Nguyễn Công Hoan đã xây dựng được những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình, vẽ nên một bức tranh chân thực đa chiều về những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám… đã đẩy người nông dân vào tuyệt lộ, buộc họ phải vùng lên phản kháng. “Bước đường cùng” ra đời năm 1938, đã gây tiếng vang lớn trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và khiến cho chính quyền thực dân một phen nháo nhào.

Bước đường cùng reviewsachonly

Nói về truyện dài “Bước đường cùng” Nguyễn Công Hoan cho hay:

“Cuốn ấy tôi viết ngày, viết đêm; viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi phải ra “an trí” tại Trà Cổ. Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa; tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm, từ 1 đến 16/7/1938.” – Trích hồi ký “Đời viết văn của tôi”, 1971.

d35f1e4d54b4518fe6dd1d4e22bebcdc  

Nếu không đọc hồi ký của nhà văn, sẽ chẳng ai biết được, để có một thiên tiểu thuyết hiện thực phê phán “Bước đường cùng” – tác phẩm được ví như phát súng bắn vào đầu bọn gian ác, bọn tham ô tham nhũng, vạch trần lũ sâu dân mọt nước… Tác giả đã liên tục ngồi trước cái bàn cao quá tầm tay liền trong nửa tháng để viết, nên phải dùng nhiều gân sức, ông đã bị sái bả vai bên phải đến ba năm. Những năm về già, vì tuổi cao, sức yếu, đến mùa rét, hoặc gặp thời tiết ẩm thấp, bệnh ấy lại trở thành tật.

Đọc thêm:

“Ông mà về, thì ông lại viết, ông cóc sợ.”

Viết “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan đã đoán trước hậu quả, là thế nào sách cũng bị cấm, và rất có thể tác giả còn bị truy tố nữa. Thế mà ông cũng chả sợ, lại nghĩ, có bị kết nặng lắm cũng chỉ từ một đến năm năm là cùng.

“Rồi cũng về. Ông mà về, thì ông lại viết, ông cóc sợ.” – Nguyễn Công Hoan.

Nhà giáo, nhà văn gì đâu mà bướng, bướng đến thấy thương.

Đúng như điều nhà văn tiên lượng, sau khi sách ra mắt, bên Mặt trận Dân chủ ngợi ca bao nhiêu thì chính quyền thực dân tá hỏa bấy nhiêu. Nhưng vì đoán trước được tình huống và nắm bắt được quy luật cấm sách theo từng xứ, nên Nguyễn Công Hoan và nhà xuất bản đã tương kế tựu kế. Sách bán đầu tiên ở Bắc, cấm ở Bắc thì gửi vào Trung, khi Trung cấm thì chuyển vào Nam. Rút cục, năm nghìn cuốn “Bước đường cùng” tiêu thụ hết nhẵn.

Con giun xéo mãi cũng quằn!

“Bước đường cùng” viết về anh nông dân tên Pha rơi vào cảnh tối tăm phá sản vì nạn địa chủ ngoặc với quan lại và đế quốc. Hoàn cảnh điển hình trong “Bước đường cùng” đã phản ánh được những mâu thuẫn cơ bản của xã hội bấy giờ.

Vợ chồng Pha thất học nên u mê, bị địa chủ dùng thủ đoạn để cướp nhà, cướp ruộng. Phường địa chủ đại gian đại ác, điển hình là Nghị Lại, đằng này ngọt xớt dụ dỗ cho người nông dân vay, đằng khác lại không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà để cho nó đẻ lãi mẹ lãi con ra rồi mới đi đòi. Chúng lại thêm mánh lới đứng phía sau mành thúc giục dân đen đi kiện, đẩy dân tới trước mặt quan để bọn tham quan kiếm chác. Địa chủ nào cũng mượn thế quan, thế Tây để làm càn, để bóc lột nông dân. Mà đám quan lại thì từ trên xuống dưới, từ quan huyện cho đến lính canh cổng hay tên cai tù, chức nào cũng giở trò sư tử ngoạm mà ra sức trấn lột tiền tài, lại còn hạch sách, đánh đấm người nông dân vô tội vạ.

Ban đầu, người nông dân sống riêng lẻ lại hay vì những quyền lợi nhỏ nhặt mà thù hằn nhau, như vợ chồng Pha và nhà Trương Thi ghét nhau, chỉ vì chỗ hàng xóm với nhau mà nó đi lấy tên bố mình đặt cho con nó thì tội gì mình không báo thù. Về sau khi đã bị bọn tham quan địa chủ bóc lột đến mức không còn gì để mất, người nông dân mới biết hợp sức lại đoàn kết với nhau. Song, một ngày còn đế quốc thống trị, thì cuộc đấu tranh của nông dân còn bị đàn áp!

Con giun xéo mãi cũng quằn, truyện kết lại bằng một lần vùng dậy của Pha, một cú phang vào đầu Nghị Lại với tất cả lòng hận thù, hình ảnh cuối cùng là Pha bị trói, nghiến răng nhắm nghiền mắt, mặc cho dòng lệ nóng tuông trào.

Một cuốn phong tục tiểu thuyết khiến chính quyền thực dân kinh sợ.

Viết “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan bày tỏ bản thân là một người viết tiểu thuyết, lại tự nhận thấy mình hiểu biết nhiều phong tục của nông thôn, nên ông viết một cuốn phong tục tiểu thuyết. Điều này độc giả có thể thấy rõ khi đọc tác phẩm, nhà văn đã bỏ ra cả chục trang chỉ để nhẩn nha kể về một ca đỡ đẻ, hay tỉ mẩn ghi lại một bài chửi dài lê thê ngoa ngoắt của mụ nhà quê bị mất gà mất qué.

Nhưng không phải lúc nào phong tục cũng là điều hay ho, cũng như mỗi nhà văn lại có đôi mắt khác nhau về lập trường và suy nghĩ khi cùng nhìn nhận một sự việc. Nếu những nhà văn khác viết về phong tục đáng quý hay sự bình yên chốn nông thôn, thì Nguyễn Công Hoan nhìn vào con người.

Nhà văn quan sát con người, nhìn con người trong mối quan hệ với con người, dưới bối cảnh những phong tục chốn hương quê, dưới chế độ nửa thuộc địa nửa phong kiến để viết nên “Bước đường cùng”. Ông viết cảnh lên quan, cảnh thu thuế, đốc thuế, cảnh vay nợ, cảnh ăn khao, cảnh mê tín dị đoan… Và những cái cảnh mà ông cho là phong tục ấy, nó phản ánh hiện thực.

Ông dùng ngòi bút châm chích, giễu cợt đám quan lại, đôi khi buông lời bỡn cợt những người dân quê. Giống như Vũ Trọng Phụng hay Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan tả chân, tả thực, và cái hiện thực ấy khiến người đọc phải xót xa.

Cái hiện thực ấy, nó lột trần bộ mặt tởm hợm thối nát của chính quyền thực dân nửa phong kiến và bọn địa chủ ăn trên ngồi trốc. Và sự vùng dậy của anh Pha giáng một đòn vào đầu Nghị Lại cũng giống như một cái tát vang dội vào cái mặt núng nính thịt của bọn cai trị, khiến chúng giật mình thon thót phải ban lệnh cấm sách.

Ý thức về thứ “giặc dốt” và bài học về sức mạnh đoàn kết.

Năm 1924, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh có viết:

“Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng… Hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường… Chính phủ thuộc địa tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp,… Làm cho ngu dân để dễ cai trị đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.”

Ngu dân là một trong những chính sách tàn độc về văn hóa giáo dục của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương. Trong chương trình giáo dục, bọn thực dân đã loại trừ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thay vào đó là chương trình truyền bá “văn minh đại Pháp” nhằm đào tạo một thế hệ người Việt Nam “mất gốc”, không có tinh thần yêu nước và ý thức về số phận của người dân mất nước, để từ đó phục vụ đắc lực cho công cuộc thống trị của thực dân. Hơn nữa, những người được đến trường đa số là con cái nhà giàu có và quan lại, còn con em nông dân phần lớn là thất học.

Trong “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan cũng đã để cho Pha và bác Tân trai nhận ra một sự thực xót xa rằng:

“Rút cục chỉ dân chết, chết vì nạn nhà giàu, chết vì nạn quan. Dân quê còn chết về nhiều cái nạn khác nữa, nạn ăn ở bẩn thỉu, dại dột, sưu cao thuế nặng, nạn lụt, nạn đại hạn, nạn hủ lậu, rút cục nạn gì cũng do cái dốt nát nó đẻ ra cả.”

Biết là cái dốt nát nó đẻ ra những ngọn những nguồn, nhưng đến khi vợ con chết cả và gặp lại anh trai Hòa thì Pha mới khát khao cái sự học, mới khát khao tìm cách để biết, để khôn, để không ai có thể bắt nạt nổi, như Dự, như Hòa.

Hòa cũng khai sáng cho Pha về sự đoàn kết hợp tác. Khi mà dân cày rời rạc nhau quá, thì dễ bị áp chế tàn nhẫn. Đôi cánh tay dân cày quý giá biết bao, nó đã có sức làm giàu cho người làm mình nghèo, thì phải họp tất cả những cánh tay ấy lại cho mạnh, thì chả phải sợ ai.

Họp nhau mà gặt, họp nhau mà đánh, họp nhau mà lý luận… Nguyễn Công Hoan đã mở cho người nông dân những cánh cửa về việc ý thức được cái dốt để mà ra sức mở mang tri thức, về việc ý thức được sức mạnh của đoàn kết để mà biết hợp tác với nhau chống lại giai cấp cai trị bóc lột.

Mặc dù con đường mà Nguyễn Công Hoan vẽ ra cho người nông dân chưa thực sự rõ ràng, bởi chính bản thân tác giả lúc ấy cũng chưa đi theo cách mạng, nhưng những gì mà “Bước đường cùng” đã đóng góp tiếng nói vào làng văn, vào đời sống nhân dân thời bấy giờ là hết sức đáng trân quý.

Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977): Nhà văn chân thật đến đáng yêu!

Có rất nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học nhận xét về “Bước đường cùng” – có khen có chê, có nêu ưu điểm cũng đề ra những khuyết điểm – nhưng có vẻ như người khắt khe với “Bước đường cùng” nhất lại chính là tác giả. Và lẽ dĩ nhiên, viết về thiếu sót về nội dung, nghệ thuật và tư tưởng, không nhà phê bình văn học nào có thể nói chính xác như ông, bởi chẳng ai hiểu được đường hướng suy tư làm nguồn cơn của tác phẩm bằng chính bản thân tác giả cả.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) Bước đường cùng reviewsachonly
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977)

Trong tập hồi ký “Đời viết văn của tôi”, Nguyễn Công Hoan chỉ ra cái chưa được nhất của “Bước đường cùng” là không đả động gì đến địa tô – vốn là thủ đoạn nền tảng của địa chủ vẫn dùng để bóc lột nông dân đến xương tủy. Nhà văn tự nhận là do “hiểu biết nông cạn” về chế độ phong kiến, tưởng quan hệ giữa giai cấp bóc lột với giai cấp bị bóc lột ở nông thôn chỉ là những món tiền cho vay nặng lãi.

Còn một điều thú vị nữa là nhà văn sẵn sàng bác bỏ cả những phân tích tốt về tác phẩm chỉ bởi vì nhận định đó không đúng với những gì mà ông đã nghĩ, mặc dầu những gì nằm trong bộ óc ấy nếu ông không nói ra thì cũng chẳng ai biết! Bởi vậy mới phải khẳng định lại một lần nữa, Nguyễn Công Hoan là một nhà văn chân thật đến đáng yêu!

Điển hình như, để hồi đáp lại cơn mưa lời khen về mặt tư tưởng trong tác phẩm “Bước đường cùng” của bạn văn và đồng nghiệp trong làng văn từ Mặt trận Dân chủ, cũng trong tập hồi ký “Đời viết văn của tôi”, Nguyễn Công Hoan thật thà cho biết, khi viết “Bước đường cùng”, không phải ông đã có “ý thức tố cáo tội ác của bọn phong kiến đế quốc đâu”, vì “Nếu ngày ấy mà tôi đã có ý thức ấy, thì tôi đã tìm Đảng Cộng sản để xin gia nhập.”

Nhà văn thẳng thắn gửi gắm đến các bậc phê bình văn học, rằng “nghiên cứu về nhà văn lớp trước, tôi xin anh em chớ gán cho chúng tôi những ưu điểm mà chúng tôi không có, làm chúng tôi phát ngượng.”

Trong thời kỳ Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền, thì ở Đông Dương, một số chính trị phạm được ra khỏi các nhà lao. Anh em về địa phương để hoạt động. Nguyễn Công Hoan hồi đó mặc dù làm nghề dạy học dưới chính quyền Pháp, nhưng không ngại ngần giao thiệp gần gũi với anh em. Nhà văn bắt đầu thâu nhận ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương từ đây. Bởi vậy, nói Nguyễn Công Hoan viết “Bước đường cùng” do ảnh hưởng của cộng sản thời bấy giờ là nhận định chính xác. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà văn gia nhập Vệ quốc quân, sau đó trở thành Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948.

Tóm lại, tuy rằng lúc sáng tác “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan chưa có ý thức cách mạng rõ ràng, và dẫu đã cắt nghĩa là một cuốn phong tục tiểu thuyết nhưng tác giả không giấu giếm cái ý đồ của một tác phẩm mang luận đề xã hội dưới ngòi bút mang thái độ tố cáo. “Bước đường cùng” đã vẽ lại một bức tranh chân thực đa chiều về những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám; nã những phát súng vào đầu bọn thực dân gian ác, bọn tham ô tham nhũng, vạch trần lũ sâu dân mọt nước; đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương của một ngòi bút hiện thực dồi dào sức sống mang tên Nguyễn Công Hoan.