Bác sĩ Ichito Kurihara, một bác sĩ trẻ nhưng đã có đến năm năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện Honjou – một bệnh viện nhỏ tuyến tỉnh, nơi chủ động treo tấm biển: “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày” ngay trước cổng. Bởi thế, trong suốt năm năm, Kurihara cũng như đội ngũ y bác sĩ khác luôn phải đối mặt với lịch làm việc dày đặc, những ca trực kéo dài nhiều ngày không ngủ. Vì vậy, bệnh viện nhỏ vốn đã khan hiếm y bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm lại càng thêm thiếu thốn nhân lực trầm trọng do không mấy ai trụ lại được với cường độ làm việc của Honjou.
Sau những ngày làm việc liên tục gần như không ngơi nghỉ, Kurihara lại trở về trang viên Ontake, một dãy nhà trọ tồi tàn mà ấm áp tình người. Nhưng giữa lúc công việc bộn bề với những bệnh nhân già yếu song sớm nảy sinh mối liên hệ mật thiết với Kurihara, anh nhận được lời mời tới làm việc ở văn phòng y tế đại học – nơi có lịch làm việc thoải mái, trang thiết bị hiện đại, nhất là anh có đủ điều kiện để theo đuổi chuyên khoa cùng phương pháp chữa trị tiên tiến nhất.
Vậy, quyết định của Kurihara sẽ ra sao?
Những con người “lập dị”, nơi bệnh viện “lập dị”
Cũng như trường hợp tác phẩm Khi hơi thở hóa thinh không của tiến sĩ, bác sĩ Paul Kalanithi hay cuốn sách Để yên cho bác sĩ hiền của bác sĩ Ngô Đức Hùng, tiểu thuyết viết về nghề y, Bệnh án của thần linh cũng được một người trong ngành, bác sĩ Natsukawa Sosuke chắp bút. Bởi vậy không ngạc nhiên khi người đọc có thể thấy, trải rộng trên trang sách Bệnh án của thần linh là các câu chuyện chân thực vô cùng.
Chân thực ngay từ những dòng văn đầu tiên. Lúc người kể chuyện, bác sĩ Ichito Kurihara xưng tôi và trực tiếp mở ra không gian tự sự bằng một đêm trắng trực trên viện, đến nỗi anh không kịp về nhà để kỉ niệm một năm ngày cưới với người vợ anh yêu thương. Rồi càng chảy trôi về những trang truyện sau, ngôi kể thứ nhất lại càng lộ rõ ưu thế trong việc bộc lộ tâm tư, tình cảm, đánh giá, những cảm xúc mong manh, mơ hồ, chênh vênh, xao động nội tâm của người bác sĩ trẻ đang tự kể lại cuộc đời mình.
Một anh chàng có tài năng song vẫn luôn bị mọi người đánh giá là lập dị khi “tuổi trẻ” mà lại “cuồng” tác gia Natsume Souseki đến nỗi lời ăn, tiếng nói hàng ngày cũng bị nhiễm bởi văn phong Souseki và quyết định chôn vùi năm năm thanh xuân (cùng ít nhất một năm nữa trong tương lai) ở một bệnh viện tuyến tỉnh với những buổi trực ròng rã 36 tiếng không ngủ, chăm sóc cho người già, bệnh nhân nghèo neo đơn; đồng thời chấp nhận cư ngụ tại một khu trang viên xập xệ thay vì hướng đến tương lai tươi sáng nơi văn phòng y tế đại học. Một bác sĩ trẻ tuổi đời mà đã có tới 5 năm kinh nghiệm làm việc, luôn trăn trở như “ông cụ non” về giá trị nhân sinh, ý nghĩa sống – chết của một con người qua từng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo anh phải chăm sóc.
Nhưng thật sự, cuối cùng… chẳng phải, chính bệnh viện nhỏ nơi anh làm việc, tất cả các y bác sĩ khác đều lập dị như vậy sao? Lập dị ngay từ chính câu “sologan” trên tấm biển: “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày” được thắp sáng 24/7 ở ngay ngoài cổng viện? Và có lẽ sự lập dị đó tạo nên nét rất riêng cho Honjou, nơi sự chăm sóc về mặt y tế có lẽ không phải là tốt nhất song về mặt tinh thần, đối với từng người bệnh, lại lớn lao hơn bất cứ bệnh viện nào. “Đối với những người bị bệnh, điều đau khổ nhất chính là cô độc. Bác sĩ đã xóa tan sự cô độc ấy trong lòng tôi. Cháu đã dạy tôi rằng dù không thể khỏi bệnh nhưng cuộc sống vẫn ban tặng cho ta rất nhiều niềm vui.”
Từ bệnh viện Honjou tới trang viên Ontake
Qua những dòng văn như dòng nhật kí theo trục thời gian, không gian tuyến tính: ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, cứ lần lượt từ bệnh viện Honjou tới trang viên Ontake rồi ngược lại; dường như, một lúc nào đó ta bất giác nhận ra: có lẽ, tại vùng quê Matsumotodaira, không chỉ có bệnh viện Honjou mà bản thân trang viên Ontake cũng là một dạng bệnh viện. Nơi ấy đón lấy những con người mang “tâm bệnh”, những kẻ cô đơn, lạc bước, chưa tìm được hướng đi cho tương lai. Một họa sĩ Nam Tước có tài mà chưa được khoe tài với bàn dân thiên hạ. Một Ngài Cử nhân trên thông thiên văn, dưới tường địa lý nhưng luôn mang mặc cảm về bằng cấp. Một Haruna mang nỗi đau tuổi thơ, lang bạt khắp nơi với hơn mười cân đồ nghề chụp ảnh để cho ra những tấm ảnh làm nên tên tuổi.
Để rồi, khi nhắm mắt xuôi tay, con người có thể thanh thản rời khỏi “nơi đáy xã hội”. Còn khoảng thời gian người ta vẫn vẫy vùng mãi ở “nơi đáy xã hội” như bệnh viện Honjou, trang viên Ontake, thì vết thương lòng của họ cũng dần được chữa lành. Để mỗi người còn sống trên cõi đời càng thêm thấu hiểu nhân sinh, trân quý những phút giây tươi sáng của sự sống và cảm nhận từng khoảnh khắc ấm áp mong manh của tình người. Và chẳng phải, dường như Ngài Nam Tước, Ngài Cử Nhân, bác sĩ Chồn Bự, bác sĩ Cáo Già,… tất cả dường như đã nhìn thấu hết trắng đen cuộc đời đó sao?
Mỗi một không gian nghệ thuật câu chuyện mở ra, dẫu là bệnh viện Honjou hay trang viên Ontake đều chứa chan tình cảm. Những nhân vật xuất hiện, đến rồi đi song đều để lại ấn tượng khó phai mờ với độc giả, với chính vị bác sĩ có tâm hồn nhạy cảm như Kurihara. Và mỗi bệnh nhân, mỗi dòng bệnh án được viết ra dưới điểm nhìn của nhân vật “tôi”, đều ứng với từng người bệnh bác sĩ Kurihara chăm sóc, đồng nghiệp anh tiếp xúc, hàng xóm anh ở chung… càng khiến cho chất nhật kí hiện rõ trong mỗi dòng, mỗi chữ. Sự chân thực, không chút gian dối ấy như càng được củng cố khi dòng nhật ký chảy trôi, được viết lên từ tác giả Natsukawa Sosuke cũng là một bác sĩ tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ chăng, hình ảnh bác sĩ Ichito Kurihara khắc khoải nhân sinh cũng là một phần tâm hồn gửi gắm hay chính là hiện thân của tác giả Natsukawa Sosuke trên trang giấy.
Và Bệnh án của thần linh
Bệnh án của thần linh, tựa đề cuốn sách thật sự rất gợi, cho người đọc phải trăn trở suy nghĩ, rằng tại sao lại là bệnh án, và thần linh ở đây, là ai?
Và rồi, bước vào thế giới của những dòng bệnh án ấy, mới chợt nhận ra, chẳng phải, các bác sĩ vẫn được mệnh danh là thiên thần áo trắng đó ư? Họ phần nào giống như thần linh khi nắm giữ trong tay cuốn sổ sinh tử của người bệnh. Hi vọng hay tuyệt vọng, tất cả đều trong một lời nói của người y, bác sĩ.
Nhưng, tới tận, bác sĩ vẫn là con người, những con người bằng xương bằng thịt, biết mệt mỏi, biết yêu ghét, biết thất vọng và hơn cả, là cảm giác bất lực mỗi ca bệnh nan y họ chỉ có thể giúp bệnh nhân chữa trị về mặt tinh thần. Và ông Tagawa hay bà Azumi, họ là người bệnh mà sự sống chỉ còn đếm bằng ngày như vậy. Tuy nhiên, chính những con người gần đất xa trời đó, lại giúp các y bác sĩ, giữa dòng chảy quay cuồng của công việc, cuộc sống, giữ lại thiên chức về hai chữ “y đức.” Để họ thêm thấm thía, ẩn sau lời thề Hippocrates, trong sự nghiệp cứu người, phương pháp là quan trọng nhưng hơn cả vẫn là tình người. Và điều nghiệt ngã rằng, bác sĩ cũng chỉ là con người bình thường, họ không có quyền pháp cao siêu của thượng đế. Mà đã là con người thì đứng trước sinh lão bệnh tử mới thật yếu ớt làm sao…
Vì thế, mối quan hệ giữa bệnh nhân – bác sĩ mới dần dần nảy sinh, khăng khít, bền chặt. Và trong bối cảnh ngày càng nhiều những vụ việc không hay xảy đến với nghề y, Bệnh án của thần linh lại càng thêm giá trị như một liều thuốc trấn định tinh thần cho ta tin tưởng đến hai chữ lương y, đến mối quan hệ qua lại cho nhận giữa người bệnh – y bác sĩ. Cho nên, Bệnh án của thần linh mới “đầy ắp những khắc khoải nhân sinh, nhưng đồng thời nồng ấm tình người”. Mỗi câu chữ miêu tả kíp trực, sự lo âu của người bác sĩ trước mỗi ca bệnh, sự buông xuôi khi không thể làm gì hơn cho bệnh nhân; tất cả, tất cả những điều đó đều có thể khiến độc giả rơi nước mắt.
Viết về nghề y, những con người làm trong ngành y, Bệnh án của thần linh không phải là tác phẩm đầu tiên, cũng chẳng phải là tác phẩm duy nhất. Nhưng câu chuyện được viết, được kể từ trải nghiệm của một người trong cuộc vẫn mang đến những cảm xúc mới lạ riêng. Rằng cuốn sách này nói nhiều đến cái chết, có sự mơ hồ, bất định, hoài nghi, mất phương hướng của con người song đến cuối cùng, Bệnh án của thần linh vẫn là một tác phẩm chan chứa hi vọng. Hi vọng vào cuộc sống, hi vọng vào cả những hoàn cảnh dù là ngặt nghèo, nghiệt ngã, đắng cay nhất.
Và với vị trí là cuốn đầu tiên trong cả series, Bệnh án của thần linh 1 thật sự là viên gạch nền, mở ra những góc khuất trong nội tâm, cuộc sống người bác sĩ cùng câu hỏi đầy nhân sinh, nhân văn, về những người làm công việc cứu người, song với vết thương tích tụ ngày ngày nơi tâm thức, họ phải làm thế nào để vượt qua đây?
Đọc thêm: Bệnh án của thần linh (2) – Bệnh án của những trái tim mang nhiều thương tổn