“Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn là tiếng than đầy thống thiết của người phụ nữ có chồng đi đánh trận, tiếc thương cho tình yêu đôi lứa, cho ấm êm gia đình, cho phận người bèo bọt trong thời kỳ nhiễu nhương thối nát, diễn ra các cuộc chiến tranh phi nghĩa, mưu đồ bá vương, vào cuối thời vua Lê chúa Trịnh. Tác phẩm có địa vị văn học sử đặc biệt trong nền văn học cổ, là kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam.
Là triều đại dài nhất so với các triều đại Việt Nam, nhưng tình trạng đất nước dưới thời Lê trung hưng (1533 – 1789) vô cùng rối ren, từ nội chiến Lê – Mạc đến Trịnh – Nguyễn phân tranh, chiến tranh liên miên. Bước sang nửa đầu thế kỷ XVIII, cũng là những chương cuối của triều đại, ngai vàng mục ruỗng, vua chúa hoang dâm, ích kỷ đã đẩy dân chúng vào cảnh nồi da nấu thịt, loạn ly, tan tác, cha mẹ xa con, vợ xa chồng. Nông dân bất bình nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi.
Văn học thời kỳ này phản ánh bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị, đồng thời truyền tải nỗi đớn đau của những nạn nhân dưới thế sự loạn lạc, máu lửa và binh đao. “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn cũng không nằm ngoài xu hướng văn chương đó, nhưng vẫn mang nét riêng biệt mới mẻ như đề cao quyền sống, khát khao tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của con người.
Đọc thêm review tác phẩm thi ca:
- Bài thơ của một người yêu nước mình – Dẫu muộn, vẫn hơn là không có gì!
- Ly tao – Thiên trường ca đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc.
- Điêu Tàn – Nỗi đau vong quốc!
Nguyên tác tiếng Hán.
“Chinh phụ ngâm” (tựa gốc “征婦吟”) còn có tên khác là “Chinh phụ ngâm khúc” (征婦吟曲) ra đời vào khoảng năm 1741, là một thi phẩm Hán văn đặc sắc. Ngay khi vừa xuất hiện trên văn đàn đã gây tiếng vang lớn không những trong giới nho sĩ Việt Nam, mà còn cả bậc văn nhân bên Trung Hoa. Ngày nay, “Chinh phụ ngâm” vẫn giữ vị thế của một kiệt tác đáng tự hào trong kho tàng văn học Việt Nam, và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Đặng Trần Côn sử dụng thể thơ tự do, mang sắc thái cổ phong và từ, phú (như “Ly tao” của Khuất Nguyên), gồm 476 câu thơ dài ngắn khác nhau, câu dài nhất khoảng 12, 13 chữ, câu ngắn chỉ 3, 4 chữ.
Mượn lời độc thoại nội tâm của người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến chủ xướng, “Chinh phụ ngâm” là một khúc ngâm rất dài. Trong đó, có niềm trông mong tương lai khải hoàn, có nỗi lo sợ khủng khiếp về số phận người thương giữa chiến trường khốc liệt, có tâm trạng cô đơn lẻ loi đến cùng cực, có cơn trăn trở cô quạnh khi chồng quá hạn không về, có chán chường tuyệt vọng, có giấc mộng đoàn viên.
Tình cảm chứa chan. Ngôn từ diễm lệ, uyển chuyển, đầy nhạc điệu. “Chinh phụ ngâm” là một thiên trường thi trữ tình bất hủ.
Bản diễn Nôm của Hồng Hà nữ sĩ.
Mang sức hút của một tuyệt tác, “Chinh phụ ngâm” được nhiều văn tài dịch sang quốc ngữ, trong đó bản diễn Nôm sớm nhất – và có lẽ truyền cảm nhất – là của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, bạn văn cùng thời tác giả.
Bản diễn Nôm của Phan Huy Ích ra đời sau 70 năm, mang nét kế thừa và nâng cao bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Nhưng việc nói rằng bản dịch của Đoàn Thị Điểm truyền cảm nhất cũng thực không ngoa, vì chính bản thân bà đã từng mang tâm trạng y hệt người chinh phụ – ngay sau đám cưới vỏn vẹn một tháng thì chồng bà là Tiến sĩ Nguyễn Kiều đã phải dẫn đầu phái bộ đi sứ sang Trung Quốc ba năm ròng rã.
“Chinh phụ ngâm khúc diễn ca” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm bắt đầu từ chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn người phụ nữ phương Đông, với tương thông về tư tưởng lẫn tình cảm, cùng thể thơ song thất lục bát đậm tính dân tộc, qua học vấn và tài hoa giúp chuyển hóa một cách tài tình những điển cố điển tích… tất cả góp phần tạo nên bản diễn Nôm đặc biệt xuất sắc, là tác phẩm tiếng Việt ưu tú bậc nhất, làm giàu và đẹp thêm cho văn học nước nhà.
“Chinh phụ ngâm khúc diễn ca” làm say mê bao thế hệ yêu thi ca suốt hơn hai thế kỷ rưỡi đã qua. Nhiều câu thơ, đoạn thơ đã in sâu trong tâm trí hàng triệu người:
“Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô.
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi.”
Chiến tranh và hòa bình qua lăng kính của người chinh phụ.
“Chinh phụ ngâm” diễn giải một luận đề căn bản của xã hội phong kiến đương thời cũng là một vấn đề nóng hổi của thời đại: chiến tranh và hòa bình.
Oán ghét chiến tranh phi nghĩa và khát vọng hòa bình đoàn viên.
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.”
Một khi chiến tranh xảy ra, hàng vạn gia đình rơi vào cảnh chia ly tan tác, tạo nên số phận bi thảm của những chinh phu và chinh phụ. Chiến tranh mưu đồ bá vương, chiến tranh bảo vệ ngai vàng của bọn vua chúa phong kiến là những cuộc chiến tranh phi nghĩa, hòng mưu lợi cho riêng, đắp nặn quyền uy, làm đầy ngân khố rồi lại hoang dâm, hưởng lạc, tàn bạo, ích kỷ chứ chẳng hề nghĩ suy cho dân chúng lầm than, điêu đứng ngoài kia.
Luận đề ấy đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo, từ đó bóc trần mâu thuẫn giữa quyền lợi ích kỷ của bọn vua chúa với quyền lợi của quần chúng nhân dân. Trong khi người chinh phu bị đẩy ra nơi chiến trường đầy chết chóc, người chinh phụ vắng chồng sống đằng đẵng trong nỗi thương tâm, thì chốn triều đình “Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ?”
Một bên vạch trần bộ mặt man rợ tàn bạo của chiến tranh, một bên đong đầy khát khao hòa bình sum họp:
“Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.”
Giấc mộng đoàn viên của người chinh phụ cũng là khát vọng hòa bình của quần chúng nhân dân thời binh đao loạn lạc, gia đình tang tóc lúc bấy giờ.
“Chinh phụ ngâm” khẳng định một chân lý vững vàng rằng hòa bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người, của tình yêu đôi lứa. Tiếng nói chống chiến tranh phi nghĩa và khát vọng hòa bình qua lăng kính của người chinh phụ mang tầm vóc cao đẹp về tình yêu, đức hạnh và trí tuệ của phụ nữ Việt Nam thế kỷ XVIII.
Hiểu thêm về tác giả Đặng Trần Côn.
Cuộc đời của Đặng Trần Côn để lại nhiều dấu chấm hỏi cho hậu thế, cả về thời gian ra đời và an giấc nghìn thu.
Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh trong khoảng 1705 – 1720, mất vào khoảng năm 1745, cùng thời với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1749), thuộc dòng dõi Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi).
Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đỗ kỳ thi Hương, nhưng trượt kỳ thi Hội. Về sau làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, rồi thăng chức Ngự sử đài chiếu khám.
Ngoài “Chinh phụ ngâm”, gia tài văn chương của Đặng Trần Côn chỉ còn lưu lại một số bài như “Tiêu tương bát cảnh”, ba bài phú “Trương Hàn tư thuần lô”, “Trương Lương bố ý”, “Khấu môn thanh”. Thơ văn Đặng Trần Côn vừa gần gũi thiên nhiên, vừa đi sâu vào khám phá tình cảm và nỗi niềm trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, đặc biệt là phận hồng nhan.
Dẫu văn nghiệp để lại cho đời không quá đồ sộ, Đặng Trần Côn vẫn là tên tuổi có cống hiến to lớn đối với nền văn học Việt Nam, mà “Chinh phụ ngâm” là viên ngọc văn chương sáng ngời theo năm tháng.