Chiến binh cầu vồng là câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống để được đến trường. Nhiều câu chuyện đáng nhớ được kể lại suốt quãng đời đi học, và cái kết cay đắng khiến nhiều độc giả phải suy ngẫm.
Lần đầu tiên đi học với mỗi chúng ta, đó có phải là “buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”?Chắc chắn ai ai cũng mang trong mình cảm giác hồi hộp bỡ ngỡ với trường mới, bạn mới!
Hết lớp 1, đến lớp 2, lớp 3, lớp 4, bạn và tôi, chúng ta vẫn say mê học tập, trường lớp có gì đó thật thu hút, sách vở mở ra chân trời mới. Bạn bè là niềm vui, thầy cô là những người uyên bác.
Rồi năm cấp 1 hồn nhiên đã kết thúc nhường chỗ cho thời cấp 2, cấp 3 mài đũng quần chán chê trên ghế nhà trường. Dường như niềm vui thích học tập những năm đầu nhanh chóng trở thành sự quen thuộc đến nhàm chán, thậm chí nguy hiểm hơn, với những ai lười biếng thì đó là sự lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng. Ngoại trừ những đứa trẻ thông minh, đa phần trong chúng ta càng lớn càng càng xem học tập là việc bị ép buộc, miễn cưỡng!
- Triệu Phú Khu Ổ Chuột – Vikas Swarup
- Cuộc đời của Pi – Niềm tin, sống sót và ý chí vượt qua nghịch cảnh
Ấy vậy mà hơn 30 năm trước ở một hòn đảo xinh đẹp bị lãng quên ở Indonesia, có 10 đứa trẻ nghèo khổ hằng ngày vẫn vật lộn đạp xe đến trường, với chúng đi học là điều gì đó rất thiêng liêng và tuyệt vời, là hy vọng sống còn cho một tương lai sáng sủa. Không những vậy, việc được đi học còn là chuỗi ngày đấu tranh chống lại định kiến chê cười của xã hội, chống lại những thế lực muốn lật đổ ngôi trường.
10 đứa trẻ ấy, chúng là những Chiến ✅Binh✅ Cầu ✅Vồng ✅ của một thế giới của ngày mai.
Chiến binh cầu vồng- một cuốn sách dễ dàng lấy đi nước mắt của chúng ta
Bạn đọc sẽ không cầm được nước với những gia đình cu li nghèo trên đảo Belitong thập niên 80. Hòn đảo xinh đẹp, giàu có là thế, nhưng người dân cực khổ trăm bề. Với một gia đình cu li, làm lụng cả ngày để thu về 5 đô la 1 tháng là điều đương nhiên. 7 tuổi, nơi những đứa trẻ mơ về không phải trường học, bài giảng, thầy cô, mà là những nông trường khai thác tiêu, khai thác thiếc rộng lớn.
Một sự thật cay đắng mà tác giả thừa nhận, bọn con trai làm cu li đốn trầm hương còn mua được một cái xe đạp, trong khi thầy Harfan đường đường là hiệu trưởng trường tiểu học Hồi giáo Muhammadiyah chật vật lắm mới mua được sợi xích hay ruột xe đạp mà thôi.
Chính vì vậy trường học là cái gì đó xa lạ với người nghèo Belitong, họ được nhồi sọ rằng học tập chỉ dành cho con em nhà giàu. Với những gia đình đông con, cho chúng đi làm từ sớm ở của hàng người Hoa, hay ở công trường khai thác thiếc PN để phụ giúp kinh tế còn khả thi hơn cho chúng đi học, vừa tốn kém mà chẳng lợi lộc gì.
Sự thật phũ phàng khắc họa ngay đầu truyện, ngay ngày khai giảng năm học mới, chỉ có 9 đứa trẻ đến trường, cảm giác vui sướng nhanh chóng nhường chỗ cho sự lo lắng, có đứa mặt ngân ngấn nước phụng phịu. Cái hy vọng được đi học của chúng chưa kịp thành hiện thực đã bị dập tắt, bởi theo quy định trường Muhammadiyah phải có tối thiểu 10 học sinh mới được tiếp tục hoạt động.
May mắn phút cuối Harun xuất hiện, một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Trường Muhammadiyah thoát khỏi cảnh đóng cửa.
Ngay cả khi đã được phép tiếp tục giảng dạy, thầy trò vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, ngôi trường cũ kĩ sập sệ có tuổi thọ 120 năm chỉ cần 1 trận gió là đổ sụp xuống bất kì lúc nào. Trong lớp chẳng có gì, một tủ trưng bày trống trơn, không có mô hình học tập, không quả địa cầu, cờ và quốc huy Indonesia. Còn tay thanh tra Samadikun thì luôn chực chờ đóng cửa ngôi trường.
10 đứa học sinh đều là con gia đình cu li, cha mẹ chúng chỉ biết làm việc từ sáng đến khuya để nuôi sống gia đình. Ngay từ đầu chẳng ông bố bà mẹ nào hào hứng đưa con đến trường. Những đứa trẻ đen đúa đầu tóc bờm xờm, tay chân lem luốc, cổ còn thòng dây ná, chân mang dép lốp ô tô, chúng chẳng có compa, thước kẻ, máy tính. Nhưng tinh thần ham học hỏi và sự cần cù, chăm chỉ thì ngay cả những đứa trẻ nhà giàu cũng khó mà có được.
Chính cuộc sống khó khăn hiện tại là động lực để chúng đến trường thường xuyên hơn. Với chúng việc học không là điều gì quá đáng sợ mà là cánh cửa mở ra thế giới kì diệu. Bọn trẻ đón nhận việc học với tất cả sự hăng say, nhiệt tình và cực kì nghiêm túc.
Lintang – một chiến binh đặt biệt trong nhóm vẫn hằng ngày đạp xe tổng cộng 40 cây số tới trường, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Cái xe đạp tả tơi tới mức dây sên đã tháo xích ngắn không gắn lại được. Có lần cậu phải bán nhẫn cưới kỉ niệm của cha mẹ để mua ruột và xích xe mới.
Khó khăn là vậy nhưng Lintang là đứa chăm chỉ và thông minh nhất. Để tới trường nhiều khi phải bất chấp tính mạng, ấy vậy nó luôn tới sớm nhất. Nó thực hiện lời hứa với cha nó, điền bảng kí thông tin phụ huynh khi mới học chữ- vì ông không biết đọc. Và năm học nào thằng bé cũng đứng nhất.
Khó khăn đã hun đúc bản chất kiên cường, mạnh mẽ vốn có của những “chiến binh”. Những tài năng thiên bẩm đã đươc sản sinh từ môi trường khó khăn, mà rất lâu sau mới có người thứ hai. Đó chính là thần đồng toán học Lintang và tài năng nghệ thuật Mahar, hai người mà tác giả cho là đã khiến nhóm học sinh nghèo dám ước mơ và lạc quan hy vọng vào cuộc sống.
Ngoài 10 chiến binh can trường nhỏ tuổi, ngôi trường Muhammadiyah còn có 2 chiến binh nữa là thầy Harfan và cô Mus- những giáo viên nghèo khổ tận tâm đã mang hơi thở giáo dục đến trẻ em đảo Belitong. Những con người nhỏ bé trong ngôi trường bị lãng quên đã góp một tia hy vọng tươi sáng cho thế hệ trẻ Belitong.
Hai con người xem nghề giáo là nghề cao quý. Một người thầy 50 năm làm giáo viên mà không nhận được một rupi tiền lương nào, đến tận khu làm việc của cu li để động viên từng trẻ đến trường. Thầy cống hiến hết mình cho giáo dục và chết ngay trên bàn làm việc, lặng im, không ai biết.
Hình ảnh cô giáo trẻ Mus tận tâm yêu nghề, từ bỏ công việc mơ ước, bước vào nghiệp nhà giáo với nhiều tâm huyết, cùng học sinh bước qua nhiều thử thách cam go. Cô là thủ lĩnh tinh thần đáng tự hào của nhóm chiến binh cầu vồng.
Ngôi trường cấp 1 bị lãng quên bởi những người dân đã lãng quên tầm quan trọng của giáo dục, trong một xã hội bỏ quên tầng lớp người nghèo, tại một hòn đảo bị chính trị gia, người có thế lực lãng quên.
Trong hoàn cảnh đó, tất cả thầy trò phải chiến đấu hết sức
Chiến đấu để giữ lại ngôi trường cũ kĩ sập sệ 120 năm tuổi
Chiến đấu để hằng ngày được đến trường
Chiến đấu để giành vinh quang cho ngôi trường
Chiến đấu để chống lại lệnh đóng cửa trường lơ lửng trên đầu
Và cuối cùng, những chiến binh cầu vồng đã chiến thắng.
Nhưng cầu vồng đời thực đã không xuất hiện sau cơn mưa
Gấp lại quyển sách bạn đọc ắt sẽ xót xa cho số phận những chiến binh. Họ chiến thắng mọi khó khăn khủng khiếp ở ngoài, nhưng lại để thua chính mình. Cái kết viên mãn đã không đến với 10 đứa trẻ, những ước mơ thuở 12-13 tuổi đã không bao giờ thành hiện thực.
Giáo dục đã không thể xua tan số phận nghèo khổ và kiếp sống cu li thường trực, mong mỏi của thầy Hafan và cô Mus đã không thành hiện thực. Hy vọng đổi đời của lũ trẻ hóa ra thật xa vời. Nhưng cái kết của quyển sách ít ra vẫn khiến người ta ấm lòng, ít nhất họ đã có năm tháng rực rỡ, dám hy vọng, dám ước mơ.
Dành cho những mọt sách muốn nghiên cứu về con người Indonesia những năm 80.
Bên cạnh những tháng ngày học tập miệt mài ở trường, Chiến binh cầu vồng còn phơi bày cuộc sống của những người dân trên đảo Belitong và những kí ức đáng nhớ về cuộc sống cơ cực thuở bé.
Hòn đảo Belitong nằm ở ngoài khơi phía Tây Indonesia, trước khi được biết đến thiên đường du lịch hàng đầu Đông Nam Á, đây là nơi cư ngụ nhiều đời của cư dân bản địa, người Mã Lai, người Hoa, người Sorong, người Sawang Truyện đã khắc họa nét văn hóa bản địa đặc sản của từng nhóm cư dân ở đây. Họ làm ăn, chung sống với nhau qua nhiều thế hệ.
Tôn giáo, tín ngưỡng cũng là khía cạnh thú vị ở Belitong. Indonesia có phần lớn lãnh thổ theo đạo Hồi. Chỉ một số hòn đảo xa xôi vẫn giữ tín ngưỡng thờ cá sấu, thờ đa thần (Shaman giáo) truyền thống. Điều này bị xem là dị thường, vị phạm đạo đức của người theo đạo Hồi, vốn không chủ trương thờ thần, thở ảnh tượng.
Giới thiệu về tác giả Andrea Hirata
Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh cầu vồng (tiếng Indonesia là Laskar Pelang) dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ quyền giáo dục cho chính mình đã giành thành công vang dội.
Chiến binh cầu vồng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Bộ phim Chiến binh cầu vồng đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.