Sau ca phẫu thuật đặc biệt cho bác sĩ Otoyama Haruo và sự ra đi của anh vào hơn một tháng sau đó, những người thực hiện ca phẫu thuật đều phải nhận lấy hậu quả của việc tự ý thực hiện ca mổ từ thượng tầng bệnh viện Musashi no Shichijuuji. Bác sĩ Kiriko, người vẫn mang danh “Thần chết” tại bệnh viện này cùng y tá Jinguuji Chika rời Musashi no Shichijuuji và Kiriko đã mở một phòng khám riêng. Còn bác sĩ Fukuhara,, bác sĩ ngoại khoa thiên tài suốt khoảng thời gian rất dài không được thực hiện bất kì một ca mổ nào. Nhưng tất cả đều không thể thay đổi quan điểm của họ về sinh mạng con người cũng như mối dây liên hệ kì lạ giữa họ, từ quá khứ cho tới hiện tại, khi họ đều đã trở thành những bác sĩ xuất sắc.
Lựa chọn được sống và lựa chọn được chết
Tiếp nối câu chuyện được mở ra trong tiểu thuyết Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, hai cuốn Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa (I và II) vẫn được tạo dựng lên từ các chương truyện với mở đầu bằng những tựa chương có cấu trúc bắt đầu bằng cụm từ “cái chết…” Cái chết của một gã chơi bời, Cái chết của một người mẹ, Cái chết của một bác sĩ. Nhưng khác với Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào trước đó, mặc dù câu chuyện của Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa vẫn xoay quanh lựa chọn được sống và lựa chọn được chết của bệnh nhân từ phương châm chữa bệnh rất khác biệt của hai bác sĩ Kiriko và Fukuhara thì bộ đôi tiểu thuyết này lại đi sâu hơn đến yếu tố cá nhân, con người, đặc biệt là hai nhân vật trung tâm của tác phẩm: “Thần chết” Kiriko và bác sĩ ngoại khoa thiên tài Fukuhara.
Rằng tại sao lại có một Kiriko Shuuji, là bác sĩ mà lại mang danh “thần chết”, khám, chữa bệnh hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, lựa chọn của bản thân bệnh nhân về sinh mệnh của chính mình. Và rằng tại sao lại có một bác sĩ Fukuhara Masakazu cực đoan đến thế với việc kéo dài sự sống cho người bệnh cùng thái độ thù địch của anh với viện trưởng bệnh viện Musashi no Shichijuuji, cũng chính là cha ruột anh, Fukuhara Kinichirou. Từ câu chuyện cá nhân, lựa chọn được sống và lựa chọn được chết, những mảnh vụn quá khứ ngỡ chừng đã vĩnh viễn ngủ yên, lần nữa trở lại trang văn của tác giả Atsuto Ninomiya đầy nhức nhối. Khi sinh mệnh con người hiện hình trên trang viết Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa mong manh hơn bao giờ hết. Mong manh tựa sinh mệnh loài ốc sên “Mùa mưa, chúng nó bò khắp nơi, vừa hết đợt mưa, trời quang mây tạnh là biến đi đâu hết.” Nhưng sinh mệnh dẫu ngắn ngủi đến đâu, cũng chẳng hề yếu đuối đến thế.
Cho nên, lựa chọn chống chọi với căn bệnh thế kỉ, HIV/AIDS như cô gái Miho với niềm khao khát được trở về sống cuộc đời một con người bình thường, được yêu, được quyền có một gia đình nhỏ hạnh phúc, được làm mẹ, là sự dũng cảm của một số mệnh nhỏ bé. Nhưng lựa chọn từ chối chữa bệnh dù biết rõ bệnh tình của bản thân, sống với nỗi giằng xé, mâu thuẫn, thậm chí là tha hóa để rồi cũng không đánh mất phần lương tri cuối cùng như gã đàn ông Shunta cũng là sự kiên cường của gã với số phận một kẻ chừng như đã luôn sống một cuộc đời trốn chạy.
Con người không thể thay đổi bản chất của sinh mệnh nhưng lựa chọn cách sống thế nào khi biết trước sinh mệnh bản thân mong manh, lựa chọn cách sống thế nào khi biết trước sự sống bản thân chỉ còn là hữu hạn ngắn ngủi lại xuất phát từ mỗi cá nhân, ngỡ rằng nhỏ bé. Tuy nhiên, một sinh mệnh mất đi không có nghĩa tất cả sẽ kết thúc. Vì vẫn còn đó những người ở lại, tiếp tục lựa chọn cách sống tiếp thế nào với đau thương, mất mát, với những kí ức sẽ chẳng thể mãi ngủ quên và cả với nguồn năng lượng như sự tiếp lửa từ ngọn bấc đã tàn tới sinh mệnh mới. “Tất cả mọi người sinh ra để được cứu và để cứu ai đó.”
Nên Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa, tiếp nối mạch chủ đề về cái chết và sự sống, khai thác khía cạnh cá nhân, con người trong cuốn tiểu thuyết Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào trước đó; đồng thời, mở rộng chiều kích tới vùng kí ức xa xôi nhất, cũng yếu đuối và mạnh mẽ nhất của những con người tưởng như đã thấu triệt ý nghĩa sinh mệnh và ngỡ chừng đã có thể bình tĩnh đối diện với tất thảy xao động từ cuộc đời.
Kí ức và sinh mạng con người
Series “Bác sĩ cuối cùng…” đã được tạo tác từ rất nhiều hiện hình của sự sống và cái chết. Giữa hiện hình sống – chết đó, dòng kí ức dần trở về, rõ nét khi con người mỗi lúc một tiến gần hơn tới thời khắc cuối cùng cuộc đời. Người ta thành thật hơn với cảm xúc, khao khát, nuối tiếc, thất vọng hay thanh thản… Nhưng với Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, kí ức hầu như đều là của người bệnh, dẫu có sự hiện diện của bác sĩ Otoyama Haruo, anh cũng là một bệnh nhân như bao người khác. Còn với bộ đôi tiểu thuyết Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa, dòng thời gian thuộc về miền quá vãng được mở ra với những cấu trúc lớp lang, phức tạp hơn rất nhiều.
Kí ức quyện hòa cùng hiện thực của bệnh nhân, mở ra vùng không gian tâm tưởng của hai người bác sĩ, cũng là bộ đôi nhân vật trung tâm của câu chuyện, bác sĩ Kiriko và bác sĩ Fukuhara. Kí ức xa xăm về một cậu nhóc Kiriko học lớp 4 với căn bệnh nan y hiếm gặp vốn đã mất hết động lực chữa bệnh, mất cả hi vọng về việc sống tiếp. Kí ức xa xăm về một cậu nhóc Fukuhara tốt bụng, tháo vát nhưng vô cùng nhạy cảm về sự khác biệt với phần đa số trong lớp cùng nỗi sợ mất mát vô hình. Hai cậu nhóc tưởng chừng không có điểm chung, đã gặp nhau nơi giao điểm của một người phụ nữ rạng rỡ, kiên cường, mạnh mẽ tới tận giây phút cuối cùng. Và hai cậu nhóc trưởng thành, trở thành bạn học, trở thành đồng nghiệp, lần nữa gặp nhau nơi giao điểm hiện thực – kí ức của một người cha – một người bác sĩ đang đi tới chân dốc cuộc đời đầy thăng trầm, lặng lẽ của ông.
Kí ức xếp chồng lên kí ức như chiếc kính vạn hoa mở ra nhiều lăng kính, điểm nhìn trần thuật liên tục có sự chuyển dịch, giao thoa, ngôi kể giao hòa giữa “tôi” – “mình” – “cậu” – “anh”… Tất cả làm nên sự phức hợp về mặt tình tiết, sự phức tạp về mặt cấu trúc của hai tập truyện Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa. Truyện lồng truyện, những hiểu lầm, phần hi vọng, nỗi xót thương, niềm mất mát, sự hối hận… liên tục đan cài vào nhau tựa hình răng lược.
Để rồi đi tới tận cùng sâu thẳm kí ức, điều tác giả Atsuto Ninomiya hướng đến cuối cùng, vẫn là hai chữ “sự sống”. Rằng kí ức, cũng như sinh mệnh con người, luôn chảy trôi và tiếp nối. Kí ức khiến sinh mệnh con người như trở nên có ý nghĩa, cũng tiếp thêm nguồn sống cho mỗi cá nhân ngỡ rằng đã mất hết khát khao tồn tại. Và sự sống một con người lụi tắt, lại trở thành kí ức của người ở lại, sống cho hôm nay và tương lai.
“Đi tới nơi chưa biết, nơi không hay ho gì. Tiến về phía trước, mệt mỏi, rồi mỉm cười.”
“Mỉm cười”, vì dù cách này hay cách khác, lựa chọn thế này hay thế kia với sinh mệnh của bản thân, người ta đã không sống một cuộc đời hoài phí.
Ốc sên, mưa và những người bác sĩ cuối cùng
Là hai hình ảnh vẫn trở đi trở lại trên trang sách của hai tập truyện Bác sĩ cuối cùng dưới bầu trời sau cơn mưa, “ốc sên” và “mưa” hiện lên qua trang sách, vừa hữu hình mà cũng mang đầy tính biểu tượng.
Hữu hình bởi trên trang viết, tác giả Atsuto Ninomiya đã nhắc rất nhiều tới “mưa” và “ốc sên”. Những chú ốc sên xuất hiện khi Miho và Shunta quen nhau, ốc sên bám bên bậu cửa sổ, trong chậu cây; ốc sên hiện hình khi mưa xuống, bên đường, trong khuôn viên bệnh viện Musashi no Shichijuuji…
Nhưng “ốc sên” hay “mưa” không đơn thuần chỉ là những hình ảnh hữu hình như thế. Vì theo ngòi bút tác giả Atsuto Ninomiya, “ốc sên” còn biểu trưng cho cả sự rụt rè, yếu đuối của con người, cho sự mong manh của cuộc đời mỗi người, và “ốc sên” yếu đuối kia cũng lại là biểu tượng cho bản chất con người mạnh mẽ biết chừng nào. Chậm rãi, mang theo bao gánh nặng chẳng thể buông bỏ khi sinh mệnh là hữu hạn khôn cùng, “ốc sên” vẫn đi, và dù chậm chạp, nó vẫn xuất hiện theo mỗi dịp “mưa” xuống. Tựa con người sẽ chẳng thể buông bỏ mâu thuẫn, gánh nặng cuộc đời, nhưng người ta vẫn sống, vẫn bước đi dẫu có nặng nhọc, gian khó.
“Đến mùa mưa, ốc sên sẽ lại xuất hiện thôi. Chúng đang rất nỗ lực sinh tồn ở một nơi nào đó. Ốc sên không yếu ớt như chúng ta vẫn nghĩ đâu. […] Tớ nghĩ dù chỉ gặp nhau vào một quãng thời gian ngắn ngủi của mùa mưa nhưng vẫn đáng để hạnh phúc.”
“Ốc sên”, “mưa” và những người “bác sĩ cuối cùng”, đều là những từ và cụm từ mang tính khoảnh khắc. Và “bác sĩ cuối cùng” ở bộ đôi tiểu thuyết này, hẳn chẳng chỉ đến một cá nhân cụ thể, và càng không hướng tới sự kết thúc. Bởi “cuối cùng”, ốc sên vẫn trở lại mỗi khi mưa đến và “sinh mệnh”, sẽ luôn tái sinh trong “kí ức”.
*Đọc thêm: Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào (Atsuto Ninomiya) – Khi sự sống hiện hình trong cái chết
Mọt Mọt