Tuy không thể thực hiện trọn vẹn áng văn chương mang tầm vóc lớn lao về Chín năm kháng chiến trường kỳ đầy oanh liệt, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã kịp viết kịch bản phim “Lũy hoa” bù đắp phần nào tiếc nuối mà cuốn tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” đã để lại.
“Trung đoàn in dấu Lũy Hoa,
Hồ Gươm ngấn nước chưa nhòa bóng anh.”
(Hằng Phương)
Năm 1960, Nguyễn Huy Tưởng công bố truyện phim “Lũy hoa”, dẫu hoàn thành sau nhưng được ra mắt độc giả trước tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô”. Nếu cuốn tiểu thuyết tái hiện Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, thì tập truyện phim phác thảo toàn cảnh 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Đọc thêm review tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng:
- Sống mãi với thủ đô – Dấu chấm lửng đầy tiếc nuối trong văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng.
- Đêm hội Long Trì – Nỗi lòng hậu thế gửi người thiên thu.
60 ngày đêm khói lửa, hẹn ngày về lấy lại Thủ đô!
Chỉ với ba phần nhưng dày đặc các tình tiết điện ảnh, “Lũy hoa” làm sống dậy trận Hà Nội đông xuân 1946–1947, sự kiện khởi động Chiến tranh Đông Dương giữa lực lượng Việt Minh và tập đoàn quân viễn chinh Pháp từ đêm 19/12/1946 đến trưa 18/02/1947.
Vì là kịch bản phim, tác phẩm hướng đến một mục tiêu khác với tiểu thuyết, ở đây là tính khả thi của các mảng khối hành động, tập trung vào hai tuyến chính: tản cư và cố thủ. Giữa hai mảng khối lớn của hành động mang trong mình mọi nghĩ suy, tâm trạng, hoạt động của con người, là sự chuyển cảnh đầy linh hoạt trên hàng loạt các địa danh Hà Nội, với đủ các tầng lớp người và nghề nghiệp. Hà Nội vừa lãng mạn vừa hào hùng, hiện ra trọn vẹn từ một trái tim ôm mối tình si với mảnh đất ngàn năm văn vật.
Cuộc tản cư, rút ra khỏi Hà Nội của bộ phận người già, phụ nữ và trẻ con, trong sự hộ tống của các anh bộ đội và Nhân – cô gái làng hoa Ngọc Hà. Đồng bào tản cư vượt qua gầm cầu Long Biên, trong đêm tối mênh mông, dày đặc, hãi hùng. Tất cả đều cố gắng lặng im, nhưng tiếng ho của người bệnh người già và tiếng khóc của trẻ sơ sinh chẳng thể nào kìm nổi đã đánh động địch. Tiếng súng nổ vang. Bóng người ngã vật xuống, mắt dại đờ, thê lương…
Cuộc cố thủ, bám trụ với Hà Nội của bộ phận các đơn vị tự vệ chiến đấu, công an xung phong và vệ quốc đoàn phối hợp với nhân dân Hà Nội tổ chức đánh trả và kìm chân quân Pháp. Nổi bật những gương mặt của Kiên, Dân, Thắng, Thu Phong, Loan, Quyên… Đa phần là thanh niên trai tráng, nhưng cũng có thiếu nữ, trẻ con đòi ở lại, không đánh được thì hô xung phong để trợ uy. Họ là đội cảm tử quân thủ đô. Họ tìm và tạo vũ khí. Họ cầm súng và lựu đạn chờ giặc. Họ nổ súng giữ từng ngôi nhà, góc phố. Trước mặt là đối phó với giặc, phía trong và sau là lo lắng tổ chức cho đồng bào tản cư. Trong tiếng súng đạn hòa lẫn tiếng đàn ca, trong cái Tết đặc biệt của đời người, tất thảy đồng lòng, đoàn kết cùng nhau chiến đấu giữa thủ đô suốt 60 ngày đêm, đập tan kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, “một đêm hoàn toàn làm chủ Hà Nội” của quân địch.
60 ngày đêm khói lửa của quân dân Hà Nội mở đầu oanh liệt thời kỳ Toàn quốc kháng chiến đã kết thúc thắng lợi, Trung đoàn Thủ đô an toàn rút khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch. Trận Hà Nội đông xuân 1946–1947 đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ cơ quan đầu não của Việt Minh rút lên chiến khu an toàn, hoàn thành nhiệm vụ đánh trả, cầm cự, kìm chân quân địch, buộc thực dân Pháp rơi vào thế bị động cả về chiến lược và chiến thuật, chịu nhiều tổn thất và không đạt được mục tiêu đề ra.
60 ngày đêm lịch sử đầy bi hùng, như một khúc tráng ca được Nguyễn Huy Tưởng phục dựng rất đỗi hoa lệ, trong sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến tranh, với cái lãng mạn, hào hoa rất riêng của người Hà Nội.
Chiến lũy trên bạt ngàn hoa.
Điều kỳ diệu là, trong suốt tác phẩm về đề tài chiến tranh này, hình ảnh hoa xuất hiện nhiều không kém phần xe tăng, thuốc súng, lựu đạn.
Trong không khí êm ái của mùa xuân, trong niềm vui tuần hoàn của trời đất, sự sống lại đâm chồi nở lộc. Hoa hiện lên muôn màu muôn sắc, phong phú chủng loại. Hoa rực rỡ trên dinh đào, hoa rụng tả tơi sau những trận bom dồn dập.
Người Hà Nội lãng mạn, như cái cách mà họ yêu hoa.
“Người Hà Nội không thể thiếu hoa. Kháng chiến không thể thiếu hoa.”
Những chiến sĩ trong đội cảm tử quân chẳng coi trọng tiền bạc, chỉ quý thư và quà của hậu phương, lại càng quý hoa, nhất là trong những ngày Tết năm ấy.
“Lũy hoa” – là hoa trên chiến lũy, là hoa của đất trời sang xuân, hay là hoa trong lòng người Hà Nội? Hay phải chăng, mỗi người Hà Nội chính là một đóa hoa của thủ đô?
Là đóa hoa vui vẻ ngây thơ của Thắng đen, cậu bé Nhí nhoáy trêu giặc nổ súng rồi xem đó làm tiếng pháo mừng ngày Tết. Là đóa hoa nghĩa tình quân dân khi mọi người tranh nhau thử nước vì sợ bị đầu độc. Là đóa hoa cảm tình đôi lứa của Dân và Nhân, của Loan và Quyên, những ánh mắt trao nhau mang theo luồng sáng của tình thương không giấu nổi, nhưng chưa thể cất lời. Là đóa hoa kiên cường của chiến sĩ, hữu hình trong cách Kiên trân mình rít chặt hàm răng để bác sĩ cưa chân mà không có thuốc mê, chỉ mong làm thật nhanh cho, không chết là được, vì chiến sự còn nhiều việc lắm. Là đóa hoa cảm tử, Nhân nằm như người ngon giấc ngủ, chị và đồng đội đã hy sinh để bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui chiến lược của Trung đoàn Thủ đô và quân dân Hà Nội.
Bên cạnh tái hiện một trang lịch sử hào hùng của dân tộc, “Lũy hoa” còn là lời tri ân chân thành đến đội cảm tử quân Thủ đô, mà nòng cốt là Trung đoàn Thủ đô, đã kìm chân và tiêu hao quân Pháp.
“Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…
Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn bên cạnh các em.” – Chủ tịch Hồ Chí Minh, trích thư ngày 27/01/1947.