Trong giấc mơ thuở nhỏ, phải chăng trong mỗi ta đều mong muốn vươn mình lớn thật nhanh như câu chuyện cổ tích vẫn hay nghe về Thánh Gióng, có lúc chỉ vì những mong mỏi không thể được đáp thành mà ta hoài vọng trưởng thành để thỏa nguyện ước ao… Có lẽ dường như trong những lần hụt hẫng, ta vội vã khát khao “lớn nhanh” lại cứ thôi thúc trong lòng, và để rồi bất chợt khi ta thật sự trở thành những người lớn, lại bỗng mong muốn một “tấm vé về tuổi thơ”.
Chỉ đơn giản là trở về thời ngây thơ hồn nhiên không lo nghỉ, về lại mái nhà xưa nơi có gia đình che chở, về lại mái chòi nhỏ đùa vui cùng chúng bạn, trèo cây, đuổi chim bắt bướm, rồi vươn vai hít một hơi thật sâu để đua nhau trên dòng sông quen thuộc… Từng ký ức như chợt ùa về trong khoảnh khắc rồi cũng nhanh tan biến như cơn mùa hạ, để lại sau hình ảnh cầu vồng đẹp tươi là những trái tim dần vỡ vụn vì đánh mất cái mà mình mơ ước bấy lâu. Tuổi thơ không đơn thuần là một giai đoạn con người ta chập chững trưởng thành, mà đó thật sự chính là cả cuộc đời mà bất kỳ ai cũng khát khao nắm giữ. Như nụ cười ngay thơ hồn nhiên ngày bé, vĩnh viễn chỉ nở thật rạng ngời vào thời khắc ấy, chỉ thời khắc ấy mà thôi.
Có một tuổi thơ dữ dội từng hiện hữu
Như tâm nguyện khi viết về tác phẩm, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như thể dành câu chuyện này cho những đứa trẻ đã trưởng thành hơn là những đứa trẻ thực thụ. Và như thế mối lương duyên kỳ định của người phi công và cậu hoàng tử nhỏ, Cho tôi xin một vé về tuổi thơ thật sự đã khiến cho những trái tim chai sạn trước va vấp cuộc đời dần ấm lại, và có lẽ đó cũng chính là lý do vì sao mà khi đọc những trang sách này, ta bỗng thấy yêu đời đến lạ. Hành trình rong ruổi của những cô bé, cậu bé hồn nhiên cứ hiện lên một cách đầy sinh động và rực rỡ.
Đúng như cái tuổi xanh mà con người phải trải qua, đẹp đến lạ thường. Với những ai đã là người lớn, khi xem thước phim ngắn lướt ngang về thời tuổi trẻ này, liệu có bất giác mà tự hỏi “Ta đã có gì cho quãng đời thơ ấu này chăng?”, và tất nhiên sẽ như một điều gì đó thôi thúc mà mình đang tìm kiếm rằng “tôi rất nhớ những ngày tháng tuổi thơ, nơi mà điều khó khăn nhất phải làm là quyết định xem bây giờ sẽ chơi trò gì?”. Mỗi chúng ta ai cũng có một thời gọi là “tuổi thơ dữ dội”, đấy là cái thời ta chạy nhảy nơi con đường đất vàng ươm, ngắm nhìn cánh diều tung bay trong gió mà thầm ước thời gian ngừng lại thật lâu, thật lâu để thỏa thích mà nô đùa. Tuổi thơ là tiếng gió vi vu cùng tiếng sáo, tiếng gà gáy ban trưa cùng làn gió ấm áp từ tay mẹ, tay bà, tay chị.
Tuổi thơ chính là quãng thời gian mà khi con người ta dần trở nên cứng cỏi trên cuộc đời lại ước được nũng nịu như thời ngây thơ. Và có lẽ tuổi thơ này cũng chính là nỗi nuối tiếc của nhiều người, vì khi ta dần rời xa tuổi thơ, cũng có nghĩa ta dần đánh mất những điều ý nghĩa nhất mà ta không hề hay biết.
Niềm vui của những kẻ cô độc ….
Trong tác phẩm này, những suy ngẫm về nỗi cô độc của tuổi trưởng thành dường như cứ hiện lên rồi dần dà nhen nhóm vào những ngõ ngách của trái tìm như thì thầm nhắc nhở về sự thật phũ phàng ta đã có – đó chính là khoảnh khắc ta lo sợ về sự cô đơn. Cô đơn là khi ta trở nên lặng lẽ một mình trên cõi đời, chứng kiến tất cả những đau thương mà một đời người phải chịu nhưng bản thân phải buộc lòng cảm nhận dù chẳng yêu thích là bao. Cô đơn giống như một mũi kim nhọn chi chít vào da thịt, tuy không nhói lên tức khắc nhưng lại âm ỉ từng hồi.
Tuy vậy, cô đơn trong Cho tôi xin một vé về tuổi thơ thật lạ, bởi cô đơn thật ra không khiến “tôi” sợ mà “tôi” chỉ sợ “một cuộc sống không vui, nói chung là nhạt nhẽo” và “đôi khi chúng ta cũng cần có một nỗi buồn làm bạn, nhất là lúc cuộc sống bỗng dung trống trải và cảm giác cô độc xâm chiếm ta từng phúc”. Thật ra mà nói, cô đơn hay cô độc thật ra không đáng sợ, vì chí ít rằng có một người đã chán cảnh nhộn nhịp ngoài kia mà chỉ đang mong tìm về một chốn bình yên cho tâm hồn mà thôi.
Và lúc ấy dường như cảm giác về nỗi sợ cô đơn cũng đột nhiên tan biến, và hơn hết, trước những nỗi cô đơn mà linh hồn ta từng ngày gậm nhắm, ta lại tìm thấy biết đâu một niềm vui đã quên lãng từ lâu rồi. Chính thời khắc ấy ta cũng sẽ nhận ra, dường như trái tim ta cũng biết buồn, biết vui và không lãnh đạm đến mức hóa băng lạnh.
Đọc Cho tôi xin một vé về tuổi thơ, ắt hẳn trong mỗi độc giả sẽ tìm thấy cho mình một tầng giá trị đặc biệt, nó có thể mơ hồ vô định, cũng có thể thật rõ ràng. Nhưng dù vậy, những giây phút ta đấm chìm trong ngôn từ nhẹ nhàng, gần gũi, trong giây phút ta vô tình bắt gặp một ký ức hiện về nhỏ nhoi, thế cũng đã là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là một điều gì đó quá xa xôi, mà nó là những gì hiện hữu xung quanh, với hi vọng rằng mỗi trái tim đang chống chọi trước ngàn mũi công kích của thách thức ngoài kia sẽ luôn vững vàng chống đỡ.
Nếu mệt mỏi quá, hãy tìm về nơi mình cảm thấy bình yên, gửi đến những cậu bé, cô bé chập chững trưởng thành, hãy trân quý những gì mình đang có… nếu chẳng may gặp những thương tích nhất định trong tâm hồn bởi sự khác nghiệt của tuổi trẻ thì hãy đừng quá lo, vì vẫn còn có một nơi để ta nương tựa, vẫn còn có người che chở yêu thương. Sau cùng, khi tất cả những thứ ấy mất đi, hãy nhìn vào trong gương, có một người vẫn luôn dõi theo ta, đó là chính mình. “Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất kỳ lúc nào hay nói cách khác đi lúc nào mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng thắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách kỳ diệu” – Nguyễn Nhật Ánh.