Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra rằng, có một ngày, mình sẽ ngồi nghe Thần chết kể chuyện? Một kẻ không có trái tim, khuôn mặt sắc lạnh, một kẻ chỉ xuất hiện khi trái tim mọi sinh vật ngừng đập. Gã ta sẽ kể ra được câu chuyện gì? Về mọi cái chết trên khắp hành tinh? Đúng là vậy, còn kẻ nào “am hiểu” về cái chết hơn Thần chết và còn thời kỳ nào thích hợp hơn những năm tháng của cuộc chiến tranh thế giới thứ II.
Kẻ trộm sách là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn người Úc Markus Zusak– người đã giành giải thưởng Margaret A. Edwards năm 2014 vì những đóng góp của ông cho văn học thiếu niên xuất bản ở Hoa Kỳ. Kẻ trộm sách kể về cuộc đời của một bé gái người Đức tên là Liesel. Câu chuyện bắt đầu tại nước Đức và vào giai đoạn bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Cha mẹ Liesel bị bắt vì là “người cộng sản”, cô bé đến sống cùng gia đình bố mẹ nuôi ở phố Thiên Đàng. Liesel là một cô bé yêu đọc sách, cô bé sẵn sàng thực hiện vài vụ trộm để có những cuốn sách và Liesel đã giành tặng những ngôn từ ấy cho những con người xung quanh cô. Và đây là câu chuyện đươc kể lại bởi Thần chết.
Một câu chuyện khiến Thần chết cũng phải day dứt.
Chiến tranh- cuộc thanh trừ những người Do Thái của Đức Quốc xã là một thảm họa đã được ghi chép lại, đã được miêu tả lại qua rất nhiều các tác phẩm. Kẻ trộm sách cũng viết về câu chuyện đó, nhưng bằng một cách kể chuyện khác. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của Thần chết, một kẻ mang đến nỗi khiếp sợ từ luồng hơi thở lạnh ngắt từ địa ngục của gã. Kẻ trộm sách luôn được bao bọc trong một lớp từ ngữ dường như hời hợt, có cái cảm giác lành lạnh, cái chết của con người nhẹ bẫng, vài câu chuyện đáng thương của họ nghe như một trò châm biếm dưới cái nhìn của Thần chết.
Nhưng một kẻ như Thần chết cũng phải thay đổi trước một cuộc chiến khốc liệt đến như thế. Câu chuyện của đứa bé gái vừa chứng kiến cảnh em trai chết trên tay người mẹ khốn khổ, phải rời xa mẹ mãi mãi, đến sống với một đôi vợ chồng xa lạ- Câu chuyện được bắt đầu chỉ như một cái liếc mắt bị vương lại vài giây trong lúc Thần chết làm công việc đầy bận rộn của ông ta. Nhưng rồi ông ta bắt gặp những lần trộm sách của cô bé và bắt đầu lưu tâm. Điều gì có thể thay đổi sự hờ hững của Thần chết trước hàng nghìn linh hồn ông ta đang vác trên vai? Chỉ là khi ông ta bắt đầu dừng ánh nhìn lâu hơn trước sự sống.
Cuộc sống của cô bé Liesel tràn đầy những cung bậc. Mất mát, đau đớn, hạnh phúc, gia đình, tình bạn, nỗi ân hận, sự nuối tiếc và rồi lại đầy mất mát. Dõi theo cuộc đời một con người đang lớn lên, đi qua những chiến trường sau cuộc không kích, sau một ngày phải dọn đi 4.500 linh hồn, cuộc diễu hành đến những trại tập trung của những người Do Thái, lòng tốt đến mất trí của bố … Tất cả làm cho giọng kể của Thần chết bắt đầu nhỏ giọt những cảm xúc rất con người. Nếu lưu tâm sẽ nhận ra, càng về những trang cuối của câu chuyện, sự căm hận , bất bình đã bằng cách nào đó len lỏi được vào trong giọng kể của Thần chết. Điều gì đã khiến một kẻ coi cái chết nhẹ bẫng phải thốt lên: “Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao một giống loài có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế?”
Tất cả công dân của một dân tộc “thượng đẳng” đều có cuộc sống thượng đẳng?
Ngài Quốc trưởng mang đến cho dân tộc Đức thuần chủng của hắn ta điều gì? No ấm, hạnh phúc và đường bệ một cách vui vẻ ngắm nhìn những đoàn người Do Thái diễu hành đi qua như một trò tiêu khiển? Không! Hoàn toàn không! Vẫn có một phố Thiên Đàng nghèo khổ, đói rét, họ cũng gầy còm thiếu ăn đâu khác những “tội đồ Do Thái” ngoài kia. Những người đàn ông hay cả những cậu bé bị buộc phải ra chiến trường. Có những kẻ mang theo sự cuồng tín, tôn thời Quốc trưởng, có những người phải ra đi trong sự đau đớn cưỡng ép, họ không chiến đấu vì lý tưởng, họ chỉ chiến đấu để được sống sót.
Con người nhất định không thể bị phân cấp chỉ bởi dòng máu chảy khắp cơ thể họ. Bởi con người kết nối với nhau bằng trái tim và xúc cảm. Khi bố nuôi của Liesel chứng kiến cảnh một người đàn ông Do Thái khụy ngã giữa đường vì đói rét và những đòn roi bố đã đưa một mẩu bánh mì cho ông ta. Lúc ấy, bố đã quên mất những nguy hiểm có thể sẽ đến với bản thân và cả người mà ông đang cưu mang, Khi ấy lòng tốt quá lớn của bố đã trỗi dậy một cách điên cuồng và thiếu ý chí. Để cuối cùng khi nhận ra mình vừa làm điều gì ông đã ngã vật trong sự day dứt: “bố là một thằng ngốc”. Nhưng: “Không. Bố ơi. Bố chỉ là một con người”.
Những người được che giấu (Người Do Thái) họ ... ......chỉ luôn khiếp sợ? Những người che giấu (Người Đức thuần chủng) họ ... ......luôn thanh thản và cao thượng?
Tồn tại trong cơ thể một con người xuất hiện rất nhiều những khuôn mặt và nhân cách. Chúng có thể vì ngoại cảnh mà trỗi dậy hoặc bị nhấn chìm. Một tay đấm Do Thái từng rất mạnh mẽ và can đảm khi cuộc càn quét nổ ra đã luôn phải lẩn trốn một cách đầy sợ hãi. Nhưng cũng chính người đàn ông Do Thái sợ hãi tới mức dường như không dám thở ở bất cứ nơi đâu anh ta đang đứng, đang nằm ấy đã liều mình bước ra khỏi căn hầm trú ẩn của mình khi cuộc không kích đang dội trên đầu để được thỏa khao khát ngước nhìn bầu trời, để “đánh cắp” một khoảng khắc của bầu trời lưu vào những nhỡn ảnh hiếm hoi trong ký ức của anh ta. Bởi một người Do Thái thì luôn chỉ có thể nhìn xuống.
Con người tràn ngập những sợ hãi ấy vẫn không bị những cuộc không kích, sự lùng sục, tra xét của quân Đức Quốc xã làm anh ta trở nên hèn hạ. Con người ấy vẫn đau đáu một cảm giác tội lỗi với những người anh đã bỏ lại sau lưng, với gia đình người Đức đã cưu mang anh. Anh cảm thấy tội lỗi với họ. Đức Quốc xã có thể đánh gục thân thể suy kiệt của anh. Nhưng không thể cướp đi của anh những day dứt rất con người.
Mỗi ngôi nhà, mỗi con người trên con phố Thiên Đàng đều có một câu chuyện riêng. Nhưng chiến tranh luôn khiến cho con người ta dường như cùng có chung một điều: NỖI ĐAU. Những con người trên phố Thiên Đàng ấy, những người “Đức thuần chủng” ấy họ buộc phải ra chiến trường và họ mang về từ chiến trường cái vết thương nặng nề nhất không phải những bàn tay, bàn chân không còn nữa mà chính là nỗi day dứt tại sao họ còn được sống khi người anh em của họ đã không còn mảnh thân nguyên vẹn nơi chiến tuyến. Chẳng ai muốn mình phải chết, nhưng có lẽ đôi khi cái chết chính là một lối đi thanh thản nhất. Chiến tranh giết chết con người. Nhưng dư chấn của chiến tranh giết chết trái tim con người trước khi hơi thở của họ cạn kiệt.
Bản án đanh thép
Kẻ trộm sách chính là một bản án đanh thép nhất dành cho cuộc chiến mà Adolf Hitler đã tạo ra. “Trẻ con Đức thì tìm kiếm những đồng xu rơi vãi trên đường. Người Đức Do Thái thì trông chừng để khỏi bị bắt”. Không chỉ là hình ảnh hàng đoàn người Do Thái đói rét nghèo khổ diễu hành đến những trại tập trung, không chỉ là cuộc chạy trốn trong nỗi sợ, trong bóng tối của những người Do Thái còn được gọi là những kẻ may mắn. Đó còn là cuộc sống khổ cực của những người dân Đức, đặc biệt ở tầng lớp hạ lưu. Những con người thiếu cái ăn cái mặc, những đứa trẻ phải đi ăn trộm để thỏa mãn cơn khát. Những buổi tối phải chạy náo loạn trước các đợt không kích và rồi cuối cùng họ đã không còn chạy kịp nữa, họ chết ngay trong những giấc mơ dang dở của mình.
Những gì đã chứng kiến và cả sự gắn kết vô hình với những con người trong cuộc chiến tranh đã khiến giọng kể của Thần chết trở nên gay gắt hơn, không còn sự thờ ơ mà đã trở thành thứ giọng kể chất quá đầy những cảm xúc. Chính Thần chết cũng thừa nhận một điều rằng: “Ngay cả Thần chết cũng có một trái tim”. Nhưng dường như Hitler thì không. Và nếu một vài người dân Đức đổ những mất mát hay những trận không kích là do sự xủi quẩy của người Do Thái thì “Sự xúi quẩy chắc chắn sẽ xảy đến, và nếu họ có thể đổ lỗi cho những người Do Thái như là một lời cảnh báo hay một sự mở đầu của những thảm họa, thì họ nên đổ lỗi cho Quốc trưởng và yêu cầu đối với nước Nga của ông ta như là nguyên nhân thật sự của thảm họa ấy”.
Hà Thúy Ngà