Đọc xong cuốn sách Nghệ thuật ẩn mình của hacker nổi tiếng thế giới này viết, đảm bảo độc giả sẽ phải cấp tốc đi mua một cuộn băng dính tối màu ngay lập tức, chỉ để che cái camera trên máy tính lại.
Ngay từ những trang mở đầu, lịch sử “vào tù ra tội” của tác giả Kevin Mitnick đã được liệt kê rõ ràng. Từng bị FBI tóm vì những hoạt động gây tổn hại tới xã hội ở thế giới internet đầy màu mỡ, thế nhưng sau khi ra tù, tay hacker cộm cán này đã hoàn lương và trở thành một cố vấn an ninh mạng hàng đầu cho những doanh nghiệp lớn tầm cỡ thế giới.
Và để tri ân cho những độc giả mê bảo mật, cũng như góp phần nâng cao mức độ cảnh giác của người dân đối với tội phạm mạng, series hacker của tác giả này ra đời, và Nghệ thuật ẩn mình chỉ là một trong 4 tập của series đó. Toàn bộ cuốn sách này, vị hacker lừng danh đã giải thích chi tiết về những hành động khiến chúng ta không vô hình trên mạng lẫn ngoài đời thực, và hướng dẫn cách để chúng ta tạo một lớp khiên bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0
Đã đến lúc để biến mất rồi
“Vô hình ở trên mạng internet không hề đơn giản” – Như Kevin Mitnick đã khẳng định
Đáng tiếc là chúng ta lại không quá coi trọng điều này. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn vô tư check-in ở mọi địa điểm có thể, khoe hình con cái lên mạng xã hội như Facebook hay Instagram
Nhiều người thậm chí còn phản đối việc “ẩn mình” – Họ cho rằng “tôi chằng làm gì sai, việc gì tôi phải trốn chạy khỏi cái mạng ảo này”
Với những ai có cùng quan điểm với những người trên, thì hãy đọc qua một ví dụ tiêu biểu về sự “vô tội” của mình:
“….Một vụ đột nhập tư gia cướp của giết người đã xảy ra với một phụ nữ sống ở khu Village, Alice Sanderson. Kẻ sát nhân đã đâm cô ta đến chết và cướp đi bức tranh. Những dấu vết ở hiện trường để lại chứng thực kẻ tình nghi – Ảrthur Rhyme là hung thủ giết người đó.”
Điều đáng nói, Arthur Rhyme bị buộc tội bởi những bằng chứng không thể chối cãi. Vết kem cạo râu, đồ ăn vặt, phân bón cỏ lấy từ gara của anh ta. Hoàn toàn trùng khớp với những gì cảnh sát tìm thấy trong căn hộ nạn nhân. Có thể nói đơn giản hơn – Dấu vết hoàn hảo.
Hung thủ thực sự là ai? Hắn là một kẻ sở hữu những dữ liệu thu thập được online của Arthur Rhyme, nhờ những vũ khí lợi hại đó mà hắn biết lúc nào Rhyme chạy bộ, đi ra ngoài, thói quen nhỏ nhặt nhất, để rồi chớp thời cơ và vu oan cho một người vô tội!
Đây là một sát thủ hoàn hảo thời đại kỷ nguyên số, và như Jeffery Deaver miêu tả trong cuốn Dữ liệu tử thần, hắn có thể giả dạng danh tính của bất cứ ai, và thản nhiên phạm tội rồi đổ lỗi cho những kẻ xấu số bị hắn tìm tới
Rõ ràng ví dụ điển hình nói trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chúng ta không vô can khi thoải mái sẻ chia thông tin cá nhân của mình cho mạng xã hội, bởi nếu thần chết không gõ cửa, thì một ngày đẹp trời, cảnh sát sẽ tìm đến bạn và bạn bị tù chung thân chỉ vì một tội ác không do mình gây ra!
Vậy nên, việc “ẩn mình” là hoàn toàn cấp bách và cẩn thiết trong thời đại 4.0 này. Không phải bởi vì chúng ta cần tránh những nhà quảng cáo bán hàng tràn lan với những chiến dịch remarketing khiến chung ta mỏi mệt. Mà bởi vì quan trọng hơn, chúng ta yêu cuộc sống này, và tính mạng sẽ đảm bảo an toàn hơn nếu những kẻ ở trong bóng tối kia không biết gì nhiều về cuộc sống thực của chúng ta chỉ bởi vì vài ba cú nhấp chuột!
Chúng ta luôn bị theo dõi ở từng cú nhấp chuột
Sự thật là khi truy cập bất kỳ một website nào, bạn đều bị theo dõi. Tác giả cuốn sách này đã dành thời lượng 50% của mỗi chương sách để chỉ ra hàng loạt lý do khiến bạn luôn bị theo dõi như vậy.
Google hay Facebook đều có những công cụ riêng để tracking (theo dõi) hành vi của bạn. Nếu như Google Analytics hay Google Tag Manager đều là những công cụ giúp cho các chủ website dễ dàng hiểu được bạn muốn truy cập trang nào trên web của họ, thì Facebook Pixel cũng là một cách để Facebook giúp các nhà quảng cáo của họ tiếp cận người dùng yêu thích sản phẩm của họ hơn thông qua cookie và engagement (hiểu đơn giản là bạn bấm thích hay bình luận gì thì hôm sau nhà quảng cáo sẽ được Facebook gợi ý là quảng cáo cho bạn nhiều hơn về sản phẩm của họ).
Lưu ý là những công cụ trên đều hoàn toàn hợp pháp và bạn không cần quá lo lắng về điều đó. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản để bạn hiểu rằng, mỗi một giây truy cập mạng, là bạn đã để lộ ra danh phận của chính mình trước hàng vạn con mắt tìm kiếm
Và mặc dù không cần lo ngại về những ông lớn kể trên, thì riêng việc bị theo dõi bởi những kẻ ngoại đạo như Canvas fingerprinting cũng đủ khiến bạn phải lo sốt vó rồi. (Đây là một công cụ theo dõi bá đạo, tự động chạy ngầm và bằng cách đối chiếu liên tục trên nhiều website, hồ sơ về các website bạn đã truy cập sẽ được hình thành)
Vậy làm sao để ẩn danh trên mạng?
Bạn nghĩ mình vô hình nhờ giấu địa chỉ IP bằng trình duyệt Tor, rồi mã hóa email và tin nhắn bằng PGP và Signal, thậm chí bạn thanh toán online một món hàng bằng tiền ảo Bitcoin…là bạn đã an toàn? Chưa đâu, thực tế còn vô số khác như địa chỉ máy Mac, các loại phần cứng khác đều sẽ khiến bạn bị nhận ra
Đáng mừng là khi đọc đến những chương sách này, tác giả đã chia sẻ hầu hết bí kíp vừa dễ hiểu lại đơn giản để bạn hoặc người thân có thể dễ dàng làm được việc khó nhất mà chúng ta vẫn thường hay nói – bảo mật dữ liệu
Làm chủ nghệ thuật ẩn mình – Tổng hợp những thủ thuật đơn giản mà không phải ai cũng biết
- Mật khẩu của bạn có thể dễ dàng bị bẻ khóa. Để tránh điều này xảy ra “sớm hơn”, bạn hãy dùng một mật khẩu đủ mạnh, nhờ bên thứ ba như Strong Random Password Generator
- Còn ai khác đang đọc email của bạn? Thực tế là rất nhiều! Vậy nên hãy bảo mật email bằng cách sử dụng bảo mật 2 lớp (xác thực mật khẩu bằng mã OTP gửi về điện thoại di động), vừa đơn giản vừa miễn phí! Việc sử dụng mật khẩu vật lý được Google khuyến cáo sử dụng trong những trường hợp vô cùng đặc biệt, còn với những công dân bình thường thì mật khẩu 2 lớp là đủ
- Camera dễ dàng bị kích hoạt và thao túng bởi các apps ẩn mình. Bạn hãy sử dụng băng kéo dính tối màu và dán kín camera lại, chỉ khi nào cần thì hãy gỡ ra
- Để không dễ dàng bị lừa đảo khi click những đường link lạ, hãy Sử dụng https everywhere để mã hóa mọi trang web bạn truy cập; sử dụng VPN trả phí để truy cập internet ở wifi công cộng như quán cà phê, và tuyệt đối không nhập thông tin tài khoản ngân hàng ở những nơi có internet miễn phí!
- Thay đổi địa chỉ máy MAC của máy tính của bạn (có thể nhờ những người lắp mạng wifi cho bạn làm giùm, nếu bạn không rành về kĩ thuật)
Còn rất nhiều thủ thuật khác nữa được chia sẻ bởi Kevin trong cuốn sách Nghệ thuật ẩn mình này. Một cuốn sách rất đáng đọc nếu như bạn thực sự yêu thích việc bảo vệ an toàn của bản thân bạn trên mạng internet, và cả ngoài đời nữa!