Chiếc xe Lexus và cây ô liu là lựa chọn lí tưởng cho những ai đi tìm lời giải thích toàn diện cho toàn cầu hóa. Hoặc đơn giản chỉ là bạn không thể hiểu nổi các bản tin buổi sáng hay băn khoăn không biết nên đem tiền tiết kiệm của mình đầu tư vào đâu. Vậy thì cuốn sách sẽ cho bạn những hiểu biết đầy đủ nhất về trật tự hiện hành của thế giới này, cách mà tất cả chúng ta đang cùng nhau vận động.  

Bàn về Toàn cầu hóa, đây là một tác phẩm rõ ràng và đầy sức thuyết phục hơn bất kì lập luận súc tích nhưng chung chung và khó hiểu nào của những chuyên gia kinh tế mà bạn dễ thấy trên tất cả các bản tin, tạp chí, đài phát thanh,… Có thể nói, quyết định cầm “Chiếc xe Lexus và cây ô liu” trên tay tức là bạn đã chọn cầm lên một cuốn “giáo trình toàn cầu hóa”.

Đọc chương 1 để làm quen khái niệm cơ bản

Nhìn chung, cuốn sách được mở đầu một cách khá nhẹ nhàng, ít nhất là không số liệu, không các báo cáo tài chính, không luôn cả các phép đo thương mại thường thấy. Bạn chỉ đơn giản là đang được đọc một bản đối chiếu cụ thể giữa Chiến tranh lạnh và Toàn cầu hóa, nhiệm vụ là hãy phân biệt chúng và cuối cùng dựa vào đó để biết khẳng định của tác là là đúng hay sai. Khá đơn giản phải không ?

Bằng cách đối chiếu sự giống và khác giữa Chiến tranh lạnh và Toàn cầu hóa, tác giả đã đem đến cho người đọc một quá trình tiếp cận đủ chậm rãi, với phương pháp phân tích dựa trên so sánh – lấy thứ quen thuộc và dễ hiểu hơn là Chiến tranh lạnh (một vấn đề, một câu chuyện lịch sử đã được mang ra bàn bạc ở rất nhiều nơi và quá nhiều lần trong mọi quốc gia trên thế giới), để đặt lên bàn cân với thứ trừu tượng, phức tạp, mang đậm màu sắc kinh tế học và hơn hết là còn rất mới mẻ với con người như Toàn cầu hóa.

Dựa trên những điểm khác biệt rõ ràng mà tác giả chỉ ra, người đọc có thể hình thành ý thức và nắm bắt được cơ bản những đặc tính của Toàn cầu hóa. Đây là một chủ ý diễn đạt khá tinh tế khi bàn đến các chủ đề dễ gây áp lực lí thuyết như kinh tế học – thay vì đột ngột đưa ra một khái niệm hiển nhiên để độc giả ghi nhớ, Friedman đã chọn cách để cho mỗi người tự nhìn ra bản chất của vấn đề và công nhận định nghĩa của ông là đúng.

Theo Friedman, về cơ bản cả Chiến tranh lạnh và Toàn cầu hóa đều là một hệ thống có tính quốc tế, ảnh hưởng trên cục diện bao quát toàn cầu. Thế nhưng mỗi một hệ thống lại có cách vận hành của riêng chúng – phục vụ các nhu cầu, quyền lợi, xu hướng khác nhau, và đó chính là nguyên nhân tại sao con người cần đi tìm một định nghĩa mới, chính xác hơn, cho trật tự mới của thế giới này – Toàn cầu hóa. Vậy hãy xem quý ngài Thomas sẽ dẫn chúng ta đi như thế nào ?

Bằng cái nhìn chuyên môn đầy kinh nghiệm, cuốn sách đã chỉ ra những sự thật hết sức thú vị hoặc đôi khi là nghiêm trọng nhưng cũng rất dễ bị bỏ qua. Với một cái nhìn khách quan nhất, tác giả đã thẳng thắn bao quát cả mặt tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa, nói lên một cách cụ thể và rõ ràng hơn bao giờ hết, chứ không phải là những nhận định chung chung mà bạn có thể tìm thấy ở bất kì đâu trên Internet. Một điều khác biệt so với những cuộc bàn luận sôi nổi về toàn cầu hóa ngày nay, đó là ngoài những tính chất phổ thông trong đại chúng như tính liên kết và nền tảng kinh tế tư bản, Friedman đã không ngại đề cập đến việc Toàn cầu hóa mang trong mình những đặc điểm – những cái mà được coi là nhạy cảm và vẫn còn đang trong quá trình tranh cãi gay gắt, như là xu hướng đồng hóa văn hóa chẳng hạn.

Và một điều tuyệt vời ở cuốn sách này, đó là cách mà tác giả chỉ ra những vấn đề, mâu thuẫn, xung đột xoay quanh Toàn cầu hóa. Friedman đã mang đến không chỉ cái nhìn, mà cả những cảm xúc chẳng hề phiến diện, rất đa dạng màu sắc, không quá căng thẳng nhưng vẫn đủ nghiêm túc. Phép so sánh trong tư duy hành văn ngày càng bộc lộ ưu điểm của nó; có một chút hài hước khi ta so sánh Chiến tranh lạnh với bộ môn vật sumo, và cả một chút lo âu nữa khi nhớ lại lời của chính trị gia người Đức – Chiến tranh lạnh là một thế giới rạch ròi của “bạn” và “thù”, còn trong Toàn cầu hóa “bạn” cũng như “thù” nếu một sớm mai giá cổ phiếu của công ty bạn hóa đỏ.

xe lexus va cay oliu by reviewsach.net

Chiếc xe Lexus và cây ô liu

Hẳn là ngay từ khi nghe thấy tên tiêu đề, bạn đã tự hỏi một câu chuyện kinh tế sẽ nói gì về một cây ô liu và một cái xe Lexus, bán một cây ô liu với giá một chiếc xe Lexus chăng ? Đùa thôi. Tôi cũng không nghĩ Friedman có nhiều thì giờ cho một ý tưởng điên rồ như thế. Thực tế thì, ông ấy đang cố biểu tượng hóa vấn đề với hai thứ trên: cây ô liu tượng trưng cho bản sắc văn hóa hay bản ngã con người, trong khi đó chiếc Lexus đại diện cho nhu cầu vật chất ngày một lớn trên con đường tồn tại của xã hội.

Cuộc chiến không có hồi kết thúc giữa những phe, các bên xung đột lợi ích văn hóa, kinh tế được miêu tả hài hước qua những câu chuyện thực tế điển hình. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, Friedman đã chỉ cho chúng ta thấy rất nhiều ví dụ cụ thể về một mối mâu thuẫn luôn hiện diện bên trong Toàn cầu hóa – sự không đồng thuận đến từ những người bản địa để mong muốn gìn giữ bản sắc riêng trước nỗ lực Toàn cầu hóa của các ông lớn công nghiệp. Nó cũng mạnh mẽ và quyết liệt giống như cách mà người Beirut và Jerusalem tranh chấp nhiều năm xem ai là người chủ của cây ô liu nào, hay cách mà chủ xưởng xe Lexus phải nỗ lực để vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác và khiến người mua quyết định chọn Lexus. Nhưng, như đã được đề cập, cuộc chiến sẽ mang một màu sắc khác hẳn khi có sự hiện diện của cả hai phe: cây ô liu và xe Lexus. 

Bạn chắc chắn sẽ bật cười trước những câu chuyện gần gũi của Friedman; xe Lexus khai thác cây ô liu, rồi cây ô liu bóc lột xe Lexus, xe Lexus vu cáo cây ô liu, và rồi đến lượt cây ô liu vu cáo ngược trở lại,… Với lối hành văn đơn giản và tương đối hài hước của mình, quý ngài Thomas đã miêu tả vòng tròn xung đột rắc rối, quanh quẩn này một cách không hề nhàm chán chút nào ! Rất nhiều ví dụ nhưng lại không quá xa vời và cũng không gây chán nản, tác giả thực sự đã rất thành công trong việc tạo ra một bầu không khí không áp lực mà vẫn đủ tính chuyên môn cao.

Cuối cùng, vẫn có một điều mà các độc giả đón đợi cuốn sách này cần phải biết rõ, đó là bạn không thể hi vọng một cuốn sách kinh tế học dày hơn 400 trang sẽ đơn giản và nhẹ nhàng trong hơn ba trăm chín mươi trang (trừ mục lục, chú thích,…). Chúng ta có thể bắt đầu một cách từ tốn và đơn giản, nhưng không thể cứ thong dong suốt cả một chặng đường, nhất là khi có quá nhiều thứ cần được tiếp nhận.

Càng về cuối, các ví dụ càng phức tạp hơn, cộng với việc tác giả bắt đầu đưa ra những lý thuyết mới đồng thời chuyển hướng tiếp cận sang những nền kinh tế lâu đời và phức tạp hàng đầu thế giới, khiến cho các vấn đề kinh tế được đề cập cũng ngày một rối rắm hơn cho việc phân tích, và do đó, bắt đầu từ Chương II trở đi, bạn có thể sẽ thấy áp lực hơn khá nhiều trong việc xử lí các thông tin mà Friedman đưa ra. Nhưng nhìn chung, với văn phong gần gũi và kinh nghiệm báo chí của Thomas L.Friedman thì sẽ rất có căn cứ để thể tin rằng ông ấy sẽ đủ kiên nhẫn và tài năng để khiến bạn phải ngả mũ thán phục.