Bà mụ (xuất bản năm 1997) là tiểu thuyết thứ năm của Chris Bohjalian.  “Bà mụ” cũng có thể được xem là “duyên phận” của tác giả Chris Bohjalian khi ý tưởng viết quyển sách về những con người làm nghề  hộ sanh, về  cuộc sống  ít được biết đến của những bà mụ và cũng có thể là thế giới của một nghề đang dần mai một trong thời đại y tế và đời sống xã hội đang có những bước nhảy vọt về công nghệ và hiện đại hóa.

Và cũng theo như lời của chính tác giả “Bà mụ đề cập đến nhiều câu chuyện, nhưng trên hết, tôi xem quyển tiểu thuyết này như một câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng.” Hy vọng thông qua những giây phút đọc cuốn tiểu thuyết này, bạn hoặc là tôi có thể thấy được nhiều hơn sự vất vả “ mang nặng đẻ đau” của những người làm mẹ, thấy được chính hình ảnh của chúng ta  trong khoảnh khắc được sinh ra và thấy yêu mẹ của ta nhiều hơn một chút.

Review sách Bà Mụ Chris Bohjalian

Bối cảnh của tiểu thuyết “ Bà mụ” cũng chính là Vermont – nơi ở của chính nhà văn và gia đình. Nói về đứa con tinh thần của mình Chris Bohjalian bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với người đã tạo cho ông cảm hứng để viết ra tác phẩm này- là một bà mụ hành nghề độc lập ở địa phương. Từ sự tiếp xúc  giữa những bà mụ và  các bác sĩ sản phụ khoa khác nhau đã đem lại cho chính tác giả từ sự ngạc nhiên đến thích thú và cuối cùng là nguồn cảm hứng đặc biệt để cho ra đời của một tác phẩm hấp dẫn về nội dung, lôi cuốn về mạch truyện và sâu lắng là những gì còn đọng lại sau cùng của độc giả để nói về cuốn tiểu thuyết “Bà mụ” của Chris Bohjalian.

Sự sống bắt đầu bằng một trận chiến

Con người trong suốt hàng vạn năm , từ thể đơn bào rồi tiến hóa cho đến khi trở thành hình hài như ngày nay luôn duy trì những đặc tính sinh học vốn có ở từng loại trong chính môi trường tự nhiên như hô hấp, trao đổi chất ,..Sau cùng chính là sự sinh sản để duy trì giống loài.

“Hầu hết các ca sinh đẻ không đòi hỏi bất kì sự can thiệp y tế nào. Đó là một quá trình tự nhiên mà phụ nữ đã thực hiện kể từ khi, xem nào, kể từ khi bắt đầu có sự sống.Nhưng trí nhớ tập thể của chúng ta đã không còn kí ức về việc dù cho sinh đẻ là chuyện tự nhiên, nó vẫn rất nguy hiểm. Hãy đối mặt với sự thật, đã có lúc phụ nữ và trẻ em liên tục mất mạng trong quá trình sinh nở.”

 Độc giả hoặc chính bản thân tôi có thể có chung nhận định rằng trẻ con thường hay khóc vì chúng dễ bị tổn thương từ thể xác đến tinh thần, nhưng trông thấy  người lớn khóc lại là một chuyện khác hẳn. Đọc những dòng đầu tiên của tiểu thuyết  người đọc sẽ phần nào hình dung sự chào đời của chính chúng ta. Sự ra đời ấy có thể là tình yêu giữa bố và mẹ chúng ta hoặc đôi khi  là “ sự cố không lường trước”, nhưng dù với bất cứ lý do nào đi chăng nữa sự đau đớn trong những lần sinh đẻ mà những người làm mẹ phải chịu đựng thật sự rất đáng trân trọng và khâm phục. Những cơn đau đẻ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ , trước đó là những tháng ngày cảm nhận sự mẫn cảm của cơ thể, khó khăn trong việc đi lại và sau cùng là vật lộn, quằn quại để đón chào sự sống của một sinh linh bé bỏng.Chính sự cam chịu đó làm nổi bật lên “thiên chức” của người mẹ và tôn vinh giá trị về tình mẫu tử thiên liêng.

Bi kịch không đến từ  sau những “chuỗi ngày bình yên”.

Chúng ta thường hay bắt gặp cụm từ “ Bình yên trước cơn sóng lớn” . Đó là cách viết thường hay gặp ở nhiều tác giả hay tiểu thuyết gia nhằm tạo cao trào cho mạch truyện, đẩy kịch tính của cốt truyện lên cao nhằm thu hút bạn đọc , khởi đầu truyện với những tác phẩm như thế này thường sẽ là mạch truyện chậm , yên bình, giành phần lớn thời gian để giới thiệu nhân vật và đan cài những tình tiết  mới mẻ qua đó tạo dựng nền tảng cho sự xuất hiện hoành tráng của bi kịch truyện sau này.

Với Bà mụ thì lại khác, từ những  khung mở đầu truyện là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại – hai thái cực mà chẳng lúc nào bình yên trong chính cuộc đời của Sibyl Danforth( vai bà mụ trong tác phẩm) . Thông qua lời kể Connie, cô con gái mười bốn tuổi của Sibyl, nếu hiện tại mà mẹ của cô bé phải đón nhận là những tháng ngày bị truy tố gắt gao tại chính phiên tòa, với những giằng xé lương tâm và chuyên môn dành cho một người hộ sinh, sự cân đo đong đếm giữa một bên là lý và một bên là tình.Sau cùng thì ai mới là người chịu trách nhiệm cho cái chết người mẹ mà Sibyl Danforth đến những giây phút quyết định khó khăn nhất cuộc đời bà vẫn quyết tâm cứu sống đứa con cho chính con người bất hạnh ấy? Vậy quay lại về quá khứ của bà mụ thì sao? Việc mang thai đứa con gái đầu đời là  Connie khiến bà phải hoãn vô thời hạn và sau đó là mãi mãi chuyện đi học trở lại của bà – dẫu biết trong tâm thâm bà chưa bao giờ xem đó là một tai nạn dẫn đến bi kịch mà bà phải gánh chịu ngày hôm nay.

 “Đó là một trong những lý do chính khiến mẹ tôi trở thành một bà mụ không chuyên thay vì một nữ hộ sinh có đào tạo bài bản, hoặc thậm chí có thể là một bác sĩ sản phụ khoa: không có chứng chỉ cao đẳng và – theo thời gian – kết luận rằng bà không cần chứng chỉ đó”.

Chưa dừng lại ở đó, với cương vị là bà đỡ, thời gian dành cho gia đình của bà cũng không nhiều như những người phụ nữ đã lập gia đình khác, thường xuyên không có mặt ở nhà như một thói quen xấu của bà nhưng bà không thể làm gì khác khi ở đâu đó có một người mẹ nào đó đang nhờ vả bà giúp những đứa con của cô ấy được sinh ra khỏe mạnh.Bà  đành hứng  chịu sự phàn nàn của chồng và bị gán ghép thành người vợ và người mẹ vô trách nhiệm. Sau cùng vượt lên trên những khó  khăn  ấy và đôi lúc là hy sinh mái ấm gia đình của mình, bà đã giúp đỡ cho rất nhiều  đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh cho đến khi bi kịch ập đến cuộc đời bà. Với cách kể lôi cuốn của Chris Bohjalian những ca sinh đẻ tại nhà được miêu tả chi tiết và mỗi ca đều chứa đựng những khó khăn riêng, sự từng trải và kinh nghiệm dày dạn của bà mụ được thể hiện qua từng trang nhật kí hộ sanh của bà.

Bà Mụ Chris Bohjalian review

Nếu quá khứ khắc họa những tháng ngày lao lực và hy sinh của bà mụ đối với nghề, với muôn ngàn những khó khăn trăm bề thách thức người phụ nữ ấy phải nhiều lần lựa chọn giữa tâm huyết với công việc hay lựa chọn cho hạnh phúc của chính bản thân, nguy cơ với sự sụp đổ mái ấm gia đình có thể xảy ra đối với chính bản thân bà  thì hiện tại cũng là sự sụp đổ nhưng là đối với sự nghiệp của bà và cả bản án tù vì tội ngộ sát có khả năng hủy hoại cuộc đời bà bất cứ lúc nào.Chính sự tịnh tiến của bi kịch tăng dần theo thời gian đã đẩy mạch truyện càng về cuối càng lôi cuốn chính bản thân của người đọc và cầu mong cho cái kết có hậu cho nhân vật chính.

Sự phân tầng giai cấp rõ rệt trong xã hội Mĩ thời hiện đại.

Điều khiến chúng ta ngạc nhiên khi đọc tác phẩm là có được sự tạo hình không  quá rõ ràng hay sâu đậm của nhân vật phản diện, vậy phải chăng xã hội Mĩ thời hiện đại, tầng lớp trí thức chính là những phản diện chính đẩy đến sự bi kịch của nhân vât bà mụ Sibyl Danforth. Trong nhật kí của bà mụ bà trải lòng rằng bà từng đỡ đẻ cho nhiều người nhưng chỉ là những ngành nghề thuộc tầng lớp lao động, đôi khi công sức của bà được đem ra trao đổi với những sản phẩm lao động của những con người đó. Và tuyệt nhiên không có nhân viên nhà băng, không luật sư, không bác sĩ. Điều đó chứng tỏ bà – đúng hơn là nghề của bà không được lòng tầng lớp trí thức, khi họ nghĩ đẻ con ở bệnh viện là an toàn hơn và ít rủi ro hơn( có thể bản thân chính chúng ta cũng nghĩ như vậy). Nhiều ca sinh gặp những trường hợp như thai phụ cao huyết áp hay sinh đôi ,.. bà mụ chẳng ngại ngùng mà tin tưởng bác sĩ và bệnh viện nhưng tuyệt nhiên không một bác sĩ nào tin tưởng bà. Có thể trong những giây mà toàn bộ sự thật được phơi bày tại phiên tòa. Nhiều người trong số các y bác sĩ đó, giám định pháp y,… và sau cùng là thẩm phán – những con người thuộc tầng lớp trí thức  ấy phải chăng đã ít nhất một lần suy nghĩ nếu đặt bản thân mình vào trường hợp của Sibyl Danforth liệu rằng ai có đủ sự dũng cảm, đầy tình thương trách nhiệm và sự liều lĩnh để làm tốt hơn việc mà bà mụ ấy đã làm. Nhưng họ không thể minh oan cho bà mụ vì lương tri của họ tin rằng kiến thức mà họ đang nắm giữ là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp, còn bà mụ là một phần tri thức đã cũ xưa và dần chứng minh mình không còn phù hợp với xã hội mới và thời đại mới.

Tình cảm gia đình là “chiếc thuyền” vững chắc để vượt qua bão tố.

Trong tác phẩm “ Bà Mụ” giữa những sự rung động dữ dội của khó khăn thách thức, truyện vẫn chứa đựng những nốt trầm đầy tinh tế nói về những thứ tình cảm cao quý đó là tình cảm gia đình và trên hết là tình mẫu tử thiêng liêng.

Hình ảnh gia đình của bà mụ tuy cũng có những lúc lớn tiếng , những lúc tranh cãi dữ dội nhưng khi bi kịch ập đến với chính bản thân bà thì cái gia đình ấy lại “kết” thành một chiếc thuyền vững chãi để cùng với bà đón nhận những cơn giông bão của cuộc đời.

Hình ảnh một người chồng chịu đựng, biết hy sinh và rất yêu vợ mình của  người đàn ông Rand Danforth, ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể giúp vợ mình được minh oan, là người cha ông luôn vui lòng chơi cùng đứa con gái của mình và sẵn sàng tâm sự với con mọi thứ, luôn luôn bên cạnh vỗ về và an ủi khi cô bé cần.

Hình ảnh cô gái yêu thương mẹ của mình sẵn sàng bất chấp mọi thứ để giải oan cho mẹ của mình . Chính cô đã lấy trộm cuốn nhật kí của bà mụ Sibyl Danforth để đem lên tòa làm vật chứng và phần nào đó góp phần giúp cho mẹ cô được xử trắng án .Và cũng chính hình ảnh của bà mụ đầy tâm huyết với nghề và hình ảnh tuyệt vời của người mẹ từ chính Sibyl Danforth đã trở thành nguồn cảm hứng để cho người con gái Connie  ấy của bà theo đuổi ngành y.

Điều gì khiến mỗi con người chúng ta có thể dũng cảm đối đầu với những sự khó khăn, thách thức và đôi khi là cả những thất bại ? Đó là khi chúng ta có một chỗ dựa to lớn về tinh thần mang tên gia đình. Khi có một nơi để chúng ta quay trở về, một nơi mà lúc nào ta cũng thấy bình yên dù ngoài kia là phong ba bão táp chỉ chực chờ để đánh gục ý chí của chúng ta, nơi đó không đâu xa lạ chính là gia đình của chúng ta, của chính tôi và của cả bạn nữa.

Vài nét về tác giả Chris Bohjalian

Nhà văn, nhà báo Chris Bohjalian là một tiểu thuyết gia người Mỹ, sinh ngày 12/8/1960, tốt nghiệp đại học Amherst và sống một thời gian ở New York, sau đó chuyển về một thị trấn nhỏ ở Vermont và sống ở đó đến nay. Theo như những chia sẽ của nhà văn Vermont có sự yên tĩnh đủ để tạo nguồn cảm hứng cho ông viết nên những tác phẩm mà ông tâm đắc cũng như đem lại danh tiếng cho chính bản thân ông.

:

  • Tiki: 1GxtSExS” 1GxtSExS