Xấu- Câu chuyện thuật lại sự kiện hai cô gái điếm Tokyo Yuriko Hirata và Kazue Sato bị giết hại một cách dã man tại nhà riêng đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi nhức nhối: họ là ai, tại sao họ bị giết, và vì đâu mà cuộc đời của cả hai lại thành ra nông nỗi này?
Qua giọng kể chuyện đầy dửng dưng lạnh lùng đến từ chị gái ruột của Yuriko xấu số, tấn bi kịch cuộc đời của cả hai cô gái dần dần hé mở, với xuất phát điểm là quãng thời gian học tập tại trường nữ sinh Q. – nơi khởi nguồn cho phần lớn những suy nghĩ lệch lạc của họ sau này.
Natsuo Kirino (sinh năm 1951) là nữ nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết đậm màu sắc hình sự đen tối. Ba kiệt tác lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của bà gồm có: Out (1997), Grotesque (Xấu, 2003) và Real World (Thế giới thực, 2003). Trong đó, Out là tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi Natsuo Kirino tới với cộng đồng yêu sách quốc tế khi vinh dự được trao tặng giải thưởng Edgar Award cho bản dịch tiếng Anh.
5aa0dca6dd5cc4ed0eae7c1993759d82.js”>
Giới thiệu nhân vật
Tác phẩm xoay quanh bốn người phụ nữ đến từ những ngã rẽ khác nhau. Kẻ thì sung túc giàu sang, người thì chết trong tức tưởi đớn hèn. Điểm chung duy nhất giữa họ, là đều mang lại cho câu chuyện những lát cắt cuộc sống chẳng chút màu hồng. Nhờ bốn người phụ nữ ấy, bức tranh hiện thực của Natsuo Kirino càng hiện lên rõ ràng trong mắt độc giả với tất cả sự xấu xí, điên cuồng và buồn thảm nhất.
Chị gái của Yuriko
Đóng vai trò là người kể chuyện của tác phẩm Xấu, chị gái Yuriko dù xuất hiện xuyên suốt mạch truyện nhưng vĩnh viễn không bao giờ được độc giả biết tên. Lạnh lùng và tỉnh táo tới mức cay nghiệt, người đàn bà này dường như lúc nào cũng chỉ chăm chăm soi mói những khiếm khuyết xấu xí nhất trong tâm hồn những người xung quanh.
Yuriko Hirata
Một người phụ nữ từng được sủng ái chẳng khác nào nữ thần nhờ vẻ đẹp đầy ma quái, thu hút hết thảy mọi đối tượng từ già tới trẻ, nam đến nữ. Ngay ở phần đầu tác phẩm, xác của Yuriko Hirata – lúc này chỉ còn là một cô gái điếm xấu xí – được người ta tìm thấy trong một căn hộ ẩm thấp tồi tàn. Cô để lại cuốn nhật kí “Sinh ra để làm điếm” tường thuật một cách tỉ mỉ và chi tiết mọi sự kiện từ thuở ấu thơ cho tới những năm trung học.
Kazue Sato
Kazue Sato từng học cùng trường cấp 3 với hai chị em Yuriko, là một kẻ lập dị mà không một ai trong trường muốn dây dưa. Thi thể của cô được phát hiện không lâu sau cái chết của Yuriko. Cuộc sống hai mặt “ban ngày là nhân viên công chức – ban đêm làm gái gọi” khiến tên tuổi của nạn nhân xấu số liên tục xuất hiện trên các tờ báo danh tiếng suốt một thời gian dài sau đó.
Mitsuru
Mitsuru là người bạn duy nhất thực sự tâm đầu ý hợp với chị gái Yuriko trong suốt ba năm theo học tại trường nữ sinh Q. Dù xuất thân không lấy gì làm danh giá, Mitsuru vẫn khéo léo hòa nhập được với những học sinh thuộc tầng lớp thượng lưu của trường. Nhiều năm sau, cô gặp lại chị gái Yuriko tại phiên tòa xét xử gã sát nhân đã xuống tay với Yuriko và Kazue.
Đánh giá tác phẩm
Về nội dung
Là một cuốn tiểu thuyết tập trung tái hiện những góc khuất ghê rợn trong tâm hồn con người, Xấu đòi hỏi độc giả phải sở hữu một lá gan ‘thép’ để có thể đồng hành cùng nhân vật ‘tôi’ cho tới tận trang viết cuối cùng.
Dưới ngòi bút có phần cay nghiệt của Natsuo Kirino, tất cả những ích kỉ, nhỏ nhen đời thường dường như được phóng đại lên gấp bốn, năm lần trong tiểu thuyết, khiến cả câu chuyện trở nên quá sức chịu đựng với một số độc giả ‘yếu tim’ bởi sự tàn bạo và trần trụi của nó. Đúng với cái tên “Xấu”, chẳng có lấy một điều gì tốt đẹp được đề cập tới trong tác phẩm: xuyên suốt cả tám chương truyện chỉ có những đố kỵ, dã tâm, những suy nghĩ bệnh hoạn được lôi ra mổ xẻ dưới vô vàn góc độ – đặc biệt là qua lăng kính của những cô gái đeo trên mình cái danh gái điếm đầy vết nhơ.
Ta chắc chắn sẽ không khỏi rùng mình khiếp hãi trước sự vô cảm của cô bé Yuriko 13 tuổi khi lên kế hoạch quyến rũ chính chú ruột của mình, hay cảm thấy vừa ghê sợ, vừa thương xót một Kazue hoang tưởng rằng mình là ‘nữ hoàng’ vì được ba người đàn ông vuốt ve cùng lúc trong căn hộ hôi thối, ngập ngụa rác rưởi,… Sự chân thực trong cách khai thác tình tiết của Natsuo khiến người đọc vừa muốn né xa khỏi cuốn sách, lại vừa muốn tiếp tục hành trình đi tới cái kết của câu chuyện.
Việc lồng xen kẽ các sự kiện của thì hiện tại và của quãng thời gian học tại trường Q. trong quá khứ cũng là một điểm cộng lớn của tiểu thuyết, bởi hình thức phân thứ bậc đầy khắc nghiệt của trường Q. chính là tiền đề giúp độc giả có thể hiểu rõ môi trường sống của các cô gái sau khi tốt nghiệp.
Đúng như nhân vật Mitsuru từng nhận xét, trường nữ sinh Q. chính là một mô hình thu nhỏ của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ: có người sinh ra đã có sẵn mọi thứ trong tay; có người, trái lại, dù cố gắng đến mấy vẫn luôn bị cười nhạo, bị xem là kẻ nửa mùa đáng thương,…
Những suy nghĩ hình thành trong khoảng thời gian tăm tối ấy đã theo chân các cô gái trẻ cho tới tận lúc trưởng thành – bằng chứng là sự tương đồng kỳ dị giữa lối tư duy của một Kazue–học-sinh-trường-Q và một Kazue-gái-gọi – từ đó cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của môi trường giáo dục đến nhân cách của một cá nhân.
Về nhân vật
Những suy nghĩ, tình cảm của ba nhân vật chính chủ yếu được thuật lại qua ngôi kể thứ hai (trong ngôi kể này, nhân vật sẽ trực tiếp nói chuyện với chính độc giả bằng cách xưng hô ‘tôi’ và ‘bạn’), kể cả hai nhân vật đã bị sát hại ngay đầu truyện là Yuriko và Kazue: “Còn những bức thư kia? Đúng như tôi dự đoán, toàn vẻ dạy đời. Nhưng nếu bạn muốn đọc thì cứ việc, tôi chả ngại.”
Chính vì vậy, những ranh giới vô hình giữa độc giả và nhân vật dường như đã biến mất trong Xấu, đem lại cho người đọc cảm giác hết sức chân thực. Ta có cảm tưởng rằng những Yuriko, Kazue, Mitsuru,… không còn chỉ là những nhân vật hư cấu nằm trên trang giấy nữa, mà họ dường như đang ngồi đối thoại trực tiếp với chúng ta, chậm rãi buông ra từng lời lẽ dửng dưng về câu chuyện cuộc đời của chính mình. Điều này khiến cho những góc khuất xấu xí trong tác phẩm càng trở nên rùng rợn, ám ảnh hơn.
Bên cạnh đó, thế giới nhân vật phụ trong Xấu thực sự rất rộng lớn và phong phú, hoàn toàn phù hợp với mục đích chính của tiểu thuyết – ấy là phản ánh bộ mặt thật của xã hội đương thời. Đặc thù của nghề gái gọi cho phép hai nhân vật Yuriko và Kazue tiếp xúc với rất nhiều loại người: từ các tay Yakuza bặm trợn chuyên bắt nạt các cô gái đứng đường, những gã thanh niên ‘nhà quê lên tỉnh’ đến một phòng tắm tử tế trong nhà cũng không có, cho đến cả những tên ác dâm vô liêm sỉ bắt các cô gái phải làm đủ mọi trò kinh khủng nhất để thỏa mãn dục tính của chúng,…
Có kẻ chỉ được miêu tả trong vài ba trang giấy, có kẻ lại xuất hiện xuyên suốt câu chuyện, thế nhưng tất cả đều góp phần khiến thế giới trong Xấu vốn đã chẳng có lấy một chút ánh sáng nay lại càng trở nên tăm tối, mục nát và đáng sợ.
Đặc biệt, nhân vật phụ để lại nhiều dấu hỏi nhất có lẽ là Zhang – tên sát nhân người Trung Hoa đã giết hại Yuriko và Kazue (không, không phải spoilers đâu!). Cho đến tận những chương truyện cuối cùng, độc giả vẫn không biết đích xác hắn là người ra sao, mặt mũi, tính cách như thế nào; bởi qua góc nhìn của những nhân vật khác nhau, hắn lại hiện ra dưới một dung mạo hoàn toàn mới.
Đối với chị gái Yuriko, Zhang là một tên tội phạm xấu xí, bẩn thỉu và hèn hạ tới mức đáng thương; còn trong mắt Kazue lúc còn sống, hắn lại hiện lên như một gã đàn ông vô cùng đẹp trai quyến rũ. Việc nhà văn Natsuo lột tả vô cùng rõ nét và chi tiết những đặc điểm hoàn toàn trái ngược trong hai dung mạo kể trên khiến độc giả khó có thể tin rằng gã sát nhân nhỏ thó, vênh váo dưới con mắt của chị gái Yuriko trong các phiên tòa xét xử, và gã đàn ông đẹp trai gieo vào tai Kazue tội nghiệp những lời dối trá ngọt ngào rốt cục lại cùng là một con người. Họ như hai nhân vật riêng biệt sở hữu cùng một cái tên vậy.
Trong hai cách nhìn nhận ấy, đâu là sự thực và đâu là hoang tưởng? Rốt cục đâu mới là nhân cách thật của hắn? Sự bí ẩn đó khiến Zhang trở thành câu hỏi bỏ ngỏ không lời giải đáp, là bài toán đầy thách thức khiến người đọc phải trăn trở đi tìm lời giải kể cả khi câu chuyện đã kết thúc.
Về chất lượng bản dịch tiếng Việt
“Bản cung khai của Zhang vì vậy không có gì khiến tôi ngạc nhiên. Tẻ nhạt, chán ngắt. Bởi vì một kẻ hung ác táng tận lương tâm như Zhang thì làm gì có nổi dù chỉ là một chút bóng tối. Vẫn có những kẻ hung ác, như bạn thấy đấy, sống trong ánh sáng.”
Thường xuyên vấp phải vô số chỉ trích bởi chất lượng dịch thuật tệ hại của những tác phẩm châu Âu bom tấn như Sự im lặng của bầy cừu, Chúa tể chiếc nhẫn,… nhưng các dịch giả Nhã Nam xem ra lại rất có duyên với mảng văn học châu Á, đặc biệt là văn học Nhật.
Những ngôn từ trong bản dịch không phức tạp, màu mè mà đi thẳng vào trọng tâm một cách trần trụi và đầy dửng dưng, tuân thủ đúng tinh thần và ý nghĩa của tác phẩm gốc. Bản thân tựa đề Grotesque (nôm na nghĩa là lố bịch, kì cục) cũng được khéo léo dịch thành “Xấu” một cách linh hoạt – thậm chí ấn tượng mà cái tên “Xấu” để lại sau khi câu chuyện kết thúc còn lớn hơn cả tựa đề gốc Grotesque. Đây thực sự là một tác phẩm đáng sưu tầm về mặt dịch thuật, chắc chắn sẽ thỏa mãn cả những đối tượng độc giả khắt khe nhất.
Kết
Có thể nói, Xấu của Natsuo Kirino là một tác phẩm phân chia đối tượng người đọc thành hai thái cực vô cùng rõ rệt: có người thì yêu thích tới mức ‘phát cuồng’, có người thì lại ‘hoảng sợ’ né xa cả tác phẩm lẫn tác giả tới hàng nghìn cây số.
Tuy nhiên nhìn chung, đây vẫn là một món ăn ‘lạ’ trong dòng sách văn học thế giới nói chung và thể loại trinh thám, tâm lý nói riêng, thành công trong việc lột tả sự khắc nghiệt của xã hội Nhật Bản cũng như bi kịch thê thảm của những người phụ nữ đầu thế kỉ XXI. The Washington Post, một tờ báo Mỹ khá tiếng tăm, đã đúc kết một triết lí nhân sinh đầy ám ảnh được thể hiện trong bức tranh tăm tối mang tên Grotesque:
“Nằm ở trung tâm cuốn tiểu thuyết của Kirino là nghịch lý khủng khiếp này: tại Nhật Bản, nếu là một con quái vật, một kẻ xấu, ta có thể có được một chút tự do.”
/
- Tiki: rRfMhYh7″ target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/rRfMhYh7
- 9c92EJBu” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/9c92EJBu
- VqDyUBTn” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/VqDyUBTn