Người trộm bóng của Marc Levy là một thiên truyện về những cái bóng sẽ ngấu nghiến trái tim bé bỏng của những người đã từng là trẻ con
Người trộm bóng là tác phẩm thứ mười một của Marc Levy – một tiểu thuyết gia nổi tiếng bậc nhất nước Pháp. Sau Nếu em không phải một giấc mơ, Bảy ngày cho mãi mãi, Cô gái cuối cùng của dòng họ Stanfield, Em ở đâu? tác giả Marc Levy vẫn duy trì được phong độ đi sâu vào gạn lọc nội tâm con người, kiến tạo những cuộc phiêu lưu tràn đầy phép thuật.
Người trộm bóng xoay quanh những nhân vật rất đỗi dung dị, bình phàm giữa cuộc đời này. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ta luôn bắt gặp những tâm hồn thơ ngộ tràn đầy ánh nắng dài rộng của mặt trời tủa sáng muôn phương như thế. Câu chuyện bắt đầu bởi một cậu bé phát hiện ra mình có biệt tài lẻn vào cái bóng của bất cứ ai, dù cậu không cố ý những vẫn tỏ tường tất cả những bí mật thầm kín, đấu tranh nội tâm, giành xé trong suy nghĩ của họ. Từ cậu bạn thân Luc, địch thủ đáng gờm bự con Marquess, cô nàng Elisabeth xinh đẹp mà cậu luôn thầm để ý đến cô bé câm điếc nhạy cảm Cléa…
Đôi lúc cậu rối rắm vì khả năng đặc biệt của mình, thậm chí không dám giãi bày tất cả sự thật với người mẹ thân yêu. Nhưng nhanh chóng cậu bé đã học cách sử dụng năng lực tuyệt vời đó của mình để giúp đỡ người xung quanh. Cậu bé giúp Yves, bác bảo vệ trường tìm thấy ý nghĩa sống, dũng cảm sống đúng với kích thước tâm hồn mình và dám gạt bỏ những dối lừa, mình tự đắp đậy lên nỗi đau khuyết thiếu tình thương người mẹ bấy lâu nay. Cậu giúp cậu bạn thân chí cốt Luc thoát khỏi ân hận vì năm tháng sống hoài, sống phí, chưa dám đi ra khỏi vùng ngoại ô heo hút, ra khỏi cửa hàng bánh ngọt gia đình, ra khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày để đeo đuổi giấc mộng bác sĩ. Dường như mọi sự giúp đỡ đều tác động qua lại lẫn trong xuyên suốt từ đầu đến cuối trang chuyện. Cái bóng của hạnh phúc dường như bao trùm mỗi con người trong cuốn sách trở nên khiến họ trở nên đẹp đẽ, trong sáng và đáng quí vô ngần. Đây có lẽ là một sự chắt chiu linh hồn người đọc của tác giả khi quay trở lại với thể loại gần gũi như cuốn tiểu thuyết đầu tay Nếu em không phải giấc mơ ngày nào.
William Shakespeare từng nói: “Có những kẻ luôn chăm chăm ôm lấy những chiếc bóng, họ chỉ có được cái bóng của hạnh phúc mà thôi”. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi và chỉ khi dám xông pha vào cuộc đời, hiên ngang đối diện những góc khuất u ám trong tâm hồn mình, dũng cảm bồi đắp và xây dựng nhân sinh quan tuyệt mỹ, tích cực. Vậy nên, đừng bao giờ chui tọt vào chiếc bóng hạnh phúc không hề vừa mình của người khác dẫu bạn có là một người trộm bóng đi chăng nữa.
Giấc mộng thuần hóa bóng đêm
Khi còn thơ bé, ai trong chúng ta cũng có ước mơ “thuần hóa bóng đêm” bởi vì sự sợ hãi thường trực với những cái bóng hình thù kì dị hắt lên bờ tường, nhảy múa trên màn treo cửa khi bạn cử động. Lớn lên thêm một chút nữa, giấc mơ ấy càng bé dần và biến mất hẳn giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật. Con người thường chọn cách quên lãng giấc mộng ban sơ ngày xưa. Những cuộc nô đùa thỏa thích bên những chiếc bóng được ta gói ghém lại rất cẩn thận và không cho ai đụng vào. Dần dần chúng ta quên mất, chính mình cũng từng là trẻ con, từng có những ảo tưởng rất kì lạ về thế giới người lớn và những triết lí buồn cười mà chỉ riêng ta mới hiểu. Ta nhận ra bóng đêm đang thuần hóa lại chính ta. Trong câu chuyện, cậu bé sợ mặt trời và những cái bóng dẫu luôn nuôi trong mình giấc mộng thuần hóa bóng đêm. Và rồi cậu bé đã tìm thấy thế giới riêng với những cái bóng khi mà cậu thực hiện xong hình phạt đầu năm học, bước về nhà và nghe tin bố cậu đã bỏ rơi hai mẹ con cậu, đi theo người phụ nữ khác Trong gian áp mái, cả thế giới bóng đêm bao trùm ở phía trên đỉnh đầu, đó là thế giới của riêng cậu bé. Người lớn không bao giờ lên vì họ sẽ bị cộc đầu bởi áp mái quá thấp. “Giữa đống đồ cũ linh tinh của bố mẹ, tôi cảm thấy như đang ở một thế giới khác, một thế giới phù hợp với vóc dáng của tôi”. Cậu cũng có cái bóng của riêng mình. Cậu bé tôn trọng và yêu quí nó một cách vô điều kiện. Dẫu rằng nó chỉ là một cái bóng bé nhỏ, khác với Marques-cậu bạn to con hay ăn hiếp cậu trong lớp nhưng cậu nhận ra một điều là cái bóng nào cũng cần sự tử tế từ chủ thể của họ để ngẩng cao đầu, cũng cần sự tôn trọng để tiếp tục tồn tại, cũng cần sự thừa nhận để tiếp tục lớn lên dưới những áp bách bóng đêm mang lại. Khi ta thôi hoang mang, lạc lối, ta tự biến mình thành chiến binh dũng mãnh, không bao giờ khuất phục cũng là lúc ta trở thành chủ nhân của bóng đêm và những chiếc bóng.
Đừng để cái bóng của mình bị “cớm nắng”
Ban đầu, khi bắt đầu chạm tay vào những trang giấy đầu tôi vẫn nghĩ ắt hẳn sẽ có chút gì đó giống như tác phẩm kinh điển “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Nhưng không, ở đây mọi so sánh đều là khập khiễng. Nếu nói Lưu Quang Vũ vạch ra những đối thoại thầm kín giữa linh hồn thanh cao và xác thịt luôn bị coi là xấu xa, nhơ nhuốc thì với Mar Levy, ông cho cái bóng của mỗi nhân vật chất chứa một sự phá cách mỏng manh giữa chủ thể và cái bóng.
Chúng có tiếng nói, có suy nghĩ, có yêu có hận, có sợ hãi đối với thế giới. Nhưng nó có ít quyền năng hơn. Nó không bao giờ có thể thay thế được chủ thể. Dẫu vậy, thay vì là cái bóng lẽo đẽo theo sau một ai, là lớp vỏ bên ngoài chỉ xuất hiện nhờ ánh mặt trời, nó vẫn lại tạo nên những bước ngoặt trong tư duy của nhân vật chính.
Từ một người nhỏ con, nhút nhát lại có thể ra ứng cử làm cán bộ lớp, có thể hôn Elisabeth-cô bạn mình thầm mến bấy lâu, có thể dõng dạc nói nhường lại vị trí chính trị của nhiệm kì kế tiếp cho Marques, có thể thi đậu trường Y trong sự tự hào của mẹ. Đó dường như là một sự cứu rỗi lẫn nhau chứ không đơn thuần là sự giành xéo vị trí của nhau. Một sự tác động qua lại ngẫu nhiên, tùy hứng, tái tạo lẫn nhau khó mà đong đếm hết được. Vậy nên, cậu bé trưởng thành dần cùng năng lực tưởng như chỉ có trong chuyện cổ tích ấy cùng những rung động rất ngọt ngào với cô bạn Cléa. Một cô bé điều khiển chiếc diều hình đại bàng vẽ thành hình chữ “S” và hình số “8” lớn hoàn hảo trên không trung khiến trái tim cậu bé trộm bóng lỡ nhịp. “Ngay từ khi gặp cô bé ấy, tôi hiểu là thế giới này – thế giới của tôi sẽ không bao giờ như trước nữa.”. Nhưng rồi cậu ấy không thể trở lại bãi biển nơi có ngọn hải đăng bị bỏ hoang ở cuối con đê để gặp cô bé nữa. Sau này, cậu nhận ra trái tim mình hướng về cô bé ấy chỉ bởi câu “Em đã đợi anh bốn mùa hè, nhưng anh không tới như anh đã hứa. Anh mãi mãi không bao giờ tới.”
Đôi khi con người ta cũng thèm khát được như cái bóng, dấu tình cảm cất sâu nơi tăm tối nhất của linh hồn bởi sự vô thường của thời gian. Nhưng đâu đó, chỉ cần cán cân của thượng đế bị xoay lệch một giây thì đâu lại vào đấy. Những ước mơ được giãi bày khó mà che giấu được. Nó cần quang hợp. Đơn giản bởi vì một đạo lí tốt đẹp nhất trên cuộc đời này mà thôi, những điều sâu kín nhất đôi khi phải đứng dưới ánh mặt trời, phải được tỏa sáng bằng lửa đời bỏng rát. Chỉ có như thế, tâm hồn nhân loại mới không bị “cớm nắng”, mới có khả năng sống sót qua hằng tỷ những con số phức tạp lí giải về cái nôi của sự sống, của thiên hà này được.