“Con trai ạ, bố đã đi tìm con ở nước Đức, ở Ba-lan và khắp cả Bêlarus,… ” (Trích Số phận một con người – Mikhail Aleksndrovich Sholokhov)
Một tác phẩm kinh điển của đại văn hào Liên Xô Mikhail Aleksandrovich Sholokhov về tình yêu và nghị lực sống của con người giữa sự tàn khốc của chiến tranh.
Xem thêm review sách của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov:
Sự nghiệt ngã của số phận
Năm 1956 đại văn hào người Liên Xô Mikhail Aleksandrovich Sholokhov đã cho ra đời tác phẩm Số phận một con người. Đây là một truyện vừa lấy bối cảnh nước Nga trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại quân Đức Quốc xã với nhân vật chính là người chiến sĩ Hồng quân Andrey Sokolov.
Bằng một ngòi bút bình dị không cần trau chuốt cùng văn phong mang lối kể chân tình, Sholokhov đã phác họa nên một bức tranh đen trắng về sự tàn khốc của cuộc chiến được thể hiện qua cuộc đời đầy bi kịch của nhân vật chính Sokolov: bị thương và bị quân Đức bắt làm tù binh, bị tra tấn, vợ và hai con gái ở quê chết do bom Đức, niềm hy vọng và là niềm tự hào cuối cùng – con trai Anatoli hy sinh đúng ngày chiến thắng…
Số phận một con người dường như đã viết nên một kịch bản không thể nào bi thảm hơn cho nhân vật chính đáng thương. Anh đã sống, đã cống hiến và chiến đấu anh dũng vì lý tưởng cao đẹp của cuộc đời nhưng những gì anh nhận lại quá phũ phàng. Dĩ nhiên điều đó không chỉ là một câu chuyện tưởng tượng trên giấy viết mà nó chính là thực tế khốc liệt tàn nhẫn của cuộc Chiến tranh Vệ quốc và là cuộc đời của hàng triệu con người bước qua cuộc chiến oai hùng nhưng đầy đau thương ấy.
Hạnh phúc vỡ oà
Quãng đời còn lại của Sokolov có lẽ vẫn là sự tồn tại vật vờ cùng nỗi ám ảnh quá khứ nếu như anh không gặp cậu bé mồ côi Vania. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã mở ra một chương mới cho cả hai con người. Sự đồng cảm diệu kỳ của hai tâm hồn một già một trẻ cùng bị tổn thương do chiến tranh và cùng vì chiến tranh mà tìm thấy nhau. Sokolov cảm thấy tâm hồn mình trở nên “nhẹ nhàn và thanh thản” khi đi đến quyết định nhận Vania làm con nuôi của mình. Và thế là bằng một tình cảm hồn nhiên trong sáng nhất, cậu bé Vania đón nhận người cha Sokolov thật tự nhiên. Ngược lại Sokolov đón nhận đứa con trai Vania bằng tấm lòng bao dung chân thành. Cậu bé như một chỗ dựa cho tâm hồn tan vỡ của người cựu binh và đó cũng là hành động anh tự buông bỏ quá khứ đau thương của chính mình để trở thành một con người mới – cha của cậu bé Vania.
Sau những mất mát to lớn của cuộc đời, Sokolov bôn ba nhiều nơi để làm việc nhưng mục đích cuối cùng của anh là gì? Anh muốn trốn tránh bóng ma của sự khổ đau hay anh vẫn giữ một niềm tin vào điều kỳ diệu nào đó? Và cậu bé Vania, tại sao qua từng ấy những vùi dập của cuộc đời, ánh mắt em vẫn trong sáng hồn nhiên? Có lẽ em vẫn tin rằng một ngày nào đó bố sẽ tìm được em… “… bố đã đi tìm con ở nước Đức, ở Ba-lan và khắp cả Bêlarus… ”. Dĩ nhiên đó chỉ là một câu nói dối nhưng là một câu nói dối chân thành của một người cha với tình yêu thương con vô bờ bến. Người cha ấy đã đi tìm con trai mình ở khắp các mặt trận Đông Âu và rồi như gục ngã khi nghe tin con – Đại úy pháo binh Anatoli Sokolov hy sinh trong ngày chiến thắng. Anh ngỡ rằng chính tay anh đã chôn vùi niềm hy vọng cuối cùng của mình trên đất Đức xa xôi. Hóa ra anh lại tìm thấy con trai yêu dấu Vania Sokolov ngay tại Uriupinsk này.
Những suy tư về thời cuộc và niềm tin con người
Chi tiết hai cha con chào nhân vật “tôi” rồi bước lên thuyền mang hình ảnh ẩn dụ sâu sắc: một bến bờ mới đã mở ra cho cả hai cha con dù những sóng gió vẫn còn phía trước. Niềm hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt nhưng sâu thẳm bên trong lồng ngực mỗi độc giả, có lẽ vẫn có một cái gì đó đang thắt lại…
Số phận một con người đưa ta đi hết những cung bậc của cảm xúc từ buồn bã, hồi hộp, tuyệt vọng, phấn khích, đau đớn đến hy vọng và rồi vỡ òa trong hạnh phúc. Tuy hạnh phúc nhưng vẫn đau đáu những lo âu, trăn trở về cuộc đời và thời cuộc. Xuyên suốt tác phẩm là sự đấu tranh dằng dai giữa ý chí con người và sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Đôi lúc những tưởng sắp chạm được hạnh phúc rồi mọi thứ lại vỡ tan. Có lúc tâm hồn le lói như ngọn đèn sắp tắt lại bùng lên nồng nhiệt.
Chiến tranh đã mang đi vĩnh viễn những gì quý giá thân thương nhất của con người: người thân, nhà cửa, quê hương… Những mất mát tang thương ấy đủ sức đánh gục bất kỳ một con người nào dù là mạnh mẽ nhất. Vậy mà dường như nó lại đầu hàng một cựu binh già và một em bé.
“Hai con người đã mất đi tất cả trong chiến tranh, không có nhà cửa, không gia đình. Cái gì đang chờ họ phía trước.” Câu hỏi của nhân vật kể chuyện ở phần cuối tác phẩm gợi lên trong lòng người đọc bao suy tư về số phận của con người nhỏ bé trước bao biến động to lớn của thời cuộc. Câu chuyện của nhân vật “tôi” kết thúc ở đó, hai cha con Andrey Sokolov và Vania Sokolov bước lên thuyền bỏ lại “tôi” đứng đó dõi theo và thầm cầu nguyện cũng như Số phận một con người bỏ lại độc giả với những suy tư của riêng mình. Liệu rằng con thuyền kia sẽ đưa những con người ấy đến những bến bờ nào, liệu rằng ý chí con người có thắng được số phận, liệu rằng hạnh phúc có thực sự mỉm cười khi ta cố gắng hết sức mình? Không ai biết điều gì đang đợi họ ở bến bờ bên kia nhưng có một điều chắc chắn rằng từ bây giờ dù trong hoàn cảnh nào họ luôn có nhau, luôn giữ vững niềm tin mà bước tới như hàng triệu con người Nga thế kỷ XX đã anh dũng trong chiến đấu, đã chấp nhận hy sinh và kiên cường đứng lên trong bão tố dập vùi…
- Tiki: 8eCcgWUY” 8eCcgWUY