Trần trụi, khốc liệt và đầy ám ảnh. Nói không ngoa, đây là một cuốn sách có thể chữa rách những vết thương đã lành, người mạnh mẽ cũng dễ dàng bị suy thêm 7749 ngày nữa. “Đinh Trang mộng” của Diêm Liên Khoa đưa người đọc vào mê cung của mộng và thực, nơi mà sự băng hoại đạo đức còn đáng sợ hơn gấp ngàn lần căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Đọc thêm:
- Người tình phu nhân sư trưởng – Sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới!
- Phong nhã tụng – Siêu hiện thực hoang đường.
- Kiên ngạnh như thủy – Câu chuyện kể từ pháp trường.
Lời kể của một người đã chết!
Người kể chuyện trong “Đinh Trang mộng” là cậu bé Tiểu Cường 12 tuổi, và đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 12. Nói đúng hơn, chuyện được kể bởi linh hồn của một người đã chết. Ở cái thôn mà người dân đang chết đi như lá rụng vì bệnh nhiệt (bệnh AIDS) ấy, thì Tiểu Cường lại chết vì bị hạ độc. Tiểu Cường bị hạ độc, bởi vì 10 năm trước người bố Đinh Huy của cậu là đầu nậu máu lớn nhất trong vùng, nguồn cơn của những cái chết như lá rụng ngày nay.
Bởi vì chỉ mới 12 tuổi, theo tục lệ Tiểu Cường không được chôn trong phần mộ tổ tiên, nên gia đình chôn cậu bé ở trường tiểu học Đinh Trang, ngay sau căn phòng mà ông nội cậu sống. Và cứ thế, linh hồn nhỏ bé ấy dõi theo bước chân của ông nội, quan sát nội tâm của ông, ngắm nhìn giấc mơ của ông, rồi kể lại câu chuyện của ông, chuyện của thôn Đinh Trang.
Ông nội của Tiểu Cường tên là Đinh Thủy Dương, bố của Đinh Huy và Đinh Lượng, là người có học, quản việc đánh chuông của trường, người trong thôn gọi ông là thầy giáo Đinh. Không phải thầy giáo, nhưng là “thầy giáo già nhất”, nên 10 năm trước, Trưởng phòng Cao ở huyện về thôn yêu cầu thầy giáo Đinh vận động người dân bán máu để thoát nghèo. Thầy giáo Đinh đã thành công thuyết phục thôn dân Đinh Trang với cái lý “máu cũng như nước suối, càng bán lại càng đầy”.
Đinh Trang bắt đầu bán máu như phát điên. Nhưng sau đợt bán máu đầu tiên, Đinh Trang buộc phải bán máu theo kiểu tuần hoàn, vì trên tấm thẻ bán máu của mỗi người có quy định lần bán máu tiếp theo, cứ thế người Đinh Trang muốn bán máu cũng không còn tiện nữa. Giữa lúc ấy, Trạm máu họ Đinh của Đinh Huy ra đời, thu mua máu cao hơn Chính phủ 5 đồng, và thu mua theo tiêu chí họ “muốn” bán bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, chứ không phải họ “nên” bán bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
Kiếm tiền quá dễ, người dân Đinh Trang lại lao vào bán máu như phát điên. Vì tiền, cả người mua lẫn người bán đều bất chấp mọi quy tắc quy định nghiêm ngặt về mặt y tế, để rồi 10 năm sau, cả thôn trang đặc quánh mùi tử thi. Bên trên lại yêu cầu Đinh Thủy Dương vận động những người mắc bệnh sống tập trung vào một chỗ, cách ly khỏi những người khỏe mạnh.
Tại ngôi trường được chọn làm nơi sống tập trung của người bệnh ấy, với lý do “dù sao cũng là người sắp chết”, họ trộm tiền, trộm gạo, trộm áo bông, trộm con dấu… và trộm yêu. Họ gian dối, lọc lừa nhau. Họ chơi xỏ nhau để tranh giành quyền lãnh đạo, quyền quản lý, muốn làm Trưởng thôn, làm Bí thư chi bộ… rồi đưa ra 7 điều quy định, ai không làm theo sẽ bị nguyền rủa 8 đời tổ tông, 16 đời hậu duệ. Thật mỉa mai! Thật bi ai!
Đến khi người chết như ngả rạ, thì việc bán quan tài, xây mồ mả và minh hôn bỗng chốc hóa thành “sinh ý”. Mộ đẹp, quan tài gỗ tốt, được chôn cùng những thuốc, rượu, quần áo, tiền tài,… rồi cũng bị trộm mộ. Thật mỉa mai! Thật bi ai!
Đoạn kết của tác phẩm không hề bất ngờ. Nhưng cần chi bất ngờ? Khi mà xuyên suốt tác phẩm đã mang đến cho người đọc quá nhiều cảm xúc!
Ở tận cùng của sự xuống cấp nhân tính.
“Đinh Trang mộng” không chỉ đơn thuần viết về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mà sâu hơn nữa là phơi bày một bức tranh xấu xí của xã hội: người dân bất chấp tất cả vì khát vọng đổi đời, doanh nhân làm giàu trên xương máu người dân, quan chức tham nhũng, cả một hệ thống mục ruỗng. Cả một hệ thống!
Mà điển hình của hệ thống ấy, phải kể đến Đinh Huy, một kẻ thủ ác đạo mạo. Tiểu Cường bảo rằng bố là người sinh ra để làm việc lớn. Điều này đúng, nhưng theo chiều hướng rất tiêu cực. Đinh Huy từ một người nông dân, trở thành doanh nhân rồi trở thành cán bộ huyện. Ở huyện, Đinh Huy ngủ trong một căn phòng chất đầy tiền, theo nghĩa đen. Và số tiền đó được kiếm từ máu thịt, quan tài, mồ mả và niềm tin của nhân dân, cũng theo nghĩa đen.
Nên bắt đầu từ đâu để nói về Đinh Huy? Anh ta miệng mồm xảo trá để lôi kéo người chưa từng bán máu như cựu Trưởng thôn Lý Tam Nhân. Anh ta dùng dăm ba miếng bông quẹt sát khuẩn cho 9 người, dùng một cây kim lấy máu cho nhiều người. Anh ta ghi bên ngoài túi 500cc, nhưng rút của người ta 600cc đến 700cc máu. Anh ta hòa bia vào máu thu được trước khi bán. Anh ta “tái sử dụng” túi đựng máu nhiều lần bằng cách rửa qua loa ở ao nước mưa đầu thôn.
“Ông tôi nói, sao con không dùng túi mới cho mọi người?
Bố liền nói, một túi máu hai xu, một trăm cái là hai mươi đồng. Một ngày hai mươi đồng, mười ngày hai trăm đồng, một tháng là sáu trăm đồng. Một tháng sáu trăm đồng, vậy một năm là bao nhiêu? Mười năm là bao nhiêu? Bố ở trường đánh chuông cả đời có thể kiếm bao nhiêu tiền? Cho dù tính thêm cả phân và nước tiểu mà nhà trường tặng không cho bố, đổ phân vào trong ruộng, lương thực thu hoạch mười năm có thể bán được chỗ tiền này không?”
Cho đến khi số lượng người bệnh như lá vàng, số lượng người chết như lá rụng mùa thu, Đinh Huy không làm giàu trên người sống nữa, mà chuyển sang người sắp chết và người đã chết.
Huyện bảo, phàm là người mắc bệnh nhiệt, mỗi người chết, trên huyện sẽ trợ giúp cho một chiếc quan tài. Qua lời Đinh Huy khi về đến thôn thì, trợ cấp cho các nhà có bệnh nhiệt ở Đinh Trang mỗi nhà năm cân dầu và một dây pháo khi Tết đến. Còn quan tài huyện cấp, anh ta giữ lại để bán cho thôn khác, và ở đây, có một sự thỏa thuận ngầm giữa Đinh Huy và phó Huyện trưởng Cao (trước đây là Trưởng phòng Cao). Sau đó, Đinh Huy làm Phó chủ nhiệm Ủy ban bệnh nhiệt huyện, bán quan tài với giá cao cắt cổ cho người Đinh Trang. Ấy vậy mà anh ta vẫn còn tỏ ra đạo mạo lắm, cái lưỡi không xương ấy vẫn ra vẻ tôi đây tử tế lắm.
Khi số người trong thôn đã chết quá nửa, Đinh Huy bắt đầu dắt mối kết duyên âm cho những người trẻ tuổi chết vì bệnh nhiệt. Kết cho cả Tiểu Cường, con trai anh ta. Không chút do dự kết duyên âm cho Tiểu Cường với Lăng Tử, một cô bé có chân bị khiếm khuyết bẩm sinh và còn bị động kinh, như lời Tiểu Cường thì đây là hồn ma nữ xấu nhất. Đinh Huy không do dự, vì Lăng Tử là con gái của Chủ tịch huyện, người mà ngay lập tức sẽ được điều đến Đông Kinh làm Thị trưởng.
“Đều là tiền kiếm được từ bán quan tài?”
Bố liền liếc ông, nói: “Bán quan tài là việc tốt ngàn năm có một vì nhân dân đấy.”
Ông hỏi tiếp: “Vậy tiền bán quan tài là con kiếm tiền hay bên trên kiếm tiền?”
Bố liền cười nói: “Nếu đều là của con, thì con có thể mua được một nửa thành phố rồi.”
Ông lại hỏi: “Bây giờ lệ phí kết duyên âm là của con hay bên trên?”
Bố không cười nữa, đường đường chính chính nói: “Con là người ăn lương, thay Chính phủ làm việc tốt ngàn năm có một vì nhân dân.”
Ông nghĩ ngợi: “Đủ tiêu là được rồi, nhiều thế để làm gì?”
Bố liền khó xử. “Bệnh nhiệt mãi không kết thúc con phải làm thế nào? Con thay mặt bên trên làm tiếp năm xưởng quan tài cỡ lớn, cây trên bình nguyên đều chặt hết cả rồi, bây giờ phải chuyển cây từ Đông Bắc về, nhưng quan tài dù làm mỗi ngày cũng không đủ dùng. Tháng này con tổ chức mười mấy đội mai mối âm hôn, ngày nào cũng xuống xã thống kê và làm hôn phối, nhưng nửa tháng qua rồi, theo thống kê, những đôi đã kết duyên âm thành công vẫn chưa bằng một phần ba những cô hồn chưa được kết hôn.”
Bệnh nhiệt mãi không hết = Không thể dừng việc kiếm tiền. Cả một hệ thống!
Sau tất cả, Đinh Huy vẫn tự hào nói với bố anh ta rằng, cả đời này con đều hành thiện. Khi con người làm điều ác mà còn giữ được chút thiện tâm thì họ sẽ có chút ăn năn, hối lỗi, day dứt, và họ còn khả năng sửa sai. Còn khi con người đã ở tận cùng của sự xuống cấp nhân tính, khi họ đã giao cả linh hồn mình cho quỷ dữ, thì họ sẽ làm mọi điều ác theo một lẽ tất nhiên, không còn con đường nào “tự cứu chuộc” nữa. Có lẽ việc thấu tỏ và hiểu rõ những sự thật đó, đã đẩy Đinh Thủy Dương đến hành động cuối cùng.
Từ “Sáng thế ký” đến “Đinh Trang mộng”
Với phương châm sáng tạo không ngừng, Diêm Liên Khoa đã thiết kế một kết cấu thập phần thú vị cho “Đinh Trang mộng”.
Các phần trong cuốn sách được gọi là quyển, trừ Quyển 1 được trích dẫn hoàn toàn từ “Sáng thế ký”, thì 7 quyển còn lại đều diễn ra theo mùa, nhưng vòng tuần hoàn ở đây là một vòng tuần hoàn kỳ lạ: thu – đông – xuân – hạ – hạ – hạ – thu.
Một năm bắt đầu từ mùa thu là quan niệm của nền nông nghiệp cổ đại Trung Hoa, mùa thu là mùa thu hoạch và gieo trồng vụ mới. Còn trong “Đinh Trang mộng”, thu cũng là một khởi đầu, nhưng là khởi đầu của việc bán máu. Đông phát hiện những bệnh nhân đầu tiên. Xuân bộc phát những dấu hiệu kỳ dị không thể chữa trị. Hạ – hạ – hạ là mùa của chết chóc và hủy diệt, đây không hẳn là biểu hiện của sự phá vỡ tuần hoàn, mà là sự nhấn mạnh vào điểm tận cùng của chu kỳ sinh diệt. Hạ qua thu đến, mong chờ hồi sinh.
Bên cạnh vòng tuần hoàn ấy, điểm đặc biệt của kết cấu truyện còn là sự can dự của những giấc mộng. Như đã nói ở trên, Quyển 1 được trích dẫn hoàn toàn từ “Sáng thế ký” (sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng và Kinh Thánh nói chung), đó là ba giấc mơ kỳ lạ của quan Chánh chước tửu, quan Chánh ngự thiện, và vua Pharaoh. Từ Quyển 2 đến Quyển 8 đều xuất hiện những giấc mộng, mà người mơ là Đinh Thủy Dương. Đinh Thủy Dương mơ rất nhiều, những giấc mơ của ông thường mang ý nghĩa rõ ràng, là điềm triệu tiên báo tương lai, là sự khải huyền vén màn sự thật, là sự hủy diệt, là sự tái sinh.
Có Joseph giải mộng trong ”Sáng thế ký”, vậy ai sẽ là người giải mộng cho “Đinh Trang mộng” đây? Phải chăng mục đích của Diêm Liên Khoa khi trích dẫn ba giấc mơ trong “Sáng thế ký” ngay từ Quyển 1, giống như trích dẫn một điềm triệu, là để cho mỗi độc giả trở thành nhà tiên tri đi giải giấc mộng của thôn Đinh Trang?
Trái tim của người cầm bút.
Giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 là khoảng thời gian bệnh HIV/AIDS bắt đầu lan tràn ở Trung Quốc và thực sự bùng nổ vào đầu thế kỷ 21. Theo những cuộc điều tra xã hội học, con đường lan truyền AIDS nhanh nhất ở Trung Quốc không phải là tệ nạn xã hội hay quan hệ tình dục, mà là con đường bán máu của nông dân nghèo. Diêm Liên Khoa đã tiến hành những chuyến đi thực địa đến các thôn có nhiều bệnh nhân AIDS, trong vai trò trợ lí của một bác sĩ nhân chủng học. Quá trình thực địa này đã giúp Diêm Liên Khoa nhận ra những bí ẩn đằng sau sự bùng nổ kinh hoàng của bệnh AIDS, tạo tiền đề cho tiểu thuyết “Đinh Trang mộng”.
Thai nghén 10 năm tròn, “Đinh Trang mộng” được Diêm Liên Khoa bắt tay vào viết từ tháng tư đến tháng tám năm 2005 thì hoàn thành bản sơ thảo, trong 2 tháng tiếp theo xong phần hiệu đính. Trong hậu ký “Đinh Trang mộng”, Diêm Liên Khoa giãi bày:
“10 giờ sáng một ngày trung tuần tháng Tám năm 2005, tôi viết xong trang cuối cùng của tiểu thuyết Đinh Trang mộng, khi gác bút, tôi ngồi một mình trước bàn viết, chợt cảm thấy buồn bực không yên, bồn chồn khó tả, cảm giác nôn nóng cần được nói chuyện với người khác ập đến chưa từng thấy, giống như người nghiện heroin đột nhiên lên cơn ghiền thuốc. […] cuối cùng không biết vì sao vứt tai nghe lên bàn, thất vọng ngồi xuống, hai hàng nước mắt tuôn rơi không thể nào ngăn lại, người mềm nhũn không còn chút sức lực nào giống như bị rút hết gân cốt, cảm giác bất lực trước sự dồn ép của nỗi cô đơn và niềm vô vọng đó, giống như tôi bị bỏ rơi giữa đại dương mênh mông không một bóng người, bỏ rơi trên một hoang đảo không thấy chim bay cỏ động.”
“Không nói được rõ ràng vì sao lại đau khổ, vì ai mà rơi lệ, vì sao lại cảm thấy tuyệt vọng và bất lực chưa từng có như thế. Là vì cuộc sống của bản thân? Hay là vì cái thế giới mà mình đang sống? Hay vì sinh mệnh của những người mắc bệnh AIDS mà tôi không biết cụ thể là có bao nhiêu trên Hà Nam quê tôi, thậm chí trên những tỉnh lị và khu vực, trên những mảnh đất còn biết bao khổ nạn? Cũng có thể là do đường cùng mà sự viết của mình phải đối diện sau khi đã tận hao tâm lực hoàn thành Đinh Trang mộng. Cứ như thế, không biết rốt cuộc tôi đã ngồi đó rơi bao nhiêu nước mắt, không biết đến khi nào thì tôi mới không rơi nước mắt nữa mà ngồi đó bất động như một khúc gỗ.”
Theo Diêm Liên Khoa, thứ mà ông giao cho nhà xuất bản không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một khối tuyệt vọng khổ đau, là thứ mà ông đã tiêu hao sinh mệnh và thọ mệnh của mình để hoàn thành. Có một điều khiến nhà văn cảm thấy bất an, là trong thế giới đầy hoan lạc này “Đinh Trang mộng” không thể đem đến cho độc giả niềm vui, mà chỉ có thể đem đến nỗi đau đớn nhói lòng.
“Về điều này, tôi xin cáo lỗi với các bạn. Xin bày tỏ sự áy náy với từng vị độc giả vì tiểu thuyết của tôi đã mang đến sự khổ đau cho các bạn.”
Nhưng sự thật là “Đinh Trang mộng” vẫn ôm ấp một giấc mộng tái sinh, một vòng tuần hoàn mới bắt đầu, trong tương lai mịt mờ ấy hiện diện một người phụ nữ tay cầm nhành liễu đi trong bùn chấm chấm vẩy vẩy, một bình nguyên mới nhảy nhót, một thế giới mới nhảy nhót. Trái tim của người cầm bút vẫn luôn hướng những điều tốt đẹp đến với thế giới.