Với một vẻ ngoài nhỏ, mỏng, nhẹ – “Người đọc” của Bernhard Schlink bỗng trở nên khá khó đọc khi truyền tải quá nhiều thông điệp: về bóng đen của chiến tranh, về hệ lụy của mù chữ, về tình yêu, về lẽ sống, về tính người, về danh dự và nhân phẩm… Khá khó đọc nhưng cực kỳ đáng đọc.
Bernhard Schlink sinh 1944 ở Đức, là giáo sư Luật và thẩm phán Tòa án hiến pháp cấp bang, đồng thời là một ngòi bút sắc sảo trên văn đàn.
“Tôi viết vì cùng lý do như những người đọc sách: người ta không muốn chỉ sống một cuộc đời.”
Năm 1995, sau thành công với một số tiểu thuyết trinh thám, Bernhard Schlink ra mắt tác phẩm “Người đọc” với một chủ đề rất khác, và gần như ngay lập tức cuốn sách chiếm lĩnh vị trí betseller số 1 ở Mỹ, giải Prix laure Bataillon cho văn học dịch của Pháp, giải Grinzane Cavour của Ý… “Người đọc” được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và quảng bá rộng rãi, nhưng câu chuyện vẫn gây nhiều tranh cãi ở Đức, nơi người dân cho đến nay vẫn chưa hẳn thỏa mãn với cách giải quyết các tàn dư lịch sử từ thời phát xít và Thế chiến thứ hai.
Năm 2008, “Người đọc” được dựng phim, tác phẩm có năm đề cử Oscars, trong đó diễn viên Kate Winslet đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc” cho vai diễn Hanna Schmitz.
Đọc thêm:
- Max – Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng”
- Đêm – Hồi ký của một nhân chứng Do Thái ngoi lên từ địa ngục của Hitler!
- Hành trình qua cánh đồng chết – Hồi ký của một nhân chứng Cambodia ngoi lên từ địa ngục của Pol Pot!
Một câu chuyện tình yêu khác thường.
Bối cảnh “Người đọc” trở về năm 1958, tại thành phố Berlin, mảnh đất vừa hồi sinh từ đống tro tàn của chiến tranh, sau khi Đức Quốc Xã sụp đổ hoàn toàn vào năm 1945. Bernhard Schlink đã tạo ra một mối nhân duyên nghiệt ngã, bằng cuộc gỡ chẳng hề lãng mạn, lại trở thành thứ tình cảm ám ảnh cả đời người.
Michael Berg, 15 tuổi, một thiếu niên mắc bệnh viêm gan, trong một lần đi từ trường về nhà bỗng cảm thấy mệt mỏi và nôn trên đường.
Hanna Schmitz, 36 tuổi, một người phụ nữ soát vé xe điện, đã kéo Michael vào nhà để giúp cậu dọn rửa mà không nói nhiều lời với cậu.
Họ lao vào một mối quan hệ lãng mạn và thầm kín. Bắt đầu bằng tình dục, nhưng đọng lại mãi bởi tình yêu. Cho đến một ngày, Hanna biến mất không báo trước. Nhiều năm sau đó, khi Michael đã là sinh viên luật, cậu gặp lại Hanna tại toà án trong một vụ xử liên quan tới một trại tập trung ở Auschwitz. Hanna là bị cáo.
“Người đọc” được chia làm ba phần: phần đầu là câu chuyện tình ái của Michael và Hanna, phần hai kể lại những phiên tòa xử của Hanna, phần ba là cuộc sống của Michael và cả Hanna sau khi toà kết án.
Tác phẩm không có cao trào, không có thắt nút mở nút cầu kỳ, nó bình đạm mờ tỏ theo lời của Michael khi về già, nhìn và kể lại quá khứ một cách từ tốn, chậm rãi.
Hệ lụy của mù chữ.
Theo nghiên cứu của Bernhard Schlink:
“Từ giữa thế kỷ 20, người châu Âu đã coi khả năng đọc cơ bản như việc biết đi hay biết chạy. Hoàn cảnh của Hanna phản ánh tâm lý của không ít người bị mù chữ khi họ cảm thấy đó là nỗi nhục trước người khác.”
Hanna không biết đọc và viết.
Trong điều kiện chiến tranh lúc đó, cô cũng không có cơ hội để được học tập bổ khuyết điểm yếu. Cốt cách cao ngạo trời sinh và mặc cảm bởi mù chữ đã trói buộc Hanna, khiến cô nhiều lần tiến thoái lưỡng nan phải lựa chọn giữa danh dự và nhân phẩm. Cô đã chọn danh dự – chọn che giấu khuyết điểm của mình. Điều này ảnh hưởng lớn đến số phận của cô.
Hanna không biết đọc và viết.
Vì thế mà cô nhờ người khác đọc truyện cho mình. Vì thế mà cô phát sốt lên khi bắt được mảnh giấy của Michael, mường tượng ra cảnh cậu mong đợi là cô hiểu nội dung mảnh giấy đủ để sợ bị bẽ mặt. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở công ty tàu điện, khi làm soát vé thì điểm yếu của cô có thể còn giấu được, trong lớp đào tạo lái tàu ắt sẽ lộ ra. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở Siemens và trở thành quản tù của lực lượng SS. Vì thế mà cô thừa nhận đã viết bản báo cáo để khỏi phải đối mặt với giám định viên, để cuối cùng cô bị kết án.
Nhiều ý kiến cho rằng quá trình Hanna mù chữ rồi trở thành nữ quản tù trực tiếp gây tội ác diệt chủng người Do Thái trong trại tập trung Auschwitz là phép ẩn dụ “dốt nát gây nên tội ác”. Sự thực không phải như vậy:
“Tôi chỉ muốn khẳng định người ta thà chấp nhận một mức án để ngồi tù còn hơn cho người khác biết họ không biết chữ.” – Bernhard Schlink
Tâm lý nhục nhã của những người mù chữ được Bernhard Schlink phản ánh trong “Người đọc” là một trong những nguyên liệu lấy từ thực tế xã hội châu Âu thời Thế chiến thứ hai, để xây dựng nên một nhân vật như Hanna Schmitz – một người tự nguyện gia nhập SS làm công việc quản tù để tránh bại lộ “nỗi nhục” mù chữ của mình.
Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ…
Nạn diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành đã dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái. Holocaust gắn liền với cái tên Auschwitz – một mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt.
Hanna là quản tù ở một trại giam nhỏ gần Krakov, trại ngoại vi của Auschwitz. Hanna có tội, điều này không ai chối cãi được. Cô trong quá khứ dù vô tình hay cố ý thì hàng triệu con người cũng đã chết đi.
Thế nhưng, Thế chiến thứ hai là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đó là cuộc chiến mà tính vị kỷ được che đậy bởi lý tưởng xảo trá, mọi luân lý đạo đức trở nên vô nghĩa, nhường chỗ cho giết chóc. Những con người thời chiến, dù có hay không tham gia, họ đều bị chi phối hoàn toàn bởi chiến tranh. Hoặc sống, hoặc chết!
“Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ…” – Bernhard Schlink
Và vì thế giới không hề đơn giản, nên những kẻ phạm tội diệt chủng trong Thế chiến thứ hai cũng có thể mang khuôn mặt nhiều nhân tính như Hanna.
Hanna có tội, và chính bản thân cô biết điều đó. Cô đã sống theo bản năng trong những chương lịch sử đen tối nhất của nước Đức. Những năm tháng trong tù, cô tự lần mò để học cách đọc cách viết khi nghe những cuốn băng cassette mà Michael gửi. Có lẽ, khi đó cô cảm thấy danh dự được đã được cứu vớt, không còn mang “nỗi nhục” mù chữ nữa. Cô cầu hòa với nhân phẩm để tha thứ cho bản thân, dẫu muộn. Cô giải thoát.
Và người dẫn lối Hanna không ai khác chính là Michael, bằng giọng đọc của anh, bằng tình yêu của anh. Họ như hai linh hồn thiếu sót trở nên hoàn hảo bởi tìm thấy nhau.
Michael là đại diện của thế hệ hậu chiến Đức, bên cạnh những bâng khuâng day dứt về tình yêu dành cho Hanna, anh vẫn còn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng, đã để lại dấu hằn vĩnh viễn trên số phận bao người còn lại.
Bernhard Schlink – từ đời thực đến tiểu thuyết.
Tác giả cho biết ông thấy bản thân giống Michael đến 75%.
Bernhard Schlink là người thuộc thế hệ thứ hai lớn lên sau chiến tranh và biết rằng cha, chú mình có thể đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Lứa của ông phải đối mặt với chính những người thân là cha mẹ, cũng là tội phạm. Bởi thế, ông luôn bị dày vò với câu hỏi liệu ta có thể yêu thương và tha thứ tới đâu cho những kẻ độc ác từng phạm tội? Nếu họ không phải là cha mẹ hay anh chị em mình, mà từng là người tình của mình thì sao?
Hanna và Michael dần được xây dựng sau những trăn trở như thế.
Từ khi còn là sinh viên ngành luật, ông tham dự các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh, những người từng dính líu vào quân đội phát xít và phải chịu trách nhiệm cho việc tàn sát người Do Thái.
Tất cả những trải nghiệm trong gia đình và công việc đã hình thành cho Bernhard Schlink một đôi mắt sắc sảo và bao quát. Qua lăng kính của ông, cuộc sống không phải lúc nào cũng có thể phân biệt đen trắng, thậm chí mảng màu xám đó có thể còn chiếm phần lớn.