Năm lớp 7, cô bé Ijima Anri phải chuyển trường từ thành phố đến thị trấn vùng quê Ashiwara để mẹ con cô bé tiện chăm sóc bà nội đã già yếu. Tại ngôi trường mới, ngay những ngày đầu nhập học, Anri đã đặt chân vào phòng học lớp 7D, một phòng học bỏ hoang. Nơi đây, cô bé gặp gỡ Ichii Kazuma, thấy bóng dáng Maehata Hisakuni chạy trên sân trường và phát triển mối quan hệ với cô bạn Satodate Miho, người đã cho Anri mượn chun buộc tóc trong buổi học đầu tiên.
Tại khung cửa sổ lớp 7D, tình bạn chớm nở. Tại khung cửa sổ lớp 7D, những cô bé, cậu bé dần tháo gỡ rụt rè, âu lo mà vượt thoát “vùng an toàn”, để “yêu” và được sống, là chính mình.
Những khung cửa
Mở đầu tập tiểu thuyết gồm hai quyển, Từ khung cửa sổ lớp 7D của Asano Atsuko là hai chương trong tập 1, về hai khung cửa sổ, “Khung cửa của Anri” và “Khung cửa của Kazuma”, tác giả đã thực sự mở ra một không gian tràn ngập những khung cửa sổ. Của hiện tại, phóng tầm mắt về quá khứ. Của cá nhân hướng đến cá nhân. Của thế giới bên ngoài, đi vào thế giới nội tâm bên trong con người. Và “mùa xuân” của thiên nhiên, giao hòa cùng “mùa xuân” của những đứa trẻ.
Thật vậy,
Câu chuyện xoay quanh bốn đửa trẻ và bắt đầu bằng khung cửa sổ của cô bé Anri, một cô bé theo mẹ chuyển trường về vùng quê Ashiwara, rời “vùng an toàn” cô bé đã cố gắng tạo dựng suốt năm tháng còn đi học. Để đến nơi ở mới, xa lạ nhưng cũng là cơ hội, Anri bước ra “vùng an toàn” như hành động, cô bé mở bung cánh cửa sổ nơi căn phòng học bỏ hoang mà cảm nhận không gian, thời gian hay rộng hơn, chính là hơi thở cuộc sống rộng lớn mà suốt quá khứ, cô bé không có, hoặc không thể tận hưởng trọn vẹn bởi đủ lo âu về được mất trong vòng tròn bạn bè. “Anri đã hết sức lưu ý để không bị loại ra khỏi vòng tròn của mọi người.”
Và rồi, từ khoảng không phía sau cánh cửa Anri mở ra, khung cửa của Kazuma xuất hiện. Không giống một Anri luôn âu lo rằng làm sao để tồn tại, làm sao để hòa đồng, hay bày tỏ cảm xúc như thế nào là đủ, khung cửa có bóng hình Kazuma chứa đựng những mâu thuẫn của một cậu bé 14 tuổi về niềm đam mê hội họa cùng sự ngăn cấm của gia đình. Kazuma gặp Anri, nơi khung cửa sổ đầy nắng và gió, mà khơi dậy trong cậu nhiệt huyết, sự kiên định khi đã có mục tiêu bắt buộc phải hoàn thành: bức chân dung của Ijima Anri.
Những khung cửa sổ của cá nhân, lưu dấu hiện tại những đứa trẻ gặp gỡ, khúc xạ trong đó cả ký ức u buồn lẫn chuỗi cảm tình tuổi học trò nhiều mộng tưởng nhưng cũng hết sức tinh tế, nhạy cảm. Tình bạn, tình yêu, ước mơ, khát vọng,… đặt trong mối quan hệ bè bạn của tuổi dậy thì hoài nghi, vô định; chỉ một xao động nhỏ cũng đủ làm chúng nghĩ ngợi vẩn vơ mà chợt buồn, chợt khóc, dằn vặt rồi tự làm khổ bản thân lẫn vô tình khiến những người chúng yêu quý chịu thương tổn. “Làm tổn thương ai đó trong khi bản thân không hề hay biết. Trong lúc vô tình đã làm người khác khổ sở. Chuyện đó hóa ra là có thật. Bản thân có lúc đau lòng vì một nói vô tư của người khác, như vậy thì, cũng sẽ có lúc câu nói vô ý của mình làm người khác đau khổ nhỉ?”
Nhưng “vùng an toàn” của hai tiếng “bạn bè” đâu đơn thuần là “thuận theo đám đông” hay “không bao giờ làm người khác đau lòng”? Mà “vùng an toàn” khi bạn bè ở bên nhau, là họ được sống đúng với cá tính, tình cảm, dẫu mâu thuẫn, cũng có thể mở lòng, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ rồi thứ tha, thấu hiểu lẫn nhau. “Anri rất vui khi chơi với nhóm Kazuma. Cô không cần phải ép mình hòa hợp với đối phương, hay để ý sắc mặt của nhau. Cô đã có thể cười, gật đầu, đôi khi còn giận dữ theo đúng cảm nhận của trái tim.”
Bởi thế, “những khung cửa” trong tập 1 Từ khung cửa sổ lớp 7D mang ý nghĩa biểu tượng rất rộng, trải dài trên mọi chiều kích, không gian, thời gian, tâm trạng. Từ khung cửa sổ lớp 7D, thời gian vụt trôi, những đứa trẻ dần hé mở cánh cửa trái tim, sẵn sàng đón nhận cả thương tổn để cảm nhận trọn vẹn tình bạn trong trẻo, đón nhận mùa xuân ấm áp, ùa về qua khung cửa sổ, ngỡ như đã phong kín từ lâu.
Bức tranh
Giống với hình ảnh “khung cửa”, “bức tranh” xuất hiện xuyên suốt trong cuốn 1 tập tiểu thuyết Từ khung cửa sổ lớp 7D cũng là một hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng sâu sắc tác giả Asano Atsuko xây dựng lên. Mà ở đó, “bức tranh” vừa là sự vật hiện hữu cụ thể, hữu hình nhưng đồng thời cũng hết sức trừu tượng, nhòe mờ.
Cụ thể, bởi đấy chính là những bức vẽ của Kazuma trong cuốn sổ phác họa cậu vẫn luôn mang bên mình; là biết bao bức tranh cậu vẽ Anri trên giấy. Trên tấm vải bố bản thân cậu đã tẩy, xóa, dồn mọi tâm huyết rồi lại từ bỏ vì sự thất vọng, bất lực xâm chiếm; là tấm vải ghi dấu nét phác thảo chân dung Anri “bị rạch một đường chéo và đổ ập xuống”; và đó còn là bức vẽ pháo hoa Kazuma đã từng gửi dự thi cùng cả hình ảnh pháo hoa trên khung vẽ trong tuổi thơ, kí ức của cậu.
Những bức tranh, hiện hình ở quá khứ, tồn tại trong hiện thực, bắc cây cầu nối kết hai người bạn trẻ trong lần đầu gặp gỡ bên khung cửa sổ lớp 7D. Bức tranh không chỉ mang theo đam mê, nghị lực của cậu bé Kazuma 14 tuổi với niềm khao khát khẳng định bản thân, không chỉ với bè bạn mà hơn cả, là được người thân công nhận. Đồng thời bức vẽ, chứa đựng ở đó cả lời hứa, niềm tin gửi gắm giữa những người bạn đã chấp nhận hé mở cõi lòng mà hi sinh, tin tưởng cho giấc mơ của bạn bè.
Và rộng hơn nữa, hình ảnh bức tranh trên trang viết Từ khung cửa sổ lớp 7D tập 1, còn là một biểu tượng mang tính truyền đời. Khi pháo hoa bung nở trên khung tranh ông nội Kazuma đã vẽ, lần nữa nở trên tranh vẽ người cháu rồi thu lại, nơi nụ cười một cô gái trẻ với nhiều tâm sự. Bức tranh chứa đựng cái tôi cá nhân cùng tình cảm chớm nở của một người thiếu niên với cô bạn luôn dịu dàng, thấu hiểu. Đường nét, màu vẽ trên sổ phác họa, trên tấm vải bố, hiện lên phía sau những khung cửa sổ, như lưu lại quãng thời gian, những đứa trẻ đã bên nhau, bằng tất cả lòng bao dung như thế.
Cho nên, bức tranh còn ý nghĩa bao quát, cho đời sống học đường và tuổi trẻ tựa mùa xuân hé nở trên chặng đường trưởng thành của các cô bé, cậu bé, sau khi đã trải đủ thương tổn, lo âu, buồn đau. Là bức tranh thiên nhiên, cũng là bức tranh tác giả Asano Atsuko dùng ngôn từ kí họa. Khi cô đã dành tình yêu rất mực cho những đứa trẻ yếu đuối nhưng đầy kiên cường trên trang viết. “Cánh hoa trắng bồng bềnh bay qua trước mắt. Anri thậm chí còn có cảm giác mình đã ngửi thấy một mùi hương ngòn ngọt. Cô lập tức vươn tay ra. Như thể chối từ ngón tay của Anri, cánh hoa leo lên ngọn gió và trôi lơ lửng trong lớp 7D.”
Khởi đầu
Anri chuyển đến trường cấp hai Ashiwara vào mùa hè năm lớp 7, gặp gỡ nhóm bạn Kazuma, Miho, Hisakuni vào năm lớp 8; và đó cũng là khởi đầu cho tình bạn đẹp giữa bốn đứa trẻ, đang dần bước vào một trong những ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời: ngưỡng cửa trưởng thành với đủ mọi lựa chọn buộc chúng không thể mãi đắn đo được – mất nữa.
Nhưng tuổi 14, dẫu có ý thức được ngày chia xa, thì vẫn còn một quãng thời gian, như bước chạy đà, để chúng kịp cảm thông, chia sẻ cho cả quá khứ và hiện tại của nhau. Không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, có cả những quãng trầm hay những giây phút chúng không thể thấu hiểu nổi bản thân, nữa là hiểu cho nội tâm người khác. Tuy nhiên, bạn bè là vậy, dù có mâu thuẫn, cũng sẽ tin tưởng, bao dung để trở thành chỗ dựa, mà cùng nhau cố gắng.
Từ khung cửa sổ lớp 7D tập 1, khởi đầu cho bộ truyện gồm hai cuốn Asano Atsuko viết lên, cũng đánh dấu bước khởi đầu, để những đứa trẻ trên trang sách của cô, qua thời gian, ngày một khôn lớn, chín chắn về suy nghĩ, tình cảm. Một cuốn truyện nhỏ, được kết hợp từ nhiều điểm nhìn, cùng giọng văn linh hoạt giữa tự sự và khắc họa nội tâm nhân vật; tất cả, tạo nên khung cửa sổ lớp 7D, mở ra khung trời tuổi trẻ.
Tuổi trẻ sôi nổi, trầm lắng, bắt đầu biết yêu, biết nhớ, biết cố gắng hết mình cho một mục tiêu đã đặt ra. Tuổi trẻ, mà khi trưởng thành người ta nhìn lại có thể nghĩ, thật ngốc xít biết bao. Nhưng vào khoảnh khắc đó, với những đứa trẻ mà cả khung trời gần như chỉ thu vào gia đình, trường học, thì tất thảy, đều là cả sự giằng xé, tranh đấu nội tâm để có được sự dũng cảm, đối diện với chính bản thân và những người chúng yêu mến.
Mọt Mọt