Lắng nghe gió hát là tiểu thuyết đầu tay của Haruki Murakami, mang dư vị tuổi trẻ lạc lối trôi qua kẽ tay. Đó có lẽ chính là tuổi trẻ, thứ hoang dại điên cuồng mà đời người chỉ có một lần. Người đọc sẽ bắt gặp một Murakami rất khác, một Murakami buổi ban đầu đầy đơn giản, bay bổng mà không quá siêu thực như những tác phẩm về sau. 

Cuốn tiểu thuyết của tuổi trẻ

“Lắng nghe gió hát” được Murakami viết năm 1979, truyện lấy bối cảnh vào năm 1970, bởi lẽ năm đó chất chứa tuổi trẻ của người cầm bút. Đó là giai đoạn đầy ắp biến động thời đại. Văn chương của ông dù muốn dù không đều mang phong vị của thời cuộc. Những kỉ niệm về thời thanh xuân hoài niệm của Murakami cũng là chất liệu, nguồn cảm hứng để ông viết cuốn tiểu thuyết này. Tác phẩm đã định hình phong cách, mang nỗi cô độc, chất nhạc jazz buồn, sự tự sát, con người lạc lối như ở các sáng tác của ông về sau.

0c8e62b548b47c1f614e99d7463cffd1

“Thứ gọi là văn chương hoàn hảo không tồn tại. Giống như không tồn tại nỗi tuyệt vọng hoàn hảo vậy.”

Tiểu thuyết “Lắng nghe gió hát” khắc họa tuổi trẻ của nhân vật tự xưng “Tôi” và người bạn tên Chuột. Tôi là sinh viên ngành Sinh vật học ở Tokyo, mùa hè năm 1969 anh trở về quê nhà ở Yamanote để tận hưởng kỳ nghỉ. Với anh đó trở thành một mùa hè đáng nhớ, một mùa hè với cơn gió mang dư vị của biển, với nhạc jazz trầm buồn bên ly bia đắng, với cô gái mà lần đầu gặp gỡ anh đã biết sau này sẽ không gặp lại.

lang nghe gio hat haruki murakami reviewsach.net

“Tôi” là nhân vật tiêu biểu cho lớp thanh niên Nhật Bản thập niên bảy mươi, tám mươi, họ là những người trẻ vừa lớn lên đã va vào một xã hội tư bản tôn thờ tiền bạc, chà đạp con người. Họ xem phong trào sinh viên như một thứ cứu rỗi, kéo họ ra khỏi cuộc đời vật chất. Nhưng bốn tiếng “phong trào sinh viên” chỉ đem đến dư vị đau thương. Nhân vật “Tôi” cũng vậy, bao thanh niên lúc bấy giờ cũng vậy, họ sống và đấu tranh, chưa bao giờ là dễ dàng. Phong trào không cứu rỗi được họ, họ lại trở về với tuổi trẻ của mình, tuổi trẻ mất mát đau thương.

“Mọi thứ dều qua đi. Không ai có thể kiểm soát được điều đó.

Tất cả chúng ta đều sống như vậy.”

Phong trào nổi dậy của sinh viên vẫn đâu đó xuất hiện trong các tác phẩm của Murakami theo cách khác nhau. Với “Rừng Na Uy” là hình ảnh một Toru dẫu ngoài kia có bạo loạn thế nào anh cũng không can dự, bởi trái tim đó đang mục nát từng giây từng phút, phong trào ấy cũng chẳng tồn tại được bao lâu. 

Xem thêm những tác phẩm của Haruki Murakami:

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: Murakami & Lời khuyên giữ lửa nghề viết

Kafka bên bờ biển: Bản nhạc buồn quy tụ những bản ngã cuộc đời

Cuộc săn cừu hoang – Giấc mơ ngẩn ngơ và hoang đường

1Q84 – Thế giới song song hư ảo dưới âm nhạc và ánh trăng của Murakami

Biên niên ký chim vặn dây cót – Thế giới thực & ảo

Tầng lớp và sự không bình đẳng

Gốc rễ trong sáng tác của Murakami Haruki luôn là sự cô độc, sự cô độc ấy có gốc rễ từ chính xã hội mà tác giả và nhân vật tôi sống. Tư bản và sự không bình đẳng, khái niệm tầng lớp xuất hiện đẩy con người dần xa lạ với nhau. Con người trở nên cô độc vì bản thân họ khác với những ngừoi xung quạnh, không cách nào thấu hiểu cái đớn đau của nhau. Nhân vật Chuột vốn sinh ra trong tầng lớp giàu có, nhưng chính anh lại căm ghét tầng lớp của bản thân mình. 

“Này, con người từ lúc sinh ra đã không bình đẳng rồi.”

“Ai nói thế?”

“John F. Kennedy.”

Đó là những lời mà Chuột định viết trong cuốn sách của mình, thể hiện sự phản kháng của anh về sự bất công. Theo quan điểm của Chuột thì kẻ giàu có là kẻ không phải suy nghĩ nhiều mà sinh tồn, dẫu cho muốn giàu có thì cũng phải có chút suy tính. Nhưng họ chẳng mấy khi nhọc lòng. Lại có kẻ vừa sinh ra đã là tầng lớp sang giàu, cả đời phú quý mà không phải lo nghĩ gì, quả thật không công bằng! Kẻ thì không phải nghĩ suy, kẻ cứ phải lo nghĩ trăn trở cả đời. Những tầng lớp trong tay không có gì cả chính là kẻ cả đời phải âu lo, chưa một phút một giây cho bản thân mình được phép thả lỏng mà tận hưởng cuộc đời. 

“Ai rồi cũng phải chết. Nhưng mà cho đến lúc đó còn phải sống năm mươi năm nữa, sống ngần ấy thời gian trong khi phải nghĩ ngợi đủ thứ, so với sống năm nghìn năm mà chẳng cần suy tư gì, nói thẳng ra thì rõ ràng mệt mỏi hơn bao nhiêu.”

Nhân vật tôi và Chuột chính là những kẻ dị thường khi suy nghĩ về cuộc đời như vậy. Mỗi tối họ đến Jay’s Bar uống bia, ngẫm nghĩ về cuộc đời và văn chương. Tôi và Chuột giống nhau, họ đều là những người trẻ lãng mạn, nhưng cô độc, họ hiểu cuộc đời này đang vận hành theo cách bất công nhất có thể. Nhưng dẫu thế, họ vẫn phải sống, xã hội vẫn tiếp tục vận hành, có bất công, có nỗi đau, có nỗi phản kháng bất thành, vì vậy có sự cô đơn của con người. 

Con người sa đọa và cái chết

Nhân vật Tôi đã khen ngợi hai điểm xuất sắc trong tiểu thuyết của Chuột: “Đầu tiên là không có cảnh làm tình, tiếp đến là không có người chết.” Nhưng đó lại là điều xuất hiện xuyên suốt trong sáng tác của Murakami. Con người trong tiểu thuyết của ông luôn là con người cô độc, kẻ không còn tìm được giá trị của cuộc sống của mình nữa. Họ trở thành những kẻ cô độc, sa đọa với rượu cồn, tình dục, cái chết. 

“Và thế là tôi đánh mất “lý do tồn tại” của chính mình, trở nên cô độc lạc lõng. 

Vì lẽ đó tôi được thông báo về cái chết của cô ấy khi tôi đang hút điếu thuốc thứ 6922.”

reviewsach.net lang nghe gio hat

Nhân vật tôi từng quen biết bốn cô gái, một người là bạn thời cấp ba, một người là dân hipie sống tự do lang bạc mà anh cứu trong một cuộc biểu tình, và một cô sinh viên Pháp văn đã tự sát, một cô gái làm ở tiệm đĩa hát. Mỗi một người đều là những mảng ký ức xa xăm của tuổi trẻ lạc lõng ở anh. Đến một lúc nào đó trong đời, giữa anh và những cô gái anh biết cũng không còn gặp gỡ, chỉ để lại thứ hoài niệm cho nhau. Đôi lúc sự chia tay, cũng không nhớ nỗi lý do, chỉ là nội tâm đầy cô độc mệt mỏi khi phải duy trì gặp gỡ một ai đó. Đó có lẽ đôi lúc không phải tình yêu thuần túy, có lẽ chỉ là cuộc đời sa đọa của kẻ mất đi phương hướng mà thôi.

“Thế nhưng như tấm giấy đề can bị lệch, tất cả những thứ đều dần khác với ngày xưa, không thể lấy lại được nữa.”

Mùa hè năm 1970 ấy đã trở thành một mảnh kí ức tuy đẹp đẽ và mất mát của nhân vật chính. Tuổi trẻ luôn là như thế, có hối tiếc, có đau thương, có giấc mộng không thành. Còn kỉ niệm về khoảnh khắc ấy chẳng khác nào cơn gió biển, dịu nhẹ đầy khoang khoái, nhưng khó lòng gặp lại cảm giác khi cơn gió ấy thổi vào lần nữa.

“Lắng nghe gió hát” được viết trong thời gian Murakami làm việc trong tiệm đĩa nhạc jazz, âm thanh của tiếng nhạc ấy đã len lõi trong suốt tuổi trẻ của ông và cả tuổi trẻ của nhân vật tôi trong cuốn tiểu thuyết này. Trong tiếng nhạc trầm buồn, con người đắm chìm với ly rượu, họ thấy cuộc đời họ đầy cô độc và lạc lõng, còn quá khứ mãi mãi trở thành kỉ niệm mà người ta không cách nào với tới nỗi. Mất mát của tuổi trẻ đến cuối cùng là điều mà không ai có thể tranh khỏi được.