Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng là một Việt Nam Danh Tác, được ông chắp bút từ tháng Giêng năm 1960 cho đến năm 1971 mới hoàn thành. Nói về Thương Nhớ Muời Hai là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục sinh hoạt của người Bắc Việt. Đó là tình yêu, nỗi nhớ của tác giả dành cho quê hương khi xa cách và thấp thoáng trong đó luôn là hình ảnh một người vợ dịu hiền…
Thương Nhớ Mười Hai là góp nhặt nhiều kí ức, tình yêu về đất Bắc của Vũ Bằng khi xa quê hương nhiều năm, có lẽ vào Nam sinh sống không làm ông quên đi Hà Nội mà chỉ làm những điều đó trở nên sâu đậm hơn. Đứng trước một ngày nắng oi ả của Sài Gòn lại thèm cái se lạnh của gió Bấc ngoài Hà Nội, ăn trái cây miền Nam mà lại cứ nghe mùi vị của mận Thất khê, nhãn Hưng Yên,…Dù không nói ra nhưng những gì Vũ Bằng viết đều thấy một niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước và một tình yêu da diết cho một Hà Nội trong ký ức đẹp đến nao lòng….
a6ab8d7ec2e5f2ac062b75e578ccf0fc
Có một Hà Nội “thơ” đến vậy….
Mỗi tháng trong năm Hà Nội lại khoác trên mình một màu áo khác nhau, mười hai tháng mang mười hai màu áo khác nhau. Tháng Giêng “nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận” cùng những cơn mưa rả rích, gió lành lạnh ngày xuân. Những ngày bầu trời mát mẻ, “trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” đó là những ngày tháng Năm. Sang những ngày tháng Tám trời lại “buồn se sắt, đẹp não nùng” làm sao mà không nhớ hình ảnh những chiếc lá vàng chỉ chờ một cơn gió nhẹ lay rụng xuống hai bên đường đi, tháng Mười gió bấc, mưa phùn mà chỉ ở Hà Nội những ngày đó mới cảm nhận hết được không khí ấy. Từng câu chữ đều len lỏi vào đó những cảnh vật thiên nhiên rất riêng của Hà Nội. Ví đất trời Hà Nội như một cô gái ẩm ương, thất thường nhưng vẫn đáng yêu thật là đúng! Tất cả đều được Vũ Bằng ghi lại bằng ngôn từ chân thật, phong phú của mình.
Thú vui ẩm thực
Nhắc đến Bắc Việt thì không thể không nhắc đến vô vàn những thức quà ngon, những thú vui ẩm thực. Đơn giản là tháng Ba lượm mấy quả bàng quế, bàng đực ăn mà thích mê cái mùi thơm thơm, vị ngọt nhiều khi còn hơn cả cam hay táo. Đọc đến đây cả tuổi thơ lại ùa về len lỏi trong mỗi kí ức. Dù bây giờ ở đâu cũng có đủ loại trái cây lại còn quanh năm nhưng cùng không bằng những loại trái cây theo mùa ngon nức tiếng như vải Cầu Họ, nhãn thì có nhãn Hưng Yên, mận thì có mận Thất Khê, na thì có na Láng, na Phủ Lý từng mùa ở ngoài Bắc Việt được. Còn món rượu nếp thơm ngon rất riêng để làm ra cũng là quá trình kì công của những bà nội trợ, thu về lại có thức quà ngày thu món chuối chín vàng ăn kèm với cốm non xanh dẻo thơm. Một trong những món quà mà đất trời dành cho nơi đây chính là ẩm thực, từ bao giờ nhắc đến từ ăn không còn là để no mà là để cảm nhận sự tinh túy trong từng thức quà.
Phong tục tập quán vẫn còn đây….
Thời gian trôi qua là lớp bụi phủ đi những thứ xưa cũ nhưng những phong tục tập quán tốt đẹp từ đời ông cha ta để lại thì nay vẫn vẹn nguyên, nhất là trong những gia đình Bắc Việt. Vũ Bằng đã minh chứng điều ấy qua việc miêu tả không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Nào là kiêng không quét nhà vào những ngày Tết vì sợ đuổi đi mất thần Tài, kiêng không làm vỡ chén, ly,… đọc đến đây thấy sẽ thấy gần gũi, lòng lại nôn nao Tết về….
Và người vợ thân thương
Không ai có thể hiểu hết tình yêu mà bà Qùy dành cho chồng mình lớn thế nào đến mức có thể đưa Vũ Bằng ra khỏi những cám dỗ cuộc đời, vực lại đời ông. Ngay cả đến lúc sắp mất cũng lo không biết chồng ở miền Nam sống thế nào… Và cũng không biết Vũ Bằng thương “ người bạn chiếu chăn ” nhiều bao nhiêu để mà có thể viết ra những lời tình đến vậy, chỉ biết mỗi câu chuyện viết ra đều nhớ về bà Qùy, nhớ những món ăn bà nấu chan chứa tình yêu thương, nhớ những đêm hai vợ chồng cùng dắt nhau đi tản bộ, nhớ chuyện bà kể về sự tích lễ Vu Lan,… tất cả đều ẩn trong đó là bóng hình một người vợ dịu dàng, đảm đang, luôn chăm lo cho chồng con.
Vài nét về tác giả
Vũ Bằng sinh tại Hà Nội, là cây bút tài ba, hoạt động sôi nổi trong sự nghiệp văn chương báo chí bấy giờ. Năm 1954, Vũ Bằng vào hoạt động trong miền Nam để lại người vợ (bà Nguyễn Thị Qùy) và con trai ở Hà Nội. Từ nơi kháng chiến miền Nam xa xôi ông luôn nhớ về một Hà nội với thiên nhiên thơ mộng, con người Bắc Việt giản dị và thương người bạn chiếu chăn của mình qua ngòi bút chân thật, ngôn từ phong phú. Đọc mà thốt lên: “ sao tài thế, sao tình đến thế ”. Thế nên nhà văn Triệu Xuân mới ngợi ca: “Bởi viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Qùy, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông.”
: