Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ là một trong những kịch phẩm thành công và tiêu biểu nhất cho tài năng, phong cách của ông. Với vở kịch này, Lưu Quang Vũ đã khai thác và làm mới truyện cổ tích cùng tên với những xử lý thông minh, tài tình theo hướng lạ hóa để tái sinh truyện gốc trong một loại hình mới, một thể loại mới với những nhân vật mới, cốt truyện mới, xung đột mới,… phù hợp với thời đại, tư tưởng cũng như quan niệm, mục đích văn chương của tác giả. 

a608c2ad32a87c5c91b1e44244d14237

Khi truyện xưa khép lại, vở kịch mới bắt đầu

Hồn Trương Ba da hàng thịt có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ truyện cổ tích cùng tên của văn học dân gian Việt Nam. Kịch của Lưu Quang Vũ đã giữ lại cơ bản hạt nhân cốt truyện dân gian: cái chết đột ngột và sự tái sinh trong thể xác anh hàng thịt của Trương Ba, gây nên sự tranh giành người chồng giữa hai người vợ của Trương Ba và anh hàng thịt. Truyện cổ đã giải quyết xong xuôi số phận của “hồn Trương Ba da hàng thịt” dựa vào sự thắng thế của linh hồn đối với thể xác trong việc định vị con người, nhưng kịch của Lưu Quang Vũ lại tiếp nối câu chuyện bằng việc đặt ra và trả lời câu hỏi: “hồn Trương Ba da hàng thịt” đã sống như thế nào từ sau phán quyết thoạt nghe rất có lý đó – và đây lại chính là phần cốt lõi, trọng tâm nhất trong vở kịch của Lưu Quang Vũ.

reviewsach.net hon truong ba da hang thit
Ảnh: @thuybinh28031984

Từ truyện cổ sang vở kịch hiện đại, Hồn Trương Ba da hàng thịt đã có những biến đổi đáng kể. Đó không chỉ là sự thay đổi hình thức bên ngoài mà là sự thay đổi sâu xa bên trong nội dung, chủ đề tư tưởng của tác phẩm thông qua việc lưu giữ và sáng tạo những yếu tố thuộc thành phần cốt truyện. Những chi tiết cơ bản của truyện cổ được tái sử dụng ở một mức độ đủ để gợi nhắc khán giả về truyện gốc – tức cái đã biết, cái quen thuộc, nằm trong “tầm đón đợi” của người tiếp nhận, có tính chất như phần mào đầu cho một câu chuyện đầy bi kịch sắp mở ra ở phần sau vở kịch. Trong khi đó, những phần sáng tạo chiếm nhiều ưu thế, tạo nên những khác biệt rõ rệt so với truyện gốc. Vì vậy, có thể nói, vở kịch của Lưu Quang Vũ không chỉ cải biên mà còn mở rộng, thay đổi cốt truyện của truyện cổ: khi truyện cổ khép lại, thì vở kịch thật sự của Lưu Quang Vũ chỉ mới bắt đầu. Trong trường hợp này, vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt không đơn thuần chỉ là sự chuyển thể, là viết lại mà là quá trình sáng tạo thực thụ của chính tác giả.

Một sân khấu với biết bao gương mặt mới

So với truyện gốc, thế giới nhân vật trong hai vở kịch có sự khác biệt rất lớn. Kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt có số lượng nhân vật đông đảo hơn hẳn so với truyện cổ khi vở kịch của Lưu Quang Vũ còn có thêm hàng loạt các nhân vật hoàn toàn mới: Nam Tào, Bắc Đẩu, anh con trai của Trương Ba, chị con dâu Trương Ba, cái Gái (cháu nội Trương Ba), cu Tị (bạn cái Gái), lái lợn 1, lái lợn 2, trương tuần. 

Sự khác biệt của nhân vật trong kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt so với truyện gốc không đơn thuần chỉ là sự gia tăng về số lượng mà còn thể hiện thông qua cách thức xây dựng, khắc họa nhân vật hoàn toàn mới lạ. Các nhân vật trong truyện cổ tích chưa có tính cách, tâm lý rõ rệt. Hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ còn đơn giản, một chiều. Trong khi đó, nhân vật trong kịch lại hiện lên sinh động, vẹn toàn như một con người trong đời thực từ nhân vật chính (Trương Ba) cho đến các nhân vật phụ (xuất hiện trực tiếp hay vắng mặt). Trong số các yếu tố nhằm làm “lạ hóa” Trương Ba trong truyện cổ thì việc trình hiện những diễn biến tâm lý của nhân vật này sau khi tái sinh và rơi vào cảnh ngộ oái ăm hồn ta, xác người là then chốt và quan trọng nhất. Chính sự hiện hữu của những dằn vặt, mâu thuẫn đó là cơ sở tạo nên xung đột kịch, thúc đẩy vở kịch đến cao trào trong quá trình hồn vừa thích ứng lại vừa phản kháng lại xác. Nhân vật Trương Ba từ đây thoát khỏi nguyên gốc là nhân vật loại hình, chức năng theo thi pháp của truyện cổ dân gian, trở thành một nhân vật – con người phức tạp của văn học hiện đại. Và hơn hết, yếu tố này cũng góp phần làm thay đổi tư tưởng, triết lý của truyện gốc: từ việc coi trọng, thậm chí tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn đối với thể xác đến việc đòi hỏi, yêu cầu phải có sự hòa hợp giữa thể xác và linh hồn để con người được tồn tại trong sự toàn vẹn của chính nó. Bất kì một sự chênh lệch, khập khiễng nào cũng sẽ làm “tha hóa” bản thể, dẫn nguồn đến muôn vàn bi kịch hiện sinh cho con người. 

Và sự đối thoại với truyện xưa

Trong truyện cổ Hồn Trương Ba da hàng thịt xung đột được hình thành từ mâu thuẫn giữa hai người vợ trong việc tranh giành “hồn Trương Ba da hàng thịt”. Từ xung đột bên ngoài, đơn giản, diễn ra giữa hai đối tượng biệt lập trong truyện cổ, xung đột trong kịch của Lưu Quang Vũ đã chuyển thành xung đột bên trong nhân vật, phức tạp, quyết liệt và căng thẳng. Không thể có sự thỏa hiệp, xung đột này phải được giải quyết dựa trên sự tiêu vong của một trong hai chủ thể tạo nên xung đột: hoặc hồn, hoặc xác. Lựa chọn rời bỏ một thân xác không phải của mình, không thể hòa hợp với phần hồn và chấp nhận chấm dứt sự tồn sinh, hiện hữu của mình của Trương Ba đã giải quyết xung đột kịch. Đó là sự giải thoát cho Trương Ba khỏi sự vay mượn thể xác của người khác, là hành trình quay trở về với chính mình và tái sinh lại hình ảnh một Trương Ba thanh sạch, đôn hậu, hiền từ trong nhận cảm của những người ở lại. Có thể thấy, khi Trương Ba được Đế Thích cho tái sinh trong thân xác anh hàng thịt thì bắt đầu từ đó, Trương Ba lại đối mặt với quá trình đánh mất chính mình. Người thân của Trương Ba chưa kịp vui mừng vì ông ta sống lại đã phải đau buồn vì sự tha hóa của Trương Ba. Đến khi Trương Ba quyết định chết lần nữa (cũng là chết mãi mãi), thì Trương Ba lại như được tái sinh khi tìm thấy chính mình. Vở kịch vì vậy tuy kết thúc bằng sự ra đi của Trương Ba song lại mang màu sắc lạc quan, tích cực. 

Kiến tạo một xung đột mới trên cơ sở một cốt truyện cũ với xung đột cũ, Lưu Quang Vũ đã tạo nên sự đối thoại với tư tưởng triết lý và quan niệm nhân sinh trong truyện cổ về mối quan hệ giữa hồn và xác. Ông đã đặt lại vấn đề, phản biện lại với quan niệm xem hồn là phần quan trọng, mang tính quyết định với thể xác và xem nó như là đại diện cho toàn bộ sự tồn tại của mỗi người của truyện gốc. Đồng thời, tác giả cũng lồng ghép vào đó những vấn đề khác của đời sống khi ông chỉ ra thói xảo ngụy của những kẻ lấy sự quan trọng của phần hồn để biện minh cho sự cẩu thả về thể xác, tương tự là những kẻ ngụy biện cho sự tha hóa nhân cách, đạo đức bằng sự thống ngự của những đòi hỏi thể xác. Tính mới mẻ, thời sự, hiện đại trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã được thiết lập trên nền tảng của một xung đột kịch đầy xa lạ  với truyện gốc, tạo nên những thức nhận bất ngờ, mới lạ trong quá trình tiếp nhận của khán giả.

Có thể nói, Hồn Trương Ba da hàng thịt không phải là kể lại một câu chuyện cũ trong một hình thức mới, mà là hồi sinh một truyện gốc trong một dung mạo mới và một phẩm chất mới. Thủ pháp “lạ hóa” truyện gốc đã biến quá trình viết lại, sáng tạo lại của tác giả trở thành một quá trình sáng tạo thực thụ, vừa góp phần soi chiếu lại truyện gốc trong ánh sáng hiện đại, hợp thời, vừa gợi mở ra những chân trời suy nghiệm mới lạ. Với tài năng và sự sáng tạo của ông, di sản văn học cũ vừa được tái sinh, đồng thời, gia tài văn học hiện đại lại có thêm một tác phẩm, một tuyệt tác mới.

  • Fahasa: