà ắt hẳn bạn sẽ phải trăn trở, thổn thức về nó không ít đêm thậm trí căng não cả đời để thẩm thấu chỉ một câu chữ.

Nabokov không phải là nhà văn đầu tiên bị quay lưng vì tác phẩm của mình mang yếu tố nhục dục. Kawabata với “Người đẹp ngủ mê” hay Gabriel Garcia Márquez với Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi đều có những bước đi lận đận trên con đường đến với độc giả.

Trước khi đọc Lolita của Vladimir Nabokov, mỗi người hãy tự xác định rõ cho mình một điểm nhìn thỏa đáng. Bạn đang nhìn nó ở góc nhìn là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Vladimir Nabokov – “Vua tiểu thuyết văn chương đương đại” hay một hồ sơ bệnh án về gã trung niên Humbert Humbert cống hiến tư liệu cho y học tâm thần, hay một cuốn sách đáng bị lên án, phê phán về một tội ác mang tên ấu dâm?!

Xem thêm:

Chết ở Venice

Link mua sách: