“Cô gà mái xổng chuồng” của Hwang Sun-mi là chuyến hành trình đầy cam go nhưng không kém phần thú vị của một cô gà công nghiệp khác biệt, dám mơ ước và dũng cảm thực hiện mơ ước. Tác phẩm truyền tải thông điệp về ước mơ, dũng cảm, tự do, ý chí và tình yêu bản năng của một người mẹ.

Ảnh Nhã Nam Cô gà mái xổng chuồng Reviewsachnet
Ảnh: Nhã Nam

“Cô gà mái xổng chuồng” (tựa gốc “마당을 나온 암탉”) ra mắt độc giả trong nước lần đầu năm 2000, tính đến năm 2016 đã bán ra hơn 1,6 triệu bản, lập kỷ lục trong lịch sử văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Truyện cũng được dịch và phát hành tại gần 30 quốc gia trên thế giới.

05d983ffa193bec969b23ef27fbbf73e

Tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, trở thành nội dung giảng dạy bậc tiểu học ở Hàn Quốc. Cuốn sách cũng đã giúp nhà văn Hwang Sun-mi nhận danh hiệu “Tác giả thời nay” tại Hội chợ sách quốc tế London 2014.

Năm 2011, sách được chuyển thể thành phim hoạt hình truyền hình với tựa đề “Leafie, A Hen into the Wild” do Oh Seong-yun đạo diễn, gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Đọc thêm:

Chuyện của Mầm Lá.

Với 11 chương truyện không quá dài, lại đầy đủ sức cuốn để đọc một mạch mà khó lòng dứt ra nửa chừng.

“Cô gà mái xổng chuồng” kể về Mầm Lá – một cô gà mái công nghiệp được nuôi để lấy trứng, luôn thích suy nghĩ vẩn vơ, tự hỏi và tự trả lời. Cái tên Mầm Lá cũng là cô tự đặt, vì ghen tị và thán phục với sự sống đầy ý nghĩa của tán lá cây hoa Mimosa phía cuối vườn.

Đã hơn một năm rồi, Mầm Lá đẻ trứng liên tục, nhưng chưa bao giờ cô được chạm vào chúng, cũng không thể nào biết số phận của những quả trứng được cho vào giỏ đem đi kia sẽ ra sao. Rồi sau lần trông thấy một cô gà mái ấp nở ra chú gà con rất đáng yêu và dẫn chú bé con đi loanh quanh trong vườn, Mầm Lá nhen nhóm trong lòng một ước mơ:

“Chỉ cần một lần được ấp trứng thôi, chỉ cần một lần được thấy gà con ra đời thôi…”

Đến một ngày Mầm Lá cảm thấy kiệt sức, cô chán ăn, cũng chẳng thiết tha gì đẻ trứng, ngay cả việc đứng thôi cũng đã thấy mệt. Trong khi đồng bọn đang vục mặt thưởng thức món cám ngon lành được dọn sẵn, thì cô nàng lại thò cổ qua mắt lưới sắt, mặc cho lông rụng lả tả, chỉ lo ngắm nhìn cây hoa Mimosa. Mầm Lá chán ghét tấm lưới sắt bức bối, cô muốn được ra vườn, muốn được bới phân cùng Gà Trống, muốn được ấp trứng như cô gà mái trong vườn. Mầm Lá muốn tự do.

Sau những ngày chán ăn đến kiệt sức, trong tình huống hi hữu bị chủ vứt xuống hố vì tưởng cô đã chết vì bệnh rồi, Mầm Lá bất ngờ được tự do, nhưng tự do này đến quá đột ngột, lại thoát ra khỏi phạm vi khu vườn, mất đi sự bảo vệ từ bác Chó già.

Chuyến phiêu lưu bên ngoài tấm lưới sắt của Mầm Lá bắt đầu bằng nguy hiểm đe dọa tính mạng từ mụ Chồn, nhưng rất may đã thoát kịp nhờ bạn Kẻ Lang Thang – hai đối tượng một thù một bạn này có ý nghĩa đặc biệt trong quãng đời còn lại của cô. Vượt qua hiểm nguy, chứng kiến kỳ tích, thực hiện ước mơ… Mầm Lá trở thành mẹ và sống cuộc đời đầy gian nan nhưng không kém phần hạnh phúc.

Cuốn sách khép lại với một cái kết không đẹp như truyện cổ tích, bạn đọc yếu lòng có thể sẽ rơi nước mắt, nhưng biệt ly và chết chóc vốn là điều tất yếu của cuộc đời.

“Nếu có ai chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm ly biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài mãi.”

Ảnh nvmtrang Cô gà mái xổng chuồng Reviewsachonly
Ảnh: nvmtrang

Ước mơ, dũng cảm, tự do, ý chí và tình yêu bản năng của một người mẹ.

Trong lời mở đầu của cuốn sách, tác giả chia sẻ nguồn cảm hứng viết nên tác phẩm này, là từ một cậu bé đi đứng còn không tiện nhưng vẫn nuôi ước mơ trở thành cảnh sát. Có đôi khi trong cuộc đời này, giá trị của ước mơ không phải ở việc thực hiện được hay không, mà ở việc xoa dịu những nỗi đau và niềm thiếu sót của số phận. Và biết đâu đấy, ước mơ sẽ trở thành kỳ tích, nếu đủ ý chí nghị lực và lòng dũng cảm như Mầm Lá.

Sinh ra là một cô gà mái công nghiệp, số phận của Mầm Lá đã định rằng cô chẳng thể ấp trứng, chẳng thể chứng kiến đứa con của chính mình ra đời, cũng chẳng thể được tự do.

Nhưng Mầm Lá chẳng buông xuôi theo số phận. Chỉ riêng việc dám ước mơ và nuôi dưỡng trong mình ước mơ vô lý và không tưởng ấy đã là một điều cũng cảm vô cùng. Ấy thế mà Mầm Lá lại còn dũng cảm hơn nữa, khi kiên trì thực hiện ước mơ, mặc hiểm nguy rình rập, cô đơn bủa vây và sự dè bỉu từ những thành viên sân vườn. Cô đã bị cuộc đời vùi dập tời tả, cô đã vụn vỡ không biết bao nhiêu lần.

Khi nghe Gà Trống nói đứa con mình đêm ngày ấp ra là “thằng nhãi vịt con”, Mầm Lá đã rất đỗi ngạc nhiên và lảo đảo cả thân người. Nhưng sự khác biệt giống loài cũng chẳng thể cắt đứt được tình cảm của cô. Đó là tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con từ những ngày còn là quả trứng. Mối liên kết từ những phút giây áp bụng mình lên quả trứng, lắng nghe nhịp tim và hát ru cho con, đến giây phút nhìn thấy con lần đầu tiên, tất cả đều nhỏ xíu, tất cả đều đáng yêu, tất cả đều ấm áp – tình mẹ thiêng liêng và quá đỗi diệu kỳ! Và những hy sinh của Mầm Lá dành cho con cũng được cô xem là điều hiển nhiên. Đó là tình yêu bản năng của người mẹ.

Mụ Chồn, kẻ thù suốt đời của Mầm Lá, cũng làm mẹ, cũng có những đứa con đỏ hỏn và yếu ớt của mình. Và khi đứng trước sự đe dọa tính mạng đến các con, kẻ đi săn điệu nghệ như mụ Chồn cũng chỉ còn cách van nài đến mức khổ sở, dường như sẵn sàng phục tùng.

Hwang Sun-mi đã xây dựng cả hai nhân vật Mầm Lá và mụ Chồn với những mặt tốt và mặt xấu, mụ Chồn ăn gà thì Mầm Lá cũng ăn những con chuồn chuồn để sống sót. Những tình tiết thuận theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên chứ không rạch ròi một bên thiện hoàn toàn hay một bên ác hoàn toàn. Và dĩ nhiên, Mầm Lá có tình mẫu tử thì mụ Chồn cũng vậy. Tất thảy dựng nên một tác phẩm văn học đa chiều, có tính thực tế cũng như tính giáo dục cao.

Trở thành một ngôi sao sáng của chính cuộc đời mình!

“Chúng ta có thể phải đối mặt rất nhiều khó khăn trong cuộc đời nhưng chúng ta tuyệt đối không được khuất phục trước thất bại hay trở nên tầm thường. Mỗi người đều có thể trở thành một ngôi sao sáng của chính cuộc đời mình, chỉ là do lựa chọn của chính chúng ta mà thôi.” – Hwang Sun-mi.

Không cứ phải sinh ra là gà công nghiệp thì suốt đời mang phận ăn no rồi đẻ trứng.

Mầm Lá là một cô gà mái công nghiệp, nhưng cô đã không an phận để xuôi theo vận mệnh, đã không để cuộc đời mình trở nên tầm thường. Mầm Lá đã dũng cảm ước mơ, dũng cảm lựa chọn và tạo ra cho mình một số phận khác biệt.

Mỗi bước đi, mỗi hành động của Mầm Lá đều gặp vô vàn hiểm nguy, ngay cả tấm thân cô cũng gầy đi xơ xác. Thế nhưng cuộc đời cô từ giây phút thoát ra khỏi chuồng gà đã không hề đơn điệu, không hề tẻ nhạt. Trên lối đi riêng đầy dũng cảm của mình, Mầm Lá nhìn thấy thế giới, nếm được đắng cay, hiểu được tự do, ôm niềm hạnh phúc.

Tự hỏi xem, nếu xung quanh Mầm Lá cũng tồn tại những chiếc camera chạy bằng cơm như xã hội loài người, những đối tượng tạo ra “dư luận” và tự cho bản thân cái quyền phán xét người khác, thì chắc chắn Mầm Lá sẽ bị gán cho cái danh “ngu xuẩn” – không ở trong chuồng, ăn no, ngủ yên, béo mầm lên để tạo phúc (đẻ trứng) cho đời, mà lại đi lang thang, gầy trơ xương, rồi ấp và nuôi con của một kẻ khác! Đặt góc nhìn như thế sẽ thấy rõ sự vô lý và độc đoán từ dư luận – những con người luôn mang theo cái nhìn phiến diện và quan điểm thiên lệch – họ sẽ không thể hiểu được những cảm xúc tuyệt vời cùng trải nghiệm quý báu mà Mầm Lá đã tự thân cảm nhận.

Cũng chính nguyên lý ấy, bạn có đang đi theo lối mòn? Có dám ước mơ những mơ ước không tưởng? Có dám vượt qua khuôn khổ để theo đuổi ước mơ của mình, hay vẫn mãi loay hoay trong niềm sợ hãi vấp phải sự phản đối và định kiến?

Bạn có dũng cảm như Mầm Lá không, để khiến bản thân trở thành một ngôi sao sáng trong chính cuộc đời mình?

Ảnh Nhã Nam Cô gà mái xổng chuồng Reviewsachonly
Ảnh: Nhã Nam

Cuộc gặp gỡ định mệnh với thế giới truyện thiếu nhi.

Nữ tác giả Hwang Sun-mi sinh năm 1963 tại Hongseong – một huyện thuộc tỉnh Chungcheong Nam, phía tây Hàn Quốc.

Xuất thân chính quy từ Đại học Nghệ thuật Seoul, bắt đầu sáng tác vào năm 1995, đến nay Hwang Sun-mi đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, bao gồm nhiều thể loại với các chủ đề khác nhau. Nhưng dường như nhắc đến Hwang Sun-mi, giới mộ điệu vẫn nhớ tới cô với tư cách là tác giả của những cuốn sách dành cho độc giả nhỏ tuổi.

Hwang Sun-mi bén duyên với thế giới truyện thiếu nhi thông qua công việc làm giáo viên tại một trung tâm văn hóa đọc ở Hàn Quốc. Từ đây, cô sáng tác nhiều sách truyện cho các em, với một lối viết rất riêng, không hề cứng nhắc, không hề khiên cưỡng hay áp đặt, mà sẻ chia thực tế cuộc sống đang diễn ra đa chiều như thế nào, gợi mở cho trẻ – thậm chí là độc giả trưởng thành –  một khoảng trời để suy nghĩ bằng nhãn quan của mình.

Những tác phẩm của Hwang Sun-mi đã được xuất bản ở Việt Nam: “Cô gà mái xổng chuồng”, “Chó xanh lông dài”, “Phiếu bé hư”, “Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc”.

Nhà văn Hwang Sun-mi đã được trao nhiều giải thưởng nổi tiếng, trong đó phải kể đến hai giải thưởng lớn là Giải thưởng truyền thông thiếu nhi của đài SBS (SBS Children’s Media Award) và Giải thưởng văn học thiếu nhi Se-jong (Se-jong Children’s Literature Award).

: