Organ mùa xuân là một tập tiểu thuyết của tác giả người Nhật Kazumi Yumoto. Câu chuyện bên trong kể về cuộc sống của hai đứa trẻ, khi chúng bị đặt giữa những muộn phiền của người lớn. Bằng cách dùng lời kể của cô bé Tomomi, tác giả đã diễn tả sâu sắc thế giới nội tâm của những đứa trẻ, tuy tưởng như được bao bọc trong vòng tay của người lớn, nhưng chúng vẫn có ưu tư của riêng mình, có những nỗi sợ hãi, ám ảnh không thể nói cho ai biết, cũng có nhiều ước mơ, dù viễn vông mà đơn thuần. Organ mùa xuân là chiếc đàn không còn âm thanh nữa, âm thanh của nó theo năm tháng trong kí ức xưa cũ mà biến thành những nốt lặng nơi lòng người, không bao giờ tan biến.

Organ mùa xuân - review bởi reviewsach.net
Ảnh: books_of_lai

Mỗi đứa trẻ có một thế giới của riêng chúng

Tomomi và Tetsu là hai chị em, ba mẹ của chúng sống li thân vì những áp lực của cuộc sống hôn nhân, đặt biệt là bất đồng về ranh giới với nhà hàng xóm. Thế nên bố của hai chị em chuyển đến nơi khác ở, bà cũng đã mất, nhà chỉ còn lại người mẹ bận rộn luôn ưu phiền và người ông lúc nào nuối tiếc những món đồ cũ.

Vì là người dẫn dắt mạch truyện, nội tâm của Tomomi được thể hiện rất rõ ràng. Nó là một đứa trẻ kì lạ, hơi nhút nhát, biết yêu thương, nhưng đôi khi lại bộc phát trở nên khác hẳn. Từ sau khi bà mất, Tomomi luôn gặp ác mộng, nó thấy mình biến thành một con quái vật khiến nhiều người sợ hãi. Nó biết về kế hoạch nhặt mèo chết vứt sang nhà hàng xóm của em trai, vì không ngăn cản được, nên đành đi theo để bảo vệ em và rồi cũng bị cuốn vào kế hoạch đầy mạo hiểm ấy. Nó gặp được lũ mèo hoang đáng thương, gặp được người phụ nữ ngày nào cũng cho lũ mèo hoang ăn, gặp người đàn ông đáng sợ đã sờ ngực nó trong một đêm mừa tầm tã. Tomomi chán về nhà, nhưng bên ngoài với nó lại đầy rẫy bất an và sợ hãi. Dù chỉ là một đứa trẻ không hơn không kèm, nhưng nó luôn chật vật, loay hoay trong thế giới nội tâm và những cảm xúc đầy phức tạp của mình. Có lẽ sẽ có lúc độc giả có cảm giác Tomomi là một đứa trẻ mắc bệnh, đa nhân cách, trầm cảm hay một thứ bệnh tâm lí nào đại loại như thế.

Về phần Testu, nó có thế giới đơn giản hơn rất nhiều. Nó đọc những quyển sách kì lạ về đồ vật, về những hình phạt, về loài mèo,… Nó tin tưởng tuyệt đối vào chúng, thậm chí làm theo. Nó là một đứa bé thông minh nhưng trong mắt người lớn, nó rất nghịch ngợm. Nó trả thù người hàng xóm, nguyên nhân tạo ra sự bất hòa của bố mẹ nó bằng cách vứt xác mèo chết vào nhà ông ta. Nó thương tiếc những chú mèo bị bỏ rơi, còn muốn dọn tới ở trong chiếc xe buýt cũ bị vứt nơi bãi rác chung với lũ mèo. Tetsu đã gây ra rất nhiều lo lắng cho cả cô chị Tomomi lẫn những người trong gia đình. Thế nhưng sau vỏ bọc nghịch ngợm, không nghe lời ấy, phảng phất là niềm khao khát tình thương và sự quan tâm của một đứa trẻ cô độc.

Đọc Organ mùa xuân, độc giả sẽ như từng bước một, khám phá thế giới được nhìn bằng đôi mắt của hai đứa trẻ. Đó là cảm giác như đứng giữa những mảng hồng trắng của rừng hoa đào, thuần khiết, tươi đẹp, nhưng lại có chút mịt mờ, hư ảo.

Thế giới không giống nhau của người lớn

Trong Organ mùa xuân những nhân vật là người lớn cũng không ít và đằng sau mỗi một người lớn như thế đều tồn tại một câu chuyện mà họ thường cho rằng “trẻ con không hiểu”: Bố mẹ của Testu và Tomomi luôn cãi nhau, nhưng có một ngày chúng lại phát hiện mẹ ăn mặc chỉnh chu đến tìm bố; người ông hút rất nhiều thuốc, lúc nào cũng luyến tiếc những món đồ cũ kĩ, nhưng ông đã mang chăn đến ngủ cùng hai chị em trong chiếc xe buýt ở bãi rác khi chúng bỏ nhà ra đi; người phụ nữ làm ở nhà máy phế liệu, mỗi ngày đều hầm bắp cải cùng cá khô cho lũ mèo hoang ở bãi rác dù ngày mưa hay bị ốm, người đó sống đơn độc một mình và một cậu bé trong bức hình, không biết họ có mối quan hệ gì; còn cả hai vợ chồng ông hàng xóm cục cằn, thô lỗ… Những câu chuyện của người lớn, được Tomomi và Tetsu lần lượt gợi mở, khiến người đọc ngỡ như sẽ có câu trả lời ở đâu đó đoạn sau. Mà chắc hẳn khi đọc hết cuốn sách có người sẽ tìm thấy câu trả lời, nhưng có người sẽ không.

“Điều mà tôi biết về bác chỉ là bác thích ăn táo và ghét sữa. Tên của bác là Sasaki Norie. Vì tôi đã xem thông báo tiền nước. Trên cánh cửa căn hộ chỉ ghi số 201, cũng không có treo biển tên. Còn một điều nữa. Thỉnh thoảng khi ngủ bác hay nói mê: “Yocchan, xin lỗi nhé.””

Giai điệu luôn lặng im của kí ức

Kí ức của con người về một ai đó, một vật gì, hoặc một vùng đất nào đó giống như những giai điệu không lên tiếng. Bởi nếu ví mỗi mảnh kí ức là một nốt nhạc, thì sẽ có cái trong trẻo, có cái trầm lặng, có thánh thót, có khi lại chói như tiếng sấm. Khi hồi tưởng, con người cảm nhận được vui vẻ, hoặc bi thương, hoặc bình yên, hoặc lo sợ,… nhưng chúng đều tồn tại không một tiếng động nào cả. Đọc Organ mùa xuân, hẳn sẽ có người hồi tưởng về kí ức của tuổi thơ, về những con người đã từng có mặt trong cuộc đời mình, về lí do rời đi hay ở lại trong đời mình của họ. Giai điệu kí ức của mỗi người là khác nhau, giống như có hằng hà sa số những điệu nhạc khác nhau trong thế gian này vậy. Chiếc organ của mẹ Tomomi hỏng rồi, nó không còn âm thanh nữa, nhưng nó gảy nên giai điệu kí ức về tuổi thơ của mẹ trong tâm trí con bé. Giai điệu của kí ức chính là như thế, vì chúng tạo nên cuộc đời con người, nên chỉ có thể lãng quên chứ không bao giờ biến mất.

“Mẹ tháo vải che mắt ra, ngón tay chuyển động như thể đang chơi một bản nhạc nào đó trên phím đàn đã chẳng còn phát ra âm thanh.

“Bài gì vậy ạ?”

“Mẹ quên tên rồi…” Mẹ cất giọng hát khe khẽ.

“Nó có ở trong quyển sách dạy nhạc. Lúc mẹ tập bài này, ông cũng đã ngân nga theo đấy. Ông mà cũng hát, không tin nổi phải không?”

Review sách Organ mùa xuân - reviewsach.net
Image: hey.quinn06

Organ mùa xuân của tác giả Kazumi Yumoto mang nội dung nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nó gợi ra một vùng trời trong trẻo của tuổi thơ và gửi gắm vào đó nhiều bài học về yêu thương. Tuy giống như những cuốn tiểu thuyết Nhật Bản khác, Organ mùa xuân sẽ khiến người đọc gặp một chút khó khăn khi cố hiểu hết nó, nhưng những trải nghiệm cảm xúc và bài học mà cuốn sách mang lại chắc hẳn sẽ là vô cùng đáng giá đối với mỗi người.

Xem thêm: