Một chàng trai vô tình trở thành kẻ Sát Nhân trong một đêm anh lái xe sau khi uống rượu vì nỗi thất vọng tột cùng. Nhưng cô gái vốn phải là nạn nhân của anh, lại có khả năng “trì hoãn” cái chết trong khoảng 10 ngày. Và 10 ngày đó, cô gái từ cảm xúc thù địch, đến ép buộc chàng trai chuộc tội, bằng yêu cầu hỗ trợ cô gái trong công cuộc trả thù những kẻ đã hủy hoại cuộc đời cô. Tuy nhiên, con tạo xoay vần, mối quan hệ giữa hai người đã không còn đơn thuần là hung thủ – nạn nhân hay đồng phạm nữa. Bởi, bí ẩn chất chứa đớn đau lẫn yêu thương quá khứ, đã dần hiện hình.
Từ hung thủ – nạn nhân đến đồng phạm
Đau ơi bay đi!, câu chuyện mở ra với cách dẫn truyện cùng những tình tiết và nhân vật có lẽ đã trở nên quá quen thuộc trong nền văn học Nhật Bản.
Một cậu bé mờ nhạt trong lớp học, không hòa đồng với bạn bè đồng trang lứa phải chuyển trường vào năm 12 tuổi.
Một cô bé cùng lớp, cũng là một sự tồn tại mờ nhạt như cậu.
Và hai người, quyết định trao đổi thư từ sau khi cậu bé chuyển trường.
Cho đến một ngày, cuộc trao đổi ấy bị cậu bé, khi đó đã trở thành thiếu niên 17 tuổi, đơn phương cắt đứt bởi nỗi tự ti, hèn nhát về cuộc sống thực tại cậu đang trải qua cùng bao dối trá cậu dựng lên trên mỗi con chữ trước cô bạn.
Rồi cuộc sống của cậu, cứ vậy trôi qua không mục đích, không ước mơ, không hi vọng và không tương lai.
Nhưng, cuốn tiểu thuyết của tác giả Miaki Sugaru đã nhanh chóng vượt thoát motif trong lối dựng truyện và định hình nhân vật ấy. Khi anh đã nhanh chóng đẩy câu chuyện đến bước ngoặt mà bản thân nhân vật không thể ngờ đến, tạo nên những nút thắt liên tục đẩy tình tiết truyện tới cao trào trong một không gian truyện gai góc đậm màu sắc ma mị, huyền ảo.
Bởi, cậu bé ngày ấy, đã trở thành một thanh niên 22 tuổi. Nhưng dẫu có trưởng thành về mặt thể xác thì nội tâm, tâm thế đối diện với cuộc đời của con người đó vẫn chẳng thay đổi. Yugami Mizuho ngày tiểu học, Yugami Mizuho đã nói dối cô bé liên lạc qua thư hay Yugami Mizuho tuổi 22 tạm ngưng việc tốt nghiệp, trôi đi giữa dòng đời sau ngày người bạn thân ra đi… Tất cả, đều là một Yugami Mizuho tựa cái bóng, lần hồi sống mà chỉ như tồn tại. “Hai mươi hai năm qua, tôi chưa từng cảm thấy mình thực sự đang “sống”. Không mục tiêu, không lẽ sống, không hạnh phúc. Tôi vẫn sống chỉ vì không muốn chết.”
Và Mizuho sẽ mãi như thế, nếu anh không vô tình trở thành kẻ sát nhân cướp đi mạng sống một cô gái trẻ 17 tuổi, rồi bị cuốn vào mối quan hệ đầy lạ kì với cô gái có khả năng “trì hoãn” cái chết đấy. Mối quan hệ hung thủ – tội phạm bỗng chốc đảo chiều, từ căm hận, mâu thuẫn, đối chọi gay gắt đến ở cùng trên một chiếc thuyền mang tên “đồng phạm.”
Và rằng, hành trình cái “tôi” Mizuho làm tất thảy yêu cầu ngày cuối đời của cô gái trẻ, dù cho yêu cầu đó thấm đẫm máu tanh, gắn với mạng người, thậm chí nguy hiểm tính mạng, liệu có đơn thuần chỉ là công cuộc “lấy lòng” nạn nhân nhằm ve vuốt cái tôi tội lỗi của chàng trai trẻ? Bởi ý thức về những điều họ làm có tai họa thế nào, thì khả năng tác động lên dòng thời gian bằng “trì hoãn” hay “giải trừ” của cô gái cũng có thể “xóa bỏ” thương tổn?
Nhưng, sự thật vốn nghiệt ngã, cô gái trì hoãn được tổn thương trên thể xác nhưng đâu thể xóa bỏ được vết thương đớn đau từ sự hận thù vô lí của con người lên cô. Nên chăng, từ hung thủ – nạn nhân đến đồng phạm, là cả quá trình đi từ miễn cưỡng đến tình nguyện, chuộc tội tới thấu hiểu, chở che của một kẻ, vốn đã mất hết động lực sống.
Mà chẳng phải, cô gái đột ngột bước vào cuộc đời Mizuho, bên anh, đưa anh trở thành “tòng phạm”, tựa thoáng chốc, cho cuộc sống vô sắc của Mizuho chút màu sắc. Để con người đó, có một mục đích cụ thể mà sống, cho bản thân lẫn cô gái xa lạ bên cạnh. Bởi vậy, có thể nói không, với “tôi”, chuộc tội cũng là hình thức, kẻ đấy như gắng sức, cứu rỗi chính mình sau tất cả dằn vặt quá khứ cùng nỗi trống rỗng nơi thực tại hôm nay.
Từ đồng phạm tới yêu thương
Tuy nhiên, nếu Đau ơi bay đi! chỉ đơn thuần là câu chuyện về hung thủ – nạn nhân hay đồng phạm cùng nhau gây án cho tới ngày cô gái chính thức từ giã cõi đời thì tác phẩm này đã chỉ mang màu sắc một cuốn trinh thám báo thù phảng phất nét huyền ảo mà thôi.
Đau ơi bay đi! hơn thế, “là câu chuyện có thể động viên, tiếp sức cho người đọc”, bởi rất nhiều “yêu thương”, tác giả Miaki Suguru đã gửi gắm trên từng con chữ, vào mỗi nhân vật của anh.
Khi mối quan hệ kì lạ giữa Mizuho và cô gái trẻ, từ hung thủ – nạn nhân đến đồng phạm và cũng rất nhanh, từ đồng phạm, Mizuho “yêu chính cô gái mà mình đã giết.” Những tưởng đó là điều “điên rồ”. Nhưng trải qua đủ chuyện “điên rồ” về một cô gái mang năng lực “trì hoãn” kể cả cái chết, liệu còn gì có thể “điên rồ” hơn đây?
Nhất là khi tình cảm con người vốn dĩ hết sức mong manh, mơ hồ. Rất khó để nói “yêu” nhưng lại cũng rất dễ để người ta “yêu” một ai đó. Từ một ánh mắt, nụ cười, sự đồng điệu hay những hi sinh âm thầm, thấu hiểu cả những khuyết thiếu của nhau, người ta nhận ra họ “yêu” và cần có nhau. Dù cho, “tình yêu”, bên cạnh xúc cảm “ấm áp” lại thường đi cùng nỗi “cay đắng”, thậm chí là dự cảm của sự “tan vỡ”, “chia lìa.”
Tuy vậy, “yêu thương” trên trang văn Miaki Sugaru đâu chỉ là tình yêu nam – nữ? Rộng hơn, đó còn là tình yêu thương giữa người với người. Những kẻ “rơi xuống hố sâu và không bao giờ thoát ra được nữa” song vẫn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, đồng loại bằng niềm thương yêu đầy đớn đau.
Giống như cậu bé Mizuho và cô bé Kiriko năm 12 tuổi, hẳn đâu đã biết chữ “yêu” nghĩa là gì. Vậy mà chúng vẫn trao gửi những lá thư chứa đựng một phần hi vọng sống tới quặn thắt cho nhau bằng một tình yêu thương mơ hồ khắc khoải.
Giống như Mizuho và cậu bạn Shindo, hai kẻ mang theo “khát khao được chết”, kết thân bằng một thứ tình bạn của những kẻ cùng “một thế giới.” Và đó, cũng chính là mối quan hệ giữa Mizuho với cô sinh viên mĩ thuật phòng kế bên. Tất cả, đều là “yêu thương” giữa những kẻ ngoài rìa xã hội, lãng quên cả định danh, đang bấu víu vào hơi ấm của nhau để nhận ra, trong bốn bức tưởng hay vượt ra căn phòng u tối, họ cũng không đơn độc.
Đau ơi, bay đi!
Nhan đề cuốn sách, Đau ơi bay đi!, nghe nhẹ bẫng đấy. Vậy mà chất chứa trong câu chuyện của Miaki Sugaru, là đủ buồn đau ngỡ như vượt quá sức chịu đựng một con người.
Cả tác phẩm, như tràn ngập mùi máu tanh cùng đủ ác ý xoay quanh quá trình báo thù tới mức như trở thành hành động hiếu sát của cô gái trẻ. Đến nỗi, khi cô nhắc tới “động cơ gây án” vào những ngày đầu tiên bằng thái độ dửng dưng, lạnh lùng tới kì lạ, cũng thật khó để ngay lập tức, người ta có thể nói về hai chữ “đồng cảm”.
Nhưng, lúc lớp vỏ quá khứ dần bong tróc sau bao sự kiện gai góc, căng thẳng; tác giả mới thực sự hé lộ, nguyên nhân của thái độ gần như “quyết tuyệt” kia. Chỉ vì, cô gái nhỏ đã chịu đau đớn hơn bất cứ ai, và cũng kiên cường hơn bất cứ người nào khác. “Do đó có lẽ đừng nên gọi đây là “gian khổ”, mà phải gọi là “bào mòn” chăng? Tôi đang bị bào mòn qua từng ngày.”
Xuyên suốt câu chuyện, là hiện thân cái chết trên từng ngóc ngách, từ quá khứ tới hiện thực, từ hành động đến nhận thức con người. Cái chết muôn hình vạn trạng, có cái chết về thể xác và có cả những cái chết, về tinh thần. Vậy mà, sau tất thảy thương tổn, cả lưỡi hái tử thần như luôn lơ lửng trong cuộc đời những kẻ ở dưới đáy cùng xã hội; những cá nhân bé nhỏ, nhận thức sâu sắc về sự yếu đuối của con người “Sinh mệnh đôi khi thật mong manh, dễ dàng vuột đi như thể bị gió cuốn mất”, họ vẫn bên nhau, bằng cách này hay cách khác, san sẻ để được yêu thương, cho hôm nay và cho hi vọng mong manh ngày mai.
Trọn vẹn cuốn sách, là lối dựng truyện đầy tài tình với hai tuyến truyện, hai cá nhân, cùng xưng “tôi” trong một tác phẩm. Đau ơi bay đi! vừa như những dòng tự sự được kể từ điểm nhìn hiện thực, vừa tựa những trang viết nhật kí được khơi gợi từ điểm nhìn quá khứ đã xa. Nhưng có là quá khứ khổ đau hay thực tại nghiệt ngã, thì đây vẫn là cuốn tiểu thuyết, từ đau thương mà hướng con người tới hai tiếng “chữa lành”. “Chữa lành” không phải để quên lãng, mà chỉ là, người ta thêm mạnh mẽ, hướng tới tương lai.
Đau ơi, bay đi!
Cho yêu thương ở lại
Và cho những thương tổn, trôi về hư vô!