“Quân khu Nam Đồng” là bài ca về một thế hệ lớn lên trong khu gia binh lớn nhất Hà Nội những năm 1970, ngân vang những nốt thăng trầm về tuổi thơ và tuổi trẻ, về tình bạn và tình yêu, về tiền tuyến và hậu phương, về chiến tranh và những đau thương mất mát…
Tác phẩm xuất bản năm 2015, trải qua 5 năm với hơn 15 lần tái bản, “Quân khu Nam Đồng” xuất hiện trong làng văn như một hiện tượng cực kỳ thú vị, là cuốn sách đầu tiên cũng như duy nhất tính đến nay của ngòi bút không chuyên – Bình Ca.
Những hồi ức về một khu gia binh đầy kỷ niệm.
Năm 1964, khu tập thể quân đội Nam Đồng hoàn thành việc xây dựng, là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Ban đầu chỉ gồm 8 dãy nhà 4 tầng, về sau Bộ Quốc Phòng xây thêm 6 dãy nhà 1 tầng giữa các dãy 4 tầng, có khoảng 500 gia đình sĩ quan sống ở đây.
Thành phần gắn bó với khu tập thể nhất, dĩ nhiên không phải là các ông bố thường xuyên xa nhà đi chiến trường, mà là lũ con nít. Gặp nhau vào những năm 1964 – 1965, chúng đa phần chừng 5 đến 7 tuổi, ở đây chúng gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Trong lứa trẻ đó có tác giả Bình Ca. Thế hệ này có dịp hội ngộ nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khu tập thể Nam Đồng, họ tranh nhau nhắc lại những kỷ niệm, tất thảy đã thôi thúc Bình Ca viết nên “Quân khu Nam Đồng”.
Thực tế chỉ có “khu tập thể” Nam Đồng chứ không hề có “quân khu” Nam Đồng. Từ “quân khu” là lũ trẻ tự phong, là dấu vết riêng của một thế hệ trai trẻ sống trong khu gia binh liên kết lại để chống lại sự trấn lột và bắt nạt của bọn người ở nơi khác, còn là để thỏa chí yêng hùng.
Cũng bởi vì có yếu tố bạo lực, kết bè kết phái đi đánh lộn đến nỗi đổ máu, vào đồn công an, và có cả vào tù, lãnh án… nên tác giả quyết định đổi hết tên nhân vật thật trong truyện. Đồng thời chú thích thêm đây là “truyện”, có hư cấu dựa trên những con người và sự việc có thật.
Tác phẩm không có nhân vật chính, hay nói đúng hơn nhân vật chính là một tập thể, là ký ức của Bình Ca và bạn bè của ông về cái thuở mà họ mới 15 đến 17 tuổi. Lứa tuổi vừa mới lớn lên, vừa thông minh vừa khờ khạo, vừa dũng cảm vừa ngốc nghếch, vừa lãng mạn lại vừa vụng về. Ở chúng có những trò quậy phá với thầy cô, với bạn bè, với hàng xóm; có những tấm lòng non nớt thiện lương; có những mối tình chân phương vụng dại; có lòng yêu nước nhiệt thành.
Những ký ức của Bình Ca, một con người mà cuộc đời vắt ngang qua hai thế kỷ, sinh ra trong gia đình quân đội, lớn lên dưới thời chiến tranh, xung quân ra chiến trường, trở về xây dựng đất nước – dường như thế hệ của Bình Ca, của những cô cậu nhóc trong khu gia binh Nam Đồng chính là cuộc đời chứng nhân cho một thời đầy biến động của đất nước. Những con người ấy, cả một đời trải qua những tháng năm khôn dại để trưởng thành sống đúng phẩm chất con nhà lính. Cả những trải nghiệm đầu đời lính nơi “quân khu” tự gọi tự phong đã mang theo tất cả sự tự hào và trách nhiệm. Những hồi ức được sẻ chia trong tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” đều là những câu chuyện đáng nghe và đáng suy ngẫm.
Đọc thêm:
- Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc.
- Bến không chồng – “Hòn vọng phu” thời hiện đại
- Đi Trốn – Nỗi buồn chiến tranh.
- Mùa Lạc – Mùa vui, mùa hạnh phúc, mùa hồi sinh!
Tuổi trẻ cuồng nhiệt.
Thời buổi chiến tranh, các ông bố bà mẹ ở khu gia binh bận trăm công nghìn việc nơi tiền tuyến và hậu phương, không có thời gian nhiều ngó ngàng tới con cái. Đấy là chưa kể nhiều gia đình có bố, đôi khi cả mẹ, đi chiến trường biền biệt, vài năm mới về, hay thậm chí không bao giờ trở về, dù muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con.
Thành thử bọn trẻ lớn lên theo bản năng. Chúng học tất cả cái tốt từ nhà trường, bè bạn và không ít những thứ xấu từ đủ các nơi. Rồi những năm sơ tán, theo trường, theo trại, việc giám sát của gia đình, nhà trường lỏng lẻo nên nhiều đứa quen thói tự do, tự mình đưa ra các quyết định cho mình.
Những Việt, Hòa, Khanh, Ngọc, Hoàng, Đính, Minh, Quốc Tẩm, Hà Tư, Giang Cận… gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Họ có rất nhiều kỷ niệm chung, cùng học, cùng chơi, cùng tranh một chỗ xếp hàng mua gạo, hứng nước, cùng nhau đánh lộn và… yêu khi lớn lên. Đối với họ, những đứa còn lại trong khu chính là anh em trong nhà, một người bị đánh là cả khu ra mặt bảo vệ. Họ hung hăng để không bị ăn hiếp khi bị trấn lột ở ngoài đường, nhưng vẫn luôn tử tế thậm chí là nhút nhát trước bạn bè trong lớp, đặc biệt là trước con gái.
“Quân khu Nam Đồng” tuy không có tên trên bản đồ quân sự, nhưng trong ký ức của một thế hệ trẻ Hà Nội, nó vừa nổi tiếng lại vừa tai tiếng. Mà có thể ngông nghênh trước những đám anh chị đất Hà thành như thế, chính là nhờ sức mạnh đoàn kết của đại gia đình khu gia binh Nam Đồng.
Ở lứa tuổi 15, 17 tràn đầy năng lượng, chân thành, nhiệt huyết, hết lòng với bạn bè, tôn thờ tính cộng đồng, nhưng hay phải xa cha mẹ, thiếu sự chỉ bảo, định hướng đầy đủ của gia đình, nên lớn lên tự do, manh động, thậm chí có phần hoang dã, nhiều khi chỉ một sự tình cờ, một cái vẫy tay là có thể bước sang một khúc ngoặt của số phận. Một vài trong số họ đã phải trả giá trước pháp luật cho những việc làm sai trái của mình. Sau những va vấp khôn dại, họ biết tự cảnh tỉnh, biết sửa sai.
Tuổi trẻ là vậy. Nhiều khi không nghĩ tới hậu quả của việc làm trước khi hành động. Đặc biệt, trong giai đoạn trưởng thành, khi khao khát thể hiện bản thân ngày càng lớn, thì các chàng trai khu Nam Đồng lại thiếu sự định hướng đúng đắn. Và khi các nguồn năng lượng lệch lạch, dư thừa kết hợp với nhau, hậu quả nhiều lúc vô cùng tai hại. Ở một góc độ nào đó, những sai lầm của họ cần được chia sẻ, cảm thông.
Nói về tác phẩm “Quân khu Nam Đồng”, tác giả Bình Ca cho biết:
“Tôi muốn kể cho mọi người câu chuyện về một giai đoạn có vẻ bị văn chương nước nhà bỏ quên: Tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất.
Và qua đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ngày nay một điều: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, hai mươi năm đầu chính là nửa đời tươi đẹp và quan trọng nhất của bạn. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, và đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát. Mong các bạn coi câu chuyện của chúng tôi như một sự trải nghiệm, để giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.”
Những đứa con của lính – dòng máu anh hùng.
“Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng phải đàng hoàng…”
Lời nhắc nhở của Hòa dành cho Quốc Tẩm, cũng là châm ngôn sống của các chàng trai cô gái khu Nam Đồng. Họ vận luôn quân sự vào việc học, việc đánh nhau, và cả việc yêu đương. Dù có hung hăng ăn miếng trả miếng với bọn người hư hỏng ngoài khu, đôi khi không biết nặng nhẹ, nhưng đều xuất phát từ cái chính nghĩa chính khí tự trong dòng máu lính họ mang. Điều này thể hiện rõ nhất trong tư tưởng về việc nhập ngũ bảo vệ đất nước:
“Tao cũng không hiểu tại sao nó sợ đi bộ đội đến thế. Khu mình có hàng trăm thanh niên, thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự cũng vui vẻ lên đường. Nhiều thằng còn xung phong đi bộ đội trước tuổi. Mày nhớ vụ ông Thọ, anh trai thằng Minh không? Ông ấy có giấy gọi đi nước ngoài học nhưng không đi, còn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ. Mà hình như viết tới mấy lần…”
Dòng máu anh hùng đó mang nỗi tự hào và trách nhiệm mà mỗi đứa trẻ trong khu tập thể quân đội đều vui vẻ và tự nguyện được nối gót bố mẹ.
Đôi nét về Bình Ca.
Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình – Bình trong bến Bình Ca – nơi bố mẹ tác giả lần đầu gặp nhau, đó cũng là nguồn gốc của bút danh nên thơ này.
Ông là con trai cả của nhà văn quân đội Hữu Mai, em trai là Trần Hữu Việt cũng theo nghiệp văn của bố.
Riêng Bình Ca học ngành kinh tế, từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương… cho đến khi nghỉ hưu năm 2018.
Bình Ca vốn rất tâm đắc với câu “Lập thân tối hạ thị văn chương” nên từ trẻ đã luôn giữ vững lập trường không có dây dưa gì với văn chương. Vậy mà “Quân khu Nam Đồng” vẫn được ra đời như một cái duyên trời định!
Ngẫm lại, nếu ngòi bút văn chương ào ạt chuyên đi viết thư tình giùm lũ bạn của cậu chàng Hòa – nguyên mẫu là Bình Ca – mà không được tung hoành trên văn đàn thì quả là một điều đáng tiếc nuối.
Tác giả hài hước chia sẻ:
“Người em ruột của tôi theo nghiệp bố, cũng là một nhà văn, sau khi thức đến 5h sáng để đọc liền một mạch hết bản thảo trong một cơn say rượu, đã bảo tôi in sách. Ban đầu tôi cũng ngại, nhưng rồi ma xui quỷ khiến thế nào lại đồng ý. Nhưng cũng không quên nhắc là in bằng giấy mềm. Để nếu sách có chán quá thì người ta còn dùng làm việc khác được.”
Một quyển sách lôi cuốn và thú vị như vậy có lẽ chẳng độc giả nào nỡ dùng những trang giấy mềm chứa một bầu ký ức ấy làm “việc khác” đâu. Nhỉ?