Ngọc Giao đã cố gắng viết một thiên phóng sự diễn tả đầy đủ thực trạng cái xã hội mãi dâm diễn ra trên hòn ngọc Viễn Đông thời Pháp thuộc, cái thực trạng mà bọn ký giả đương thời còn mờ mắt ù tai, chưa nhận xét được gì chân xác. “Xóm Rá” mặc dù chưa đảm đương hết những đặc trưng và chức năng của thể phóng sự, nhưng cũng đã góp phần làm giàu thêm tư liệu về một góc khuất của con người và xã hội Sài Gòn ngày ấy.
Năm 1949, Ngọc Giao có hai tháng thâm nhập vào Xóm Rá, nơi hành nghề mua bán xác thịt được pháp luật Sài Gòn bảo hộ, với mong muốn được mắt thấy tai nghe cái không gian trụy lạc, suy đồi và phức tạp ấy, để ghi lại một phần sự kiện về cái chốn chỉ hoạt động về đêm này.
Cuối năm 1957, nhà văn hoàn thành tác phẩm với tất cả tâm huyết nhưng chưa thể ra mắt độc giả. Phải đến hơn 50 năm sau, “Xóm Rá” mới được xuất bản chính thức.
Một cõi địa ngục trần gian.
Từ năm 1884 – 1945, Sài Gòn là trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Với bề ngoài xa hoa mỹ lệ, Sài Gòn được thực dân Pháp đặt cho mỹ danh là “hòn ngọc Viễn Đông” hay “Paris nhỏ ở Viễn Đông”. Nhưng khi ánh mặt trời tắt nắng, khi “hòn ngọc Viễn Đông” lên đèn, có một khu trong thành phố Sài Gòn được chính quyền thực dân quy hoạch để mua bán “thịt người”.
Khu phố đó gọi là Xóm Rá.
“Đó là một cõi địa ngục, có mặt hầu hết tướng tá, bộ trưởng, ngoại giao, lẫn lộn với bầy đĩ bợm thượng trung lưu. Tôi đã qua hai tháng sống với lũ ma quỷ ấy.” – Ngọc Giao.
Tác phẩm “Xóm Rá” gồm 3 phần với 17 chương.
Ngọc Giao đặt cái nhìn từ bao quát khu nhà thổ mang tên Xóm Rá đến cận cảnh từng cô gái điếm mỗi đêm có bổn phận làm cho hàng chục kẻ mua thịt mình thỏa mãn. Đó là những Nhạn, những Tân, những Na, những Liên… Mỗi cô một số phận, một cá tính.
Đáng chú ý, nhân vật Vũ Linh – một nhà báo, một nhà thơ, một họa sĩ, một cây bút phóng sự vào bậc đàn anh của giới văn nghệ miền Nam, đã ở trọ sáu tháng tại Xóm Rá, với tham vọng viết được một phóng sự lột tả toàn diện và sâu sắc sự thật về cái “xã hội mãi dâm”. Sự xuất hiện của Vũ Linh có lẽ mang bóng dáng của chính nhà văn Ngọc Giao mà qua đó, ông thể hiện những quan điểm, những góc nhìn về tệ nạn mại dâm của xã hội. Lời của Vũ Linh cũng đã tác động lên một gã sinh viên, khiến gã khát khao muốn cứu vớt một cô gái điếm. Để rồi năm tháng sau, sự nhiệt tình lúc ban đầu biến thành nỗi chán chường, gã đánh đập rồi đuổi cô đi.
Cùng với Vũ Linh, Nhạn là nhân vật nữ mà nhà văn dành nhiều sự quan tâm nhất. Cuộc đời của Nhạn chính là một đóa hoa ngát hương bị vùi dập tả tơi nhưng đến phút cuối vẫn giữ được chút thiện lương để không trả thù đời đến cùng.
Cái kết của “Xóm Rá” là một sự khiêu khích, thách thức một cách sổ sàng nhất vào bộ mặt thối nát của xã hội phi nhân tính đương thời:
“Tao nhường quần cho con Nhạn. Tao cởi truồng đi đưa đám nó. Chứ sao! Tao cởi truồng đi giữa cái châu thành xa hoa lộng lẫy. Tao dí vào tận mặt, tận mắt cả bàn dân thiên hạ. Một con đĩ điếm cởi truồng đi tiễn một con đĩ điếm bị lột trần ra nghĩa địa tha ma! Mắc cỡ chính thiên hạ nó xấu mặt, chứ cái mặt tao không xấu!”
Ai đã quen với một Ngọc Giao hoài cổ luôn say đắm những nét đẹp xa xưa của Hà Nội hào hoa, sẽ tìm thấy một Ngọc Giao rất khác ở “Xóm Rá” – khốc liệt, nghiệt ngã và dữ dội!
Một phóng sự tiểu thuyết về nghề mại dâm.
Dưới thời Pháp thuộc, với lập luận rằng nghề mại dâm đẻ ra nạn hoa liễu, mà nạn hoa liễu là một tai họa cho cả xã hội, vậy thì phải đem một ít luật lệ ra thắt buộc nó, kiềm chế nó, mong sao đỡ hại giống nòi. Luật có quy định rằng: gái mại dâm phải có giấy chứng nhận hành nghề, có nhà đĩ điếm để bọn kỹ nữ bán dâm theo đúng luật, có ngạch cảnh sát xướng kỹ để lùng bắt bọn ấy khi họ bỏ trốn, có phúc đường để giam và chữa cho bọn ấy khi họ có bệnh.
Như vậy, Xóm Rá ở Sài Gòn là một khu nhà thổ – nơi hành nghề mua bán xác thịt được pháp luật bảo hộ. Còn nhà lục xì là nơi khám bệnh định kỳ, chữa bệnh và giam giữ khi gái mại dâm mắc bệnh hoa liễu.
Giới mộ điệu thường đàm luận với nhau:
“Miền Bắc có “Lục xì”, miền Nam có “Xóm Rá”!”
Câu này là hướng về chủ đề mại dâm, nghĩa là Vũ Trọng Phụng có phóng sự “Lục xì” (1937) phơi bày thực trạng mại dâm đất Hà thành, thì Ngọc Giao có phóng sự “Xóm Rá” vạch trần cõi địa ngục trần gian mua bán xác thịt ở Sài Gòn.
Cũng phải nói thêm, phóng sự là một thể loại kí, là trung gian giữa văn học và báo chí. Đặc trưng của phóng sự là điều tra, thâm nhập thực tế và phỏng vấn nhiều người. Một ngòi bút phóng sự không thể qua quýt, nông nổi, cũng không được hời hợt, lười biếng. Giá trị của phóng sự thể hiện ở cả hai mặt: một là phải có những bằng chứng cụ thể với những tài liệu chính xác thể hiện qua các con số, biểu đồ, thống kê; hai là trên cơ sở phân tích tư liệu, số liệu, phải đặt ra được những vấn đề thời sự mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Xét trên bình diện về khái niệm và giá trị của thể phóng sự nói trên, thì “Lục xì” của Vũ Trọng Phụng đủ đầy đặc trưng của một thiên phóng sự với những số liệu chuẩn xác như cái tát vào bộ mặt xã hội thực dân nửa phong kiến, còn “Xóm Rá” của Ngọc Giao dừng lại ở thể phóng sự tiểu thuyết, có sự thật được điều tra thâm nhập và có cả sáng tạo nhân vật với những số phận khác nhau.
Ngòi bút của Ngọc Giao tinh tế, mềm mại, không đủ công kích sâu cay với giọng văn sặc mùi tiêu ớt để có thể viết nên một thiên phóng sự đậm chất phóng sự như “Ông vua phóng sự đất Bắc” – Vũ Trọng Phụng.
Tuy vậy, với tất cả nhiệt huyết trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội, với can đảm trước những tệ nạn mà nhiều cây bút lúc bấy giờ chùn tay không dám lên tiếng, với tấm lòng nhân đạo trước những số phận tận cùng đáy xã hội… Dù là Vũ Trọng Phụng hay Ngọc Giao đều đã để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm đánh thẳng vào nạn mại dâm, phơi bày góc khuất tối tăm tởm hợm của xã hội thời Pháp thuộc, đóng góp đáng trân trọng vào tư liệu văn học và lịch sử.
Đọc thêm review các phóng sự của Vũ Trọng Phụng:
- Vẽ Nhọ Bôi Hề – Những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000 của Vũ Trọng Phụng
- Lục Xì – Mẫu mực văn chương phục vụ xã hội và khoa học của Vũ Trọng Phụng
- Cạm Bẫy Người – Kỹ nghệ cờ bạc bịp
- Kỹ Nghệ Lấy Tây – Khi hôn nhân là một cái nghề
Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Ngọc Giao.
Ngọc Giao sinh năm 1911, mất năm 1997, thuộc số người viết ít ỏi có hành trình xuyên suốt thế kỷ XX.
Nhà văn tên thật là Nguyễn Huy Giao, nguyên quán ở Bắc Ninh nhưng sinh tại kinh đô Huế. Thuở nhỏ, ông theo gia đình ra Bắc, học ở Quảng Yên rồi Hà Nội. Năm 1928, sau khi đỗ bằng Thành chung, ông bắt đầu làm báo viết văn.
Từ năm 1934 – 1945, ông là một trong số cây bút chuyên viết truyện ngắn cho tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, và cộng tác với nhà Tân Dân trong việc in ấn các loại sách báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Những tác phẩm hay, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn, Truyền bá.
Thời kháng chiến chống Pháp, ông cùng gia đình tản cư về quê và Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang) một thời gian ngắn, rồi trở lại Hà Nội, lại tiếp tục viết văn, làm báo. Lúc này ông viết cho các tờ: Phổ thông, Thế kỷ, Sinh lực, Lẽ sống, Lên đường, Công tội, Tiểu thuyết thứ Bảy (loại mới)…
Số lượng tác phẩm của Ngọc Giao đóng góp cho văn học Việt không nhỏ, song ông được chú ý nhiều hơn ở thể loại truyện ngắn, với hơn 300 truyện ngắn, 8 tiểu thuyết và nhiều truyện thiếu nhi, phóng sự, bút ký, tản văn…
Năm 1993, ông được Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận tư cách hội viên từ năm 1957, tức là thuộc thế hệ sáng lập.
:
- Tiki: R37bXsyr” /R37bXsyr