Nhà văn Haruki Murakami từng nói: “Tôi không nghĩ mình là nhà văn hậu hiện đại, mặc dù nếu bạn gọi tôi bằng cái tên đó thì tôi không phản đối. Nói thật, người ta gọi tôi là gì tôi cũng chẳng quan tâm. […] Tôi cho rằng trên thế giới có hai loại tiểu thuyết gia: tiểu thuyết gia đầy cảm hứng và tiểu thuyết gia thường. Bạn cũng đoán được rồi đó, tôi muốn mình là loại thứ nhất.” Quả vậy, những tác phẩm của ông thường mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc chân thực và niềm cảm hứng cuồn cuộn, hay theo cách nói của ông là “mơ trong khi đang tỉnh”. “Nhảy nhảy nhảy” – cuốn tiểu thuyết thứ sáu phát hành năm 1988 – là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách sáng tác của Murakami Haruki: sự hòa nhau giữa hiện thực và siêu thực.
Sợi dây kì lạ kết nối những con người đầy rẫy vấn đề giữa xã hội
Người ta gọi Murakami là nhà văn hậu hiện đại chủ yếu có lẽ vì ông luôn khắc họa xã hội hỗn độn với những con người đầy rẫy những vấn đề phức tạp, nhưng không tìm cách để thay đổi hiện thực ấy. Những nhân vật của ông thường chấp nhận và sống với nó. Trong tiểu thuyết “Nhảy nhảy nhảy” cũng vậy. Người đọc theo chân nhân vật chính là “tôi” – người đàn ông ba mươi tư tuổi, làm nghề viết lách tự do, vì mơ thấy một giấc mơ lạ mà đã trở về Khách sạn Cá Heo, nơi anh ta từng sống chung với Kiki – cô gái bí ẩn đã biến mất – để tìm cô. Từ đó là những điều kỳ lạ nối tiếp nhau xảy ra: anh phát hiện khách sạn Cá Heo cũ đã bị mua lại và người chủ cũ đã không còn ở đó, cô lễ tân Yumiyoshi thì kể cho anh nghe mình đã lạc vào vùng bóng tối ở khách sạn để đến một thế giới khác. Trên đường tìm kiếm Kiki, anh cũng đã liên lạc lại với Gotanda – người bạn cũ hoàn hảo hồi còn đi học và trở thành bạn với cô bé Yuki mười ba tuổi có khả năng tiên đoán. Tất cả họ đều có sự kết nối với nhau, mà theo Người Cừu – người đàn ông khoác áo da cừu anh gặp trong vùng bóng tối – anh phải luôn khiêu vũ mỗi khi có tiếng nhạc cất lên để kết nối lại anh với những điều anh muốn.
Ý nghĩa của mối liên kết kỳ lạ kia phải chăng là mong muốn kết nối với nhau của những con người cô đơn, lạc lõng giữa xã hội, cảm thấy những việc mình làm đều là vô nghĩa? Nhân vật “tôi” trải qua cuộc sa sút tinh thần vì bị người vợ rời bỏ để lên đường tìm Kiki, nhờ đó gặp được những người mà anh có thể thật lòng chia sẻ. Gotanda cũng nhờ có anh mà có thể sống được đôi chút khoảnh khắc là chính mình, sau lớp vỏ hào nhoáng của một diễn viên nổi tiếng và thanh tao. Cô bé Yuki bị người mẹ bỏ rơi có anh làm bạn và nơi dựa dẫm. Cô gái xinh đẹp Yumiyoshi thì là người có thể mang lại cho anh cảm giác yêu thương và ngược lại.
Hiện thực và siêu thực hòa lẫn vào nhau
Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong thập niên 1980s, thời gian Nhật Bản phát triển thành một nước tư bản công nghiệp. Người đọc có thể hình dung những đặc điểm của thời kỳ phát triển kinh tế ấy xuyên suốt câu chuyện, từ con người và cảnh vật xung quanh đến những cuộc nói chuyện giữa các nhân vật. Người đọc cũng dễ dàng nhìn thấy nơi các nhân vật vấn đề của bản thân. Đó có thể là sự đổ vỡ của hôn nhân mà sau đó người ta không thể nào mở lòng yêu thương ai được, có thể là việc gồng mình để trở thành một hình tượng mà những người xung quanh mong đợi cho đến nỗi đánh mất bản thân mình, hay sự bất lực khi bị chèn ép bởi những kẻ có quyền lực và tiền bạc, hoặc những đứa trẻ mười ba mười bốn vì sự thờ ơ, thiếu tình thương của cha mẹ mà bước vào đời với một trái tim dễ tổn thương. Hòa trong thế giới hiện thực ấy, các nhân vật lại tìm đến một thế giới khác nữa, giống như những giấc mơ nhưng lại quá đỗi chân thật.
Việc nhân vật “tôi” không thể nào đuổi kịp Kiki giữa phố đông người hay việc anh ta mới lỡ để buông tay Yumiyoshi là cô đã tan biến vào bức tường và đến một thế giới khác là ngụ ý cho sự mỏng manh trong mối quan hệ của con người. Người ta yêu thương nhau lắm đấy, hiểu nhau như là tri kỷ vậy, nhưng chỉ mới một giây phút quay lưng bỏ lỡ là đã vội mất nhau rồi. Đây cũng là nỗi sợ hãi chung của nhiều người trong một thế giới ngày càng phát triển, khi mà ai ai cũng có một thế giới riêng để chìm đắm vào, gặp gỡ được người hiểu mình vốn đã khó mà để giữ được nhau lâu dài lại càng khó hơn.
“Nhảy nhảy nhảy” là một tiểu thuyết phiêu lưu thú vị đưa người đọc chìm vào thế giới của nhân vật “tôi” và trải nghiệm những điều kì bí. Đọc truyện giống như nghe một “playlist” của riêng anh ta – những bài hát của Richard Clayderman, Los Indios Tabajaras, Michael Jackson, Bob Dylan… – mà trong đó là những bước nhảy qua những giấc mơ. “It’s all over now, baby blue.” Những bản nhạc dừng lại rồi nhưng nguồn cảm hứng và niềm tin được kết nối với ai đó giữa lòng thế giới vẫn chảy mãi không ngừng trong trái tim người đọc.