Với bốn chương truyện, xoay quanh ba nhân vật chính, mỗi người làm việc trên một cương vị khác nhau, tác giả Mizuki Tsujimura đã khắc họa lên một phần bức tranh muôn màu nền công nghiệp anime, vốn được mệnh danh là nền công nghiệp tỉ đô của Nhật Bản. Ở đó, có những con người tận hiến, tận lực cho đam mê của bản thân. Dẫu cho “ngôi vương” trong một mùa phát sóng chỉ có một, thì họ, những con người cùng nghề, cùng chung tình yêu, bằng cách này hay cách khác, đã nối kết lại, để anime, không đơn thuần chỉ là những thước phim hoạt hình giải trí mà còn hướng đến tính nghệ thuật, bộc lộ cái tôi người sáng tạo đồng thời, gửi gắm một phần văn hóa tại mảnh đất, người ta lấy làm bối cảnh cho nghệ thuật thăng hoa.
Những con người đến vì tình yêu và làm vì trách nhiệm
Mang danh nền công nghiệp tỉ đô của Nhật Bản, anime là một dòng hoạt hình riêng ở xứ Phù Tang có bề dày phát triển, đội ngũ nhân sự và những đặc điểm hết sức riêng biệt so với dòng hoạt hình (cartoon) tại phương Tây. Bởi sự đặc trưng, đồ sộ như vậy nên trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, tiểu thuyết Anime muôn năm chỉ có thể tái hiện những lát cắt riêng lẻ của nền công nghiệp này, thông qua việc tác giả Mizuki Tsujimura khắc họa lên những cá nhân gắn bó công việc làm anime, xuất phát điểm từ tình yêu, tiếp tục gắn bó vì đam mê, rồi đến thứ trách nhiệm của mỗi con người, đã quyết định dành một phần cuộc đời, cho đam mê ấy. Với đam mê và trách nhiệm, mà những ai có tài, có tâm, có khát vọng, không chỉ hướng đến một sản phẩm chất lượng tốt nhất mà còn hướng tới cả danh hiệu Haken Anime – vị trí bộ anime số một, trong một mùa phát sóng.
Mang theo tình yêu, đích đến như thế, tác giả Mizuki Tsujimura đã tạo nên những cặp nhân vật khá thú vị. Họ có sự tương đồng về nghề nghiệp: Arishina Kayako, nhân viên phụ trách sản xuất ở Studio Edge với vị đạo diễn trẻ thiên tài và đầy cá tính Oji Chiharu cùng nữ đạo diễn tài năng, đầy hoài bão Saito Hitomi với Yukishiro Satoru, nhân viên phụ trách sản xuất ở Tokei Video. Cũng vì sự tương đồng đó, xuất hiện những giao điểm trong quá trình làm việc. Arishina biết Yukishiro hay trước khi phụ trách Saito, người Yukishiro phụ trách chính là Oji hoặc bối cảnh Hitomi lựa chọn cho bộ anime cô làm lại là quê nhà Oji… Họ quen biết, họ tôn trọng lẫn nhau song đồng thời, họ cạnh tranh ngay trong chính công việc họ đang làm. Thứ công việc đầy say mê nhưng vô cùng khắc nghiệt, bào mòn sức lực cùng nỗi nghiệt ngã của sự quên lãng và đào thải.
Hay họ chỉ mong muốn đóng vai trò, lặng thầm ở phía sau cống hiến sức lực cho sự thành công của mỗi bộ anime, giống Namisawa Kazuna, một họa sĩ hoạt họa của studio Fine Garden. Và một người gần như ngoại đạo, đến với thế giới anime chỉ vì công việc khi có sự liên kết giữa bên sản xuất và phía địa phương nhằm quảng bá tác phẩm như anh Munemori Shuhei, một nhân viên thuộc Phòng Du lịch.
Nhưng bất kể, họ có là ai, làm việc ở vị trí nào, thì bản thân mỗi người đều là một mắt xích, bánh răng cho nền công nghiệp anime vận hành. Một nền công nghiệp bề ngoài hào nhoáng bao nhiêu thì phía hậu cần càng cần tỉ mỉ, chi tiết, “hối hả” bấy nhiêu. Công việc nào cũng có khó khăn gian khổ. Tuy nhiên hiếm có hệ thống nào lại hội tụ đủ yếu tố cảm hứng, tính sáng tạo, chất nghệ thuật, cái mới lạ, sự trau chuốt, vấn đề thời gian, yếu tố thị trường… như nền công nghiệp anime Nhật Bản.
Bởi thế, là một bánh răng của cuồng quay ấy, con người chẳng thể mãi nói đến đam mê để làm động lực. Mà cùng đam mê, người ta cần vượt qua định kiến, sự ghen tức nhỏ nhen để gắn kết với nhau bằng sự nghiêm túc, trách nhiệm, thấu hiểu. Vì xét đến tận cùng, thế giới ảo anime là do con người hiện thực tái hiện, bằng sức lực, khao khát, mong ước lẫn ánh nhìn của họ, với thực tại cuộc sống này. “Trước kia Kazuna từng ghét việc những người có cuộc sống hiện thực trọn vẹn, chẳng bao giờ xem anime và các tổ chức địa phương sử dụng tác phẩm tuyệt vời này. Giờ đây cô thấy ý nghĩ đó thật thiển cận, lố bịch.”
Khắc họa những người vẫn đang sống và cống hiến bằng tất thảy tài năng, tuổi trẻ cho anime qua giọng văn có phần hài hước gần như nhẹ bẫng, tác giả Mizuki Tsujimura đã tạo nên một thế giới Anime muôn năm, gấp rút, khẩn trương như chính guồng quay giới anime mà vẫn ngập tràn tình yêu, nhiệt huyết.
Ngôi vương chỉ có một
Anime muôn năm – Haken anime, ngay tên tác phẩm đã hướng tới một thuật ngữ cực kì đặc trưng trong giới hoạt hình Nhật Bản. Mỗi mùa, các công ti, studio sẽ công chiếu một bộ anime mới trên màn ảnh nhỏ. Và tỉ suất người xem, doanh thu từ bộ phim đó qua việc hoạt động quảng bá, kinh doanh hình ảnh, bán những sản phẩm theo bộ phim… sẽ quyết định vị trí Haken – “Bá quyền” thuộc về tác phẩm nào.
Ngôi vương chỉ có một.
Và đó trở thành sự kích thích cho cả phía sản xuất: các studio, đạo diễn, những người làm hậu cần phía sau và đến từ phía các khán giả trong cuộc chạy đua ngôi vương ấy.
Ngôi vương chỉ có một cũng bắt buộc sản phẩm làm ra, đưa tới khán giả phải là tác phẩm xuất sắc nhất.
Người đạo diễn, xây dựng kịch bản có thể nói rằng anh ta muốn đưa cái tôi vào đứa con tinh thần mặc cho ánh nhìn, suy nghĩ của người khác. Người đồng hành, có thể bảo rằng, dù kết quả có thế nào, đạo diễn, tác phẩm vẫn là số một trong lòng họ. Nhưng khi đã đưa những thước phim tới công chúng và bắt đầu quá trình tiếp nhận, có lẽ chẳng một ai lại không khao khát tìm được sự đồng cảm từ khán giả tới cái tôi người sáng tác gửi gắm vào tác phẩm.
Nếu không phải thế, Saito Hitomi đã không tự đẩy bản thân tới mức cực hạn đồng thời, yêu cầu cao đến vậy với chính những cộng sự của cô để có được một Đàn đá Soundback cuốn hút về phần nhìn và nhất là, kích thích thính giác mạnh mẽ. Nếu không vì lí do đó, những người đang ngày đêm đứng ở phía sau làm bao công việc hậu cần thầm lặng, sẽ chẳng cố gắng đến sức lực như bị bào mòn. Và nếu không phải vậy, đạo diễn Oji Chiharu đã không tự mình lánh xa cuộc sống để tạo ra một Ryder Light – Chiến tuyến định mệnh mang đề tài cũ – thiếu nữ phép thuật song vẫn khiến khán giả chấn động vì sự mãn nhãn trong hình ảnh, sự lớp lang ở nội dung và đặc biệt, là phần kết gây chấn động. “Nó chẳng liên quan gì tới nỗi u uất bất hạnh trong đời sống thường nhật, hay mong muốn trốn chạy hiện thực. Nếu có người chọn xem anime của tôi để tìm chút sức mạnh vượt qua thực tại, tôi sẽ yêu thương họ như chính anh chị em ruột. Tôi hạnh phúc khi được làm việc vì những con người ấy, chứ không phải vì cả trăm triệu dân thường đã otaku hóa.”
Ngôi vương chỉ có một, hiển thị trên con số, bảng xếp hạng.
Song ngôi vương, với những ai đã đặt trọn tâm huyết vào tác phẩm để làm nên một bộ anime không còn gì nuối tiếc, thì ngôi vương đó chính như một biểu tượng cho tất thảy cố gắng của họ. Bất kể, họ là cái tên được đông đảo công chúng đón nhận hay họ chỉ là những người lặng thầm, cho vài giây của khoảnh khắc, tên họ chạy thoáng qua trong phần giới thiệu nhân sự cuối cùng. “Thay vì con số đứng đầu, họ nhớ rõ tác phẩm nào để lại nhiều ấn tượng hơn. […] Tóm lại, điều quyết định anime số 1 trong kì đó không phải doanh số mà là sở thích cá nhân. Mọi người đều cố thêm vào sau từ “ngôi vương” chữ “của tôi”, “của tớ.”
Phải chăng vì họ đã tận hiến, tận lực, nên tới tận cùng, dù là đối thủ, họ cũng có thể dành cho nhau sự tôn trọng, trân trọng tuyệt đối. Và có lẽ chăng, bởi thế, anime, trong đời sống con người Nhật Bản nói riêng, hiện hình trong thế giới nghệ thuật thứ bảy nói chung, không đơn thuần chỉ mang nghĩa thị trường hay giải trí đơn thuần?
Anime, nền công nghiệp “tỉ đô” của Nhật Bản
Với ba chương truyện chính, mỗi chương lại hướng đến nội dung gần như riêng biệt và tựa chương, được đặt như tên những bộ anime và một chương cuối như lời kết lại cuốn sách hơn 400 này, tác giả Mizuki Tsujimura đã tái hiện lên những lát cắt “sôi sộng, rực rỡ, hối hả mà cũng không kém phần lắng đọng” của nền công nghiệp anime Nhật Bản.
Rằng không có bất kì vinh quang, thành tựu, những thước phim trau chuốt tỉ mỉ nào là không phải trải qua sự chọn lọc, đào thải khắc nghiệt.
Rằng đánh giá anime chỉ thuần giải trí hay dành riêng cho trẻ nhỏ, đều là những nhận định chủ quan mang đầy thiên kiến với công sức bao người đã dành trọn cho từng khung hình trên màn hình nhỏ, với tình yêu họ đã dành trọn cho thế giới anime nhiệm màu.
Vì rằng yêu, và vì rằng, với mỗi người gắn bó với nền công nghiệp này, như đều tìm thấy, một phần “cứu rỗi” của anime cho cuộc sống vốn lặng lẽ, tẻ nhạt của họ.
Tuy nhiên, anime, tới tận cùng vẫn là thế giới ảo còn nền công nghiệp anime lại là thế giới thực. Để rồi mỗi người đóng vai trò mắt xích trong nền công nghiệp đó, dù có coi anime như một dạng tín ngưỡng đáng trân trọng, thì cuối cùng, họ vẫn quay về hiện thực họ đang sống.
Ảo và thực, Anime muôn năm, có lẽ, còn như một dạng giải thiêng cho thế giới anime nhiệm màu mà đầy khốc liệt chăng?
Mọt Mọt