Tiểu thuyết “Tà dương” vốn được Dazai Osamu viết dựa trên cuốn nhật ký của người tình Shizuko. Tác phẩm lấy đề tài về sự suy tàn của tầng lớp quý tộc xứ phù tang thời hậu chiến. Tâm trạng con người trong buổi giao thời đầy biến động ấy được Dazai lột tả đầy tinh tế bởi chất liệu có thật từ bi kịch của cuộc đời người tình Shizuko cũng như nỗi đau của chính ông.

Xem thêm các tác phẩm được review của Dazai Osamu:

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Thất lạc cõi người – Mất kết nối giữa nhân gian

Trăng cười – Bức họa tiềm thức, những chôn kín của lòng người

Tà dương tộc

“Tà dương” được Dazai Osamu viết năm 1947 về nỗi đau thời hậu chiến của tầng lớp quý tộc Nhật Bản. Xưa nay nói về quý tộc, người ta ít khi thương tiếc mà phê phán, chê trách nhiều hơn. “Tà dương” đặc biệt cũng là do tiểu thuyết này không đi theo khuôn khổ bàn về nỗi đau của nhân dân mà lại đi sâu vào sự chuyển biến nội tâm của tầng lớp quý tộc. Vì văn chương vốn là bộc bạch nỗi lòng, cái âm ỉ trong tâm can người cầm bút chứ không phải mô phỏng lại nỗi đau mà người khác cho rằng nên đề cao mà sáng tác. Dazai vốn sống trong cái sa sút lụi tàn của tầng lớp quý tộc, ông khó lòng có thể diễn đạt tinh tế, sâu sắc nỗi thống khổ của tầng lớp nông dân. Nếu có viết đi chăng nữa thì đó chỉ có thể là sự xót thương của ông dành cho họ. Nhưng sự xót thương mà chưa từng trải qua nổi khổ ấy thì sao có thể chạm đến trái tim người đọc được?

Vốn dĩ không có đề tài tác giả nên viết hay không nên viết, bởi lẽ nghệ thuật là cái đẹp, không dùng lý trí để đo lường hay quy chụp.  Vì ông chỉ viết cái đau mà mình cảm nhận được chứ không nghệ thuật hóa cái cảm giác mà mình chưa từng trải qua. Đến với văn chương của Dazai là đến với thứ cảm giác đặc biệt mà trước đó chưa ai đào sâu đến vậy, cái đau quặn thắc sâu trong tâm hồn người quý tộc suy tàn.

reviewsach.net ta duong cua danzai osamu
Ảnh: @tiemsachdieubong

Tiểu thuyết “Tà dương” lột tả một tầng lớp quý tộc với những nét đáng quý, đáng trọng về cả sự hiểu biết và vốn tri thức, sự tài hoa ở họ. Nhật Bản vẫn luôn xem trọng tầng lớp này cũng vì truyền thống văn hóa lâu đời của họ. Đây là đất nước hiếm hoi mà một dòng họ hoàng gia duy trì đến tận ngày nay, chưa từng bị soán ngôi trong hơn 2,600 năm lịch sử dù xảy ra nhiều biến động. Trong quá khứ, người Nhật sùng bái Thiên hoàng vô cùng vì bị ảnh hưởng bởi quan niệm Thiên hoàng là hậu duệ của thần. Còn tầng lớp quý tộc cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ, được xem là tầng lớp tinh hoa, uyên thâm, đó là lý do khiến tầng lớp này rất được tôn trọng tại xứ sở đề cao lễ nghi, Nho giáo như Nhật Bản.

Nổi bật trong tiểu thuyết “Tà dương” là hình tượng của người quý tộc mẫu mực chính là mẹ của cô gái Kazuko. Kazuko trong tiểu thuyết này là hiện thân của cô gái Shizuko, người tình của Dazai Osamu. Tác phẩm được viết theo ngôi thứ nhất dựa trên điểm nhìn của cô gái ấy. Gia đình quý tộc của cô lâm vào cảnh túng quẫn, sa sút trầm trọng khi Nhật bản thất trận trong thế chiến thứ hai. Đó không chỉ là nỗi đau riêng của một gia tộc mà còn là vết thương chung của cả đất nước đang cố gượng dậy trong đống đổ nát của tàn tích chiến tranh. Trong đôi mắt của Kazuko thì mẹ cô chính là hình ảnh đẹp nhất của người quý tộc tinh hoa cuối cùng còn sót lại ở thời hậu chiến đau thương. Từng cử chỉ, hành động của mẹ cô đều toát ra phong thái điềm nhiên, an tĩnh và cao sang không vướng chút bụi trần, không một chút giả tạo nào. Đó là quý tộc tính từ trong cốt tủy, không gượng gạo, không bày vẻ, cũng không có cách nào bắt chước được. Bởi lẽ bà chính là tầng lớp được xem là tinh hoa của dân tộc, nhận được sự giáo dưỡng chuẩn mực, mọi hành động, ngôn từ đều được trau chuốt tỉ mỉ.

“Có lẽ đó không phải là kiểu cách ăn uống được quy định chính thức lễ nghi, nhưng trong mắt tôi nó lại vô cùng khả ái, và tôi cho đó mới chính là cái cốt cách của quý tộc chân chính. […] Sự ngây thơ đáng yêu ấy mới thật dễ thương làm sao và tôi nghĩ rằng không chừng người như mẹ tôi là một phu nhân quý tộc chân chính cuối cùng còn lại?”

Nhưng hình ảnh người mẹ của Kazuko cũng như cái ánh tà dương le lói, tuy mang cái đẹp tinh hoa khiến người đời ngưỡng mộ nhưng cũng chỉ là một thứ ánh sáng ngắn ngủi chóng tàn. Dazai xây dựng hình tượng nhân vật này cũng như cái bóng huy hoàng của quá khứ, sự rực rỡ trong cốt cách của quý tộc Nhật Bản trước ngày đất nước lâm vào đau thương đổ nát. Ông gọi họ là những nạn nhân của sự biến động thời cuộc, thời cuộc thay đổi kéo theo sự biến mất của một lớp người, ông viết “Tà dương” thương tiếc cho những kiếp người ấy, cũng là thương tiếc cho chính ông.

Dù cho chúng tôi – như lời mẹ nói – đã chết đi để tái sinh thành hai con người hoàn toàn khác nhưng phải chăng sự phục sinh như chúa Jesu đối với người phàm là không thể được? […] Và vết thương trong lòng tôi, thực ra cũng chưa bao giờ lành lại.”

Sự ra đời của “Tà dương” đã tạo ra một khái niệm mới trong cách gọi tên giai cấp quý tộc. Trước Dazai, giai cấp quý tộc được quy định bởi Hiến Pháp Minh Trị xếp theo thứ tự lần lượt là Hoàng tộc, Hoa tộc, Sĩ tộc và bình dân. Nhưng sau khi cuốn sách trở thành hiện tượng trong lòng công chúng lúc bấy giờ, đã nảy sinh một tên gọi mới: Tà dương tộc. Đó là cách gọi những tầng lớp quý tộc sa sút rồi dần lụi tàn như ánh chiều tà le lói sau sự đổ vỡ của chiến tranh thế giới thứ hai. Từ tựa đề của tác phẩm đã gợi ra cảm giác ánh tà dương dần tắt như đứt dần hi vọng phủ lên kiếp sống mỏi mòn của con người thời hậu chiến.

Thực tại bất lực đến phũ phàng

Nếu hình ảnh mẹ của Kazuko chính là cái bóng của quá khứ thì hình ảnh của Naoji, em trai của Kazuko chính là cái đau đớn quằn quại của thực tại. Naoji xuất hiện như một kẻ tri thức sa đà vào ma túy, phụ nữ, rượu cồn và gần như vô vọng trong cách nghĩ về tương lai. Kazuko đã có lúc vô cùng chán ghét người em trai khiến cô lỡ dỡ hạnh phúc cả đời ấy, cũng vì thế mà cô không nhìn ra được cái bi kịch trong số phận của Naoji, và Naoji cũng không còn bất cứ niềm tin hay dũng khí sống như người khác, mở lòng mà nói hết những uất ức chất chứa trong lòng.

Cái bi kịch của Naoji là cái bi kịch chung của người tri thức lúc bấy giờ. Họ gần như bất lực trước tình thế tréo ngoe của thười cuộc. Những người trí thức ấy hiểu lẽ đời những bế tắc trong lối đi của đất nước, không có cách nào thoát khỏi cái đống hoang tàn, đổ nát mà cuộc chiến tranh vô nghĩa ấy đã mang lại. Đến cuối cùng Naoji cũng chỉ là một tri thức không thể đem cái hoài bão, chí hướng của mình ra cứu vớt thời cuộc, chỉ là một người quý tộc sa sút không cứu vớt được bản thân mình, có khát khao hòa nhập cùng với tầng lớp bình dân nhưng không có cách nào xóa nhòa cái gọi là khoảng cách tầng lớp ăn sâu vào ý thức hệ của người Nhật. Anh chẳng có thể sống cuộc đời của một ai cả, không còn là quý tộc cũng không thể là bình dân thông thường, tiến cũng không được, lùi cũng không xong.

“Thì ra em tôi cũng khổ. Hơn nữa, còn không có đường đi. Đến bây giờ, nó vẫn chưa biết mình phải làm gì. Chắc là vậy, nên mỗi ngày nó chỉ có uống rượu như chết mà thôi.”

Sự bất lực trong hành trình tìm lối đi riêng của Naoji phản chiếu chính cái bi kịch của Dazai Osamu. Dazai từng là một quý tộc sa sút, khao khát lột bỏ cái vỏ của quý tộc để hòa vào cuộc sống của nhân dân như Naoji. Thậm chí Dazai Osamu từng tham gia vào hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác của Đảng Cộng sản Nhật Bản dù biết rõ đây là một hoạt động bị cấm, được xem là phản động lúc bấy giờ. Ông bất chấp tham gia hoạt động ấy và từng tin rằng đó là cách kéo ông lại gần với quần chúng nhân dân. Nhưng tất cả chỉ là lòng tin vô nghĩa, cũng như Naoji, Dazai không có cách nào được chấp nhận như một phần của tầng lớp người dân bình thường vì tư tưởng đã quý tộc và thường dân cách biệt đã tồn tại gần ba nghìn năm này.

“Ngay cả việc ban phát lời nói “chết đi” chúng cũng thấy uổng phí nữa.

Chiến tranh. Chiến tranh Nhật Bản là một sự liều lĩnh tuyệt vọng.

[…]

Tôi muốn chơi với những người không nghĩ là mình được tôn kính. Tuy nhiên, những người tốt như thế không dễ gì chơi với tôi.”

Tầng lớp quý tộc đặc biệt cũng vì lẽ đó, họ được xem là tầng lớp tinh hoa, nhưng cũng vì thế mà khi đất nước suy sụp sau chiến tranh, những gia tộc quý tộc suy tàn lại không còn lối đi cho chính bản thân mình, khó được chấp nhận như một bình dân thông thường. Họ đã từng là những hạt bụi vàng đầy trân quý, nhưng đến cuối cùng họ chẳng còn là gì cả. Quá khứ vàng son của tầng lớp ấy đã qua đi như ánh tà dương cuối ngày, cái còn lại bủa vây lấy họ chỉ còn là một màn đêm dày đặc như chính sự bất lực không cách nào vùng vẫy khỏi thời cuộc đầy vết thương chiến tranh này.

van hoc nhat ta duong by reviewsach.net
Ảnh: @tramreviewsach

Tình yêu và cách mạng

Bao trùm lên “Tà dương” chính là cái u buồn, luyến tiếc đến ám ảnh sự huy hoàng rồi chợt tắt của ánh nắng chiều. Duy nhất hình ảnh của Kazuko lại đi ngược lại hoàn toàn cái không khí bi quan ấy. Có thể nói nhân vật Kazuko chính là điểm sáng hiếm hoi mang theo hi vọng trong cái tang thương của nước Nhật thời hậu chiến.

Dazai đã thể hiện một Kazuko đầy can đảm, dám đấu tranh, dám đứng lên, dám theo đuổi hi vọng của bản thân. Trải qua nhiều bi kịch, mất đi nhiều người thân thậm chí hôn nhân đổ nát nhưng Kazuko vẫn luôn cho thấy bản thân là cô gái mạnh mẽ. Thời cuộc có thể quật ngã cô, nhưng cô lại tiếp tục đứng dậy chứ không chịu lui bước cúi đầu. Kazuko từng nói rằng:

Nhân loại được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.” 

Câu nói ấy của Kazuko chính là câu nói nổi tiếng nhất trong “Tà dương”, vì đó cũng là câu nói ngoài đời thực của cô gái Shizuko – người tình của Dazai, người đã viết ba lá thư thư theo đuổi ông bất chấp dư luận, bất chấp truyền thống, ràng buộc của Nho giáo. Sự dũng cảm ấy chính là cuộc cách mạng trong lòng của cô. Cô sẽ tiếp tục sống vì tình yêu của mình bằng cuộc cách mạng cá nhân của riêng mình. Không phải làm một cuộc chiến tranh thay đổi thười cuộc mới được gọi là cách mạng. Cái cách mạng ở đây chính là không chịu chấp nhận số phận, không từ bỏ bản thân, một lòng làm cho bằng được điều mà mình mong muốn trong lòng.

“Tôi cho rằng, vì tình yêu và cách mạng thực sự là hai điều đẹp đẽ, tuyệt vời nhất của cuộc đời này nên những kẻ thế gian mới ác ý nói dối với chúng tôi rằng đó là những trái nho xanh. Tôi muốn xác thực điều này.”

Nếu hình ảnh của người mẹ Kazuko là biểu tượng cho quá khứ, Naoji là cho hiện thực bất lực của đất nước thì cuộc cách mạng của Kazuko lại biểu tượng cho tương lai của nước Nhật. Dù ánh tà dương có mong manh chợt tắt, trải qua hàng nghìn đêm tối tăm mù mịt thì cũng có lúc thấy được ánh bình minh. Bởi lẽ mặt trời không bao giờ tắt mà chỉ lặng mà thôi, sự kiên cường của Kazuko  thể hiện niềm tin vào sự vực dậy đất nước trong một tương lai không xa ở Dazai. 

“Tà dương” là một tiểu thuyết đặc biệt của Dazai Osamu khi ông dùng giọng văn của người phụ nữ quý tộc để bày tỏ nỗi lòng nhưng nó cũng như phảng phất nỗi đau của chính ông. Lồng ghép vào trong tiểu thuyết này là nhiều cái “tôi”, cái tâm tư nỗi lòng khác nhau của kiếp người lụi tàn thời hậu chiến. Tác phẩm này ra đời như một một tia sáng mang đến sự hi vọng về một tương lai mới, một sự vực dậy mạnh mẽ của đất nước Nhật Bản sau đau thương, vụn vỡ của chiến tranh. 

Link mua sách: